Chú chó sầu muộn (Đọc Chó hoang - Bùi Tự Lực)

25.06.2020

Đối với loài người thì chó giữ vai trò đặc biệt, nó là người bạn trung thành nhất. Chó canh gia súc, chó giữ nhà, trông trẻ và thành thú cưng. Bởi vậy, những tác phẩm văn chương viết về chú chó xuất hiện nhiều và trở thành kiệt tác: con chó Buck (Tiếng gọi nơi hoang dã, Jack London), Con Bim (Con Bim trắng tai đen, G.Troyepolsky). Ở Việt Nam, chó xuất hiện trong văn học khá nhiều. Trẻ con không được ăn thịt chó (Nam Cao), Con chó xấu xí (Kim Lân), Chó Bi, đời lưu lạc (Ma Văn Kháng) Tôi là Bê tô, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (Nguyễn Nhật Ánh), Dạ Ngân (Con chó và vụ li hôn), Nguyễn Thị Thu Huệ (Minu xinh đẹp), Sương Nguyệt Minh (Những vùng trời của họ) v.v...

Chú chó sầu muộn (Đọc Chó hoang - Bùi Tự Lực)

Điểm qua một vài tác phẩm như thế để thấy nhà văn Bùi Tự Lực với tác phẩm Chó hoang viết cho thanh thiếu niên đã đi vào một đề tài nhiều người khai thác. Là người viết, đương nhiên ông biết rõ điều đó, và ông dũng cảm đặt ngòi bút vào chỗ tưởng chừng khá cũ ấy, mà lại chẳng cần đặt tên truyện câu khách - Chó hoang - gọi đúng tên số phận của con vật. Đã vậy, cốt truyện cũng khá truyền thống, một con chó trung thành bị hiểu nhầm và chủ của nó đã đối xử thậm tệ, đánh đuổi tội nghiệp. Nó trở thành chó hoang, sống chui lủi ở những khu dự án bỏ hoang và được một gia đình bà giáo thương xót chăm chút. Tuy nhiên, câu chuyện có vẻ cũ kĩ ấy có một sức hấp dẫn đặc biệt bởi tác giả đã đưa vào đó những chiêm nghiệm đời sống sắc nhọn nhưng cũng nhiều trắc ẩn.

Con Vằn vốn dĩ được nuôi cẩn thận trong một gia đình trí thức thành phố, trở thành chó hoang vì một sự hiểu lầm. Ông tiến sĩ - chủ cũ của con chó vốn là nhà nghiên cứu và bảo vệ động vật hoang dã. Thật mỉa mai. Cư xử đối với loài vật lộ ra tính cách đạo đức giả của nhân vật, có sự vênh lệch rất lớn giữa tình yêu động vật và lời nói về tình yêu động vật. Thấy một người chiều chuộng một con vật nào đó đừng vội kết luận là thể hiện tình yêu muôn loài. Bởi thực ra, đằng sau mối quan hệ đó còn che dấu nhiều diễn ngôn mơ hồ về tình cảm của con người. Loài người trở nên tàn ác và độc đoán, vì con người tự cho mình là “chúa tể của muôn loài” nên được phép hành xử bất công và tàn nhẫn với vạn vật. Bởi vậy, việc ông tiến sĩ nọ bị tai biến rồi ngất lịm gữa hội thảo trình bày về Bảo vệ động vật hoang dã như là một cách cảnh báo đầy chua chát của nhà văn. Chúng ta thường nghĩ đến quyền con người mà quên mất quyền của động vật.

Nhận thức về quyền động vật đánh dấu bước tiến lớn trên lộ trình nhân văn hóa con người. Loài vật là thước đo nhân tính “Nhìn cách con người đối với con vật thì biết ngay người đó thế nào” (Tre nở hoa - Quế Hương). Đó là lí do trong cấu trúc cốt truyện thường đặt con người trong sự đối sánh với loài vật. Tình yêu vô lượng với loài vật của ông bà giáo là những con người biết nâng đỡ con vật bị thương tổn, đồng cảm với số phận loài vật bị chà đạp bằng một tình yêu sâu nặng. Bản năng chăm sóc muôn loài là thước đo nhân tính. Ông bà giáo trong truyện thấu cảm với động vật, chia sẻ cảm giác bị đau với con Vằn, lo lắng cho nó trong hai lần sinh nở, nâng đỡ tình mẫu tử của con chó với con của nó. Trong xã hội vắng lặng tình yêu, sự thương cảm của ông bà giáo thể hiện tấm lòng với động vật. Trong mối quan hệ với tự nhiên, đạo đức sinh thái của thế kỉ XXI đã có những thay đổi, con người không còn là kẻ chinh phục mà là những người biết cúi xuống những số phận tự nhiên bị thương tổn, biết chia sẻ cảm giác bị đau với muôn loài, biết lắng nghe tiếng nói từ vạn vật, biết chia sẻ và tôn trọng muôn loài. Có lẽ, vẫn có một nguồn mạch ngầm chảy suốt trong các trang viết về loài vật. Truyện hướng đến đối tượng trẻ nhỏ, những tâm hồn bé bỏng nguyên sơ thanh khiết gợi sự trong sáng, thuần khiết của tâm hồn.

Nhưng câu chuyện không giản đơn chỉ là việc người tốt việc tốt. Bùi Tự Lực đặt ra nhiều vấn đề của sinh thái hiện đại. Tác giả đặt ra vấn đề quyền của động vật, loài vật cũng có những đặc điểm như con người, vậy tại sao xâm hại đến phần bị đau của đồng loại thì trái với nhân đạo còn với động vật thì được phép? Làm thế nào khi loài vật bị mất không gian? Truyện đặt ra nhiều vấn đề thời sự.

Đô thị đã làm loài vật mất không gian sống. Con chó sống ở các khu đất hoang. Hai lần nó mất nhà ở vì các dự án khởi công trở lại. Lần thứ nhất nó chọn nơi trú ẩn là dưới gầm một chiếc ô tô cũ, bụng mang dạ chửa, bị lấy mất ổ khi người ta giải phóng khu vực đó để xây dựng. Lần thứ hai là khi Vằn đào hang để đẻ con, công nhân xây dựng đến tấp vật liệu, phá luôn cái ổ - công sức nhọc nhằn của nó. Đô thị đã khiến loài vật mất chỗ trú ẩn. Không gian sống của loài vật bị đe doạ. Thực tế không gian của loài vật bị thu hẹp là số phận chung của nhiều loài động vật. Voi Tây Nguyên không có rừng nên phải tràn về cánh đồng để kiếm ăn. Đồi từng là đất cư ngụ của mối, kiến con người đến và cướp đoạt giang sơn của nó. Loài người đã chiếm đoạt không gian sống của vạn vật, xâm lấn tự nhiên, dành đất của muôn loài, khai thác cạn kiệt tự nhiên: “Đất này nguyên là giang sơn của mối” (Mối và người - Trần Duy Phiên); “Đất rừng của chúng đâu phải của mình” (Kiến và người - Trần Duy Phiên).

Chú chó được sống trong một gia đình tình cảm, ấm êm mà số phận của nó đã được định đoạt bởi cú đánh nghiệt ngã của vị tiến sĩ - chủ cũ của nó và từ đó nó sợ hãi, cảnh giác loài người. Con chó hoang ấy vốn cũng là một giống chó quý ở vùng sơn cước. Giống chó rừng thuần chủng, dễ nuôi, dễ dạy, khôn ngoan và đặc biệt trung thành với chủ, vậy mà sau này dù có được yêu thương nó vẫn giữ một khoảng cách với con người. Bùi Tự Lực đã phân tích tinh tế về tính cách của con Vằn, vừa yêu thương lại vừa sợ, vừa muốn quấn quýt lại vừa phải trốn chạy con người “Con chó hoang sợ cả lòng tốt của con người”, “Nó sợ cả cái vẫy tay thân thiện của con người”.

Nhưng trên hết, sự căng thẳng của con người và loài vật có lẽ còn thể hiện ở bản tính hoang dã của loài vật. Mỗi loài có cảm nhận đời sống riêng theo cách của nó, có một cảm quan đặc biệt trong việc cảm giác về cuộc sống. Dường như mỗi loài có sinh mệnh riêng không loài nào sống thay được. Con Vằn vốn dĩ là một loài vật sống ở rừng, nên bản năng hoang dã vẫn rơi rớt trong tâm hồn, dù đã về phố. Dấu vết hoang dã ấy khiến nó không muốn bị ràng buộc bởi gia đình ông giáo. Lòng thương của ông bà giáo với những đứa con của nó lại trở thành nỗi đau chia lìa mẹ con của chúng, những đứa con sinh ra lứa thứ nhất bị mang đi cho, khiến con mẹ ngẩn ngơ, còn con chó còn lại (tên Cu Đen) thì bị chết vì nó là chó nhà, nuôi trong môi trường khá vô trùng, thức ăn mà con Vằn đem về khiến con nó nhiễm khuẩn mà chết - Loài vật đâu hiểu được sự phiền phức trong quá trình tiến hóa sinh tồn ấy. Đôi khi lòng thương hại của con người cũng gây hại cho loài vật. Thậm chí, cả tổ chức bảo vệ động vật - Trạm Thông tin và Cứu hộ chó mèo - cũng chẳng giúp cuộc sống con Vằn tốt đẹp hơn. Loài vật vẫn sống đời của nó. Tự do là mong muốn của bất cứ loài nào sinh tồn trên trái đất này. Phải vậy mà con chó Buck của Jack London đã trở về với tự nhiên hoang dã. Nhưng con Vằn ở đô thị, nó không có cái kết viên mãn như vậy. Một lần cứu ông giáo khỏi tấn công của con rắn, nó bị thương rồi bỏ chạy. Cái kết lơ lửng trong niềm mong ngóng của vợ chồng ông giáo và hai đứa con nó như một sự không hoàn kết của số phận loài vật.

Truyện Chó hoang giúp chúng ta nhận thức nhiều hơn câu chuyện của một con chó bị bỏ rơi. Bùi Tự lực đã đặt ra hầu hết các vấn đề của sinh thái hiện đại về sinh mệnh của loài vật, về cái hoang dã, về tự do, về không gian trú ẩn... Bùi Tự Lực cũng giúp chúng ta nhận ra dù chúng ta bận tâm đến bất cứ điều gì của cõi người, chúng ta vẫn ở trên Trái đất; trong mọi mối quan hệ, chúng ta vẫn tiếp xúc với cỏ cây muông thú, vậy mà trái đất đang lâm nguy, loài vật dần vắng bóng trong đời sống, con người trở nên bất an trong thời đại văn minh kĩ trị. Vậy nên, văn học cần nhắc nhở cho con người về nỗi cô đơn và sự trống vắng “loài người đã bắt cây cỏ và động vật phải im lặng” khiến cho con người rơi vào “năm trăm năm cô đơn” như cách nói của Yuval Noah Harari trong Lược sử tương lai.

Trần Thị Ánh Nguyệt
(Non Nước số 268)