Tinh thần đổi mới của người xứ Quảng

06.08.2022
Tần Hoài Dạ Vũ

Tinh thần đổi mới của người xứ Quảng

Nói đổi mới là nói theo ngôn ngữ thời sự, còn thực ra, về mặt lịch sử, phải nói một cách chính xác là Canh tân. Canh tân cũng là đổi mới. Trong lịch sử nước nhà, những chí sĩ người Quảng luôn đi đầu trong việc hô hào canh tân để cứu nước, như Phạm Phú Thứ, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... Ngay cả một người không hề bước chân ra khỏi làng, chỉ sinh hoạt trong một làng nhỏ ở vùng trung du, cũng đã thực hiện việc cải cách về mặt xã hội, như cụ Lê Cơ ở làng Phú Lâm (nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Với quan niệm “Tùng bất năng hành chi thiên hạ, do khả nghiệm chi nhất hương” (Nếu không làm được việc lớn lao cho thiên hạ thì cũng làm đúng trong một làng), cụ Lê Cơ đã thực hiện một cuộc canh tân sâu rộng tại làng Phú Lâm, mà ảnh hưởng sau đó lan tỏa ra nhiều địa phương, cụ thể là: mở trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên, lập lớp nữ học đầu tiên (vì trước đó, ở nước ta, con gái không hề được cho đi học!), diễn thuyết về những tư tưởng dân chủ, đọc thơ và giải thích cho dân làng nghe, vận động mọi người trong làng mặc đồ ngắn, cắt tóc ngắn, cùng dân làng lập ra tiệm buôn bán tạp hóa, lấy tên là “Thương hội bình dân”, “Hợp xã”, đã giúp người nghèo có ruộng để cùng nhau sản xuất nông nghiệp...

Không phải đợi tới giữa thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, người xứ Quảng mới thể hiện tinh thần đổi mới. Xa hơn nữa, từ những thế kỷ XV, XVI, những người đến khai canh lập làng trên mảnh đất ở phía Nam đèo Hải Vân đã bộc lộ cái tinh thần ấy. Có lẽ chính vì hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi sự phiêu lưu, khám phá và cả sự dũng cảm, liều lĩnh khi từ bỏ quê hương bản quán ở miền Bắc để ra đi, đến một vùng đất mới với nhiều hiểm họa, từ cả con người và thiên nhiên, mà những con người đi mở cõi ấy đã tu luyện cho mình một ý chí thiết thạch và một đầu óc sống động, tỉnh táo, luôn phải thích nghi với cái mới. Cũng còn phải kể đến một số nguyên nhân sâu xa khác: Những người đi mở cõi, ngoài một số ít nông dân có thể mang cả gia đình vào Nam, còn hầu hết là những thổ hào, thổ tù, hay những tù binh Đàng Ngoài mà quân lính Đàng Trong bắt được trong những cuộc chiến kéo dài giữa hai họ Trịnh - Nguyễn phân tranh Bắc Nam, với cảnh nồi da xáo thịt. Tất cả những con người đó, trong cuộc sống mới, đã cưới vợ là những phụ nữ bản địa. Ở chiều ngược lại, những phụ nữ người Việt, là con cái những lưu dân lớp đầu, tới lượt họ, lại kết hôn với những người đàn ông gốc Chăm (đây là một thực tế lịch sử quá rõ ràng, chứ không phải là suy luận vỏ đoán, vì cho tới hiện nay, trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn còn những họ: Ông, Ma, Trà, Chế...); rồi về sau, những phụ nữ Việt kết hôn với những thương nhân người Hoa (nên mới có các họ khá là đặc biệt, như: La, Thủy, Hàn, Phù, Ao....; chưa kể đến những họ tộc của người Hoa rất giống với họ của người Việt). Đề cập tới điều này, chúng ta dễ nhận ra rằng, các cuộc hôn nhân ấy, ngay trong thời phong kiến khắt khe, cũng không hề xa lạ với người xứ Quảng. Thực tế xã hội ấy cũng đã góp phần tạo nên tính cách dễ chấp nhận cái mới của người xứ Quảng. Về sau, khi thương cảng Hội An rộng mở, người dân xứ Quảng được giao tiếp sớm nhất với các thương nhân Nhật Bản và những thương nhân người phương Tây. Điều này trong thực tế cuộc sống đã giúp họ học được những nghề mới, hoặc chí ít cũng đã cải thiện được những nghề sẵn có. Đó là chưa kể, chính những người dân ở vùng thương cảng Hội An đã giúp cho những giáo sĩ phương Tây đầu tiên, như Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes... thực hiện thành công việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ La tinh, để hình thành nên chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta, dân tộc ta (tại làng Thanh Chiêm, nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn). Và chính cộng đồng người Quảng là những người đầu tiên được học chữ Quốc ngữ. Nhờ những điều kiện lịch sử - xã hội đó mà con người xứ Quảng trở nên nhạy bén, hoạt bát và dễ giao tiếp. Vì khi trở thành cửa ngõ mở ra thế giới bên ngoài, con người ở vùng đất này thường được đón nhận những điều thực tế, những sự vật, sự kiện mới lạ, vì thế lại càng có điều kiện để hiểu người, hiểu mình, và do vậy tự thân lại càng phải cố gắng vươn lên. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà người dân xứ Quảng nổi tiếng hiếu học, học giỏi, ưa tranh luận (Quảng Nam hay cãi) và thành đạt trong học vấn.

Qua nhiều thế kỷ, những yếu tố ấy hình thành nên cái tính cách ưa canh tân, đổi mới, một trong những đặc trưng văn hóa chủ yếu của người xứ Quảng.

Về văn hóa vật chất, trong cách ăn, lối ở, người xứ Quảng cũng ưa tìm tòi, đổi mới. Ngôi nhà để sinh sống là một ví dụ rõ nét nhất. Ngôi nhà xưa của người Việt là nhà ba gian hai chái. Loại nhà này thường có 4 cột tiền và 4 cột hậu. Người Quảng ưa cách tân, nên đã giảm 4 cột cái tiền, và cả 4 cột cái hậu, để tăng không gian sinh hoạt, cho rộng hơn, thoáng hơn, bằng cách tăng khẩu độ của trính, nhờ thế chỉ còn 4 cột hàng nhì tiền và 4 cột hàng nhì hậu, mà dân gian quen gọi loại nhà này là nhà tám nhì. Đây chính là loại nhà mà người Quảng thường gọi là nhà ngang, là nơi diễn ra mọi sinh hoạt thường nhật của gia đình. 

Về thức ăn, người xứ Quảng cũng có những chế biến “đổi mới”. Món bánh tổ ngày Tết là một minh chứng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho rằng, có thể bánh tổ là cách cải tiến, “đổi mới” của người xứ Quảng từ món bánh “lùng kú” (đọc theo tiếng Quảng Đông: “lùng” là cái lồng, “kú” là bánh hấp) của “các chú” Hoa kiều lấy vợ người Việt ở Hội An. Điều đáng nói là các thương nhân Hoa kiều cũng định cư nhiều tại Hà Nội (Kẻ Chợ), nhất là tại Chợ Lớn (thuộc Quận 5, TP.HCM hiện nay), nhưng tại sao chỉ ở vùng đất Quảng mới có bánh tổ, biến chế từ “lùng kú”? Để trở thành một món bánh độc đáo trong ngày tết Nguyên đán, rõ ràng bánh tổ là một sự sáng tạo, “đổi mới” ẩm thực không chê vào đâu được của người xứ Quảng.

Còn về mặt văn hóa tinh thần, thì tính cách ưa canh tân, đổi mới của người xứ Quảng lại còn có nhiều điều để chúng ta nghiền ngẫm tự hào.

Có một hiện tượng mà ta không thể không chú ý. Thơ lục bát là thể thơ đặc trưng của dân tộc ta, vì người Việt ưa và luôn thích sống trong sự cân xứng, hài hòa, phóng khoáng (mà không phóng túng!), nên câu thơ lục bát đã là biểu hiện rõ nét nhất của tâm hồn Việt. Trong kho tàng ca dao Việt Nam, những bài lục bát đạt đến trình độ trác tuyệt không phải là ít, nhưng tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thì phần lớn đó là những câu ca dao ở đồng bằng sông Hồng. Trên đường Nam tiến, khi vào đến phía Nam đèo Hải Vân thì những bài ca, câu hát dân gian ấy phần lớn không còn giữ nguyên thể lục bát nữa. Đi qua bất cứ thôn làng nào trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng, từ đồng bằng lên đến trung du, miền núi, kể cả xuống miền biển, đâu đâu ta cũng nghe những bài ca, câu hát vượt ra khỏi cái khung lục bát, để trở thành lục bát biến thể. Điều này là biểu hiện sinh động của cách bày tỏ, của sự biến đổi ngôn ngữ của người Việt trên con đường Nam tiến, mà quan trọng hơn, còn biểu hiện rõ cái khí chất của con người xứ Quảng, qua những biến đổi lịch sử - xã hội, không thích sự câu thúc, không chịu đi theo lối mòn, đường cũ. Nhưng ngoài lục bát biến thể, tiêu biểu nhất cho sự sáng tạo, đổi mới thể loại trong văn học dân gian xứ Quảng là những bài ca theo thể tổng hợp. Có người ví thể tổng hợp trong ca dao, dân ca trữ tình xứ Quảng như là lối cổ phong trong văn học cổ Trung Quốc. Nhưng theo chúng tôi, đây chính là sự sáng tạo về thể loại trong tiến trình phát triển văn học dân gian Việt Nam, mà sự thể hiện ở vùng đất mới khai phá, từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào, là biểu hiện sinh động cho tinh thần, cho tâm tình đổi mới, sáng tạo của những người đi mở cõi. Hãy chiêm nghiệm bài ca sau đây:

 

Biết nhau làm chi

Cho thiếp thương chàng nhớ

Hay như hồi xưa kia

Thiếp chớ, chàng đừng...

Đặt mình xuống chiếu

Chiếu chẳng dính lưng

Bưng bát cơm để xuống,

cứ tưởng chừng ai theo.

Về mặt nội dung, bài ca phản ánh cái tâm lý muốn sống dứt khoát của người xứ Quảng! Đó là thái độ “Hay như hồi xưa kia/ Thiếp chớ/ Chàng đừng...” Thật rõ ràng, dứt khoát, thật quyết liệt trong tình yêu (muốn được sống quyết liệt trong tình yêu không phải dễ dàng gì!).

Về phương diện nghệ thuật, ở bài ca này, sự cách tân đã được đẩy tới cùng, vì ta dễ dàng nhận ra ở đây sự sử dụng ngôn ngữ trong những câu thơ dài ngắn khác nhau, không còn theo một khuôn thước, một chuẩn mực nào cả. Trong bài viết “Ngôn ngữ và nghệ thuật diễn đạt của văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng”, mới đây, chúng tôi đã từng nói, nếu không sợ quá lời, thì có thể cho rằng, với bài ca này, đây quả là hạt mầm của thể thơ tự do trong văn học viết, sẽ xuất hiện từ sau năm 1945 ở nước ta.

Đã nói tới văn học viết, không ai có thể phủ nhận cái công lao đặt nền móng, hay nói đúng hơn là khai mở cho sự sáng tạo, đổi mới của người xứ Quảng trong việc tạo ra bước ngoặt của sự ra đời và phát triển của phong trào thơ mới, với người con ưu tú của xứ Quảng là Phan Khôi, khi ông công bố bài thơ: “Tình già” trên báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1932, mở đầu cho sự xuất hiện và phát triển rực rỡ của Thơ mới trong lịch sử văn học Việt Nam cận đại.

Tinh thần canh tân, đổi mới của người xứ Quảng là điều đã được lịch sử chứng minh. Nhưng xin được phép không bàn tới chuyện truyền thống nữa, để chúng ta cùng trở về với hiện thực đời sống. Hơn 10 năm trước, chúng tôi còn nhớ báo Tuổi Trẻ đã có một bài viết thật đáng quan tâm: “Quảng Nam rất “thấm thía” với thủy điện”. Bài báo cho rằng “qua trận lũ lụt vừa rồi, đặc biệt là qua việc xả lũ của thủy điện A Vương, tỉnh Quảng Nam đã rất “thấm thía”. Thấm thía là biểu hiện của nỗi đau vì sự thiệt hại, mất mát của bao nhiêu người dân trong vùng lũ. Nhưng đằng sau sự “thấm thía” ấy chính là cái ý thức phải thay đổi cách nhìn, cách hiểu về thủy điện, về môi trường sống. Và những ai quan tâm đến vấn đề dân sinh, không thể không nức lòng khi biết được quyết tâm của chính quyền tỉnh Quảng Nam, như bài báo Tuổi Trẻ đã viết: “Vậy nên sắp tới tỉnh Quảng Nam sẽ kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành về việc hoàn tất quy trình nghiêm ngặt việc xả lũ của các thủy điện, trước mắt là thủy điện A Vương, Đak Mi 4, sông Tranh 2 và sông Bung 4. Quan điểm của địa phương là không nên phát triển thủy điện một cách ồ ạt, mà phải có quy hoạch. Nếu như Hội đồng thẩm định quốc gia quyết định cho phép đầu tư, nhưng tỉnh xét thấy dự án không an toàn cho cả thượng lưu lẫn hạ lưu, đặc biệt là vấn đề dân sinh, thì địa phương vẫn kiến nghị Chính phủ chấm dứt dự án”. Chẳng còn gì rõ ràng hơn! Và đó quả là một sự đổi mới tư duy, kể cả đổi mới trong cách hành xử. Về việc đổi mới trong cách hành xử, chúng ta cũng không thể quên được một sự kiện liên quan tới tính mạng hàng ngàn, hàng trăm ngàn con người. Năm 1998, trong cơn lụt lịch sử tại Quảng Nam, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã đề nghị xả lũ đập Phú Ninh. Nhưng chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ là ông Lê Trí Tập, bằng kiến thức và bằng quyết tâm của mình, đã nhất định không xả lũ, cứu cho tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân vùng hạ lưu... (Sự quyết đoán ấy đã khiến những người nông dân vùng Phú Ninh - Tam Kỳ, gọi ông Lê Trí Tập một cách thân yêu, trìu mến là, “ông Phú Ninh”!). Về chuyện thủy điện, chúng ta không thể không biết rằng, ngay cả với các nước tiên tiến về mặt khoa học kỹ thuật, họ cũng đã phải thay đổi cách nhìn nhận vấn đề có tính chất thời sự nghiêm trọng này. Theo New York Times, “vào đầu tháng 10.2009, đã có 29 tổ chức ở Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận về việc phá bỏ bốn đập thủy điện để trả lại nguyên vẹn dòng sông Klamath chảy dọc theo ranh giới của hai tiểu bang California và Oregon... Đây là dự án phá bỏ đập thủy điện lớn nhất thế giới, với tổng chi phí lên tới 450 triệu USD”. (dẫn lại theo Bách khoa toàn thư, Wikipedia).

Còn đối với thành phố Đà Nẵng, không phải tự nhiên mà Chuyên mục Du lịch của tờ The New York Times (một trong những tờ báo uy tín nhất của Mỹ) đã bình chọn Đà Nẵng là một trong 52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2015; qua năm 2016 được nhận giải thưởng “Điểm đến Sự kiện và Lễ hội hàng đầu châu Á năm 2016, do tổ chức uy tín thế giới World Travel Awards bầu chọn...”.

Rồi sau đó, cũng chính báo New York Times, thông qua các tổ chức du lịch quốc tế, đã dành cho Đà Nẵng danh hiệu “Thành phố đáng sống”. Được như vậy, không thể không có sự đổi mới trong cả suy nghĩ và điều hành của chính quyền và ý thức đổi mới đưa đến sự đồng thuận, chung tay, góp sức của người dân Đà Nẵng, nhằm xây dựng một thành phố phát triển hiện đại, năng động và thân thiện với môi trường. Chính tinh thần và cách làm đổi mới, táo bạo của Đà Nẵng đã khiến Chính phủ ban hành Nghị định về việc quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố phát triển. Đặc biệt, trong suốt những năm tháng qua, Đà Nẵng luôn thuộc nhóm dẫn đầu và có kết quả tốt với các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số sẵn sàng ứng dụng Công nghệ thông tin (ICT), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI)...

 Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đã thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong việc đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và mẫu dấu. Song song với những thành công về kinh tế, việc giải quyết các vấn đề xã hội cũng đã góp phần khiến bộ mặt thành phố thay đổi, thông qua các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an”.

“5 không” là: “không có hộ đói”; “không có người mù chữ”; “không có người lang thang xin ăn”; “không có người nghiện ma túy không được kiểm soát”; “không có giết người để cướp của”. Đặc biệt, việc “không có người lang thang ăn xin” đã trở thành một “thương hiệu của thành phố Đà Nẵng”, được du khách khắp nơi, trong và ngoài nước biết đến và tâm phục.

Còn chương trình “3 có”, được thực hiện từ năm 2005 - 2020, là 3  mục tiêu: “có nhà ở”, “có việc làm”, “có nếp sống văn minh đô thị”; đây là một bước tiến tiếp theo trên nền tảng kết quả của chương trình “Thành phố 5 không”.

Chương trình “Thành phố 4 an”, được thực hiện trong các năm 2016 - 2020, với 4 mục tiêu là: “An ninh xã hội”; “An toàn giao thông”; “An toàn vệ sinh thực phẩm”; “An sinh xã hội”. Chương trình “4 an” này chính là sự kế thừa có chọn lọc, tổng hợp và phát triển các chương trình “Thành phố 5 không và 3 có”; đồng thời, tích hợp, bổ sung một số nội dung mới nhằm đáp ứng các nhu cầu phù hợp với điều kiện xã hội, thực tiễn phát triển của thành phố Đà Nẵng.

Tất cả những điều này có được là nhờ vào tinh thần luôn hướng tới việc canh tân, đổi mới. Và có thể nói, đó chính là tính cách đặc thù của con người xứ Quảng. Từ xưa đã vậy, mà chắc chắn hôm nay và ngày mai cũng sẽ như vậy!

Chúng ta đang ở thời điểm năm 2022, tức là đang ở vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Và vào chính thời điểm này, có lẽ mọi người dân Quảng Nam - Đà Nẵng đều phải tự hỏi: Cái tâm thức đổi mới đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp trong tính cách của con người xứ Quảng sẽ được phát huy như thế nào, để chúng ta luôn sớm nhìn ra, sớm nhận biết, cho dù là những vấn đề phức tạp nhất, từ đó, có thể vừa đủ sức chống lại mọi thứ ngoại xâm (kể cả xâm lăng biển đảo và xâm lăng văn hóa), dù những cuộc xâm lăng ấy tới từ bất cứ phương trời nào, lại vừa đủ tỉnh táo để biết sống hòa thuận, hòa hợp với thiên nhiên trong cuộc mưu sinh và phát triển của một cộng đồng cư dân không bao giờ nguôi khát vọng canh tân, đổi mới chính mình.

T.H.D.V