Nhà ở của ngư dân ven biển Đà Nẵng xưa - Ngoc Giao

23.10.2018

Nhà ở là một trong ba nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Ở mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có những cách xây dựng nhà ở với hình thức và tổ chức công năng khác nhau, nó đặc trưng cho điều kiện khí hậu, địa hình, thói quen canh tác, lao động sản xuất và phong tục tập quán của mỗi địa phương.

Nhà ở của ngư dân ven biển Đà Nẵng xưa - Ngoc Giao

 Nhà ở là một trong ba nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Ở mỗi quốc gia, mỗi vùng miền đều có những cách xây dựng nhà ở với hình thức và tổ chức công năng khác nhau, nó đặc trưng cho điều kiện khí hậu, địa hình, thói quen canh tác, lao động sản xuất và phong tục tập quán của mỗi địa phương.

Ngư dân Đà Nẵng cũng vậy, với truyền thống làm nghề biển lâu đời, từ khi các lưu dân vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh di cư vào sinh sống thì những ngôi làng cũng dần mọc lên trên những bãi cát ven biển hoặc cách xa biển một chút. Ngư dân Đà Nẵng với đức tính cần cù và bàn tay khéo léo đã tạo cho những ngôi nhà ven biển mang những nét độc đáo riêng, luôn bền bỉ chống chọi với nắng nóng, mưa dầm khắc nghiệt ở miền Trung. Vào thế kỷ XVIII, khi đến vịnh Đà Nẵng, John Barrow đã nhận xét về những ngôi nhà của ngư dân nơi đây: “Nhìn chung những căn nhà tranh ở Turon kín đáo và sạch sẽ, đủ chắc chắn để bảo vệ người dân khỏi nắng nóng trong mùa này và tránh được những cơn mưa lớn trong mùa kia”.1

1. Vật liệu và công cụ làm nhà

Xưa kia, người dân Đà Nẵng vừa làm nông vừa làm biển, cho nên ngoài thời gian họ sinh hoạt trên ghe, thuyền ven sông, ven biển thì họ cũng làm nhà trên đất liền để tiện sinh sống. Đối với họ, mái nhà là nơi để “chui ra chui vô” mỗi khi đánh bắt trở về, và cũng là nơi chở che cho cha mẹ, vợ con để họ yên tâm ra khơi làm nghề.

Theo hồi cố của những bậc cao niên ở vùng ven biển Đà Nẵng thì ngày xưa, ông cha họ làm nhà đơn giản hơn bây giờ nhiều. Nhà thường cất trên những bãi cát rộng ven biển hoặc gần bến cá và quần tụ lại thành từng làng riêng biệt. Mỗi khi xây dựng nhà cửa, câu cửa miệng quen thuộc của họ là làm nhà “không quá đọt dừa”. Đây dường như là quy định rất rõ ràng cho chiều cao kiến trúc của những ngôi nhà ven biển. Tuy nhiên, đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp một số công trình có chiều cao hơn, nhưng chỉ là thiểu số ít ỏi và được đan xen với những vườn cây cối kín đáo.

Trong bài viết “Mái nhà miền biển”, họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Duy Sinh trên tạp chí Nhà đẹp số tháng 6 năm 2016 đã nhận định rằng: “Dường như nhà ở ven biển hiện nay vẫn chỉ là sự lan tỏa, nhắc lại dạng nhà ở làng xã làm nông nghiệp một phần và khai thác tài nguyên biển một phần, sau đó chuyển đổi sang cơ cấu dịch vụ với hình thành phố xá, bến bãi nên ít mang đặc trưng riêng biệt. Không gian vùng cư trú ven biển không khép kín sau lũy tre như làng xã nông nghiệp, chúng lỏng lẻo và chịu nhiều biến động do thời tiết, di dân do chiến tranh và mưu sinh. Khi cái chung chưa rõ ràng và đồng nhất thì cái riêng cũng nhạt nhòa, bước chân vào một làng biển hay một phố biển hiện nay, có thể thấy dạng thức nhà cửa na ná các làng quê hay phố xá bất cứ nơi nào khác”.

Nhận xét trên của họa sĩ Nguyễn Duy Sinh thật xác đáng. Ở Đà Nẵng cũng vậy, buổi ban đầu mới lập làng, ngư dân Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn,... thường đi lên vùng Nam Ô, Hòa Vang hoặc Sơn Trà đẵn gỗ, tranh, tre, nứa, lá về làm nhà. Khi xưa, vùng này có rất nhiều loại gỗ quý. Vào đầu thế kỷ XVII, Cristophoro Borri, một giáo sĩ người Ý đã đến Đàng Trong, sau khi sống gần 5 năm tại đây, đã nhận định: “Nhà cửa và đền đài, mặc dầu chỉ bằng gỗ, nhưng không thua kém bất cứ nước nào, bởi vì không nói quá chút nào, gỗ ở xứ này là gỗ quý nhất hoàn cầu, theo nhận xét của những người ở các nơi đó. Trong vô số cây và vô số loại cây ở đây, có hai thứ được dùng để làm nhà cửa và là thứ không bao giờ hư mặc dầu bị ngâm trong nước hay vùi trong bùn, và rất chắc, rất nặng đến nỗi không bao giờ nổi trên mặt nước và dùng làm neo tàu. Một thứ là gỗ đen, nhưng không phải đen như mun, loại thứ hai có màu đỏ hung. Cả hai sau khi được lóc vỏ thì nhẵn và trơn không cần phải bào. Các cây đó được gọi là tin (lim) và rất có thể người đó không lầm khi nói rằng thứ gỗ không bao giờ hư đó là gỗ chính vua Salomon đã dùng để dựng đền thánh và chúng ta được biết qua kinh thánh rằng thứ cây này được gọi bằng một cái tên rất gần với tên này, ligna thying. Núi xứ Đàng Trong mọc đầy loại cây này, thẳng tắp và cao ngất nghểu, như thể ngọn chạm tới mây và lớn bằng hai người ôm. Người Đàng Trong dùng gỗ này để dựng nhà và ai nấy đều có thể lên núi chặt tùy thích. Tất cả kiến trúc nhà đều dựa vào hàng cột cao, chắc và đóng rất sâu, rồi lắp ván, nhưng người ta có thể tháo gỡ ra và thay thế bằng phên liếp, bằng tre, sậy đan rất tài tình để thông khí trong mùa nóng bức và một phần nào cho nước và thuyền qua lại tự do trong mùa lụt lội như chúng tôi đã nói ở trên. Họ cũng làm rất nhiều hoa lá nhỏ xinh và nhiều hình hài khéo léo để tô điểm”.2

Qua miêu tả của Borri, chúng ta có thể biết được cách mà ngày xưa ngư dân đã làm nhà ở. Họ dùng gỗ làm đòn đông, vì kèo, xà ngang, ván, dùng tranh lợp và đan phên tre để che chắn bốn phía. Mỗi khi dựng nhà, mấy nhà hàng xóm của nhau cùng chung tay lại giúp nhau cùng làm. Những ngôi nhà dựng lên phù hợp với khí hậu ven biển miền Trung, mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Công cụ để dựng nhà gồm có: rựa, cưa, đục, cuốc, thuổng... Trước khi làm nhà thì họ phải chuẩn bị nguyên vật liệu để dựng nhà. Phải lên rừng đốn gỗ, cắt tranh, tre. Cho nên phải sử dụng cưa, rựa để đốn gỗ cắt tranh. Công đoạn này cũng hết sức quan trọng bởi làm nhà phải chọn được những cây gỗ tốt thì nhà mới bền đẹp được.

Khi vật liệu được mang về nhà thì cần phải ra tranh, đánh tranh. Vì vậy cần dùng đến dao rựa để làm. Đào móng nhà cũng rất quan trọng phải dùng cuốc, thuổng đào sâu. Làm móng chắc thì ngôi nhà sẽ được kiên cố hơn.

Khi người ta đào móng, phải giăng dây lên để đảm bảo độ chính xác đối với những ngôi nhà bằng gạch. Còn những ngôi nhà chỉ cần gỗ với mên tre thì người ta thường dựng khung gỗ ở hai vì kèo trước rồi sau đó mới dựng lên, lắp các bộ phận rui, mèn, ván vào.

2. Kết cấu và cách làm nhà

Kết cấu nhà cũng đơn giản, chỉ làm một ngôi nhà ba gian và làm một chái bếp. Kết cấu đại trà thì như thế, nhưng cũng tùy điều kiện của các gia đình, ai có điều kiện thì làm diện tích lớn, ai không có thì làm nhỏ. Điểm đặc biệt của các ngôi nhà ven biển là khoảng cách giữa những ngôi nhà thường xa và không có tường rào. Nhà này sang nhà nọ thì đi bất kỳ hướng nào cũng được miễn là thuận tiện. John Barrow cũng cho biết về cuộc sống của ngư dân nơi đây: “Mặc dù chúng tôi chưa bao giờ thấy một thành phố rộng lớn hay những lâu đài tráng lệ ở vùng phụ cận của vịnh Turon, tuy xưa kia nơi này từng nổi tiếng là một thị trường chủ yếu của những hoạt động buôn bán giữa nước này với Trung Hoa và Nhật Bản, chúng tôi vẫn phần nào thất vọng khi chỉ nhìn thấy một ít làng mạc, làng lớn nhất thì số nhà cũng không quá một trăm, mà chủ yếu lại là những ngôi nhà lợp tranh. Những ngôi nhà tốt đẹp nhất cũng chỉ có một tầng lầu, thường được xây bằng gỗ hoặc gạch, được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, đòi hỏi thường xuyên phải chú ý tu bổ để bảo tồn chúng khỏi thành cát bụi”.3

Cũng có cái nhìn như vậy, trong cuốn hồi ký L'Indo - Chine Francaise (Xứ Đông Dương) của Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương (1897 - 1902), có kể về chuyến thăm Đà Nẵng của ông vào năm 1897 như sau: “Năm 1897, Đà Nẵng hiện ra thật nghèo nàn với một hiện thực đáng buồn. Có ba hoặc bốn tòa nhà công, tầm 12 ngôi nhà phong cách châu Âu, một ngôi làng đặc trưng miền Trung với những túp lều. Tất cả như những dấu chấm trên cát biển bao la”.4

Như vậy có thể thấy, nhà ở ngư dân Đà Nẵng phần lớn các kết cấu kiến trúc làm bằng gỗ, mái nhà chủ yếu được lợp bằng tranh, có rất ít nhà lợp ngói. Nhưng dù làm nhà lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo thì khi làm nhà, ngư dân đều xem phong thủy lựa chọn khu đất tốt, phù hợp với tuổi của chủ nhân để có được “thế nhà” tốt, thuận lợi cho việc sinh hoạt của gia chủ. Ông bà có câu “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”. Nhưng cũng có một số nhà làm theo hướng Đông Nam (hướng ra biển). Sau đó chọn ngày tốt và cầu cúng trong các công đoạn như bỏ móng, đặt đòn đông. Bếp thường được dựng ở bên trái và vuông góc với nhà chính.

Ở Đà Nẵng cũng có một số nhà khá giả hơn thì làm gỗ, lợp ngói, xây tường gạch theo kiểu kiến trúc nhà rường. Thường thì mỗi làng mới có một ngôi nhà lớn như thế. Nhà rường là nhà có rường cột bằng gỗ, tường gạch và mái ngói. Kiểu kiến trúc này ảnh hưởng của kiến trúc nhà rường Huế.

Nhà rường là một loại kiến trúc cổ, ra đời vào khoảng thế kỷ XVII, dưới triều đại phong kiến Việt Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc Trung Hoa nhưng nhà rường ở đây vẫn mang nét riêng biệt của người Việt. Gọi là rường bởi vì có nhiều rường cột, rường kèo, mèn với lối kiến trúc theo chữ Đinh (丁), Khẩu (口) hoặc chữ Công (工). Gian trong nhà rường được tính bằng các hàng cột trong nhà, không có vách ngăn. Thường gồm một gian hai chái hoặc ba gian hai chái.

Trước tiên là khâu chuẩn bị vật tư cho rường gỗ của ngôi nhà. Cột nhà thường được làm bằng gỗ mít, lim, táu..., dáng thượng thu hạ thách, các cột cái được nâng cao hơn bởi các bệ đá. Các cột quân (cột phụ) thì nhỏ hơn. Dãy cột quân lùi bên trong hàng cột cái gọi là dãy cột hàng nhì hậu, dãy cột quân tiến phía trước hàng cột cái gọi là cột hàng nhì tiền. Hai dãy cột này để đỡ kèo nhì gác qua. Bốn góc nhà có bốn cột quyết để đỡ kèo quyết và chúng được phân chia thành đông hậu, tây hậu, đông tiền, tây tiền. Bốn cột đấm ở vách đông, tây đỡ các kèo đấm thả xuôi từ cột cái. Các cột cái và cột quân chia không gian nhà ra làm ba phần: gian chính giữa lẫn hai gian bên thờ phụng, tiếp khách và cũng là nơi ngủ của người đàn ông. Hai chái hai bên là hai buồng gọi là đông phòng và tây phòng, là buồng ngủ dành cho phụ nữ và con cái.

Công việc quan trọng và khó khăn nhất là chọn gỗ làm đòn đông và rường cột của ngôi nhà. Theo quan niệm dân gian thì cây đòn đỡ nóc là chủ chốt của căn nhà nên đầu gốc phải đặt về hướng tả, đầu ngọn đặt bên hữu. Họ ước lệ là bên tả gọi là bên đông và bên hữu là bên tây của một ngôi nhà (đông vi tả, tây vi hữu) nên cây đòn đông phải có gốc quay về bên đông cho nên gọi là đòn đông. Nhà ngôn ngữ học, dân tộc học Nguyễn Bạt Tụy trong tạp chí Văn hóa Nguyệt san số 59 năm 1961 khi miêu tả về những ngôi nhà xưa ở Quảng Nam có kể một giai thoại dân gian về cây đòn đông như sau: “Xưa kia có một ông nhà giàu đã suýt vì tính tình khắc nghiệt của ông mà bị hại trong một vụ cất nhà. Thoạt đầu ông quá chặt chẽ với người thợ rừng nên người này “chơi trác”, chuốt gốc cây nhỏ hơn ngọn để người thợ cả cứ đầu lớn thì để về bên “đông”và như thế lầm gốc về bên tây. Nhưng rồi ông ta lại quá khó tính với người thợ cả, nên người này lập tâm phản cho bỏ ghét mà để đầu nhỏ về bên “đông” thay vì đầu lớn, đinh ninh rằng đó là đầu ngọn. Ai ngờ rủi lại hóa may: chính đầu nhỏ ấy mới là đầu gốc và ông nhà giàu vô tình thoát hiểm, vì đầu gốc rút cục lại vẫn ở bên “đông”!5. Từ giai thoại có thể thấy được tầm quan trọng của cách đặt cây đòn đông trong quan niệm của người dân.

Với một ngôi nhà rường một căn hai chái ở Đà Nẵng, các cột cũng có tên gọi khác nhau tùy vị trí của nó trong ngôi nhà. Một ngôi nhà rường ở đây thường có sáu hàng cột thì hai hàng cột ở hai bên nóc là cột lòng nhất, kế tiếp là cột lòng nhì (tức là cột đóng cửa), hai hàng cột trước nhất và sau cùng là cột lòng ba (cột hiên). Kiểu nhà rường này thường có chi phí cao, rất tốn kém. Vì vậy chỉ số ít ngư dân là làm được, còn hầu hết là những ngôi nhà gỗ kết hợp với nhà tranh hai gian và một gian bếp rất nhỏ.

Ngư dân biển Đà Nẵng còn làm một kiểu kiến trúc nhà lạ chính là nhà chồ. Những ngôi nhà chồ được dựng lên hai bên bờ sông Hàn và vịnh Mân Quang (Đà Nẵng) san sát nhau vẫn tồn tại cách đây hai mươi năm. Những ngư dân này thường không có mảnh đất nào ở trên bờ nên dựng những ngôi nhà như vậy để sống tạm bợ. Cách làm loại nhà này rất đơn giản. Người ta đóng một số cọc gỗ tròn xuống nước, phía trên lát ván, mái lợp tranh hoặc tôn trông rất tạm bợ. Muốn vào bờ thì có những cây cầu nhỏ bằng gỗ và ván nối từ nhà lên bờ. Những cây cầu này nhìn lắt lẻo, rất nguy hiểm cho trẻ con. Giai đoạn này, cuộc sống một bộ phận ngư dân nơi đây rất cơ cực, cuộc sống thường không đủ ăn, không chống chọi được với thiên nhiên, trẻ em không được đến trường. Sau năm 2000, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực di dời ngư dân lên bờ, cấp cho chung cư và ngư cụ để làm ăn. Vì vậy, hiện nay, khu nhà chồ chỉ còn lại trong ký ức của người dân đi biển mà thôi.

Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, những ngôi nhà làm bằng nguyên vật liệu như gỗ, tre tranh được thay thế bằng xi măng cốt thép kiên cố.  Quá trình đô thị hóa làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đời sống ngư dân biển Đà Nẵng. Làng đã thành phố. Các làng biển được quy hoạch thành từng khu dân cư riêng. Một số ngư dân thì được cấp chung cư để ở. Vì vậy, dấu tích về nhà ở của ngư dân trong quá khứ chỉ được tìm hiểu qua hồi cố của những bậc cao niên.

N.G