Điệu hát Bài chòi năm xưa

17.01.2022
Nguyễn Thị Thu Thủy

Điệu hát Bài chòi năm xưa

Một cái Tết giữa mùa Covid nữa lại đến. Đây là mùa xuân thứ hai, văn hóa Tết Việt bị đảo lộn vì dịch giã; buổi chợ ngày ba mươi tháng Chạp hình như cũng bớt tấp nập; không còn không khí tụ họp ở những điểm vui xuân để chơi ném vòng, lô tô, ghé hội hát đánh bài chòi... Trong không khí khá vắng vẻ của ngày đầu xuân, lòng tôi bâng khuâng nhớ lại hội bài chòi ở quê ngoại bốn mươi năm về trước.

Nhà tôi vốn đông đúc, trên dưới mười nhân khẩu. Thời bao cấp khó khăn, lo miếng ăn ngày thường cho một gia đình như thế đã nặng gánh lắm rồi, huống hồ gì Tết. Cả năm làm quần quật, người nông dân quê tôi dù có nghèo đến mấy cũng phải ráng sức lo cho con trẻ tấm quần tấm áo, ăn ngon mặc đẹp trong mấy ngày đầu năm; có như thế họa may cả năm mới khấm khá hơn. Thường lệ, cứ chừng 29 tháng Chạp, cha chở tôi về ngoại cúng rước ông bà và gửi tôi ở lại ăn Tết. Quê ngoại tôi ở Châu Lâu, Điện Thọ, Điện Bàn, nhà chỉ còn bà ngoại và dì Út nên xuân về không có khách; có tôi thêm tiếng nói trẻ con cho đỡ vắng. Biết là về ngoại được ăn ngon lại được ưu ái nhiều hơn nhưng tôi vẫn cứ thấy nhớ lắm không khí nhộn nhạo của một gia đình đông nhân khẩu. Để tôi đỡ buồn vì ăn Tết xa nhà, sáng mồng một sau khi đi thắp hương ông bà xong, ngoại tôi dắt đến hội vui xuân ở gần chợ Phong Thử để tham gia hội bài chòi. Với ngoại, niềm vui Tết là quanh quẩn bên mấy nhà chòi, được vui cùng các bà bạn và ngoại ghiền lắm giọng luyến láy ngọt ngào của anh cầm chịch. Không có gì trôi nhanh bằng thời gian khi bạn tham gia chơi một ván bài chòi, loáng một cái là hết một tiếng rưỡi đồng hồ ngay. Sau khi ghé chòi chính giữa sân mua thẻ bài, ngoại dắt tôi vào ngồi một trong chín chiếc chòi còn lại, vì lần đầu được đến với hội vui xuân nên với tôi mọi thứ đều lạ lẫm. Thật thú vị khi nhìn anh Hiệu trong bộ đồ lụa vàng có thắt lưng và dây cột đầu đỏ; mắt tôi như dán vào đôi tay anh vừa rút con bài trong ống, tai lắng nghe giọng ca lúc khoan lúc nhặt theo các điệu lý xàng xê, xuân nữ, cổ bản, hò Quảng... Để đọc tên một con bài, anh Hiệu phải lên xuống giọng đến mấy câu hát; người chơi hồi hộp chờ giờ phút con bài được xướng tên; nếu cái tên ấy trùng với một trong ba tên trong tấm thẻ, người chơi được nhận được một cây cờ đuôi nheo; ai có trên tay ba lá cờ thì sẽ “tới” nghĩa là thắng; phần thưởng thường là một gói mứt gừng hay một chai rượu thuốc có nhãn mác hẳn hoi hoặc một món đồ chơi đẹp mắt... Tôi vẫn còn nguyên cái cảm giác lâng lâng khi thay ngoại lên nhận giải thưởng và nuối tiếc biết bao khi ba ngày Tết trôi đi nhanh như một cơn gió.

Những cái Tết thời bao cấp rồi cũng trôi qua, ngoại tôi cũng đã về với miền mây trắng; song trong tôi vẫn còn nguyên vẹn nỗi háo hức khi đến với hội bài chòi trong những dịp đến thăm phố cổ Hội An vào những đêm rằm trước thời Covid. Giữa lúc tôi đang cùng gia đình tản bộ trên con phố nhỏ tắt hết đèn điện, mải mê ngắm những vầng sáng lung linh huyền ảo hắt ra từ những dãy lồng đèn treo trước các ngôi nhà cổ kính ở đường Bạch Đằng sát sông Hoài, chợt bắt gặp tiếng hô bài chòi văng vẳng như tiếng của ngày xưa vọng về. Rồi những đêm cuối tuần đợi xem cầu Rồng phun lửa, tôi lại lang thang trên con đường Trần Hưng Đạo, ghé vào những chiếc chòi dựng dọc bờ Đông sông Hàn lắng nghe người nghệ nhân phố cổ hát bài chòi giữa thành phố đáng sống. Du khách trẻ chỉ lướt qua vì họ còn bận bịu với mấy nhóm nhảy hiphop đằng kia, chỉ có những khán giả trung niên mới tỏ ra hào hứng; ván bài chòi vừa xong cũng là lúc Rồng sắt ì ầm phun lửa, phun nước...

Vẻ đẹp của dân ca bài chòi là vẻ đẹp mộc mạc, chân chất mang hồn cốt của con người xứ Quảng; và làn điệu dân ca này vinh dự được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (Unesco) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 7/12/2017. Để bảo tồn được viên ngọc quý này không bị thất truyền mai một bởi thời gian và cơn lốc của cuộc sống thời công nghệ 4.0, mỗi người trong chúng ta phải có ý thức vun đắp, truyền “lửa” cho giới trẻ để họ không còn dửng dưng với âm nhạc truyền thống. Vừa qua, Cung văn hóa thiếu nhi và nhiều trường học ở địa bàn thành phố chúng ta đã tổ chức lớp học hát bài chòi bằng việc mời các nghệ sĩ tham gia giảng dạy trong dịp hè cho học sinh; nhiều giáo viên dạy nhạc đã tích cực lồng ghép dạy điệu hát này vào các tiết âm nhạc địa phương. Trước khi Covid tràn về, hàng năm vào dịp giáp Tết nhiều trường học thường tổ chức lễ hội văn hóa dân gian, trong đó có sự tham gia của đoàn nghệ sĩ hát bài chòi từ phố cổ Hội An. Năm học trước, được dự sinh hoạt chuyên môn tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Liên Chiểu), chúng tôi bất ngờ vô cùng trước những làn điệu dân ca bài chòi ngọt ngào vang lên giữa hội trường của nhóm học sinh lớp 10... Tất cả những việc làm đó vừa khơi gợi lại không khí truyền thống dân gian xưa, vừa lan tỏa cho lớp trẻ niềm yêu thích, say mê nghệ thuật dân tộc; từng bước hướng các em đến với hành động thiết thực trong bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Xuân đang về gieo mầm hy vọng và tôi ước ao gặp lại mình ở cái tuổi mười hai năm ấy để được náo nức trong niềm vui con trẻ, được ngoại dắt tay đi xem hội bài chòi, được vỗ tay vui mừng khi thẻ bài trong tay ngoại “tới” sau điệu lý xuân nữ ngọt ngào của anh Hiệu áo vàng, dây cột đầu đỏ thắm và lần xướng tên con bài cuối mỗi ván chơi. Thèm được một lần tắm mình trong cái không khí huyền diệu của mùa xuân thơ trẻ… Một năm mới nữa lại đến, mở ra bao điều hứa hẹn, trong đó có niềm tin về những giá trị văn hóa truyền thống đang được ươm gieo và ngày càng lan truyền trong thế hệ nối tiếp...

N.T.T.T

Bài viết khác cùng số

Không nhà đêm BA MƯƠIĐâu rồi hương vị Tết xưaMón quà ấm ápĐêm giao thừaChiếc thuyền bằng thiếcĐiệu hát Bài chòi năm xưaChuyện tình trên đỉnh non caoNăm dần kể chuyện giết cọp ở núi Thiên ẤnQuê nhà mùa cũ thơm hươngBiển đợi...Thì thầm gió trên đồi GióngMen rừng mùa xuânXông đất "Thiên hạ đệ nhất hùng quan"Tản mạn tình đất tình người 25 nămXuân về nói chuyện Rừng trong phố ở Đà NẵngTheo dòng miên viễnBán đảo Sơn TràSợi nắng xuânMẹ & Mùa xuânTrong cơn mơ cánh đồng sương sớmChiếc bóngGiao thừaĐứng trước biểnCũng đằm thắm láXuân caBánh nổẢo tưởngLời emXuân hạnh phúcCon đườngGiếng quêSớm xuânXuân tình yêuMật ýKhúc đêm tự tìnhKhúc ru hờiTiếng dương cầm tắm gội cùng mưaEm chợt hiệnNgày đầu nămChủ nghĩa tối giảnMuốiLực ơi!Nguyễn Trãi đến Tây HồVề quêGiải mã một điều bình thườngCọTím biếc hoa chiềuMưaGieo lại mùa thươngTổ quốc rạng ngời vang nụ mai xinhLan man xuân vềMùa vuiNhững mùa hoa Hà NộiTuổi mùa xuânLiên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng về một số vấn đề đang đặt raHình tượng cọp trong điêu khắc Champa: Biểu tượng sức mạnh nội tâm của tu sĩ khổ hạnh đạo ShivaHọa sĩ Mai Trung Thứ trong ký ức người thânCon hổ trong văn hóa ViệtMùa xuân đọc văn xuôi Ý NhiĐiệu lý quê em - Bài ca đi cùng năm thángNguyễn Nho Nhượn và những lời sương khóiNSND Huỳnh Hùng - Khát vọng gieo trồng, bảo tồn giá trị văn hóa xứ QuảngVài kỷ niệm cùng ca sĩ Thanh ĐínhThiếu nữ du xuânCung đàn mùa xuânTranh Lê Huy HạnhXuân Nhâm DầnSan sẻ yêu thương thêm vui ngày TếtTiễn trâu đón hổNghinh xuânVề thăm mộ mẹNhớ mẹ