“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương Việt

13.01.2020

“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương Việt

1. Cho đến nay, chưa có tư liệu lịch sử văn học nào phát hiện và công bố thêm về các tác phẩm thơ văn của Dã Hàng Trần Quý Cáp. Những người đương thời cùng học tập, hoạt động trong phong trào Duy Tân hội, hoặc thầy giáo của Trần Quý Cáp như Mã Sơn Trần Đình Phong, các danh sĩ Tây Hồ Phan Châu Trinh, Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Sào Nam Phan Bội Châu, Tiểu La Nguyễn Thành, Túy Xuyên Nguyễn Thành Ý, Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại; các môn đồ và con cháu ông có đi tìm, sao lục nhưng cũng chỉ ghi lại được vỏn vẹn đôi dòng:

"Về thi văn của Trần Quý Cáp không lưu di cảo, chỉ đồng nhân cùng tôi còn nhớ đôi ba bài lượm lặt chép thành tập gửi nơi Triều Đẩu Nguyễn Bá Trác" (Bài thuật Tiểu sử chí sĩ Trần Quý Cáp, viết năm 1938 của Huỳnh Thúc Kháng). Nguyễn Bá Trác, người Bảo An, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, là nhà văn, nhà báo và tác giả của nhiều cuốn sách đã xuất bản, trong đó có bộ Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu (1925) có giá trị về mặt lịch sử, được ghi chép cẩn trọng, công phu. Có thời gian ông làm quan đến chức Tổng đốc. Người ta nhắc đến ông qua bài thơ Hồ trường (tuyệt tác). Không rõ Nguyễn Bá Trác đã giữ được bao nhiêu văn thơ của Trần Quý Cáp, do cụ Huỳnh Thúc Kháng gửi cho, về sau không thấy nhắc đến nữa.

Cụ Trần Huỳnh Sách là môn đệ trung hậu đã theo học với chí sĩ Trần Quý Cáp trong hơn 15 năm, đã cùng với Cụ Huỳnh Thúc Kháng cố công sưu tập di cảo thơ văn, liễn phú của Trần Quý Cáp, ngày nay chỉ còn thấy được một số bài trên sách, báo như chúng ta đã biết.

Trong "Quảng Nam - đất nước, nhân vật" của Nguyễn Q. Thắng, tái bản năm 2001, thì viết: "Sáng tác phẩm của ông khá nhiều, phần lớn đã thất lạc, chỉ còn lại các bài phú" như: Sĩ phu tự trị luận (Tự luận về vị thế của người tri thức có danh tiếng trong xã hội thời phong kiến), có những câu: ..."Bây giờ mà không phấn chấn tự cường là giống nòi nguy mất/ Dốc chí đọc sách, hiểu rõ nghĩa lý của đám sĩ phu mới gọi là còn được". Trúc thất Hoàng Sơn (Làm nhà ở Hoành Sơn), có những câu: "Nợ đời cơm áo trả xong/ Tấm gương quyết liệt sa trong ai bì/ Rồi ra cõi hết cơ nguy/ Dạo chơi sơn thủy quản gì vinh hoa...". Danh ngọc lương sơn (Tìm ngọc ở núi cao), có những câu: "Sống vô ích, sướng gì cái sống/ Chết nên công, chết cũng nên đời...". Hoàng bích qui Triệu (Trả ngọc bích về cho nước Triệu), có những câu: "Vạch rõ mưu lừa trăm mối, mắng lúc gian phi/ Kẻ thất phu không vì ngọc mà lụy mình...". Văn quá Hải Vân Quan (Qua cửa ải Hải Vân), có những câu: "Sầu lắng biển xanh tầm mắt vút/ Hờn lên mây trắng nắm tay vung...".

Và một số bài thơ chữ Hán, chữ Nôm như: Bài thơ Cái trống, Hát xướng làm chi hỡi quý quan, Tôn chỉ Duy Tân, Cái học từ chương, Học để tự cường, Bài ca Khán thiện, Khuyến thương ca, Khuyến nông ca, Đánh đổ quan lại tham nhũng...

Hầu hết, các sáng tác phẩm của Trần Quý Cáp đều có giá trị nội dung ẩn chứa cái đạo làm người ưu thời mẫn thế, đã "đứng trong trời đất thì phải có danh gì với núi sông" (Nguyễn Công Trứ) và có giá trị văn chương tuyệt bút, có hùng khí, lời đẹp tráng kiện. Nguyên bản Hán văn cũng tráng khái, và giàu ngữ nghĩa thâm thúy. Những đồng môn chí sĩ của Trần Quý Cáp và các nho gia, văn gia về sau này tiếp tục nghiên cứu những áng thơi văn được lưu truyền đều có chung nhận định, cảm thụ là từ nội dung đến hình thức có sự sáng tạo uyên áo, xác thực, hàm súc, lấy điển tích, chuyện kể, tục ngữ, thành ngữ, lấy xưa để nói nay. Một nghệ thuật trước tác tinh diệu, có sức lôi cuốn người đọc về những vấn đề rộng lớn, sâu xa và cả những công việc cập nhật hàng ngày trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Từ chỗ đứng là trí thức yêu nước, ông có chung phận nô lệ bởi ngoại bang và sự vây hãm của "đế chế" Nam triều mông muội, trước hết bằng văn thơ, như một kênh thông tin truyền dẫn đánh động, thức tỉnh đồng chủng, tỏ rõ thái độ phản kháng, vạch trần bản chất nô dịch thâm độc của kẻ thù. Dùng văn thơ để bày tỏ, khơi gợi, kêu gọi, động viên lòng yêu nước thương nòi của dân tộc lúc bấy giờ. Ông được người đời kính trọng và ngưỡng mộ ở tâm thế "nước có loạn mới biết người tôi trung" mà ông đã thể hiện bằng cả tâm huyết của mình.

Gia tài thơ văn của ông không nhiều, nhưng ở mỗi chữ mỗi câu, mỗi bài đều toàn bích, có sức nặng về độ sâu thời cuộc và học thuật diễn đạt như "độc thư minh lý". Vì thế, sự nghiệp thơ văn của ông tự thân đã là tác phẩm văn học mang tầm vóc vừa cổ điển vừa hiện đại hiếm hoi trên văn đàn thơ ca yêu nước và cách mạng lúc bấy giờ. Thơ ca phải có sứ mạng nhập cuộc và lên đường. Trần Quý Cáp là một trong những chiến sĩ "lấy ngòi bút làm đòn xoay chế độ". Cho nên có một câu hỏi: Có hay không một nền văn chương rực rỡ của phong trào Đông Du - Duy Tân? Sự thật các sĩ phu yêu nước thời ấy đều là những thi văn gia kiệt xuất tác phẩm của họ đã đi vào sử sách nước nhà, chiếm lĩnh nhu cầu và thị hiếu người đọc không nhỏ.

Năm 1994, nhà xuất bản Đà Nẵng in và phát hành tập sách "Trần Quý Cáp - chí sĩ Duy Tân Việt Nam, đầu thế kỷ XX", do Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Bàn biên soạn. Tập sách tập hợp khá đầy đủ các tư liệu quý về Trần Quý Cáp, trong đó có nhiều bản văn gốc chữ Hán, chữ Nôm, có một số thơ văn do Trần Quý Cáp trực tiếp dịch ra Quốc ngữ.

Đặc biệt, cuốn sách có in bài thơ Lời dặn của Trần Dã Hàng (TQC). Thể thơ tự do, gồm 5 đoạn dài ngắn khác nhau, do Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm sưu tầm cung cấp. Nguyên văn như sau:

LỜI DẶN

Soi bóng mình bằng gương

Hỏi lòng mình bằng đạo đức

Xét việc bằng tri thức.

Qua một đoạn đường khổ đau bằng ẩn nhẫn, kiên trì

Con đường xưa không phải dấu chân xưa

Con người xưa không phải tiếng nói xưa

Vậy là xưa!...

Áo khăn chỉ che được thân người, chứ không phủ kín được tâm hồn

Sống ở trần gian cái nợ áo cơm ai cũng vất vả, nhưng cần phải có những giây phút nghỉ ngơi để tâm hồn minh mẫn.

Các con sẽ thấy những cái gì cao quý, sẽ thấy một cái gì xa xăm.

Sống trong trời đất là hồn con

Sống trong dương thế là thân con

Không, có, không thì trăm năm chẳng có bao giờ.

Muốn tìm về cõi Phật phải đo trong yêu quái

Muốn tìm cõi Tiên phải lăn mình trong trần thế.

Con người ví chẳng khác cái cây, sinh ra và lớn lên phải chịu gió sương bão tố, chịu bốn mùa rồi đơm hoa kết trái.

Năm bảy hạt, lên đôi ba cây và kết trái một vài cây...

Trần Dã Hàng

Theo nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm: "Bài Lời dặn vừa mộc mạc, vừa uyên bác và rất giống với giọng văn của Cụ". Nếu ai có dịp đọc hết các tác phẩm của Trần Quý Cáp thì cũng có thể nhận ra và khẳng định "cái chất" của ông, dù viết về bất cứ vấn đề gì cũng xuyên suốt tư tưởng "yêu nước và hành động, sống có đạo đức, trách nhiệm". Mỗi nhà văn, nhà thơ đều có nỗi niềm, mộng ước, khát vọng, lấy chữ nghĩa gửi gắm tâm tư tình cảm và ý nguyện của mình. Vì thế, sự định hình tư chất văn phong (phong cách) ít lẫn một ai. Mỗi người có sự sáng tạo riêng. Chính vì cái nét riêng đó, mà chúng ta dễ nhận biết họ cả về tư tưởng chủ đạo lẫn hình thức biểu hiện và sử dụng ngôn ngữ.

Lời dặn, theo tôi là bài thơ khá đặc biệt của Dã Hàng Trần Quý Cáp, đã làm đầy đặn thêm phần tác phẩm của ông cũng như của thời kỳ phong trào Duy Tân do các chí sĩ đề xướng, lãnh đạo. Trong đó, các ông coi thơ văn là vũ khí lợi hại, dễ quảng bá, hiệu quả nhanh.

2. Từ lần tiếp cận đầu tiên cho đến khi trực tiếp viết lời giới thiệu Lời dặn, tôi như bị ám ảnh mê hoặc. Đúng là thơ của Trần Dã Hàng rồi. Ông sống như thế, dạy học như thế, làm cách mạng và viết như thế. Nhưng tôi cũng cứ tự hỏi đây là bản văn xuôi hay thơ của ông. Ông viết như một tản văn tự sự, không nệ âm vần, câu chữ, nhạc điệu, khúc thức. Một sự cách tân chăng? Ông viết trực tiếp bằng Quốc ngữ, thứ ngôn ngữ dân tộc thuần Việt để nói với con ông. Trong lúc các bài thơ khác của ông là thuần Nho, đường luật chặt chẽ.

Qua tìm hiểu một số bậc cao niên, dòng dõi họ Trần nay còn sống. Các cụ kể lại và cho rằng, tương truyền bài Lời dặn, nhớ không đầy đủ là của danh nhân Trần Quý Cáp, được đề tên tác giả là Trần Dã Hàng. Duy nhất bài thơ này mang tên Dã Hàng, tên tự của ông, còn lại, không thấy ông dùng đến tên tự này.

Bài thơ làm theo thể tự do, không gò bó gượng ép vần điệu mà chủ yếu là ý tứ chắt lọc, lời sâu ý thoáng, thoát lên tính triết lý, luận về nhân cách làm người ở đời. Mỗi câu thơ, khổ thơ là một danh ngôn, hay nói đúng hơn là những thành ngữ răn dạy khuyên bảo không chỉ cho con cháu ông, mà cho cả những ai biết trân trọng sự trong sáng, công tâm, sống có đạo lý, có nghị lực, làm điều lành, nhân nghĩa, ắt sẽ được đền đáp, toại nguyện hạnh phúc và thành đạt.

Bài thơ lạ, vừa đa âm đa nghĩa, ẩn chứa những điều cao siêu trong cái mộc mạc dân dã:

Con đường xưa không phải dấu chân xưa

Con người xưa không phải tiếng nói xưa

Vậy là xưa...

Thế là cái gì? Có phải xưa không có dấu chân, không do tiếng nói, mà con người, con đường vẫn xưa là do vốn có từ ý thức và sự nhận biết quá khứ. Phải rèn luyện, nhào lộn trong thế giới rộng lớn, tiềm ẩn vô vi để tìm ra chân lý một cách logic khoa học.

Chỉ đôi câu thôi, đã buộc chúng ta phải động não, phải suy luận. Thơ trong Lời dặn không bóng bẩy, trôi tuột, mà bắt gặp ở đó sự triết lý vời vợi, tận cùng sâu xa về cõi người, về tình đời, về tự nhiên xã hội, sinh vật, thế giới "ta bà", sự vận động khôn lường của vũ trụ quan, thế giới quan, nhân sinh quan muôn màu muôn vẻ. Đọc Lời dặn hiện lên những cặp phạm trù nhân quả, như một qui luật bất  di bất dịch "ở hiền gặp lành", "có công mài sắt có ngày nên kim", "ác lai thì ác báo" v.v...

Thơ như thế, phải tốn bao công sức, phải có đầu óc tư duy và một vốn văn hóa "bác học" mới hình thành, nảy ra được những viên ngọc lấp lánh, có công năng thẩm thấu trí tuệ, người đọc.

Vì thế, đọc một lần Lời dặn, khó hiểu hết ý nghĩa của mỗi chữ, mỗi câu, mỗi khổ thơ. Nhưng càng đọc càng bị lôi cuốn, như trên tôi đã nói, bởi thơ ông như những câu danh ngôn, ngạn ngữ thấm đẫm tính nhân văn, gợi lên trong ta sự tìm kiếm, khám phá và cảm thụ những tinh tế của cuộc sống được ông chắc lọc, tinh luyện để lại cho con cháu, mà cũng là cho người đời những di ngôn còn quí hơn của cải vàng bạc!.

Lời dặn của Trần Dã hàng - là sự phát hiện, diện kiến được một áng văn bất tuyệt của một nhà cách mạng Duy Tân mang tâm hồn thơ và trách nhiệm của kẻ sĩ là đem đến cho con người những điều tâm đắc nhất, tốt đẹp nhất. Ông đã làm được điều đó một cách vẻ vang.

Thơ văn của ông như một phát ngôn, một tuyên ngôn sắc sảo, mạnh mẽ đánh thắng vào kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, bảo bệ bản sắc dân tộc và tập hợp được sức mạnh quần chúng vào nghiệp lớn của đất nước ở nửa đầu thế kỷ XX, có sức lay động, vang vọng đến ngày hôm nay. Lời dặn của Trần Dã Hàng, để chúng ta hiểu thêm một sáng tác phẩm mới lạ độc đáo của ông. Một tác phẩm có bút pháp sáng tạo về cả nội dung lẫn hình thức đều uyên áo, xứng đáng đứng vào hàng ngũ các tác giả tên tuổi trên thi đàn văn học sử  Việt Nam.

H.H.V

Bài viết khác cùng số

Chợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânQuà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngLàm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNỗi buồn - Thiều HạnhVườn mẹ - Mai Hữu PhướcXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiĐợi xuân - Quốc LongMiên tưởng - Lê Xuân CừĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúySương - Nguyễn Tấn OnKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnĐóa phù dung - Trần Trình LãmLinh cảm - Trần Mai HườngTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyTháng giêng - Huỳnh Minh TâmDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngSắc xuân - Ngô Hà PhươngThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọThơ xuân - Thanh QuếƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyNăm mới - Nguyễn Đông NhậtKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuHoa sưa - Trần Trúc TâmDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam Sinh“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm LâmĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchThơ Odysseus Elytis