Thực trạng và những đặc trưng trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của ngư dân Đà Nẵng - Huỳnh Thạch Hà

15.07.2019

Tín ngưỡng, tôn giáo là những thành tố của văn hóa, nó phản ánh tâm tư, nguyện vọng, cũng như đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của một bộ phận cư dân. Bên cạnh đó, tín ngưỡng, tôn giáo còn thể hiện lối ứng xử giữa con người với thiên nhiên, con người với con người và con người với xã hội.

Thực trạng và những đặc trưng trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của ngư dân Đà Nẵng - Huỳnh Thạch Hà

Trong đời sống văn hóa của ngư dân biển nói chung, ngư dân Đà Nẵng nói riêng, những sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cũng diễn ra thường xuyên và có vai trò thiết thực. Bởi môi trường sống của họ luôn đối mặt với sóng gió biển khơi vô cùng nguy hiểm, vì vậy đã tạo cho họ cái nhìn hướng biển, gắn bó với biển và thể hiện những ước vọng nuôi sống bản thân, gia đình đồng thời cũng muốn chinh phục đại dương. Tuy nhiên, trước những bất trắc hiểm nguy luôn rình rập trên biển, trong khi biển cả thì bao la, còn con ngưỡi thì nhỏ bé mong manh nên họ luôn gửi gắm niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên là các vị thần, Phật,… ngự trị trên biển. Từ đó hình thành nên những tín ngưỡng dân gian, tôn giáo gắn chặt với đời sống của người dân biển tự bao đời nay.

I. Thực trạng và những đặc trưng trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của ngư dân Đà Nẵng

1. Trong sinh hoạt tín ngưỡng

1.1. Tín ngưỡng thờ cá Ông

Thờ cúng cá Ông vốn là tín ngưỡng truyền thống của người Chăm, trong quá trình sinh tụ, người Việt đã tiếp nhận vốn văn hóa này. Trải dài theo thời gian, hình ảnh cá Ông độ mạng, giúp đỡ ngư dân trên biển đã trở thành chỗ dựa tinh thần quý giá cho ngư dân, giúp họ trong công cuộc mưu sinh. Sách Gia Định thành thông chí được viết dưới thời nhà Nguyễn cho chúng ta biết: “Những khi thuyền bè gặp sóng gió nguy hiểm, thường thấy thần [cá Ông] dìu đỡ mạn thuyền bảo vệ người yên ổn. Hoặc thuyền bị chìm đắm, trong cơn sóng gió thần cũng đưa người vào bờ, sự cứu giúp ấy rất rõ. Chỉ nước Nam ta từ Linh Giang đến Hà Tiên mới có việc ấy và rất linh nghiệm, còn các biển khác thì không có”.[4] Khi cá Ông sống, ngư dân gọi là Ông Sanh, khi cá Ông chết thì gọi là Ông Lụy. Khi còn sống, cá Ông là ân nhân cứu sống sinh mạng của họ những khi bão to gió lớn trên biển, khi cá Ông lụy thì họ chịu tang như đối với người thân của mình.

Dọc ven biển Đà Nẵng có khá nhiều lăng miếu thờ cá Ông. Các vua nhà Nguyễn đã ban sắc phong cho cá Ông mà ngày nay một số còn được lưu giữ tại các đình làng như Mân Quang, Nam Thọ (quận Sơn Trà), Nam Ô (quận Liên Chiểu), Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn)... Dưới triều Nguyễn, cấp độ phong tặng cá Ông như sau: Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (thời Minh Mạng); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (thời Thiệu Trị); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (thời Tự Đức); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Chi Thần (thời Đồng Khánh); Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần (thời Duy Tân). Đồng thời, các vua nhà Nguyễn cũng quy định, làng nào bắt gặp cá Ông chết thì lý trưởng phải báo cáo lên cho phủ, huyện để cử quan đến khám định, cấp tiền tuất, hương đèn, vải đỏ quấn đủ bảy vòng và tổ chức khâm liệm, cấp đất xây lăng và ruộng hương hỏa để thờ cúng. Sau khi chôn cất cá Ông khoảng ba năm thì người ta làm lễ cải táng, xương cốt cá Ông được người ta xếp vào các quách đặt trong lăng để thờ.

Hằng năm, những nơi có lăng thờ cá Ông, người dân đều tổ chức lễ hội Cầu ngư. Lễ hội Cầu ngư được ngư dân ven biển Đà Nẵng tổ chức thường có thời gian không thống nhất giữa các làng biển như Nam Ô thì 14 đến 16 tháng 2 âm lịch, Thanh Khê ngày 14 đến 15 tháng 1 âm lịch, Mân Thái ngày 25 tháng 1 âm lịch... Thông thường lễ hội Cầu ngư gồm có hai phần: phần lễphần hội. Phần lễ gồm có nghinh Ông, lễ bến cầu ngư và lễ chánh:

Lễ nghinh Ông thường được tổ chức vào chiều ngày hôm trước. Các cụ chủ tế là người già trong làng cùng dân làng sắm lễ vật hương hoa trầu rượu ra trước biển làm lễ rước hồn Ông Nam Hải về lăng.

Lễ bến cầu ngư diễn ra vào sáng ngày hôm sau. Tham gia lễ có đại diện của các cấp chính quyền cùng toàn thể dân làng và đội nhạc cổ với trống, chiêng, đàn nhị,... Lễ vật dâng cúng gồm hương hoa, trái cây và lễ mặn. Sau đó ông tư lễ đọc văn cúng ca ngợi công đức của Ông Nam Hải.

Lễ chánh bao gồm lễ tế Âm linh và lễ tế Thần. Lễ tế Âm linh diễn ra ở sân lăng. Lễ vật dâng cúng bao gồm hương hoa, trái cây và lễ mặn. Lễ tế thể hiện sự biết ơn của nhân dân đối với cá Ông và cầu mong sức khỏe cho dân vạn chài cũng như có một mùa đánh bắt thắng lợi. Đặc biệt, trong lễ chánh có một số làng biển như Thọ Quang, Mân Thái (Sơn Trà) còn diễn hò đưa linh - đây là nét văn hóa đặc sắc của cư dân xứ Quảng.

Ngay sau phần lễ thì phần hội cũng diễn ra nhộn nhịp tưng bừng, các làng vạn gần lăng tụ hội về tham gia đua ghe, lắc thúng, chơi bài chòi, diễn tuồng... Các giải thưởng trong các cuộc thi thường không có giá trị lớn về mặt vật chất, chủ yếu động viên tinh thần của ngư dân nhưng thường diễn ra rất sôi nổi, thể hiện sự cố kết cộng đồng của người dân vạn chài trong cuộc sống thường nhật cũng như trong công cuộc mưu sinh.

Qua hình thức thờ cúng cá Ông của cộng đồng ngư dân Đà Nẵng, chúng ta thấy rằng, đây là dạng thức tín ngưỡng thờ vật linh, là chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm niềm tin,... bởi cá voi luôn chỉ đường dẫn lối cho những người lênh đênh trên biển khi gặp sóng to, gió lớn hay gặp hoạn nạn nên họ tôn kính “ngài” như một vị thần hộ mạng. Đồng thời phản ánh sự may rủi và bất trắc khi ngư dân lênh đênh đánh bắt trên biển. Nếu nhìn theo sự phát triển của hình thức đánh bắt thì tín ngưỡng thờ cá Ông ở đây ban đầu là hình thức tín ngưỡng của cư dân làm nghề chài lưới, đóng đáy ở cửa sông và ven bờ. Do vậy, họ mới có quan niệm cá Ông giữ nhiệm vụ trấn giữ các cửa sông để cứu người, đưa vào bờ, không trôi dạt ra khơi. Mặt khác, cũng thấy rằng, con người không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào cá Ông mà còn cứu giúp cá Ông khi bị mắc cạn, bị ăn trúng sam… Đó là mối quan hệ có qua có lại, mang tính hai chiều, phản ánh sự gắn bó, hài hòa giữa con người với tự nhiên, phản ánh triết lý nhân quả “cứu người thì người cứu ta”… của ngư dân.

1.2. Tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất hiện hầu hết trên lãnh thổ Việt Nam. Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng, việc “thờ phụng Nữ thần và Mẫu thần là cái nền chung của đời sống tôn giáo tín ngưỡng của các tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tuy nhiên, với mỗi đất nước, mỗi dân tộc, xuất phát từ môi trường tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa thì việc thờ phụng Nữ thần, Mẫu thần và Thánh Mẫu có nét đặc thù riêng”[5].

Ở Đà Nẵng, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng khá phổ biến và mang những nét đặc thù riêng. Khi người Việt ở vùng đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh trong cuộc hành trình tiến về phương Nam mở cõi đã vào định cư trên mảnh đất Đà Nẵng. Môi trường cảnh quan mới, điều kiện giao tiếp mới đã làm cho tín ngưỡng thờ Mẫu vốn gắn liền với đời sống tín ngưỡng của họ lại có điều kiện phát triển theo chiều hướng mới mẻ hơn so với cội nguồn của nó. Bà được thờ ở rất nhiều nơi. Sự thờ cúng Bà gắn liền với tâm thức là vị thần Mẫu có chức năng cai quản đất đai, độ trì sự bình an, ban tài lộc cho con người. Bà ở đây chính là các vị thần nữ như: Thiên Y Ana/Bà Chúa Ngọc, Bà Thủy/Thủy Long Thần Nữ, Bà Đại Càn/ Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương.

Nữ thần Thiên Y Ana

Nữ thần Thiên Y Ana còn gọi là Pô Inư Nagar, Bà được xem là Thần Mẹ Xứ Sở của người Chăm. Theo thời gian, sự biến đổi từ Mẹ Xứ Sở/Pô Inư Nagar của người Chăm thành bà Diễn Ngọc Phi Chúa Ngọc (hay Bà Chúa Ngọc) của người Việt để dễ dàng trong việc tiếp nhận và thờ cúng, cũng như cầu mong, nguyện ước. Bác sĩ Albert Sallet cho rằng: “Thiên Y Ana Chúa Ngọc” hay “Bà Ngọc” là tên gọi biến danh từ nguyên thể gốc.[6] Dưới thời nhà Nguyễn, Bà được phong tặng danh xưng bằng mỹ tự: “Hồng Nhân Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”. Tuy nhiên, thật khó xác định nữ thần Thiên Y Ana được người Chăm thờ tự từ bao giờ? Cho đến nay, không còn lại những dấu tích vật chất liên quan đến nguồn gốc tín ngưỡng của người Chăm về Bà. Nhưng qua các truyền thuyết, các địa danh mang thánh tích lại cho chúng ta biết tục thờ nữ thần Thiên Y Ana dường như có mặt trên khắp lãnh thổ của vương quốc Chămpa xưa. Có huyền tích kể rằng Pô Inư Nagar là một nữ thần do ánh mây và bọt nước biển biến sanh. Bà có hai đứa con là cậu Tài và cậu Quý, phù trợ cho những con người lênh đênh trên biển cả. Vì vậy ngư dân hết sức tôn kính Bà.[7]

Bà được ngư dân ven biển Đà Nẵng thờ tự trong miếu hoặc phối thờ trong đình làng. Vào những ngày lễ cúng Bà, nhân dân tập trung tại miếu và chuẩn bị các đồ lễ dâng lên Bà. Trong ngày này, họ đến đây để tỏ lòng kính nhớ tới Bà và cầu Bà giúp cho “quốc thái dân an, phong điều vũ thuận”, mùa màng bội thu, công việc làm ăn được hanh thông, thuận lợi.

Như vậy, trải qua nhiều thế kỷ tồn tại đến nay, Thiên Y Ana/ Bà Chúa Ngọc là vị nữ thần có vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của ngư dân Đà Nẵng. Vị nữ thần đầy quyền năng, siêu việt, cứu giúp người dân, giúp họ vượt qua những khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống lênh đênh trên biển cả.

Thủy Long Thần Nữ

Thủy Long Thần Nữ (còn gọi là Thủy Đức Thánh Phi, Thủy Long Nương Nương) là vị thần nước/biển mà dân gian thường gọi là Bà Thủy. Bà cai quản vùng sông, biển và phù hộ cho dân vạn chài đánh bắt cá. Bà là một trong năm vị Ngũ Hành. Ở những nơi có nhiều sông nước, ao hồ, Bà Thủy là vị nữ thần được thờ cúng rất phổ biến. Trong quan niệm dân gian, Bà là nữ thần giếng, thần sông rạch, thần cù lao, thần hải đảo, tức vị thần cai quản vùng sông nước. Đặc biệt, đối với các nghề liên quan đến sông nước và biển cả, người ta thường vái van Bà Cậu để cầu mong độ trì qua cơn sóng gió. Nơi ở của Bà Thủy dưới sông nước, biển cả gọi là Lục cung thủy triều.

Mặt khác, người ta còn quan niệm Bà Thủy là hóa thân của Thiên Y Ana. Trong văn bia của Phan Thanh Giản tại Tháp Bà ở Nha Trang, có đoạn kể Thiên Y Ana đã hóa phép nổi sóng gió nhấn chìm thuyền của thái tử phương Bắc, biến chiếc thuyền này thành tảng đá. Do đó, Thiên Y Ana và hai người con của Bà là Cậu Tài và Cậu Quí được xem là vị thần của sông biển, cù lao. Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết thêm: “Vị thần này thể hiện tính lưỡng diện, một mặt, Bà là nơi ngư dân gửi gắm sự bảo trợ của mình trong mỗi chuyến đi biển đầy thách thức và may rủi, mặt khác, nếu làm điều gì ‘xúc phạm’ tới Bà, như thả các vật dụng xuống ‘thủy cung’, cứu người đã bị Bà dìm chết để trừng phạt, không làm các nghi lễ ‘vớt vong’ hay ‘chuộc vong’… thì Bà lại trở thành vị ác thần đáng sợ!”.[8]

Ở Đà Nẵng hiện nay có rất nhiều ngôi miếu thờ Bà Thủy. Theo khảo sát bước đầu thì có 4 sắc phong Thủy Long Thần Nữ (2 sắc phong tại làng An Hải, 2 sắc phong tại làng Nam Thọ, quận Sơn Trà). Dưới thời nhà Nguyễn Bà Thủy được phong tặng các thần hiệu: Huệ Triêm Ân Hiệp Hoằng Phủ Bác Trạch Uông Nhuận Thượng đẳng Thần. Người dân cũng không biết rõ gốc tích của bà và chỉ cho rằng bà rất thiêng, có thể phù hộ độ trì cho dân làm nghề chài lưới trên sông, biển. Hàng năm ngư dân thường tổ chức lễ cúng vào dịp Xuân Thu nhị kỳ tại các lăng miếu thờ bà.

Có thể nói, tín ngưỡng thờ Bà Thủy có nguồn gốc từ việc sùng bái tự nhiên, đồng nhất yếu tố sông nước và biển cả với vị nữ thần có quyền năng phù hộ, độ trì cho ngư dân với những mùa cá nặng đầy khoang, bình yên trước sóng gió. Tín ngưỡng thờ Bà còn gắn liền với quá trình hình thành, phát triển nghề chài lưới cũng như sinh hoạt của cộng đồng ngư dân ven biển Đà Nẵng.

Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương

Bà Đại Càn tước hiệu là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương. Nguồn gốc của Bà được Tiến sĩ Sùng Nham Hầu Dương Văn An chép trong Ô châu cận lục như sau: Xét trong Bản Truyện thì phu nhân họ Triệu, công chúa của nhà Nam Tống. Tứ Vị Thánh Nương gồm mẹ và ba người con, phu nhân là con gái út. Năm Thiệu Bảo nguyên niên đời Trần Quang Tôn (ta lệ thuộc) nhà Tống. (Bấy giờ) Tống Đoan Tông chạy ra một hòn đảo ngoài biển rồi bị bệnh mất. Thừa tướng Thiên Tường bị bắt, Lục Tú Phu nhảy xuống biển tự tử, Thế Kiệt bị chết đuối, số người chết kể cả tôn thất cùng với quan lại và nhân dân đến hơn một vạn. Phu nhân cùng mẹ và hai người chị vớ được một tấm ván thuyền, dạt vào một ngôi chùa ở một bờ biển, đói khổ buồn bã. Nhà sư trông thấy cảm thương bèn cho ăn và bảo dưỡng mấy tháng liền. Bốn mẹ con được nhàn hạ và no đủ nên thân thể hồi phục, dung mạo đẹp đẽ lạ thường, nhà sư trong chùa thấy thế sinh lòng tà dâm, đêm đến hỏi xin thông dâm với phu nhân. Phu nhân giữ tiết nên quyết cự lại. Nhà sư ngộ ra, lấy làm xấu hổ, bèn nhảy xuống biển trầm mình mà chết. Mẹ con phu nhân cùng khóc mà nói: Mẹ con ta đội ơn nhà sư cứu vớt nuôi dưỡng nên mới bảo toàn được tính mạng, nay nhà sư lại vì ta mà trầm mình chết, vậy thì ta còn có thể sống được hay sao. Nói rồi mẹ của phu nhân lao xuống biển, lúc ấy phu nhân và các chị cũng tự trầm theo. Thi thể trôi dạt đến ven biển cửa Càn Hải ở Diễn Châu nước Việt ta. Thổ dân thấy thi thể không hư tổn, bèn nói với nhau bên kia bờ biển hiểm yếu sao mà trôi mấy ngàn dặm, áo quần, dung mạo vẫn như người còn sống, xinh đẹp lạ lùng. Họ cho là thần, vội chôn cất cẩn thận rồi lập đền thờ cúng. Từ đó, phàm là thuyền buôn bán gần xa, hễ gặp phong ba là vội khẩn khoản cầu khấn và chỉ trong phút chốc quả nhiên được bình an. Đến nay các cửa biển đều lập đền thờ cúng tế. Đây là vị phúc thần linh thiêng nhất của Nam Hải vậy.[9]

Về sự hiển linh của vị Đại Càn này, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hưng Long thứ 19 (1311), mùa đông, tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành vì chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc. Hưng Long thứ 20 (1312), mùa hạ, tháng 5, dụ bắt được chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về... Tháng 6, vua từ Chiêm Thành về (đến kinh đô)... lập đền thờ thần ở cửa biển Cần Hải. Trước đây, vua đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải (trước là Càn, tránh tên huý đổi là Cần) đóng quân lại, đêm mơ thấy một thần nữ khóc lóc nói với vua: Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp phải sóng gió, trôi giạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bô lão tới hỏi sự thực, cho tế, rồi lên đường. Biển vì thế không nổi sóng. Quân nhà vua tiến thẳng tới thành Đồ Bàn, bắt được chúa Chiêm đem về. Đến nay, sai hữu ty lập đền, bốn mùa cúng tế”[10].

 Theo những tài liệu trên thì có thể vị nữ thần này có nguồn gốc ở vùng biển Nghệ An, có thể trong quá trình người Việt từ Thanh Nghệ Tĩnh thiên di vào Đà Nẵng sinh sống đã lưu giữ và thờ phụng để được Bà phù hộ cho.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tuy không có lăng miếu thờ riêng Bà nhưng Bà được phối thờ ở một số đình miếu và xuất hiện rất nhiều trong các văn cúng ở trong những ngày lễ ở miếu, đình. Đặc biệt, ở Đà Nẵng hiện có trên 14 sắc phong về vị thần này. Đại Càn Quốc Gia Nam Hải được các vua triều Nguyễn phong các thần hiệu: Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức (Minh Mạng), Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác (Thiệu Trị), Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Thượng đẳng Thần (Tự Đức, Khải Định), Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Trang Huy Thượng đẳng Thần (Đồng Khánh), Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng (Duy Tân). Tại Đà Nẵng, dân chúng ở đây cũng không biết được gốc tích hay các truyền thuyết về Bà. Họ chỉ biết từ thời tổ tiên họ di cư vào đây thì thờ phụng bà và truyền lại đến bây giờ. Ngư dân truyền tụng là Bà rất thiêng và thường độ trì cho người đi biển. Hàng năm, họ tổ chức lễ hội ở các đình miếu cũng cầu cúng Bà phù hộ độ trì cho dân làng được bình an, đi làm nghề gặp may mắn thuận lợi. Cũng từ đó, niềm tin đối với sự độ trì của Bà càng mạnh mẽ trở thành một tín ngưỡng dân gian của người dân miền biển.

1.3. Tín ngưỡng thờ cô hồn

Thờ cô hồn vốn là một tín ngưỡng truyền thống của cư dân Việt ở Đà Nẵng. Tập tục này liên quan đến các tín niệm dân gian và có cả những yếu tố của Đạo giáo, Phật giáo chi phối.

Đối với quỷ thần, Nho giáo chủ trương “kính nhi viễn chi”, do quan điểm hướng sự quan tâm chính yếu vào các vấn đề nhân sinh. Thái độ ứng xử với các vong hồn cô độc, không người tế tự là biểu hiện của lòng nhân nghĩa thông qua lễ cúng âm linh. Còn Đạo giáo nỗ lực thoát khỏi định mệnh của cái chết bằng việc mưu cầu sự bất tử và những chuyến du hành tiêu dao cõi tiên là những cơ may có một không hai. Các hình thức nghi lễ nhằm thực hiện chức năng giải trừ tà ma. Còn theo thuyết luân hồi của đạo Phật thì vong hồn tùy theo tội phước đã có lúc sinh tiền hoặc được “trực vãng Tây phương/tiêu diêu cực lạc”, hoặc chưa thoát khỏi sinh tử thì chu chuyển trong vòng “tứ sanh - lục đạo”. Còn “thập loại cô hồn” thì đó là mười loài tổng hợp của tứ sanh và lục đạo. Nói chung, đó là những vong hồn đủ loại, từ vua quan đến thứ dân, từ giàu sang đến nghèo hèn, từ con người đến côn trùng thú vật. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường cho rằng, tục thờ cô hồn của dân gian có ảnh hưởng Phật giáo, nhưng quan niệm của dân gian cũng khá sâu đậm.[11]

Trong các miếu thờ của ngư dân ven biển Đà Nẵng thì cô hồn phần lớn là những người chết không nơi nương tựa, những chiến sĩ trận vong, vong hồn những người mất xác trên biển vì bão lũ hay vong hồn những vị tiền chủ của vùng đất “tiền Việt”. Nhân dân gọi với danh xưng tôn kính là Âm linh, Cô Bác. Theo quan niệm của người dân thì vong linh, cô hồn có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Mà theo họ nếu thờ phụng chu đáo, biết kính trọng thì Cô Bác sẽ phù hộ độ trì cho.

Ở các làng ven biển Đà Nẵng miếu thờ cô hồn hiện diện tương đối nhiều. Thậm chí những miếu thờ thần cũng có một bàn thờ lộ thiên ở đằng trước để mỗi dịp cúng lễ thì cũng tổ chức lễ tế vong linh. Miếu thờ hầu như do nhân dân trong làng đóng góp để xây. Miếu có quy mô lớn nhỏ tùy theo điều kiện kinh tế của người dân trong làng.

Hằng năm, lễ tế cô hồn ở các làng biển tương đối khác nhau, nhưng hầu như thường diễn ra trong hai ngày: 15 tháng Giêng và ngày 15 tháng 7. Lễ cúng cô hồn thường diễn ra cả trong và ngoài miếu bao gồm lễ túc và lễ chánh. Trong lễ chánh có diễn xướng hát bã trạo, hò đưa linh. Lễ vật dâng cúng thường có hương hoa, đèn giấy thức ăn chay, mặn,... Ngoài ra, còn đặt một con heo quay ở bàn thờ hậu tẩm...

Trong thời đại hiện nay, dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhưng tín ngưỡng thờ cô hồn vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Trước những thiên tai bão tố trên biển, có thể xảy ra rủi ro mất mát không lường trước được, con người chỉ có thể cầu đến những anh linh khuất mặt trên biển khơi phù hộ. Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng cô hồn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lối ứng xử đối với những người chết có số phận bất hạnh, qua đó thể hiện sự tôn vinh con người.

1.4. Những kiêng kỵ của ngư dân

Làm nghề biển, sống chung với biển nên những ngư dân Đà Nẵng có đời sống tâm linh phong phú. Khi ra biển, đối diện với những hiểm nguy do thiên nhiên gây ra đã dần dần tạo nên tâm lý kiêng kỵ của người dân miền biển. Trong tâm thức, họ luôn quan niệm rằng, “có kiêng có lành” nên rất tin vào quỷ thần. Theo thời gian, qua những tháng năm lênh đênh trên biển khơi, có những điều giúp họ gặp may mắn và cũng có những điều mà họ cho là xui, rủi nên họ tin vào một thế lực siêu nhiên nào đó,…

Mỗi lần đi ra biển ngư dân luôn coi ngày tốt hay xấu để tránh ngày “sát chủ”, tổ chức cầu cúng trên tàu để mong ra khơi được thuận buồm xuôi gió, cầu mong Ông Ngư và những âm linh trên biển phù hộ, giúp họ đánh được nhiều cá tôm.

Trước khi ra biển, công việc chuẩn bị lưới, thuyền đều rất quan trọng. Lúc phơi lưới, bặn mành thì người ta cấm tất cả mọi người không được đi qua dưới giàn mành. Khi khiêng giàn lưới xuống ghe thì phải có một người dẫn đường đi trước để tránh có người đi qua trước mặt, kiêng gặp phụ nữ có thai dọc đường. Khi đi ra thuyền để chuẩn bị ra khơi mà có ai gọi thì chỉ được trả lời mà không được quay đầu lại. Người ta kiêng phụ nữ chạm tay vào lưới vì không biết người phụ nữ lúc đó có được “sạch sẽ” không. Người đi biển kiêng như vậy để tránh bị ô uế và gặp điều không may. Nếu vi phạm những điều trên thì người ta quay về nhà đi tiểu rồi mới ra lại thuyền. Đặc biệt là những người đang chịu tang thì cấm không được xuống thuyền, đồng thời cũng không nên đi ra bãi biển để tránh cho người khác khi đi ra thuyền gặp phải; người đi dự đám tang về phải tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ mới được bước xuống thuyền.

Con thuyền là phương tiện quan trọng nhất đối với người dân biển. Là nơi cư trú của họ trong những ngày tháng lênh đênh trên biển. Người ta cũng xem tàu, thuyền như một vị thần và có nhiều quan niệm về con thuyền, như: mũi thuyền là bộ phận quan trọng nhất, tâm linh nhất, thường có vị thần ngự trị cho nên thường tối kỵ với đàn bà, họ cấm không cho đàn bà phụ nữ tới gần vì sợ sẽ làm ô uế. Khi ở trên tàu, thuyền muốn đi vệ sinh thì phải đi bên “đốc” (tức là bên phải) cấm việc đi bên “lái” (bên trái). Lúc tàu thả neo hoặc kéo neo lên thì không được đi tiểu tiện hay đi đại tiện vì ngư dân quan niệm rằng, khi thả neo hay kéo neo là được các vị thần cai quản nơi đó phù hộ cho, nếu làm ô uế thì sẽ bị thần trách phạt. Khi đi biển, họ cũng không thích thuyền của người khác vượt lên trước thuyền mình vì như vậy có nghĩa là những may mắn của chuyến đi đã bị thuyền kia lấy mất. Ngư dân cũng kiêng cử việc “sụp sạp” trên tàu (sạp là một tấm ván trên tàu).

Khi đã ra ngoài khơi thì người ta kiêng không để vật dụng trên thuyền rớt xống biển, bởi quan niệm nếu để vật rơi xuống biển thì bị chìm thuyền. Dù đồ vật có bị hỏng hay bể thì cũng để lại trên thuyền mang về. Có nơi như ở làng biển Thọ Quang (quận Sơn Trà), ngư dân quan niệm không bao giờ được để dao rớt xuống biển vì như vậy sẽ làm tổn hại đến Bà Thủy và sợ Bà nổi giận gây trở ngại cho họ trong những ngày hành nghề trên biển. Nếu lỡ đã để dao rơi xuống nước thì người ta quay trở về mua lễ vật mời thầy cúng để xin lại con dao và cầu mong Bà bỏ qua cho sự sơ sảy đó.

Tới giờ nấu cơm thì ai được phân công cứ tự động làm chứ không được nói. Làm cá thì không được chặt đuôi bởi vì họ quan niệm là cá có đuôi mới bơi được, nếu chặt mất đuôi thì sợ sẽ không đánh được cá. Không được vứt đầu cá, ruột cá xuống biển vì sợ nếu làm như vậy thì sẽ cắt đứt nguồn cá. Người đầu bếp không được lấy tay chống cằm vì hành động này biểu hiện sự buồn chán nên dễ gặp vận xui.

Đặc biệt trong tình cảm vợ chồng, sự chung thủy của người vợ ở nhà có chồng đang đánh bắt cá ở ngoài khơi cũng rất quan trọng. Nếu người vợ ở nhà thủy chung với chồng thì người chồng mới vượt qua những hiểm nguy luôn rình rập trên biển, an toàn trở về.

Khi ở ngoài khơi thì ngư dân đặc biệt kiêng kỵ việc chửi thề, đặc biệt là chửi mắng người “khuất mày khuất mặt”. Nếu phạm điều này thì họ sợ sẽ bị những âm linh, cô hồn làm cho gặp xui xẻo, không thu hoạch được gì.

 Khi đi nghề lưới đăng hay nghề lưới cào ra biển, khi gặp phải đàn cá heo, họ sẽ dùng chiếc đũa chỉ ra hướng khác, nếu đàn cá đi theo hướng đũa chỉ thì không sao, nếu đàn cá vẫn đi theo thuyền thì ngư dân cho rằng đã gặp “trời đuổi rồi”, người ta sẽ quay thuyền trở về.

Trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày khi ở trên biển, dù là người của biển khơi, “ăn sóng nói gió” nhưng họ cũng có nhiều từ ngữ kiêng kỵ như: nếu có nhiều cá thì nói là “vô mánh”, nếu không có cá thì dùng từ “không có”. Dùng từ “no rồi” hoặc “chững dòng” thay cho “thôi”, “đầy” khi cá đã đầy khoang vì họ cho rằng từ “thôi” sẽ làm cho những lần đi biển khác không thu hoạch được gì. Thậm chí còn quan niệm “thôi” tức là “không bao giờ ra biển nữa”. Những thành viên trên tàu không được nói từ “đỗ” vì nếu nói từ đó ra thì sợ rằng sẽ không đánh được cá... Trong sinh hoạt hay nghỉ ngơi trên thuyền thì không được nói từ “vân tiên” vì theo quan niệm của ngư dân từ này có nghĩa là “rong chơi” cho nên không đánh bắt được gì.

Khi ra biển đánh bắt thì ngư dân cũng kiêng nhắc đến từ “sóng”. Sóng to gió lớn luôn là nỗi lo thường trực của người dân khi đang lênh đênh trên biển. Cho nên thay vì gọi “sóng” người ta nói “nhóc” khi sóng nhỏ và nói “tố” khi sóng lớn. Họ cũng kiêng gọi tên các loại ngư cụ nên chỉ dùng những từ chung chung như “bộ nghề”, “mang nghề” hay “dọn nghề”. Lúc đánh bắt sợ xúc phạm đến thần biển hay ông Ngư nên người ta không dùng từ “đánh”, “bắt” mà nói là “múc”. Chuyến đi biển đầu tiên thì gọi là “đi mở hàng” mà không nói là “đi biển”. Trong hành trình trên biển tránh nói đến từ “úp” mà thay vào đó từ gần nghĩa hoặc trái nghĩa: nói “nghiêng” thay cho “úp” (nói “nghiêng thúng” thay cho “úp thúng”) để tránh những chuyện mất mát.[12]

Hiện nay, những người đi biển trẻ tuổi đã bớt đi một số kiêng kỵ không phù hợp như không kiêng phụ nữ xuống thuyền, không kiêng gặp đàn bà. Việc cúng tế mỗi lần ra khơi cũng ít hơn xưa. Tuy nhiên những kiêng kỵ này cũng đã phản ánh tâm thức, quan niệm của ngư dân Đà Nẵng đối với việc hành nghề, những mong muốn của người dân làm nghề biển. Họ khát khao mỗi lần ra biển sẽ được an toàn trở về và đánh được nhiều cá tôm. Việc thực hiện những kiêng kỵ không chỉ tạo sự bình an trong tâm tưởng mà còn thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với các lực lượng phù hộ cho họ trong cuộc sống.

2. Trong sinh hoạt tôn giáo

Cùng với quá trình định cư của cư dân Đà Nẵng là sự xâm nhập của một số tôn giáo với mảnh đất này như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài, Tin Lành,… Tuy nhiên, phần lớn người dân ven biển chủ yếu theo Phật giáo bởi Phật giáo đã theo bước chân của những lưu dân trên đường Nam tiến từ hàng trăm năm về trước, cũng như tư tưởng của đạo Phật vốn gần gũi với phong tục, tập quán của người dân.

Phật giáo có mặt ở Đàng Trong có lẽ từ thế kỷ XIV, từ khi vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Lý (Rý) làm sính lễ. Từ đó, di dân người Việt cứ tiến dần về phương Nam, họ cư trú và sinh sống trên những mảnh đất này. Cùng đi với lưu dân có cả những nhà sư người Việt và cả những thiền sư Trung Hoa theo đường biển đến trác tích tại những vùng đất xa xôi hiểm yếu này. Trong những ngày tháng đầu tiên đến vùng đất mới, những ngôi chùa đã bắt đầu xuất hiện phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân.

Đặc biệt là giai đoạn từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa (năm 1558), ông đã chăm lo cho việc xây dựng và phát triển xứ Đàng Trong. Từ Nguyễn Hoàng cho đến những vị chúa cuối cùng của triều Nguyễn đều tỏ ra mộ đạo Phật, họ hết lòng hộ trì Phật giáo, nhờ đó đạo Phật đã phục hưng ở Đàng Trong và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, vào nửa cuối thế kỷ XVII, khi nhà Minh ở Trung Quốc suy sụp, những bộ tộc người Mãn ở phương Bắc đã liên kết với nhau lật đổ nhà Minh lập nên nhà Thanh, một số quân dân nhà Minh không chịu thuần phục nên bỏ xứ sang Đàng Trong sinh sống, trong đó có cả các thiền sư thuộc phái Thiền Lâm Tế và một số ít thuộc phái Thiền Tào Động.[13]

Buổi ban đầu khi đạo Phật được hoằng hóa tại Đà Nẵng, các tăng sĩ thường dựng lên các am, cốc ở những khu vực còn hoang sơ, vắng vẻ. Điểm dừng chân của họ có thể là một khu đất cao ráo bên cạnh một con sông, biển, hoặc nơi núi non tĩnh mịch. Trên nền đất u tịch đó, các nhà sư chặt cây, bện lá dựng lên những thảo am nhỏ. Khi người dân định cư tương đối đông, đời sống đã ổn định, việc giao lưu kinh tế trong vùng được mở rộng và phát triển thì những ngôi chùa được xây dựng bằng các chất liệu bền vững như gạch, gỗ, đá,… dần dần thay thế những ngôi chùa bằng cây lá trước kia. Năm 1621, Giáo sĩ dòng tên người Ý là Cristophoro Borri đến Đàng Trong, ông nhận xét về tín ngưỡng thờ Phật của cư dân nơi đây: “Mỗi địa điểm dù nhỏ bé đến đâu thì cũng có đền chùa thờ cúng thần Phật…”.[14]

Người dân cho rằng việc thờ phụng thần thánh luôn xuất phát từ tâm, không cần phải chùa to, đình lớn mà quan trọng là tấm lòng thành kính của họ dâng lên các vị thần, Phật. Jonh Barrow trong nhật ký Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà đã mô tả về cách mà người dân ven biển Đà Nẵng thờ Phật: “Vào một buổi tối biển lặng, khi rời tàu lên bộ ở một vụng biển nhỏ phía bờ Bắc vịnh Turon, tôi quan sát thấy một người mặc áo thụng màu vàng, dài chạm đất, đầu cạo trọc để trần, bước đi khoan thai tới một cây to cành lá xum xuê, theo sau là một vài người nông dân. Khi tới gốc cây, tất cả mọi người đều dừng lại. Ngay ở thân cây chính (vì đó là một loại cây thuộc loại Ficus Indica, người Nam Hà gọi là Dea (cây đa), cành rũ xuống bám rễ vào đất trở thành thân), tôi quan sát thấy một cái lồng lớn đan kiểu mắt cáo, có hai cánh cửa gấp, buộc chặt giữa hai chạc cành cây, một phần bị lá che lấp. Bên trong có một bức tượng Buddha (bụt) hay Fo (Phật) bằng gỗ, thân hình mập mạp đang ở tư thế ngồi thường thấy tương tự như trong các đền chùa Trung Hoa”.[15]

Có thể nói, Phật giáo là chỗ dựa tâm linh của người dân ven biển, bởi với tấm lòng từ bi cao cả, đạo Phật với tiếng kinh cầu nguyện cho người dân được sống yên vui, hạnh phúc, để người dân cùng đồng tâm hiệp lực, xây dựng cho một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, đạo Phật còn quy tụ đông đảo thiện nam, tín nữ vào các ngày rằm, mồng một và những ngày đại lễ hàng năm đến viếng chùa như: Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ vía Quán Thế Âm,...

Cuộc sống lao động của ngư dân luôn gắn với biển, bất trắc, hiểm nguy luôn đến với họ bất kỳ lúc nào nên mỗi khi ra khơi họ chỉ biết đặt niềm tin của mình vào sự chở che của các vị thần, Phật (nhất là Quán Thế Âm Bồ Tát), cầu mong sự ban phước, chở che, độ trì họ vượt qua những trắc trở hiểm nguy trên biển, để bình an trở về đoàn tụ với gia đình.

Kết luận

Trong cuộc hành trình tiến về phương Nam của cộng đồng ngư dân ven biển Đà Nẵng, tín ngưỡng thờ thần trong đời sống của họ ở quê hương cũ vẫn được bảo lưu và tiếp tục phát triển trên vùng đất mới. Bên cạnh tín ngưỡng truyền thống, ngư dân đón nhận thêm những yếu tố mới và Việt hóa nó, làm giàu hơn bản sắc văn hóa Việt vốn có. Trải qua những biến thiên của cuộc sống, những tín ngưỡng, tôn giáo đó vẫn gắn bó mật thiết đối với cộng đồng cư dân biển và dù có những thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng cũng không mất đi nét truyền thống bởi họ tin rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Chừng nào biển vẫn còn những điều bí ẩn, con người chưa chế ngự được những hiểm họa khi sống trên biển cả thì chừng đó tín ngưỡng vẫn có sức mạnh riêng, nó cùng chung sống với các tri thức hiện đại, có sức mạnh hỗ trợ ngư dân vượt qua rủi ro, an ủi tâm hồn của họ.

Hiện nay, quá trình đô thị hóa trên địa bàn thành phố đã và đang tác động sâu sắc đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của cư dân ven biển, phần nào ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản sắc văn hóa vốn có từ lâu đời của họ. Nhưng thực tế nữa cũng đang diễn ra chính là sự thay đổi quá lớn về không gian, cảnh quan sống quen thuộc của người dân. Những ngôi làng truyền thống chạy dọc theo bờ biển được thay thế bằng những khu nghỉ dưỡng cao cấp hay những khu chung cư, ngư dân “thiếu hoặc ít” con đường hướng biển; những không gian được phủ xanh bởi cây cối như phi lao, dừa,… bao phủ quanh làng chài giờ thưa vắng dần; những tri thức quý về ứng xử hay các di tích, các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội bị biến đổi dần… Rõ ràng, khi không gian sống, không gian sinh tồn bị thay đổi mạnh mẽ thì vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ thần dưới góc độ của một di sản văn hóa dân tộc, nhà nước ta cần thực hiện những giải pháp đồng bộ từ góc độ quản lý nhà nước về văn hóa kết hợp các yếu tố từ cộng đồng. Cả hai bên cùng chung tay góp sức để bảo tồn nền văn hóa dân tộc. Đồng thời, việc bảo tồn và phát huy còn dựa trên những yếu tố của thời đại, bảo tồn kết hợp với phát huy các giá trị để phục vụ tốt hơn sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dương Văn An (1553). Ô châu cận lục (Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải). Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009.

2. Thạch Phương - Nguyễn Đình An (Chủ biên) (2010). Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng. Nxb Khoa học Xã hội.

3. J.Barrow (2008). Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793). Nxb Thế giới.

4. Cristophoro Borri (1998). Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và hiệu đính). Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Minh Chi (2003). Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam. Nxb Tôn giáo.

6. Trịnh Hoài Đức (2005). Gia Định thành thông chí (Lý Việt Dũng dịch và chú giải). Nxb Tổng hợp Đồng Nai.

7. Nguyễn Hiền Đức (1995). Lịch sử Phật giáo Đàng Trong. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Thích Đại Sán (1963). Hải ngoại ký sự. Viện Đại học Huế - Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam.

 9. Albert Sallet (1996). Ngũ Hành Sơn (bản dịch của Nguyễn Sinh Duy). Nxb Đà Nẵng.

10. Lê Mạnh Thát (2003). Lịch sử Phật giáo Việt Nam (Tập 1). Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.