Đâu rồi hương vị Tết xưa

17.01.2022
Hồ Thị Thùy Trang

Đâu rồi hương vị Tết xưa

1.

 Nghe xong cuộc gọi của con trai, ông Tám buông chiếc điện thoại xuống, vẻ mặt buồn thênh. Mới 23 tháng Chạp mà cây mai trước nhà đã bung nở vàng rực cả góc sân trước nhà. Ông nhớ mình đã trồng nó khi thằng Hải lên 5 tuổi. Mọi năm cứ vào giữa tháng Chạp, khi mai bắt đầu nhú những búp nhỏ xíu, ông và thằng Hải lại cùng lặt lá để mai nở bông đúng vào dịp Tết. Bây giờ cây mai ấy đã thành một cây cao lớn, còn thằng Hải con trai ông cũng đã lấy vợ rồi ở luôn trên thành phố.

Thấy vậy, bà Tám đang lọ mọ bày mâm cỗ cúng ông Táo cũng ngưng tay lại, chạy đến hỏi:

- Năm nay vợ chồng nó lại không về quê ăn Tết hở ông?

- Ừ... Nó bảo bận, hẹn năm sau...

- Cái thằng! Thôi ít hôm nữa chúng nó lại về đông đủ đó mà. Ông ra phụ tôi một tay cho kịp giờ đưa ông Táo lên chầu trời.

Ngoài đường, người đi chợ nườm nượp, tiếng cười nói cứ râm ran không dứt, trẻ con chạy nhảy tung tăng khắp xóm. Cả ông và bà không nói ra nhưng ai cũng cảm thấy chạnh lòng. Ông bà chỉ sinh được một đứa con trai duy nhất là thằng Hải. Hồi đó sức khỏe bà yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông bà quyết định không sinh thêm nữa. Thế mà, Tết đã cận kề, mà nó lại chẳng chịu về ăn Tết với ông bà.

Mâm cúng đã chuẩn bị xong. Ông Tám lặng lẽ thắp nén nhang rồi khấn vái hồi lâu. Những làn khói trắng bay lơ lững khắp nhà, ông thấy mắt mũi mình cay xè. Ông nhớ thằng Hải, nhớ thằng cháu nội đích tôn và nhớ cả những hôm cả nhà ngồi quây quần bên mâm cơm ấm áp. Giờ trong căn nhà nhỏ đơn sơ, chỉ còn hai cái thân già nương tựa vào nhau.

Đêm đã khuya mà ông Tám vẫn không tài nào chợt mắt nổi. Ông ngồi dậy, thấp thỏm đi ra đi vào rồi ra ngoài hiên ngồi hút thuốc. Ngoài trời lạnh căm, mọi thứ như chìm nghỉm trong bóng tối, chỉ có không gian và thời gian như dãn dài ra vô tận. Ông nhẩm tính, vậy là thằng Hải đã lên thành phố được hơn 10 năm, gần 2 năm rồi nó chưa về nhà. Tiếng gió thổi xào xạc qua từng kẽ lá càng khiến ông thêm đăm chiêu suy nghĩ. Chẳng biết vợ chồng nó sống trên thành phố thế nào, đã chuẩn bị Tết đầy đủ chưa? Bất giác ông chạy vào gọi bà Tám dậy.

- Bà nó ơi.... Dậy đi, tui nói cái này!

- Có chuyện gì mà gọi tui thức giờ này vậy ông? - Bà Tám vội vàng bật dậy.

- Hay tui với bà năm nay lên thành phố ăn Tết với vợ chồng thằng Hải. Tui nhớ chúng nó quá!

- Lên ăn Tết với vợ chồng nó thì ai trông nom nhà cửa? - Bà Tám lưỡng lự.

- Để tui nhờ vợ chồng thằng Tư trông dùm. Tui với bà lớn tuổi rồi, giờ mình còn khỏe mạnh, còn đi được, lỡ sau này... Mà thành phố cách mình cũng đâu có xa mấy, lên đó còn xem vợ chồng nó ăn ở thế nào nữa.

- Mà dịch bệnh thế này đi lại cũng lo?

- Bà quên là tui với bà đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Pfizer à? Sáng sớm mai tui với bà ra trạm y tế xã xét nghiệm Covid có kết quả âm tính nữa là được. Rứa bà hỉ! - Bỏ ngoài tai sự lưỡng lự, lo lắng của bà, ông vẫn giữ nguyên quyết định của mình.

Trước giờ bà Tám cũng chưa lên thành phố, hằng ngày ông bà cũng chỉ quanh quẩn với heo gà và mấy đám ruộng. Thấy ông Tám có vẻ kiên quyết lại  thương nhớ con cháu, nghĩ thế bà cũng ưng thuận.  Từ lúc quyết định lên thành phố ăn Tết với vợ chồng thằng Hải, ông Tám có vẻ tươi vui hẳn lên. Ông thức dậy thật sớm để chuẩn bị cho chuyến đi. Nào mứt gừng, kiệu chua, bánh in, bánh thửng, xôi đường đậu đen toàn những thứ do bà tự tay làm. Còn bà thì ra vườn bắt hai con gà to béo nhất một trống, một mái. Con trống để nấu cúng đêm giao thừa, còn con mái để bà nấu mỳ quảng. Cứ nghĩ tới cảnh vợ chồng thằng Hải ăn tô mỳ tấm tắc khen ngon mà bà cười tủm tỉm. Trước lúc lên xe, ông còn tranh thủ chạy ra vườn hái một túi ớt xanh cho vào ba lô. Ông bảo, đây là món thằng Hải thích ăn nhất, loại ớt có vị cay dịu, vỏ giòn, thơm nứt mũi mà chỉ vùng đất Quảng Nam này mới có.

 

2.

 Sáng sớm, tiết trời bàng bạc thổi từng cơn gió se lạnh, tiếng chuông điện thoại đổ dồn khiến Hải giật mình thức giấc, Hải lầm bầm: “Không biết ai mà lại gọi giờ này!”, Hải nhìn màn hình nhấp nháy sáng hiện lên chữ “BA”.

- Alô! Con nghe ba.

- Anh làm gì mà lâu bắt máy vậy? Giờ này mà vẫn còn ngủ à!

- Có chuyện gì mà ba gọi con sớm vậy ạ?

- Anh ra mở cửa cho ba má anh vào mau lên! Lạnh quá, sắp đông cứng rồi!

Hải vội vàng chạy ra mở cửa với vẻ mặt đầy bất ngờ:

- Sao... Sao ba má lên mà không báo với vợ chồng con trước?

- Năm nay vợ chồng anh không chịu về quê ăn Tết, ba anh nhớ nên một mực đòi lên đây đó!

- Thôi dù gì thì ba má cũng lên đây rồi, anh có cho ba má năm nay ăn Tết ở đây không? Nói để hai cái thân già này còn biết đường về. - Ông Tám giận dỗi nói.

- Dạ... Con mời ba má vô nhà ạ.

Vừa bước chân vô nhà, ông bà Tám nhìn quanh mọi thứ thật bừa bộn cứ như vừa bị ai xới tung lên. Trên bàn là đĩa trái cây ăn dở từ tối hôm qua chưa dọn, đồ chơi của cu Bin thì vứt la liệt khắp nhà, giày dép để bừa bãi mỗi góc một chiếc, bàn ghế, cầu thang bụi bặm bám đầy. Trong nhà bếp, chén bát, xoong nồi ngập ngụa chưa rửa, mùi thức ăn hôi thối bốc lên nồng nặc. Nhà vệ sinh như lâu lắm rồi chưa được cọ rửa, quần áo bẩn chắc để cả tuần rồi chưa giặt. Trong phòng ngủ của hai vợ chồng còn kinh khủng hơn: chăn màn, quần áo, tất, ngay cả đồ lót cũng vứt hỗn độn khắp giường, thậm chí bịch bim bim còn để trên
đầu giường. Bà Tám lặng nhìn căn nhà mà ngao ngán thở dài.

- Vợ anh đâu mà để nhà cửa bừa bộn thế này? Bẩn không chịu được, 26 Tết rồi sao chẳng chịu dọn dẹp gì hết vậy? - Ông Tám khó chịu lớn tiếng hỏi.

Hải ấp úng, nói đỡ cho vợ:

- Dạ... Dạ... Vợ con đi làm cả ngày, bận tối mặt, về lại trễ nên không có thời gian dọn dẹp.

Ông Tám tức giận quát thằng Hải:

- Thế anh chị định để căn nhà bừa bộn như thế này mà ăn Tết à?

- Ba má yên tâm, mai con thuê dịch vụ “Dọn nhà đón Tết” tới là mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ ngay ấy mà! Chỉ một ngày là xong thôi! - Hải nhanh nhảu trả lời.

Nghe thằng Hải nói vậy, ông bà cũng chẳng biết nói gì hơn, nhưng thấy cảnh vợ chồng nó sinh hoạt bừa bộn như vậy ông bà cũng cảm thấy buồn lòng. Bà cũng chả dám trách móc con dâu nửa lời, bởi bà biết nó làm ra nhiều tiền, lại nhanh nhẹn, căn nhà dưới quê cũng là tiền con dâu gửi về cho ông bà sửa sang lại.

Sáng hôm sau, vợ chồng thằng Hải đã đi làm từ sớm, chỉ có cu Bin ở nhà chơi với ông bà. Đúng 8 giờ sáng, có ba người, hai nam, một nữ mặc đồng phục có in dòng chữ “Dịch vụ dọn nhà đón Tết” tới, ông bà nghĩ: “Chắc là vợ chồng thằng Hải thuê người tới dọn nhà”. Họ dọn dẹp toàn bộ căn nhà, lau dọn từng ngóc ngách, bàn thờ gia tiên, tủ, bàn ghế, cửa kính, cầu thang và cả những nơi bám nhiều bụi nhất. Chưa hết một ngày mọi thứ trong nhà đều trở nên sạch sẽ, bóng loáng.

Nhìn căn nhà gọn gàng, sạch bóng, ông Tám tặc lưỡi:

- Chà! Sạch quá bà nó nhỉ?

- Ừ! Chả như ở quê mình, cứ cận Tết, mọi người lại cùng nhau dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa. Tui thấy như thế mà vui ông ạ. - Bà Tám ngậm ngùi.

- Bà nói cũng phải, việc dọn dẹp nhà cửa đón Tết từ lâu đã trở thành một nét văn hóa của mỗi gia đình người Việt. Thế mà cuộc sống bận rộn, chúng nó chả có thời gian dọn lại đi thuê người...

Bên khung cửa sổ, tiếng gió thổi vi vu, se lạnh. Ông bà Tám ngồi yên không nói thêm câu nào. Mắt đăm đăm nhìn ra ngõ kèm theo những tiếng thở dài thườn thượt.

 

28 Tết mà vợ chồng thằng Hải vẫn đi làm. Cu Bin sang nhà bạn chơi, chỉ còn ông bà trong căn nhà vắng lại. Nếu như ở quê, chắc giờ này ông bà đang gói bánh tét trong tiếng cười nói rôm rả, tất bật cùng bà con lối xóm. Những chiếc bánh được gói đẹp mắt, dày dặn thường được bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên. Với nhiều thế hệ, nhất là thế hệ của ông bà việc gói bánh tét là niềm vui cứ mỗi độ Tết đến xuân về. Ông bà quyết định ra chợ gần nhà mua nào: nếp, đậu xanh, lá chuối, thịt mỡ, đậu phộng, lạc... về gói bánh. Bà ngâm nếp, ướp thịt ba chỉ với tiêu hành tím, vò đậu xanh, đậu phộng, còn ông thì lăng xăng tuốt lá chuối, chẻ lạc. Phải mất cả buổi, ông bà mới gói xong mấy chục đòn bánh tét.

Có tiếng loạch xoạch mở cổng. Con dâu về, thấy ông bà đang chuẩn bị nấu bánh tét nó tỏ vẻ khó chịu, gằn giọng: “Ở thành phố chớ đâu phải ở quê đâu mà ba má gói bánh tét cho cực, rồi chỗ đâu mà nấu? Không cẩn thận gây cháy nổ thì biết làm thế nào? Nấu bếp gas thì khi nào mới chín, bao nhiêu gas cho đủ. Thôi bỏ hết đi, để đó con đặt mua cho”. Nghe con dâu cằn nhằn xong, ông bà buồn thiu không nói nên lời cũng giận con dâu lắm nhưng lại không muốn nói ra vì sợ nó phật lòng và để gia đình êm ấm. Con dâu thì không mấy quan tâm, nó đưa điện thoại lên bấm bấm, chỉ một tiếng sau đã có người giao bánh tét tới. Nó còn đặt mua thêm nhiều loại bánh mứt, hạt dưa, trái cây, hoa, giò, chả, rau củ... Con dâu quay sang nhìn ông bà rồi tỏ vẻ hài lòng: “Bữa nay dịch bệnh, mua hàng online là tiện nhất đó ba má, đỡ mất thời gian nữa, alô cái rẹt là có liền!”.

Ông bà nhìn những thứ mà con dâu vừa mới mua, đúng là chả thiếu thứ gì, chỉ cần một cuộc gọi điện thoại, một tin nhắn cũng đã có thể mua được đủ thứ để ăn trong ba ngày Tết.

- Kiểu ni chắc chợ truyền thống đóng cửa hết quá! - Bà lắc đầu, thở dài...

- Nhìn thì đẹp mắt, hấp dẫn đó, chẳng biết có đảm bảo vệ sinh không?

Thời đại công nghệ 4.0, dịch vụ mua hàng online, ship tận nhà càng phát triển, nhiều gia đình ở thành phố bận rộn không có thời gian để tự tay nấu các món ăn truyền thống cho gia đình. Có lẽ vì thế mà hương vị Tết cũng vơi đi không ít. Mọi năm, vào những ngày này dường như bà Tám chẳng mấy khi ra khỏi nhà, chỉ quanh quẩn lụi cụi cả ngày dọn dẹp, nấu nướng đủ món, gian bếp lúc nào cũng đỏ lửa. Bà nghĩ góc bếp ở nhà chắc giờ này hiu quạnh lắm...

3.

 Còn hơn ba tiếng đồng hồ nữa là đến thời khắc giao thừa. Ông Tám chắp tay sau lưng đi đi lại lại nhìn ra ngoài đường. Thỉnh thoảng ông ra trước hiên nhà ngắm nghía chậu cúc vàng mới bung nở, ông nghĩ bụng: “Giá mà có chậu mai vàng, thấy mai là thấy Tết”. Bà Tám thì đang lục đục nấu xôi chè, luộc gà để chuẩn bị cúng giao thừa. Ở thành phố mà không gian yên tĩnh đến lạ lùng, mãi lúc sau mới có tiếng nhạc xuân vang lên từ đâu đó.

- Ba ơi! Cả nhà mình đi xem bắn pháo hoa đi!

- Ở nhà chơi với ông bà nội đi con, lâu lâu ông bà mới lên chơi.

- Ứ... Ừ... Con không chịu đâu! Con muốn đi xem bắn pháo hoa cơ.

- Bin! Ba nói con có nghe không?

- Hải lớn tiếng la thằng bé.

Con dâu nghe tiếng Hải la cu Bin liền chạy xuống nhăn nhó:

- Cả năm mới bắn pháo hoa có một lần, chở con đi xíu rồi về có sao đâu? Năm nay ba má ở đây ăn Tết mà anh lo gì.

- Em nói vậy mà nghe được à! Ba má lặn lội đường sá xa xôi lên đây để ăn Tết với con cháu, vậy mà mình lại bỏ đi chơi.

- Ơ hay! Anh buồn cười ghê hì. Thôi anh ở nhà mà chơi với ba má anh đi, em với cu Bin tự đi cũng được.

Ông ở ngoài sân, bà ở dưới bếp nhưng đều nghe rõ cuộc nói chuyện của hai vợ chồng thằng Hải. Chẳng hiểu bọn trẻ bây giờ sống kiểu gì, hở tí là giận dỗi, cãi vã, bởi thế chúng làm gì có thời gian mà yêu thương, chăm sóc cho nhau như ông với bà. Một lúc sau, thằng Hải cũng chở vợ con đi xem bắn pháo hoa. Đêm 30 Tết mà ông bà thấy lòng buồn ngập tràn: “Ở quê có khi còn vui hơn”. Ông Tám lầm bầm.

Kim đồng hồ đang dần nhích về thời khắc giao thừa, vậy mà vợ chồng thằng Hải vẫn chưa về. Ông đặt một cái bàn nhỏ giữa sân, bày trên mâm một con gà luộc bắt chéo cánh tiên đẹp mắt, lọ hoa cúc tươi bên mép bàn, xôi chè, đĩa bánh kẹo, trái cây và một chiếc đèn dầu. Ông đốt nén nhang, vái lạy bốn phương trời đất, cầu mong một năm thật nhiều sức khỏe, bình an, gia đình sum vầy, hạnh phúc bên nhau. Khói nhang bay nghi ngút, bà đứng bên mà ứa nước mắt, bật khóc nghẹn ngào thành tiếng trong nỗi buồn tủi. Thấy vậy, ông Tám vội hỏi:

- Bà khóc đó à?

- Đâu... Đâu có! - Bà vội vàng lấy tay lau nước mắt.

- Thôi nín đi bà, năm mới đến rồi phải vui vẻ lên chứ. Bà mau chuẩn bị phong bao đỏ để xíu bọn trẻ về còn lì xì.

Ông Tám trấn an, động viên bà chứ trong lòng cũng buồn tủi không kém. Ông đưa mắt hướng ra phía ngoài ô cửa sổ, gió đang rít lên từng hồi, mưa xuân lất phất rơi từng hạt mà lòng bùi ngùi tự hỏi: “Đâu rồi hương vị Tết xưa?”.

H.T.T.T

Bài viết khác cùng số

Món quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐâu rồi hương vị Tết xưaKhông nhà đêm BA MƯƠITản mạn tình đất tình người 25 nămBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânĐiệu hát Bài chòi năm xưaQuê nhà mùa cũ thơm hươngXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnChuyện tình trên đỉnh non caoXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngKhúc đêm tự tìnhBánh nổGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýCon đườngĐứng trước biểnCũng đằm thắm láSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaBán đảo Sơn TràTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaKhúc ru hờiXuân caẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiNguyễn Trãi đến Tây HồTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLực ơi!Tuổi mùa xuânNhững mùa hoa Hà NộiMùa vuiLan man xuân vềTheo dòng miên viễnVề quêGieo lại mùa thươngMưaTím biếc hoa chiềuCọGiải mã một điều bình thườngĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânNhớ mẹVề thăm mộ mẹ