Căn cứ Bàu Bính - 50 năm nhìn lại

18.03.2023
Trần Trung Sáng
Nằm trong chương trình Ký ức thời gian về với Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) vùng đất anh hùng, nhân kỷ niệm 50 năm Căn cứ lõm Bàu Bính (1972-2022), những ngày đầu Xuân Quý Mão vừa qua, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức ra mắt hai tập sách “Vườn mẹ” và “Bình Dương - vùng đất anh hùng”, trong đó, bao gồm nhiều bài viết ghi lại mảnh đất, con người và những không gian văn hóa tâm linh, lịch sử mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội to lớn. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu trích đoạn một trong những bài viết quan trọng từ hai tập sách nói trên.

Căn cứ Bàu Bính - 50 năm nhìn lại

 

Được hình thành vào đầu năm 1971, tồn tại trong 2 năm, với diện tích khoảng 2 km2, Căn cứ lõm Bàu Bính, xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) là chỗ dựa, là bàn đạp để cán bộ, du kích, bộ đội tiếp tục trụ bám, nắm tình hình và triển khai lực lượng đánh vào vùng địch, đã đi vào lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân Bình Dương và các xã vùng Đông Thăng Bình như một dấu son chói lọi, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là điển hình trụ bám chiến đấu của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1971- 1972. Mới đây, trong kỷ niệm 50 năm thành lập căn cứ lõm Bàu Bính, chúng tôi gặp lại ông Phan Thanh Toán, nguyên Chính trị viên Huyện đội, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, Trưởng ban chỉ đạo Căn cứ Bàu Bính  - một trong những người cán bộ dũng cảm kiên cường, góp phần quan trọng trong sự xây dựng căn cứ này ngày ấy. Nhắc lại những kỷ niệm không thể nào quên, ông Toán nói:

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (năm 1968), để giành lại thế trận và địa bàn đã mất, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã dốc mọi tiềm lực chiến tranh, liên tục mở các chiến dịch phản kích, càn quét, đánh phá điên cuồng vào vùng giải phóng tại Quảng Nam, tại Khu V. Đến đầu năm 1970, các xã vùng Đông của Thăng Bình, Quảng Nam, Quảng Đà (Duy Nghĩa, Duy Hải) đều rơi vào tay bọn Mỹ - ngụy, thế nhưng, riêng xã Bình Dương vẫn bất khả xâm phạm.Có lẽ vì vậy, tới tháng 6 năm 1970, từ Quảng Nam (Quảng Tín), Quảng Đà (Quảng Nam), ở vùng I chiến thuật (Quân đoàn I ngụy quân), địch đã huy động gần 10.000 quân, gồm lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên, lính biệt động ngụy…v.v, với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, xe ủi, máy bay các loại, pháo ở núi Quế, Tuần Dưỡng, Cẩm Hà, Vĩnh Điện, ở ngoài hạm đội yểm trợ, đã ồ ạt tràn tới Bình Dương nhằm hốt gọn, san bằng nơi này trong ngày một, ngày hai. Lúc này, được sự chỉ đạo của Huyện ủy Thăng Bình, Xã ủy và Xã đội Bình Dương đã chọn thôn Tư - Bàu Bính làm địa bàn đứng chân, gồm khoảng 300 dân các thôn trong xã lẩn tránh sự vây ráp, bủa vây của địch, kéo nhau về khu vực Bàu Bính sống cùng cán bộ, du kích, bộ đội, cùng dân thôn Tư - Bàu Bính.

Khi ấy, nhiều người ngạc nhiên đã hỏi: “Dân Bình Dương có kỳ lạ không? Đời thuở ai không chịu vô khu dồn, sống với địch, được chúng cho gạo cơm, không bị đạn bom rình rập mạng sống mà lại lủi tới Bàu Bính?”. Ông Toán nói, bà con trả lời ngay:Tụi bay sống được thì tụi tau sống được, sợ chi! Rứa dân Bình Dương có gan không? Có xứng danh anh hùng không? Vậy đó, có bộ đội, du kích thì dân Bình Dương ấm lưng, yên tâm trụ bám để giữ đất tổ tiên. Và có dân Bình Dương trụ bám thì du kích, bộ đội huyện, tỉnh cũng ấm lưng, yên tâm đánh giặc để giữ đất, giữ dân”.

Ký họa Bình Dương, tranh Nguyễn Thế Vinh

Thôn Tư - Bàu Bính với địa hình gò - nổng, mương - lạch, nhà - vườn bờ bụi đan xen nhau, rất dễ cho phòng thủ, tấn công khi đánh nhau, trở thành hiểm địa. Ông Toán kể lại: “Với tư cách là Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội, được Huyện ủy giao trọng trách đứng chân tại Bình Dương để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng các xã vùng Đông, tôi đã cùng các đồng chí trong Huyện ủy, Huyện đội, Xã ủy, Xã đội Bình Dương bàn bạc, thống nhất, xây dựng khu vực thôn Tư - Bàu Bính trở thành khu chiến và có các phương án phòng thủ, tác chiến hẳn hoi. Ai có thể tin, vào cuối năm 1964, khi Bình Dương đồng khởi, giải phóng quê hương, dân số xã có gần 8.000 người, 10 năm chiến tranh (từ 1964 đến 1975) đã có hơn nửa số dân bị đạn bom Mỹ - ngụy giết hại, chính xác là: 4.700 người; có những đợt đổ quân xuống Bình Dương càn quét, lính Mỹ - lính Nam Triều Tiên, ngụy quân Sài Gòn đã giết hại một lúc cả hơn 200 dân thường, có vụ lính Nam Triều Tiên đã cho nổ mìn Cleymo (mìn định hướng) và xả đạn giết hại 73 ông bà già, phụ nữ, trẻ em ngay tại trảng Trầm ở thôn Một …”.

Cuối năm 1970, Tỉnh ủy Quảng Nam - trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Thắng đã tổ chức và chủ trì một cuộc Hội nghị quyết định chọn Bàu Bính để xây dựng căn cứ lõm cho vùng Đông Thăng Bình, cho vùng Đông Bắc của tỉnh Quảng Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Bốn - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình được cử giữ chức Trưởng ban Chỉ đạo căn cứ lõm, đồng chí Nguyễn Đức Tân - Phó Bí thư Huyện ủy làm Phó ban, các đồng chí: Phan Thanh Toán, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội, Trịnh Minh Đức Ủy viên Thường vụ Huyện ủy làm ủy viên Ban Chỉ đạo mới, đồng chí Ngô Thanh Dũng - Phó ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam tham gia Ban Chỉ đạo. Ngoài lực lượng quân và dân Bình Dương, Bàu Bính còn là nơi đứng chân của cán bộ huyện, tỉnh phụ trách vùng Đông, của các xã lân cận như Bình Đào và Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên); là nơi đặt bốn trạm phẫu của tỉnh, của huyện, nơi nuôi dưỡng thương bệnh binh... Từ đây trở thành căn cứ lõm kháng chiến của Thăng Bình, của Đông Quảng Nam, thực sự trở thành khu chiến, trở thành chiến địa một mất, một còn giữa ta và ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.

Biết rõ sự lợi hại của căn cứ lõm Bàu Bính, đến tháng 10 năm 1972, tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh vùng I chiến thuật ngồi trên máy bay trực thăng quần lượn trên bầu trời Bình Dương, trực tiếp chỉ huy các cánh quân hải - lục - không quân, có pháo binh, xe tăng, xe thiết giáp, xe ủi dọn đường, hùng hổ tấn công vào Bàu Bính. Lúc này, du kích Bình Dương, bộ đội của Huyện đội Thăng Bình, của Tỉnh đội Quảng Nam đã kiên cường, dũng cảm đánh trả địch quyết liệt. Quần nhau với chục ngàn các sắc lính ngụy hùng hậu như thế, lực lượng ta ngày càng tổn thất lớn, vũ khí ngày càng cạn kiệt, Ban Chỉ đạo căn cứ đang tính kế bảo tồn lực lượng, thì bất ngờ chiều ngày 15 tháng 12 năm 1972 nhận được lệnh của Tư lệnh Quân khu V - tướng Chu Huy Mân: Phải tìm cách thoát khỏi vòng vây của địch, rút quân sang Tây đường số Một để bảo toàn lực lượng...

Với tư cách là Chính trị viên Huyện đội, là Trưởng Ban Chỉ đạo căn cứ lõm mà tôi sững sờ, bàng hoàng, không thể tin lệnh ở trên. Rút các lực lượng vũ trang, dân chính của tỉnh, huyện thoát khỏi vòng vây kẻ thù, phải vượt sông Trường Giang, vượt đường số I, tuy rất nguy hiểm nhưng vẫn có thể thực hiện được. Còn dân chừng 600 người thì tính sao? Để họ ở lại Bàu Bính, địch đến chúng sẽ bắn giết tàn độc như nhiều vụ tàn sát trước. Mà dân không chịu ở lại, quyết theo bộ đội, cách mạng lên núi đến cùng. Một cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo căn cứ lõm và Xã ủy, Xã đội Bình Dương được tổ chức. Phương án rút quân, rút dân khỏi căn cứ lõm Bàu Bính được bàn bạc chặt chẽ, thống nhất từ trên xuống dưới, từ người lớn đến người dân…

Sau này nhắc lại cuộc rút quân và dân khỏi căn cứ lõm Bàu Bính, ai nghe cũng kinh ngạc, không tin, bởi nhiều sự cố xảy ra trong cuộc rút lui khỏi Bàu Bính không thể nào kể hết… Điều kỳ diệu của cuộc hành quân - rút quân của mấy trăm dân từ Bàu Bính lên căn cứ vùng rừng núi Tây Thăng Bình mà chỉ thất lạc một đứa nhỏ - sau cũng tìm được - còn không một ai xây xát, suy suyển. Sau này nghĩ lại, chúng tôi càng thấu hiểu hơn vào sự chỉ đạo nhanh nhạy, sáng suốt, tài tình của lãnh đạo Khu ủy Khu V. Cần nói rõ hơn là trong phương án rút quân và dân khỏi căn cứ Bàu Bính, Ban Chỉ đạo vẫn quyết định cử mấy cán bộ xã, du kích trung kiên, gan lì, lanh lợi, sức khỏe tốt, trụ lại Bình Dương và giao đồng chí Lê Thành Nghị - Bí thư Xã ủy phụ trách để còn chốn đi về sau này...

***

Bình Dương trong đánh Mỹ từng hai lần được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, sau 10 năm hòa bình xây dựng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Những danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước phong tặng cho Bình Dương - tất cả đều nhờ dân, của dân. Mà dân Bình Dương chỉ biết làm cách mạng như một ông cụ ở thôn Một đã nói với nhà văn Chu Cẩm Phong (Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân) được nhà văn ghi vào nhật ký của mình khi nhà văn về sống và viết ở Bình Dương hồi đầu năm 1969.

… Sau gần 50 đất nước hòa bình thống nhất, bước lên con đường xây dựng cuộc sống mới, Bình Dương đã thay đổi hẳn. Mới đây, chúng tôi được nghe, được biết anh Phan Đức Nhạn - người con của Bình Dương, đã và đang tập trung tâm trí, tài lực để xây dựng tại Bình Dương một khu “Vườn Mẹ”, nơi có tới 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.347 liệt sĩ, có tới 4.700 người bị Mỹ - ngụy giết hại, thì cần phải có một vị trí thật trang trọng, ấm áp để họ yên nghỉ, để người đời thờ phụng, tri ân, chiêm ngưỡng, học hỏi. Ý tưởng xây dựng khu “Vườn Mẹ” của anh Phan Đức Nhạn và những người tư vấn là một ý tưởng cao quý, rất đáng trân trọng, hoan nghênh, cần được ủng hộ.

Xây dựng tại Bình Dương một khu “Vườn Mẹ” là một ý tưởng độc đáo của ý chí, phẩm chất của người dám nghĩ, dám làm, một công trình tri ân những người đã hy sinh vì quê hương, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Một công trình khắc ghi lịch sử - văn hóa của một vùng đất anh hùng, chớ không phải chỉ của Bình Dương mà cho vùng Đông Thăng Bình, vùng Đông Quảng Nam, cho cả Thăng Bình, cho cả Quảng Nam, rất mong các cấp lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam, của huyện Thăng Bình mà trực tiếp là những người có quyền, có trách nhiệm tận tình, tận tâm ủng hộ để ý tưởng xây dựng khu “Vườn Mẹ” sớm được thực hiện, tạo nên một công trình về lịch sử - văn hóa tầm cỡ, góp phần làm cho quê hương Thăng Bình, Quảng Nam ngày một thêm giàu đẹp, xứng danh với đất anh hùng.

                                                                                                 T.T.S