Sự phủ định của các trào lưu nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa đối với những nguyên tắc quan trọng của chủ nghĩa hiện thực trong văn học thế kỷ XIX

06.08.2022
Nguyễn Tất Trường

Sự phủ định của các trào lưu  nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa đối với những nguyên tắc quan trọng của chủ nghĩa hiện thực trong văn học thế kỷ XIX

Chủ nghĩa hiện thực đã thành công ở nhiều khía cạnh trong văn học nghệ thuật, nó tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ cho nhân loại về mặt thế giới quan, nhân sinh quan về tính nghệ thuật. Tuy nhiên, khi thế giới đổi thay, cuộc sống phức tạp, đa chiều, nhiều màu sắc hơn, niềm tin của loài người bị lung lay và không còn vững chắc như trước thì những nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực đang có những biểu hiện lỗi thời, dần bị phủ định bởi tư duy mới, bao quát hơn của các trào lưu nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa.

Chủ nghĩa hiện thực xem trọng mối quan hệ biện chứng giữa tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình, cho thấy sự phát triển tính cách của con người sẽ gắn liền với hoàn cảnh. Nhưng hoàn cảnh thường không đứng yên mà lại luôn vận động, nên tính cách nhân vật trong chủ nghĩa hiện thực thường rất phức tạp, thụ động so với hoàn cảnh, dẫn đến việc những cảm xúc sâu thẳm của họ không được mô tả, thậm chí bị hoàn cảnh chôn vùi. Trong khi đó, chủ nghĩa hiện đại quan tâm nhiều đến nội tâm bên trong, biểu hiện những suy nghĩ, tâm lý, tư tưởng sâu sắc của nhân vật nên khó chấp nhận cách mô tả của chủ nghĩa hiện thực. Ngoài ra, nếu phân tích ở góc độ “sự lựa chọn”, chúng ta dễ nhận thấy khi con người bị trói buộc quá lớn vào hoàn cảnh, họ sẽ không có nhiều lựa chọn cho bản thân, Raskolnikov[1] và Onheghin[2] là những người không quan tâm đến những luân lý thông thường, nhưng rồi hành động của họ cũng không thể thoát khỏi ảnh hưởng của hoàn cảnh, Julien Sorrel[3] hay Xuân Tóc Đỏ[4] thậm chí còn lợi dụng hoàn cảnh để vụ lợi, nhưng tất cả chỉ là sự thích nghi trước hoàn cảnh để hiện thực hóa tham vọng chứ không phải là hành vi chống đối hay chiến thắng hoàn cảnh. Trái ngược, chủ nghĩa hiện đại hướng đến sự đa dạng trong lựa chọn hành động cho con người, đưa con người đến ngưỡng tách ly được ảnh hưởng của hoàn cảnh áp đặt lên bản thân. Điều này từng được thể hiện trong tư tưởng triết học của các triết gia lớn, I. Kant cố gắng đưa ra “mệnh lệnh tuyệt đối”[5], Heidegger nói đến “tồn tại thực”[6], tất cả đều ủng hộ việc cần chấp nhận nhiều quyết định, lực chọn  khác nhau ở mỗi cá nhân. Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề không chỉ có Phải trái, đúng sai[7], còn một miền Bên kia thiện ác[8] mà con người rất khó xác định.

Nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực là tôn trọng sự thật khách quan, biểu hiện ở việc nhà văn hiện thực luôn tự đặt mình vào vị trí quan sát để phát hiện ra bí mật của thực tại, ghi chép lại thực tại theo những gì xảy ra mà không cho phép mình dầm mình vào thực tại, thể hiện cảm xúc, quan điểm bản thân trong tác phẩm. Bên cạnh đó, nhà văn hiện thực còn thực hiện nguyên tắc lịch sử - cụ thể, chú ý đến toàn bộ góc cạnh trong cả quá trình phát triển và mối liên hệ giữa các sự kiện, hiện tượng, và họ cố gắng mô tả chi tiết biểu hiện chân thực của thực tại, từ hoàn cảnh cho đến lời thoại đều hướng đến việc tái hiện hiện thực một cách rõ ràng, minh bạch thông qua nhận thức trực quan và tư duy của người viết. Ngược lại, chủ nghĩa hiện đại muốn lảng tránh hiện thực nghiệt ngã, cái hiện thực có thể đẩy các nghệ sĩ vào trạng thái đối lập với xã hội, và thế là họ cố gắng xê dịch hiện thực, thổi vào những tác phẩm của mình nội dung mang nặng chất suy tưởng, thậm chí phản ánh hiện thực bằng hình tượng sai lệch, méo mó, nhằm diễn đạt được bản chất sâu xa chứ không chỉ vẻ bề ngoài của thực tại như cái cách mà chủ nghĩa hiện thực đã làm. Tuy chủ nghĩa hiện thực có nhiều giá trị về mặt lịch sử, nhưng trong trạng thái tồn tại, có nhiều điều khiến chủ nghĩa hiện thực, phần lý tính không thể chạm tới được, đó là tiềm thức, là vô thức tâm linh, yếu tố phi duy lý bên trong mỗi cá nhân, và dường như đó là hạn chế rất lớn của chủ nghĩa hiện thực. Chủ nghĩa hiện đại hướng tới khám phá các dòng ý thức bị che khuất hay những biểu hiện phi lý của đời sống, cái mà mỹ học của chủ nghĩa hiện thực không còn phù hợp để khám phá, duy trì.

Chủ nghĩa hiện thực nêu cao tinh thần vị nhân sinh, văn học không thoát ly khỏi mục đích phản ánh hiện thực cuộc sống và phục vụ con người, như tuyên bố hùng hồn của Nam Cao về nghệ thuật trong Trăng sáng[9], rõ ràng văn học hiện thực mang đậm tính cách mạng, nhưng không phải tính phổ quát. Hơn nữa, chủ nghĩa hiện thực không chú trọng vào việc xây dựng hình mẫu nhân cách lý tưởng, điều này vô tình làm con người luôn muốn bám chặt vào khuôn khổ có sẵn, thích ổn định và ghét đổi mới, điều mà những “siêu nhân”[10] của Nietzscher hay “đại hiệp”[11] của Kim Dung coi thường. Văn học hiện đại sẽ không thể thỏa sức sáng tạo, khai thác hết tiềm năng khi bị ràng buộc bởi những mục đích sẵn có từ ý thức hệ hoặc từ truyền thống, thậm chí dù kết quả cuối cùng mà văn học hướng đến là cái tốt, cái đẹp, cái được ca tụng. Thật khó để gắn những mỹ từ như “chiến đấu”, “phục vụ”, “vị lợi” cho văn học - nghệ thuật, và cũng thật khó để gán cho văn học một chức năng cụ thể, duy nhất. Chính vì thế mà các trào lưu hiện đại chủ nghĩa chú trọng vào việc tạo ra cái mới, trong cả nội dung, hình thức lẫn ý nghĩa để đập bỏ những khuôn khổ có sẵn, giải phóng tuyệt đối khả năng sáng tạo của nghệ thuật.

Từ những sự khác nhau đó, các trào lưu hiện đại chủ nghĩa không chấp nhận những nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực, họ muốn xây dựng những sản phẩm mới, mang tính chất là sản phẩm của thời hiện đại. Tuy nhiên, đây không phải là sự đối kháng giữa hai trào lưu, mà là sự bổ sung để bù đắp những hạn chế ở cả hai bên, hơn nữa, chính từ chủ nghĩa hư vô trong tính hiện thực, mới tạo ra mầm mống cho chủ nghĩa hiện đại sau này.

N.T.T

 

[1] Nhân vật chính trong tiểu thuyết Tội ác và Trừng phạt của Dostoyevski.

[2] Nhân vật chính trong tiểu thuyết thơ Epghenhi Onheghn của Punskin.

[3] Nhân vật chính trong tiểu thuyết Đỏ và Đen của Stendhal.

[4]  Nhân vật chính của trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng.

[5]  “Mệnh lệnh tuyệt đối” là thuật ngữ triết học do triết gia nổi tiếng người Đức I. Kant (1724 - 1804) đưa ra, thể hiện cách hành động của con người cần phụ thuộc vào con tim và tư duy trong anh ta chứ không phải các yếu tố bên ngoài.

[6]  Thuật ngữ triết học do triết gia người Đức M. Heidegger (1889 - 1976) đưa ra, muốn nhấn mạnh đến việc nếu con người mà hành động theo những gì mình nghĩ, cho là đúng mà chỉ hành động theo ảnh hưởng hoàn cảnh, thì mình chưa tồn tại thực sự.

[7] Tên cuốn sách nổi tiếng của triết gia người Mỹ Meachel Sandel.

[8] Tên cuốn sách của triết gia người Đức F. Nietzscher.

[9] Nguyên văn: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối...”

[10] Mẫu người lý tưởng mà triết gia Nietzscher hướng đến, biểu tượng cho sự khác biệt, sức mạnh và không thể luân lý thông thường để đánh giá: Ví dụ tiêu biểu: những nhân vật bị cho là độc tài: Napoleon, Tào Tháo, Lê Duẩn.

[11]  Mẫu người lý tưởng trong thế giới kiếm hiệp, tiêu biểu ở tinh thần hành hiệp trượng nghĩa, hành động theo cái họ cho là đúng chứ không theo lẽ thường, ví dụ: Lệnh Hồ Xung, Hoàng Dược Sự, Nhậm Ngã Hành...