Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt ra

18.01.2022
Bùi Văn Tiếng

Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt ra

Toàn cảnh Tọa đàm Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố. Ảnh Đinh Trang

BBT: Ngày 19 tháng 11 năm 2021, trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba, Hội đồng Lý luận, phê bình Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Từ Hội Văn hóa Cứu quốc đến Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam - Những vấn đề hiện nay của sự phát triển văn hóa, văn nghệ”, Tạp chí Non Nước số Xuân Nhâm Dần 2022 xin giới thiệu phần thứ hai trong tham luận của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng tại Hội thảo này.

Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng là tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, trải qua một quá trình hình thành và phát triển từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau mấy thập niên thực hiện sứ mệnh tập hợp đoàn kết văn nghệ sĩ trên địa bàn, đã có nhiều thành tựu đáng tự hào, nhưng đồng thời cũng đang đối diện với không ít thách thức trên chặng đường sắp đến.

Trước hết là về vị thế chính trị. Như đã nói trên, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng là tổ chức thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam; các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đều là thành viên của các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Đồng thời Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cũng là tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng và Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, là một trong tám Đảng Đoàn trực thuộc Thành ủy Đà Nẵng. Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và là Phó Chủ tịch không chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố. Ba nhiệm kỳ gần đây, Ban Thường vụ Thành ủy còn giới thiệu một Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy vừa đến tuổi nghỉ hưu là hội viên hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố ứng cử vào chức vụ Chủ tịch Liên hiệp Hội.

Với vị thế chính trị ấy của tổ chức và của người đứng đầu tổ chức, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng có nhiều thuận lợi trong việc tranh thủ các nguồn lực để phát triển văn học nghệ thuật trên địa bàn, tạo điều kiện tiếp sức cho văn nghệ sĩ trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Các nguồn lực nói ở đây vừa bao gồm nguồn lực hữu hình có thể đo đếm như là nguồn lực về tài chính, hoặc nguồn lực về nhân sự mà còn bao gồm nguồn lực vô hình như vị thế chính trị của tổ chức văn học nghệ thuật nói riêng và của giới văn nghệ sĩ nói chung như vừa nêu. Vị thế chính trị của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng còn được thể hiện qua cuộc tọa đàm Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố tổ chức vào chiều ngày 30 tháng 3 năm 2021 - nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng Đà Nẵng.

Tập thể Thường trực Thành ủy năm nào cũng gặp mặt văn nghệ sĩ vào dịp cuối năm âm lịch, nhưng đây là lần đầu tiên tập thể lãnh đạo cao nhất thành phố có buổi làm việc thực sự trọng thị và cầu thị với đại diện những người lao động sáng tạo nghệ thuật trên địa bàn. Và qua cuộc tọa đàm Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố, Thường trực Thành ủy muốn lắng nghe văn nghệ sĩ không phải qua các thông điệp nghệ thuật từ tác phẩm, mà chủ yếu là qua các ý kiến tư vấn của người trong cuộc về việc làm thế nào để phát triển bản thân sự nghiệp văn học nghệ thuật Đà Nẵng nói riêng, cũng như để phát triển trên lĩnh vực văn hóa và phát triển văn hóa trên các lĩnh vực của thành phố nói chung, làm thế nào để Đà Nẵng có một thương hiệu văn hóa như mong đợi - trên cơ sở những ưu thế độc đáo/ thuận lợi riêng có của mình.  

Tuy nhiên Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cũng đang đối diện với không ít thách thức ở chặng đường sắp đến. Chẳng hạn về vị thế chính trị, mặc dầu có thuận lợi như đã nêu trên, nhưng trên thực tế cũng có một số điểm nghẽn, nhất là trên phương diện tài chính. Nếu như Điều 1 Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ xác định “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam” thì Điều 2 Điều lệ Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 347/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ xác định “Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam (sau đây gọi tắt là Liên hiệp) là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp”.

Về phương diện tài chính, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam có thêm từ “nghề nghiệp” trong danh xưng “tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp” là bị thấp hơn một cấp so với vị trí thứ bậc của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam không có từ này. Bởi lẽ khoản 7 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 - có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017 - quy định: “Ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị-xã hội”; trong khi đó khoản 8 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 lại quy định: “Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm; ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ”.

Đương nhiên trong thực tế, mặc dầu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được xác định là tổ chức chính trị - xã hội nhưng tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước 2015 lại không đưa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vào danh sách các tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách nhà nước bảo đảm theo khoản 7 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015: “Kinh phí hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam được ngân sách nhà nước bảo đảm...”.

Thách thức nữa là về nguồn nhân lực công tác tại cơ quan Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố. Trước đây nguồn nhân lực này được hình thành chủ yếu từ số công chức/viên chức được thành phố điều động từ các cơ quan hành chính/đơn vị sự nghiệp của thành phố như Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa và Thể thao... Tuy nhiên khả năng điều động này ngày càng khó khăn và cũng có thể nói là không còn khả thi vì hầu như không công chức/viên chức nào muốn về công tác ở Liên hiệp Hội, do thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp khác giảm hẳn. Một số sinh viên mới tốt nghiệp đại học ngành ngữ văn hoặc báo chí chưa tìm được việc làm cũng từng “đầu quân” vào Liên hiệp Hội nhưng khi đã tìm được việc làm mới sẽ không ngần ngại nói lời chia tay - và thực ra với chính sách đãi ngộ gần như bằng không, Liên hiệp Hội cũng khó mà giữ chân họ được.

Một vài người trong số họ vẫn tiếp tục gắn bó với Liên hiệp Hội nhưng lại đang rơi vào tình trạng không xác định được ngạch bậc công vụ - không phải công chức đã đành mà cũng không phải viên chức... Điều đáng nói là các nhà báo ở Báo Đà Nẵng hầu hết là viên chức trong biên chế của khối Đảng thành phố, trong khi các nhà báo ở Tạp chí Non Nước và Trang tin điện tử tổng hợp Văn Nghệ Đà Nẵng, ngoài Tổng Biên tập là Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội nguyên là công chức được điều động từ Ban Tuyên giáo Thành ủy, chỉ có một hoặc hai người, nhưng chỉ thuộc diện hợp đồng và như vừa nêu - không phải viên chức...

Trong Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 vừa được ban hành theo Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ có nhiều giải pháp đột phá về việc tạo nguồn văn nghệ sĩ, nhất là trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nhưng không hề đề cập về việc tạo nguồn nhân lực trên lĩnh vực quản lý văn hóa nghệ thuật nói chung và nguồn nhân lực chuyên trách cho các tổ chức văn học nghệ thuật nói riêng. Theo tôi đã xác định vị thế chính trị của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên - trong đó có Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, cần phải tính toán đến việc tạo nguồn cho những người làm việc tại các cơ quan chuyên trách cũng đòi hỏi rất nhiều năng lực như làm báo, tổ chức sự kiện, vận động quần chúng...

 

Nhìn chung các tổ chức văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng trong mấy thập niên qua đã được các tổ chức văn học nghệ thuật ở Trung ương và Đảng bộ/ Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về vị thế chính trị để có thể đủ sức đảm đương nhiệm vụ tập hợp đoàn kết văn nghệ sĩ, tiếp sức cho văn nghệ sĩ trong lao động sáng tạo nghệ thuật, góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố bên sông Hàn, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba do “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2002 đến 2006, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” vào năm 2008, Huân chương Lao động hạng Nhì do “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2009 đến 2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” vào năm 2014 và Huân chương Lao động hạng Nhất do “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2014 đến 2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” vào năm 2020.

Tuy nhiên khi nhìn vào thực tiễn đã qua và nhất là khi hình dung chặng đường sắp đến, không thể không suy ngẫm về một số vấn đề, chẳng hạn về vị thế chính trị của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và về nguồn nhân lực chuyên trách tại cơ quan tổ chức văn học nghệ thuật này. Mong rằng Hội thảo khoa học toàn quốc Từ Hội Văn hóa Cứu quốc đến Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam - Những vấn đề hiện nay của sự phát triển văn hóa, văn nghệ và nhất là Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ góp phần giải tỏa thành công những điểm nghẽn nêu trên.

B.V.T

Bài viết khác cùng số

Món quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐâu rồi hương vị Tết xưaKhông nhà đêm BA MƯƠITản mạn tình đất tình người 25 nămBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânĐiệu hát Bài chòi năm xưaQuê nhà mùa cũ thơm hươngXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Năm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnChuyện tình trên đỉnh non caoXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngKhúc đêm tự tìnhBánh nổGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýCon đườngĐứng trước biểnCũng đằm thắm láSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaBán đảo Sơn TràTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaKhúc ru hờiXuân caẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiNguyễn Trãi đến Tây HồTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLực ơi!Tuổi mùa xuânNhững mùa hoa Hà NộiMùa vuiLan man xuân vềTheo dòng miên viễnVề quêGieo lại mùa thươngMưaTím biếc hoa chiềuCọGiải mã một điều bình thườngĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânNhớ mẹVề thăm mộ mẹ