Tín ngưỡng thờ Bà Đại Càn của ngư dân Đà Nẵng - Huỳnh Thạch Hà

03.11.2017

Đà Nẵng là thành phố có đường bờ biển dài 92 km, với diện tích ngư trường khoảng 15.000 km. Nghề đi biển được hình thành và phát triển từ lâu đời. Sống chung với biển, đối mặt với những thiên tai mưa bão ở trên biển, con người nhỏ bé hữu hạn trước đại dương bao la, họ không có một năng lực để “phòng thủ” hiệu quả nên thường gặp hiểm nguy và mất mát rất nhiều. Đặc biệt, khi xưa khoa học chưa phát triển, người dân chỉ biết dựa vào sự che chở của các thế lực siêu nhiên để sinh tồn trên sóng gió biển khơi. Họ đã tìm đến sự bảo hộ của các vị thần trên biển, từ đó hình thành những loại hình tín ngưỡng dân gian còn tồn tại đến ngày nay trong đó có tín ngưỡng thờ Bà Đại Càn.

Tín ngưỡng thờ Bà Đại Càn của ngư dân Đà Nẵng - Huỳnh Thạch Hà

Bà Đại Càn tước hiệu là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị Thánh nương. Nguồn gốc của Bà được tiến sĩ Sùng Nham Hầu Dương Văn An chép trong Ô châu cận lục như sau: “Xét trong Bản Truyện thì phu nhân họ Triệu, công chúa của nhà Nam Tống. Tứ Vị Thánh Nương gồm mẹ và ba người con, phu nhân là con gái út. Năm Thiệu Bảo nguyên niên đời Trần Quang Tôn (ta lệ thuộc) nhà Tống. (Bấy giờ) Tống Đoan Tông chạy ra một hòn đảo ngoài biển rồi bị bệnh mất. Thừa tướng Thiên Tường bị bắt, Lục Tú Phu nhảy xuống biển tự tử, Thế Kiệt bị chết đuối, số người chết kể cả tôn thất cùng với quan lại và nhân dân đến hơn một vạn. Phu nhân cùng mẹ và hai người chị vớ được một tấm ván thuyền, dạt vào một ngôi chùa ở một bờ biển, đói khổ buồn bã. Nhà sư trông thấy cảm thương bèn cho ăn và bảo dưỡng mấy tháng liền. Bốn mẹ con được nhàn hạ và no đủ nên thân thể hồi phục, dung mạo đẹp đẽ lạ thường, nhà sư trong chùa thấy thế sinh lòng tà dâm, đêm đến hỏi xin thông dâm với phu nhân. Phu nhân giữ tiết nên quyết cự lại. Nhà sư ngộ ra, lấy làm xấu hổ, bèn nhảy xuống biển trầm mình mà chết. Mẹ con phu nhân cùng khóc mà nói: Mẹ con ta đội ơn nhà sư cứu vớt nuôi dưỡng nên mới bảo toàn được tính mạng, nay nhà sư lại vì ta mà trầm mình chết, vậy thì ta còn có thể sống được hay sao. Nói rồi mẹ của phu nhân lao xuống biển, lúc ấy phu nhân và các chị cũng tự trầm theo. Thi thể trôi dạt đến ven biển cửa Càn Hải ở Diễn Châu nước Việt ta. Thổ dân thấy thi thể không hư tổn, bèn nói với nhau bên kia bờ biển hiểm yếu sao mà trôi mấy ngàn dặm, áo quần, dung mạo vẫn như người còn sống, xinh đẹp lạ lùng. Họ cho là thần, vội chôn cất cẩn thận rồi lập đền thờ cúng. Từ đó, phàm là thuyền buôn bán gần xa, hễ gặp phong ba là vội khẩn khoản cầu khấn và chỉ trong phút chốc quả nhiên được bình an. Đến nay các cửa biển đều lập đền thờ cúng tế. Đây là vị phúc thần linh thiêng nhất của Nam Hải vậy”.[1]

Về sự hiển linh của vị Đại Càn này, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hưng Long thứ 19 (1311), mùa đông, tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành vì chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc. Hưng Long thứ 20 (1312), mùa hạ, tháng 5, dụ bắt được chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về... Tháng 6, vua từ Chiêm Thành về (đến kinh đô)... lập đền thờ thần ở cửa biển Cần Hải. Trước đây, vua đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải (trước là Càn, tránh tên húy đổi là Cần) đóng quân lại, đêm mơ thấy một thần nữ khóc lóc nói với vua: Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp phải sóng gió, trôi giạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bô lão tới hỏi sự thực, cho tế, rồi lên đường. Biển vì thế không nổi sóng. Quân nhà vua tiến thẳng tới thành Đồ Bàn, bắt được chúa Chiêm đem về. Đến nay, sai hữu ty lập đền, bốn mùa cúng tế”.2

 Theo những tài liệu trên thì có thể vị nữ thần này có nguồn gốc ở vùng biển Nghệ An, có thể trong quá trình người Việt từ Thanh - Nghệ - Tĩnh thiên di vào Đà Nẵng sinh sống đã lưu giữ và thờ phụng để được bà phù hộ cho.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tuy không có lăng miếu thờ riêng bà nhưng bà được phối thờ ở một số đình miếu và xuất hiện rất nhiều trong các văn cúng ở trong những ngày lễ ở miếu, đình. Đặc biệt, ở Đà Nẵng hiện có trên 14 sắc phong về vị thần này. Bà Đại Càn được các vua triều Nguyễn phong các thần hiệu: Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức (Minh Mạng), Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác (Thiệu Trị), Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Thượng đẳng Thần (Tự Đức, Khải Định), Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Trang Huy Thượng đẳng Thần (Đồng Khánh), Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng (Duy Tân). Dưới đây là một sắc phong Bà tại xã An Nam, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là làng Nam Thọ, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Sắc: Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị Thánh nương. Hộ quốc tí dân hiển hữu công đức, kinh hữu xã dân phụng sự. Phụng ngã Thế Tổ Cao Hoàng đế, thống nhất hải võ, khánh bị thần nhân. Tứ kim quang thiệu hồng đồ, miến niệm thần hưu, nghi long hiển hiệu, khả gia tặng Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức Thượng đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Diên Phước huyện, Nam An xã, y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Minh Mạng thất niên, cửu nguyệt, thập nhất nhật.

Dịch nghĩa: Sắc phong bốn vị Thánh nương Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, các ngài đã giúp nước, che chở cho dân chúng, công đức hiển hiện rất rõ ràng, đã được các nơi phụng thờ. Từ khi đức Thế Tổ Cao Hoàng đế ta, thống nhất bờ cõi, các thần linh và con người đều mừng rỡ. Nay ta nối nghiệp lớn, nghĩ đến công ơn của các ngài, nên long trọng đặt các vị ở địa vị sáng ngời và gia tặng các ngài vào bậc Thượng đẳng thần với danh hiệu Hàm Hoằng Quang Đại Chí Đức. Nhưng chuẩn hứa cho xã An Nam, huyện Diên Phước được phụng thờ như cũ. Ngõ hầu ngài sẽ phù trì và bảo vệ cho đám dân đen của ta. Hãy kính cẩn vâng mệnh!

Ngày 17 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7.

 Tại Đà Nẵng, dân chúng ở đây cũng không biết được gốc tích hay các truyền thuyết về bà. Họ chỉ biết từ thời tổ tiên họ di cư vào đây thì thờ phụng bà và truyền lại đến bây giờ. Ngư dân truyền tụng là bà rất thiêng và thường độ trì cho người đi biển. Hàng năm, họ tổ chức lễ hội ở các đình miếu cũng cầu cúng bà phù hộ độ trì cho dân làng được bình an, đi làm nghề gặp may mắn thuận lợi. Cũng từ đó, niềm tin đối với sự độ trì của bà càng mạnh mẽ trở thành một tín ngưỡng dân gian của người dân miền biển.

H.T.H

 

CHÚ THÍCH

1 Dương Văn An (1553), Ô châu cận lục (Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải), (Hà Nội: Giáo dục Việt Nam, 2009), 95-97.

2 Hoàng Văn Lâu (Dịch và chú thích), Đại Việt sử ký toàn thư (quyển 2), (Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1998), 98.