NSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ Quảng

18.01.2022
Thiều Hạnh

NSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ Quảng

Xưa nay, nói đến xứ Quảng, trong tâm tưởng nhiều người, đặc biệt với những người con của quê hương Quảng Nam, đó là miền đất “địa linh nhân kiệt” nổi tiếng với danh xưng “ngũ phụng tề phi”, nơi sản sinh ra nhiều danh nhân, chí sĩ kiệt xuất cho đất nước như: Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng với những con người hiếu học, cần cù trong lao động, anh hùng trong kháng chiến, sống ngay thẳng, trọng nghĩa tình, với những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc mà bụi thời gian cùng những biến động thăng trầm của lịch sử khó có thể làm phôi phai, đất Quảng tự ngàn xưa vốn nuôi dưỡng trong mình một mạch nguồn đầy sức sống và được các thế hệ con cháu lưu truyền từ bao đời nay.

Đã có biết bao công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học nghệ thuật đầy tâm huyết của những người con lớn lên từ xứ sở “chưa mưa đà thấm” này với khát vọng gieo trồng, gìn giữ những hạt mầm tươi xanh để những giá trị văn hoá tốt đẹp của xứ Quảng mãi được trường tồn. NSND Huỳnh Hùng là người con nặng tình như thế!

Tôi may mắn được làm việc cùng NSND Huỳnh Hùng từ năm 1997 đến năm 2009 tại VTV Đà Nẵng (nay là VTV8) trước thời điểm ông được bổ nhiệm làm giám đốc Đài PT-TH Đà Nẵng và sau này là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng. Với tôi, NSND Huỳnh Hùng vừa là lãnh đạo, vừa là bậc đàn anh đáng nể trọng trong nghề báo hình, vừa là người truyền lửa có sức hút thú vị đối với đội ngũ những người làm phim trẻ trong suốt nhiều năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng. Như nhiều đồng nghiệp, tôi có cơ hội học hỏi ở ông sự hiểu biết sâu rộng, bản lĩnh nghề nghiệp, tư duy sáng tạo, đặc biệt là cái tâm của  người làm báo, luôn đau đáu với sự mất còn của những giá trị văn hóa, lịch sử trên quê hương, đất nước mình. Niềm đau đáu ấy được NSND Huỳnh Hùng giãi bày, gửi gắm như dốc hết gan ruột qua những bộ phim tài liệu mà ông dày công nghiên cứu và đeo đuổi, gắn bó gần như trọn cả cuộc đời.

Từ bộ phim tài liệu đầu tiên tôi được xem, Trang đời huyền thoại về mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, phim đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1998, NSND Huỳnh Hùng cùng đạo diễn Trí Trung và ekip thực hiện đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem qua những thước phim có sức lay động khi đứng trước nỗi đau tận cùng và nghị lực phi thường của một người mẹ có 9 người con là liệt sĩ. Từ giây phút ấy, tôi cảm nhận trong trái tim người nghệ sĩ này, có một khoảng lặng lớn lao, thăm thẳm dành cho những trăn trở nhân sinh và khát vọng được góp tiếng nói để gìn giữ, bảo vệ những gì quý giá mà cha ông để lại. Những bộ phim tài liệu do NSND Huỳnh Hùng thực hiện cùng các cộng sự trong hơn hai mươi năm qua đã minh chứng “tấm lòng chung thủy” của ông đối với vùng đất, con người Quảng Nam - Đà Nẵng, hai địa phương vốn có chung một cội nguồn văn hóa, lịch sử. Riêng với những người làm báo, khi nói đến mảng phim tài liệu về vùng đất anh hùng, hào kiệt này, không thể không dành sự ngưỡng mộ cho những bộ phim nổi tiếng mang dấu ấn Huỳnh Hùng như: Trang đời huyền thoại, Nhớ đảo, Một tấm gương, một tấm lòng, Người giữ thành Hà Nội, Người cháu gái cụ Phan, Con mắt còn có đuôi, Sông núi khắc tên, Còn nghe vọng tiếng trống chầu, Sóng cửa Hàn... Với cách làm phim riêng về xứ Quảng, NSND Huỳnh Hùng cùng những người thực hiện đã gặt hái được nhiều giải thưởng lớn cấp Trung ương với 5 Huy chương Vàng qua các kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc, 2 giải nhất Báo chí toàn quốc, 3 giải B Giải báo chí quốc gia, 4 Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Với một nhà báo đam mê phim tài liệu như NSND Huỳnh Hùng, có thể nói đây là bộ sưu tập giải thưởng thật đáng tự hào. Mỗi bộ phim đều chứa đựng thông điệp ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm đến người xem qua câu chuyện về cuộc đời của các danh nhân lịch sử; những người mẹ Việt Nam anh hùng; những chiến sĩ cách mạng kiên cường trong kháng chiến, liêm khiết trong thời bình; những người lính đảo ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc; những nhà báo, nhà văn tài hoa mà số phận buộc phải gánh chịu nhiều nghiệt ngã, đến sự lãng quên vô tình của con người trước những báu vật của tiền nhân... qua đó, tác giả đặt ra nhiều vấn đề cần được soi rọi, suy ngẫm.  Như ông từng chia sẻ “Tôi luôn chọn những đề tài có thể gửi gắm thông điệp. Con người và quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng chính là nguồn chất liệu phong phú và là nguồn cảm hứng dồi dào để tôi làm phim. Đặc biệt, tôi thích làm phim về danh nhân xứ Quảng, ca ngợi những nhân vật có phẩm chất cao quý, có dũng khí, hết mình vì dân vì nước như: Hoàng Diệu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Thoại, Phan Khôi... với mong muốn mượn câu chuyện của người xưa để gửi thông điệp đến hiện tại. Ví dụ như phim về danh nhân Hoàng Diệu trong Người giữ thành Hà Nội tôi chú trọng khai thác đức liêm khiết ở ông và muốn gửi gắm đến cuộc sống ngày nay”.

Ai từng xem những bộ phim tài liệu mà NSND Huỳnh Hùng là biên kịch, đạo diễn, đều thấy rõ niềm đau đáu ấy bàng bạc qua từng thước phim với những dấu tích tái hiện sống động trang sử hào hùng của dân tộc, qua sự chắt lọc tinh tế của người nghệ sĩ, được đúc kết, nâng lên thành những bài học sâu sắc. Đạo diễn, NSƯT Trí Trung, người đã sát cánh cùng NSND Huỳnh Hùng từ những bộ phim tài liệu đầu tiên, đã có những chia sẻ tâm đắc về “người bạn đồng hành” của mình: “Anh Huỳnh Hùng là người coi trọng và luôn ưu tư về lĩnh vực văn hoá, lịch sử dân tộc, cách mạng. Cùng với sự quan sát cuộc sống một cách tinh tế, nhiều chiều kích, với vốn nghề dày dạn, anh biết khai thác triệt để chi tiết đề tài, xây dựng hình tượng nghệ thuật, cấu trúc có lớp lang, hấp dẫn tạo cho tác phẩm tròn trịa cả về hồn cốt lẫn dung mạo. Một số tác phẩm có đề tài gai góc với những quan điểm, cái nhìn chưa được thấu đáo, anh không ngại va chạm mà mạnh dạn phản ánh, phân tích sự thật nguyên bản đầy tính nhân văn, truyền tải được tiếng nói, thông điệp giá trị mà các tác giả khác chọn sự an toàn thường hay e dè, né tránh, như câu chuyện về nhà văn, nhà báo Phan Khôi trong bộ phim “Đôi mắt còn có đuôi”, bị đánh giá rất nặng nề nhưng anh Huỳnh Hùng lại dũng cảm chọn để làm phim và đánh giá cao về ông. Việc đề cao tính sự thật của dòng phim tài liệu, sự dấn thân trong nghề và lòng dũng cảm của NSND Huỳnh Hùng được hoà trộn một cách tinh tế, góp phần tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đạt hiệu quả xã hội, gây được tiếng vang và sự đồng thuận trong lòng công chúng.”

Nói về sự dũng cảm, nhạy bén của người làm báo, ngoài bộ phim Con mắt còn có đuôi mà tác giả đặc biệt tâm đắc, NSND Huỳnh Hùng đã khẳng định sự dấn thân đầy bản lĩnh ở nhiều bộ phim tài liệu khác. Như trong bộ phim Một tấm gương, một tấm lòng phản ánh chân dung nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Nghinh, nhân vật mà tại thời điểm đó, không ít ý kiến cho là “người xét lại”, “hữu khuynh”. Nhưng với góc nhìn nhân bản, tư duy sắc bén của nhà báo Huỳnh Hùng, đó là một tấm gương sáng của lòng trung thực, một chiến sĩ cách mạng hết mình vì nước vì dân và có tinh thần đổi mới quyết liệt, đáng được ca ngợi. Và đúng như giá trị vốn có mà NSND Huỳnh Hùng gửi gắm qua thông điệp của bộ phim, những cống hiến lớn lao của anh hùng Hồ Nghinh được ghi công bằng tấm huân chương Hồ Chí Minh cao quý do Chủ tịch nước trao tặng cho ông vào năm 2006.

Dẫu biết như lời người trong cuộc “đi tìm sự thật lịch sử cũng gian nan lắm”, song vì tâm huyết với những giá trị văn hóa, lịch sử của đất Quảng, không ít lần NSND Huỳnh Hùng đã dũng cảm lội ngược dòng, cố gắng trả lại giá trị chân thật cho những nhân vật, sự kiện lịch sử qua những thước phim đầy thuyết phục, vừa có chiều sâu tư tưởng, vừa mang thông điệp mới mẻ, để lại những rung động ám ảnh trong lòng người xem. Như bộ phim Người cháu gái cụ Phan, phản ánh chân dung bà Nguyễn Thị Bình, nữ chính khách nổi tiếng trên lĩnh vực ngoại giao trong thời kỳ kháng chiến, thông qua đó, tác giả đề cập đến tư tưởng cứu nước vĩ đại của chí sĩ Phan Chu Trinh, một thời bị nhìn nhận một cách phiến diện là “cải lương chủ nghĩa”. Hay những trăn trở đắng lòng trước sự mai một của nghệ thuật Tuồng truyền thống khiến cho những nghệ sĩ chân chính phải lao đao trong cuộc mưu sinh mà lòng vẫn đau đáu hướng về tiếng trống tuồng và những vai diễn được gửi gắm trong bộ phim Còn nghe vọng tiếng trống chầu. Qua đó, tác giả đánh thức sự thờ ơ, quay lưng của nhiều người đối với tuồng cũng như các loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc, đồng thời khơi dậy tình yêu, mối quan tâm và trách nhiệm của toàn xã hội chung tay bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Còn nhớ nhiều năm trước, tại Quảng Nam - Đà Nẵng cùng nhiều địa phương trong cả nước dậy lên phong trào “sân khấu học đường” với việc đưa giáo dục nghệ thuật dân tộc vào nhà trường. Mặc dù được đầu tư nhiều tâm huyết song thực tế mô hình trên vẫn chưa trở thành hoạt động thường xuyên và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong trường học. Nhiều nơi, rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, khiến cho những nỗ lực của các nghệ sĩ tâm huyết bị uổng phí, còn các em học sinh ngày càng xa lạ với những giá trị nghệ thuật truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ những trăn trở ấy, NSND Huỳnh Hùng càng quyết tâm thực hiện những bộ phim lịch sử với mong muốn góp phần giáo dục cho các em học sinh hiểu biết tường tận về văn hóa, lịch sử nước nhà. Điển hình gần đây nhất, NSND Huỳnh Hùng cùng nhóm thực hiện đã gây tiếng vang với bộ phim Sóng cửa Hàn,  phản ánh cuộc kháng chiến của quan quân triều đình và nhân dân Đà Nẵng chống Liên quân Pháp - Tây Ban Nha năm 1858. Bộ phim ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp, được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề nghị mua bản quyền tuy nhiên, NSND Huỳnh Hùng đã tặng cho thành phố làm tư liệu để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

“Phim tài liệu là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi những người làm phim phải có kiến thức, có sự trải nghiệm và đặc biệt phải có cá tính sáng tạo, thẳng thắn, mạnh mẽ, thậm chí phải dũng cảm. Dũng cảm nêu lên vấn đề và dũng cảm thể hiện chính kiến của mình trước hiện thực”. Một đời làm phim tài liệu với quan điểm mạnh mẽ như thế, phải chăng chính điều cốt lõi ấy cộng với tình yêu dành cho quê hương đã thổi vào tâm hồn NSND Huỳnh Hùng nguồn năng lượng dồi dào để ông  tự tin vượt qua bao trở ngại, bước tiếp chặng đường không mệt mỏi cùng những đứa con tinh thần của mình? Không phải ngẫu nhiên những người yêu phim của NSND Huỳnh Hùng lại dành cho ông nhiều tình cảm trân quý bằng những lời đẹp đẽ như: “Người viết sử thi trên phim tài liệu”, “Ông đã dày công chắt lọc những viên ngọc quý hiếm của lịch sử xứ Quảng” hay “Người làm rạng rỡ thêm truyền thống lịch sử”...

Như con tằm nhả tơ miệt mài cho đến sợi tơ cuối cùng, NSND Huỳnh Hùng đã cho thấy tấm lòng sắt son với những gì ông theo đuổi, dẫu khi là một nhà báo hay ở cương vị quản lý. Nếu nói những bộ phim tài liệu với sức lan tỏa đến nhiều thế hệ của NSND Huỳnh Hùng cùng nhóm tác giả là khát vọng của một đời làm báo chân chính thì những việc làm đặc biệt ý nghĩa khi ông ở cương vị Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng được ngợi ca như một cống hiến quan trọng cho sự phát triển văn hóa của địa phương. Báo chí đặt tên cho NSND Huỳnh Hùng là “Người giải cứu di sản văn hóa” bởi ông đã ghi dấu ấn rất lớn trong việc giải cứu nhiều di tích lịch sử quan trọng tại thành phố Đà Nẵng.

Từ báo chí chuyển sang văn hóa, tuy hai vị trí khác nhau, song mục tiêu theo đuổi vẫn là một. Ở cương vị mới, NSND Huỳnh Hùng càng có nhiều cơ hội thuận lợi để lên tiếng bảo vệ những di tích văn hóa, lịch sử đang kêu cứu do tác động của thời gian, chiến tranh và cả sự vô tình của con người. Nắm rõ thực trạng của những di tích nhiều năm không được quan tâm thỏa đáng như Hải Vân Quan dần trở thành phế tích; hay tình trạng quy hoạch còn nặng về kinh tế mà xem nhẹ văn hóa, dẫn đến gây phản cảm như việc xây thang máy lên ngọn Ngũ Hành Sơn, thậm chí như Thành Điện Hải bị xâm phạm nghiêm trọng vùng lõi di tích..., NSND Huỳnh Hùng đã không ngại khó khăn, nỗ lực bằng mọi cách  làm thay đổi nhận thức đối với những người trong bộ máy nhà nước và những hộ dân sống gần khu di tích nhằm bảo vệ cho được những di tích văn hóa, lịch sử này. Có một câu chuyện thú vị được NSND Huỳnh Hùng chia sẻ cho thấy tâm huyết và sự nhạy bén của ông trong việc nỗ lực bảo vệ di tích Thành Điện Hải“Thành Điện Hải là một di sản văn hóa vô cùng quan trọng, là “bàn thờ” của Đà Nẵng, vì vậy việc bảo tồn, trùng tu di tích này còn là đạo lý với tiền nhân. Trong một buổi truyền hình trực tiếp HĐND thành phố, nhân cơ hội các đại biểu chất vấn về di sản văn hóa, tôi chớp thời cơ, cố tình hướng đại biểu, người dân và dư luận quan tâm đến di tích đặc biệt này, để các hộ dân xung quanh Thành Điện Hải thấy được giá trị của thành, để khi vận động di dời thì người dân đồng thuận. Và quả thực, 80 hộ dân sống trong vùng lõi di tích này đã biết và ủng hộ rất cao”. Điều đáng mừng là hiện tại, Thành Điện Hải với tuổi đời gần 200 năm đang được “đại tu bổ” để phục hồi nguyên vẹn giá trị vốn có của một di tích thiêng liêng, đáng tự hào của TP. Đà Nẵng.

Cũng với quyết tâm ấy, NSND Huỳnh Hùng đã chủ động bắt tay, phối hợp với ngành VH - TT Thừa Thiên Huế làm sống lại di tích Hải Vân Quan. Với danh thắng Ngũ Hành Sơn, ông cùng đội ngũ những người làm văn hóa tham mưu cho thành phố khẩn trương làm hồ sơ trình chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt và được chính phủ phê chuẩn vào cuối năm 2018, mang lại nhiều cơ hội thuận lợi để quản lý, phát triển di tích này theo đúng quy hoạch. Đối với các di tích Nghĩa trủng Phước Ninh, Hòa Vang, Nam Ô, nơi quy tụ thi hài các chiến sĩ và đồng bào hy sinh trong kháng chiến chống Pháp  những năm 1858-1860, NSND Huỳnh Hùng là người góp tiếng nói tích cực, tham mưu cho lãnh đạo thành phố cùng phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất chủ trương cải tạo, bảo tồn nhằm trả lại sự tôn nghiêm cho những di tích quý báu này. Và biết bao việc làm ý nghĩa khác của ngành văn hóa Đà Nẵng mà NSND Huỳnh Hùng là người tích cực khởi xướng, đã từng bước góp phần làm thay đổi diện mạo văn hóa của thành phố trong sự phát triển hài hòa, bền vững của một Đà Nẵng văn minh, hiện đại và đáng sống như mục tiêu phấn đấu của thành phố đề ra.

Một đời tâm huyết với văn hóa, đến tận những ngày tháng trước khi rời nhiệm sở để nghỉ hưu, NSND Huỳnh Hùng vẫn còn bao trăn trở muốn gửi gắm lại cho những người đang thực hiện nhiệm vụ. Một trong những việc làm gây được sự chú ý và tác động tích cực đến tư tưởng nhiều người, đó là bài tham luận đầy ấn tượng của ông tại Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng với tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng, dũng cảm lên tiếng để mọi người thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đầu tư cho văn hoá, đồng thời kêu gọi ý thức giữ gìn và thái độ ứng xử đúng đắn đối với các di tích lịch sử.

“...Di sản văn hóa - lịch sử là trầm tích của quá khứ, là dấu ấn của bao lớp tiền nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trân trọng bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử là đạo lí và trách nhiệm của chúng ta đối với các bậc tiền nhân. Nếu chúng ta bàng quan, vô cảm, thiếu trách nhiệm với các di sản thì các thế hệ mai sau cũng sẽ ứng xử với chúng ta như vậy, thậm chí còn tệ hại hơn...”    

Từ câu chuyện hiện tại, gợi nhắc về quá khứ để hiểu hơn về con người NSND Huỳnh Hùng. Đó là câu chuyện những năm đầu 1990, khi ông là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, NSND Huỳnh Hùng đã lặn lội mang đơn ra tận Trung ương để xin kinh phí trùng tu lại ngôi mộ cụ Hoàng Diệu, vốn là di tích lịch sử cấp quốc gia nằm trên cánh đồng Gò Nổi giữa dòng sông Thu Bồn bị hư hại trầm trọng vì lũ lụt hàng năm. Một người luôn nặng lòng, trăn trở với vong linh của tổ tiên, sống có trách nhiệm với quê hương, cuộc đời bằng tất cả trái tim như thế, hẳn nhiên NDND Huỳnh Hùng xứng đáng nhận được quả ngọt từ cuộc sống.

Ngày 12/8/2019, với những cống hiến ý nghĩa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhà báo, đạo diễn Huỳnh Hùng đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSND, phần thưởng cao quý sau những nỗ lực miệt mài dành cho quê hương, đất nước. Song dường như trong sâu thẳm, cột mốc đáng tự hào ấy chưa thể khiến trái tim ông ngừng thao thức.
Ngược lại, càng thôi thúc người nghệ sĩ không ngừng khát khao sáng tạo, cống hiến. “Tôi sẽ tiếp tục làm phim, sáng tạo nghệ thuật. Tôi luôn đau đáu về những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất xứ Quảng. Có những số phận bị chìm khuất, thiệt thòi. Tôi muốn trong sự nghiệp sáng tác của mình sẽ làm sáng tỏ những vấn đề này. Tôi cũng ấp ủ những đề tài mang tính nhân văn, hòa giải dân tộc sau các cuộc chiến tranh.”

Ở tuổi ngỡ muốn được an yên nghỉ ngơi, NSND Huỳnh Hùng vẫn ngày ngày viết báo, chia sẻ mối trăn trở về văn hóa và truyền tải những thông điệp ý nghĩa đến mọi người với năng lượng và niềm tin chưa bao giờ vơi cạn đối với thế hệ kế thừa “Tôi thật sự vui mừng khi Đà Nẵng hiện có một đội ngũ làm phim trẻ có kiến thức, năng lực, yêu nghề, biết tìm tòi sáng tạo,trong đó nhiều người đã thành công, được trong nước đánh giá cao. Tôi tin tưởng họ sẽ vững vàng tiến xa hơn thế hệ chúng tôi.”

Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tộc Ấn Độ có một câu nói ý nghĩa: “Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân”. Ngẫm lại để thẩm thấu trọn vẹn hơn những điều thiêng liêng, đẹp đẽ mà người Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Hùng đã chắt ra từ con tim để cống hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật thấm đẫm những giá trị nhân văn sâu sắc. Khát vọng sáng tạo ấy đã vượt qua giới hạn thời gian, không gian của vùng đất xứ Quảng, bay bổng cùng hồn thiêng sông núi và lắng đọng trong tim mỗi người tình yêu thiết tha hơn với những di sản văn hóa của dân tộc. Hẳn đó cũng là niềm hạnh phúc lớn lao mà NSND Huỳnh Hùng mong mỏi hướng đến trong hành trình gieo trồng khát vọng của mình.

T.H

Bài viết khác cùng số

Không nhà đêm BA MƯƠIĐâu rồi hương vị Tết xưaMón quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐiệu hát Bài chòi năm xưaChuyện tình trên đỉnh non caoNăm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnQuê nhà mùa cũ thơm hươngBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Tản mạn tình đất tình người 25 nămXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngTheo dòng miên viễnBán đảo Sơn TràSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaĐứng trước biểnCũng đằm thắm láXuân caBánh nổẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcCon đườngGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýKhúc đêm tự tìnhKhúc ru hờiTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiLực ơi!Nguyễn Trãi đến Tây HồVề quêGiải mã một điều bình thườngCọTím biếc hoa chiềuMưaGieo lại mùa thươngTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLan man xuân vềMùa vuiNhững mùa hoa Hà NộiTuổi mùa xuânLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânVề thăm mộ mẹNhớ mẹ