Bảo tồn âm nhạc dân gian Cơ Tu tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam

06.08.2022
Văn Thu Bích

Bảo tồn âm nhạc dân gian Cơ Tu  tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam

Nhóm diễn tấu nhạc cụ dân gian Cơ Tu huyện Nam Giang. Ảnh Nguyễn Cường

Từ bao đời nay, người dân Cơ Tu sinh sống trải dài khắp các huyện miền núi dọc theo dải Trường Sơn uy nghi, hùng vĩ gồm các huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang thuộc tỉnh Quảng Nam. Trong bối cảnh hiện nay, dù nơi đây là vùng sâu vùng xa, song quá trình đô thị hóa lại diễn ra khá nhanh chóng, đồng thời số lượng người dân Cơ Tu ở vùng đất này biết hát múa và sử dụng nhạc cụ truyền thống không nhiều, các nghệ nhân cao tuổi thưa vắng dần. Do vậy, trong 5 năm qua, Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng đã có kế hoạch tổng thể sưu tầm nghiên cứu văn hóa tộc người Cơ Tu khắp các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) và Tây Giang, Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Cuối tháng 6 vừa qua, Hội đã tổ chức cho các nhà nghiên cứu đến vùng đất Nam Giang điền dã, thu thập tư liệu.

Nằm trên miền cao dãy núi phía Tây Trường Sơn hùng vĩ, Nam Giang là nơi cư trú lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa như: Cơ Tu, Ve, Tà Riềng và một số tộc người ở các tỉnh phía Bắc. Trong đó, phần lớn là tộc người Cơ Tu với hơn 60% dân số. Chính vì thế, trong các lễ hội, liên hoan văn hóa nghệ thuật các dân tộc thì phần trình diễn nghệ thuật truyền thống của người Cơ Tu khá nổi bật khi đảm nhận vai trò chủ đạo. Có thể nói, với những di sản văn hóa dân gian còn lưu giữ cho đến ngày nay, đồng bào Cơ Tu cùng các tộc người cộng cư trên vùng cao đại ngàn đã thắp sáng nơi tận cùng của núi rừng Nam Giang. Chính vì thế, đây cũng là điểm đến được Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng chọn đưa vào danh mục điểm đến tìm hiểu trên bước đường nghiên cứu Văn hóa dân gian Cơ Tu, truyền thống và biến đổi.

Nét đặc biệt, đây là lần đầu tiên Đoàn điền dã đến huyện Nam Giang đúng dịp diễn ra liên hoan Âm vang cồng chiêng huyện Nam Giang lần thứ V, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2022 chủ đề “Quảng Nam điểm đến du lịch xanh”. Mặc dù rất bận bịu lo tổ chức cuộc liên hoan này, song Đoàn vẫn nhận được sự đón tiếp nồng hậu của anh Trần Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Giang và sự quan tâm hỗ trợ của anh Nguyễn Thanh Tân, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, trước đó hai anh đã tích cực kết nối cùng Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng thực hiện cuộc điền dã này. Vì vậy, Đoàn đã may mắn được tham dự tất cả các hoạt động diễn ra trong hai ngày đêm tại Liên hoan, được tiếp cận với hàng chục nghệ nhân thuộc các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân gian các tộc người Cơ Tu, Tà Riềng, Ve... trong các hoạt động như: “Hát dân ca, diễn tấu nhạc cụ truyền thống, múa dân gian, điêu khắc, dệt thổ cẩm, đan lát; ẩm thực, tái hiện nghi thức các lễ hội dân gian các dân tộc; trưng bày hiện vật lịch sử, truyền thống văn hóa các dân tộc và sản phẩm bản địa… Nhìn chung các sinh hoạt văn hóa truyền thống hầu như được diễn ra khá đa dạng phong phú, giàu sắc thái văn hóa bản địa đặc trưng. Trong đó màn tái hiện không gian diễn tấu nghệ thuật cồng chiêng, múa truyền thống tung tung dá dá trong trang phục thổ cẩm dân gian đặc sắc được thể hiện công phu với gần 600 nghệ nhân và diễn viên đã tạo ấn tượng sâu sắc cho người dân và du khách gần xa.

Trong buổi khai mạc Liên hoan, Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng: Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, cồng chiêng là tài sản vô giá, là vật thiêng, là phương tiện giao cảm niềm vui, nỗi buồn của con người với các đấng thần linh, với đất trời và tạo vật. Cồng chiêng là loại nhạc khí có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng do vậy cũng rất độc đáo. Trong nỗ lực của địa phương, những năm gần đây công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống luôn được chú trọng, xem đó là nhiệm vụ chung để góp sức gìn giữ.

Tại đây, chúng tôi đã vô cùng xúc động khi gặp lại nghệ nhân Cơ Tu Bling Hạnh, đến từ thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang nay đã bước qua độ tuổi thất thập, mà vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn tiếp tục giữ vai trò già làng thật nổi bật giữa hàng trăm nghệ nhân, diễn viên bao quanh cây nêu cùng diễn tấu cồng chiêng theo điệu múa tung tung dá dá - biểu tượng tự hào của người Cơ Tu. Nhiều năm trước chúng tôi đã gặp ông - người được mệnh danh là “Già làng truyền lửa văn hóa Cơ Tu”, lúc nào ông cũng thân thiện và gần gũi. Với tâm huyết và đam mê với văn hóa tộc người mình, hàng ngày ông vẫn miệt mài ghi chép, sưu tầm truyền dạy những giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của người Cơ Tu qua các làn đệu dân ca và bài bản khí nhạc của nhạc cụ truyền thống, nhằm lưu truyền lại cho thế hệ mai sau vốn quý di sản văn hóa này.

Trong hàng loạt sinh hoạt văn hóa được trình diễn cùng lúc thì màn diễn tấu cồng chiêng là điểm nhấn xuyên suốt của liên hoan lần này. Tuy nhiên, tạo ấn tượng độc đáo, mới lạ với người tham dự, thưởng ngoạn chính là màn tái hiện nghi thức lễ cúng Pazưm tác hợp thành vợ chồng do đội nghệ thuật dân gian gồm các nghệ nhân và hàng chục nam thanh nữ tú Cơ Tu xã Zuôih, huyện Nam Giang thể hiện, trong đó có nhóm nam nữ khá trẻ là học trò của nghệ nhân Bling Hạnh cùng biểu diễn các nhạc cụ truyền thống như: cồng chiêng, trống, đàn Abel, khèn Bơ rét, sáo… phụ họa các lễ thức trong quá trình diễn ra nghi lễ. Đoạn cuối nghi lễ này, khi đôi nam nữ được Già làng tiến hành nghi thức vỗ vào đầu thì họ cùng hòa giọng hát lên bài dân ca Cơ Tu Đhị ta péh ngăn, hàm ý dặn dò nhau khi đã sống chung một mái nhà, thì cùng nhau chăm lo cuộc sống gia đình thật yên ấm, no đủ. Chúng tôi đã ghi âm lại lời ca cùng âm điệu bài dân ca này và khi đem đối chiếu, thấy khá trùng khớp, tương tự với làn điệu Đhruych trong bài Đhị ta péh ngăn (Dịch lời Việt là Tổ ấm), do Arất Hơn cùng Bling Biên viết lời Cơ Tu và Huy Hoàng chuyển ngữ qua tiếng Việt. Chúng tôi xin giới thiệu bài dân ca hiện diện trong lễ cúng Pazưm có ý nghĩa sâu sắc này đến quý độc giả gần xa. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có nhiều bài dân ca phần giai điệu và tiết tấu gần na ná nhau. Từ làn điệu nguyên gốc dựa trên một trục âm chủ đạo, được biến thể đôi nét thanh âm để biến thành dị bản. Đây có thể là một trong các dị bản đó.

V.T.B