Đạo giáo trong truyện Kiều

02.11.2020
Trần Hồ Ngọc Trường

Đạo giáo trong truyện Kiều

Đạo giáo du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II SCN nhưng khác với ở Trung Quốc, ở Việt Nam, “phái phù lục chiếm địa vị xuyên suốt trong xã hội cổ kim”(1). Đặc biệt, khi thiên di đến Việt Nam, Đạo giáo đã được Việt hóa, dân tộc hóa, “hòa lẫn làm một”(2) với tín ngưỡng, ma thuật, tôn giáo dân gian của người Việt. Vì thế, có bao nhiêu các tín ngưỡng, ma thuật dân gian là có bấy nhiêu các biểu hiện đó trong Đạo giáo Việt Nam. Đó có thể là bùa chú, cầu đảo, nhân tướng học, chiêm thuật, đồng cốt, giải mộng, sấm ngữ, cầu hồn, gọi hồn... Tuy nhiên, bên cạnh Đạo giáo phù thủy, ở Việt Nam còn có Đạo giáo thần tiên, với cõi tiên, cảnh tiên, động thiên phúc địa, tiên nhân, tiên nữ, cầu tiên, tu tiên, du tiên... Đạo giáo Việt Nam do đã được bản địa hóa nên có những đặc trưng riêng. Nó không chú trọng phát triển, luận bàn đạo tạng và luyện đan hầu có thuốc trường sinh mà lưu ý đến khía cạnh thực dụng, thực hành. Các vị thần tiên được quan tâm tới ở khía cạnh họ đã làm gì để trợ giúp con người, nhất là những người nghèo khổ, hoạn nạn. Cũng thế, bùa chú, cầu đảo... chỉ được xem xét đến nếu chúng mang tới lợi ích cho nhân sinh, như để dự đoán số phận con người chẳng hạn. Đạo giáo Trung Quốc có hàng ngàn vị thần nhưng chỉ có một số được người Việt trân trọng đón nhận. Ngũ lôi pháp (Trung Quốc) là một ví dụ. Nó có rất nhiều thần nhưng người Việt hầu như chỉ biết đến Thiên Lôi vì vị thần này luôn biết diệt ác trừ gian. Cũng vậy, Ngọc Hoàng được tôn thờ như một ông vua quang minh, biết thưởng phạt một cách công tâm chứ không được chú ý nhiều đến tư cách vị thần tối cao của Đạo giáo. Tiếp đến, khác với Đạo giáo Trung Quốc, tiên không phải là những kẻ tiêu dao sau khi đắc đạo nhờ nội, ngoại đan mà đối với người Việt Nam, tiên ông, tiên bà được coi như những ông Bụt, bà Bụt thần thông, có phép màu, chuyên phù giúp kẻ bất hạnh như cho tiên dược, bảo bối, tức là đứng về phía dân gian, những kẻ khổ đau. Trong khi đó, xứ sở thần tiên, tiên nữ lại được người Việt xem như những nơi chốn, những con người hạnh phúc vô cùng, đẹp tuyệt thế. Phụ nữ có nhan sắc lạ được ví như tiên nữ. Được du tiên, được gặp gỡ tiên nữ là điều mong cầu của nhân sinh trung đại Việt Nam.

Là thể loại khảo sát, trình bày và miêu tả tư tưởng, sinh hoạt dân gian nên truyện Nôm và truyện Kiều nói riêng đương nhiên sẽ đề cập đến Đạo giáo. Các biểu hiện của Đạo giáo trong truyện Kiều gồm có nhân tướng học, số thuật, giải mộng, chiêu hồn, sấm ngữ, thần tiên và việc phác họa các nhân vật có các đặc điểm của Đạo giáo như Đạm Tiên, đạo nhân, tướng sĩ và đạo cô Tam Hợp.

Nhân vật tướng sĩ (thầy xem tướng) trong Truyện Kiều có khả năng xem nhân tướng để suy đoán hậu vận. Kiều nói: Nhớ từ năm hãy còn thơ/ Có người tướng sĩ đoán ngay một lờ / Anh hoa phát tiết ra ngoài/ Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa. Và quả thật, lời tiên đoán của thầy tướng này là không hề sai. Kiều đã phải sống một cuộc đời bạc bẽo. Xem nhân tướng đoán hậu vận là cách thức tiên định tương lai của dân gian, sau đó được Đạo giáo vay mượn. Cũng như thầy cúng, thầy địa lý, thầy tướng có thể được xem như một hình thức đạo sĩ của Đạo giáo.

Nhân vật Thúy Kiều cũng có khả năng coi tướng. Đặc biệt, đó là khả năng cao cường, do Kiều đoán tướng rất chính xác. “Trộm liếc dung quang” Kim Trọng, Kiều đoán chàng sau này “Chẳng sân Ngọc Bội cũng phường Kim Môn” và khi “xem lại cho gần” Từ Hải, Kiều cũng đoán Từ Hải sau này sẽ là đế vương: “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”. Không chỉ có các nhân vật biết nhân tướng, Nguyễn Du còn là người thông thạo nhân tướng học. Ông có thể “xem mặt mà bắt hình dong”, do đó, ông đã mô tả các nhân vật bằng cách phác họa hình tướng như khuôn mặt, đôi mắt, lông mày, dáng vóc... Ông tin rằng nhìn tướng mạo bên ngoài của con người có thể hiểu được tâm địa, tính cách, hậu vận của họ. Tướng cao lớn, đẫy đà, màu da nhợt nhạt của Tú Bà cho thấy đây là người hồ đồ, nanh nọc, bịp bợm; diện mạo với khuôn mặt đầy đặn, mày ngài của Thúy Vân có thể cho thấy đây là cô gái phúc hậu nhưng vô lo, không mấy sâu sắc nước đời; trong khi đó, tướng với “râu hùm, hàm én”, vai rộng... của Từ Hải là tướng của anh hùng cái thế...

Nhân tướng học như vậy khá phổ biến trong truyện Kiều. Nó là tri thức dân gian thời trung đại. Nguyễn Du đã miêu tả các nhân vật bằng thuật xem tướng. Nhân tướng của các nhân vật truyện Kiều do đó là dấu chỉ đầu tiên mà Nguyễn Du muốn cho độc giả thấy. Nhờ đó, tạo được ấn tượng, tình cảm, thái độ ban đầu trong người đọc, trước khi họ được nhà thơ giới thiệu kỹ càng hơn về chúng, bằng cách miêu tả hành động, ngôn ngữ... Thế giới bên trong của nhân vật qua nhân tướng học hiển lộ ra một cách rõ ràng. Kết hợp biện pháp này với các biện pháp khác, như mô tả các sự kiện mà nhân vật tham dự vào chẳng hạn, nhà thơ đã làm cho các chân dung nhân vật được phát lộ ra một cách đầy đủ.

Vận số, thuật số cũng hiện diện trong truyện Kiều. Đây là một sáng tạo của Nguyễn Du, hầu như không có mặt trong cuốn tiểu thuyết nước ngoài mà nhà thơ vay mượn vài yếu tố. Một số nhân vật, nhất là Kiều phẫn nộ, tiếc nuối, chì chiết vận số của mình:

- Đoạn trường là số thế nào

- Đã sinh ra số long đong

- Số còn nặng nghiệp má đào

- Ví chăng có số giàu sang

- Chém cha cái số hoa đào.

Số ở đây là sự an bài tiền định. Đó có khi do bị hung tinh chiếu mệnh (số đào hoa), có khi do duyên nghiệp, do bản mệnh là “má đào”, tài sắc. Số thực ra là vận số hạnh phúc hay bất hạnh, rủi ro hay may mắn, lành hay dữ đã được định sẵn. Để biết được số mệnh phải có các nhà số thuật (thầy số) đoán định bằng cách coi ngày sinh, giờ sinh, năm sinh và xem số tử vi, bát quái, ngũ hành. Trong truyện Kiều có việc các nhân vật thường đay nghiến “số” của mình, có niềm tin vào số, vào thầy số và có các hoạt động số thuật, chiêm tinh vào thời đó. Thầy số cũng là nhà bốc phệ trong Đạo giáo phù thủy, chuyên bói bằng cách xem số, do vậy, nói đến số, vận số là nói đến một hoạt động của đạo sĩ Đạo giáo. Nói cách khác, Đạo giáo phù thủy đã hiện hữu trong truyện Kiều qua việc vận số có một số tác động đối với tâm lý nhân vật, được tin theo.

Quan niệm về hồn phách trong truyện Kiều cũng mang đậm dấu ấn Đạo giáo. Kiều cho rằng hồn là cái bất tử, trường tồn của con người, còn cái bị tiêu tán đi là thân xác: Thác là thể phách còn là tinh anh. Do là phần trường tồn nên hồn có thể mang theo trong nó những ký ức, hoài mong, những mối hận của đời người sau khi xuất khỏi thể phách lúc con người qua đời: Hồn còn mang nặng lời thề. Cũng vì tin rằng hồn là vĩnh cửu nên Kim Trọng và gia đình Kiều mới lập đàn tràng bên sông Tiền Đường để chiêu hồn, cầu hồn Kiều vì tưởng là nàng đã chết. Hồn ở đây là oan hồn, do đó, nó có thể không có nơi nương tựa (như Nguyễn Du đã nói trong Văn chiêu hồn): Chiêu hồn thiết vị lễ thường/ Giải oan lập một đàn tràng bên sông. Đối với hồn con người, do sân, si, khủng... tức là ngũ khí do ngũ tạng sinh ra, lại chịu tác động của âm dương, ngũ hành và các trạng huống trong cuộc đời nên có thể bị kinh động:

- Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu

- Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời

- Mụ thì cầm cập mắt nhìn hồn bay.

Hồn phách như thấy trong truyện Kiều nằm trong quan niệm của Nho, Phật hay Đạo giáo? Nho giáo hầu như không bàn luận đến hồn phách, quỉ thần, ma bởi nó là một triết thuyết thực dụng, nặng về thực hành, là những qui tắc cai trị, đạo đức, ứng đối trong cõi đời. Phật giáo thì cho rằng, hồn (tiếng Pháp là âme, tiếng Anh là spirit) cùng với phách là một trong hai thành phần của con người. Hồn phách tức là thân tâm. Phật giáo không chấp đoạn cho hồn sẽ mất đi khi con người chết, cũng không chấp thường cho hồn vĩnh viễn tồn tại như nó vốn có mà hồn và phách đều phải chịu “sinh tử luân hồi”(3) trong lục đạo. Khi con người chết đi, nếu có quả nghiệp thiện thì linh hồn bay lên cõi tiên, nếu có hạnh nghiệp ác thì bị đày địa ngục. Ở cõi tiên và địa ngục đều chưa hết luân hồi. Trong khi đó, Đạo giáo quan niệm con người có tới 3 thành phần, đó là hồn, phách (vía) và thân xác. Hồn và phách nương tựa vào thân xác để tồn tại. Khi con người mất đi, hồn lìa khỏi xác còn xác và phách thì tiêu tán. Hồn là khí khinh thanh, dương thần mà dương thì chủ sinh nên tồn tại mãi mãi còn phách (vía) trọng trọc, là âm thần. Âm chủ sát nên phách, thân xác phải mất đi. Kiều nói: Thác là thể phách, còn là tinh anh (Thể phách = thân xác và phách (vía), tinh anh = linh hồn), do đó có thể nói, quan niệm về hồn trong truyện Kiều là quan niệm của Đạo giáo. Dân gian cũng có quan niệm khá tương đồng với Đạo giáo về linh hồn. Đạo giáo hỗn dung, tích hợp vào nó tín ngưỡng dân gian và các quan niệm, triết lý của Phật giáo cho nên quan niệm về hồn của Đạo giáo có sự tương đồng ở mặt này mặt kia với quan niệm về linh hồn của Phật giáo và dân gian.

Truyện Kiều có hai nhân vật có liên quan tới Đạo giáo, có tính chất, màu sắc của tôn giáo này. Đó là Đạm Tiên và đạo cô Tam Hợp. Đạm Tiên vừa là ma vừa là thần, có thể gọi là ma thần. Gọi Đạm Tiên là ma vì nhân vật này sống ở nghĩa trang phía tây (Hàn gia ở mé Tây Thiên), là “ma không chồng” (Hại thay thác xuống làm ma không chồng). Nhưng Đạm Tiên cũng là thần. Kiều gọi giấc mơ gặp Đạm Tiên là “thần mộng” (giấc mộng có thần đến báo ứng) (Vả trong thần mộng mấy lời). Tên gọi của nhân vật này đã mang ý nghĩa chỉ tiên thần, trường sinh bất lão (“Tiên”: Đạm Tiên). Vì là ma thần nên Đạm Tiên mới “hiển linh”, hiển hiện ra một cách linh thiêng cùng Kiều. Người và ma không có mối tương liên. Chỉ có người và thần (ở đây là thần ma) mới có mối quan hệ này. Đây là quan niệm có tính truyền thống về sự linh ứng giữa thần và người, giữa âm và dương, u và hiển, nếu giữa hai bên có sự thông hiểu, đồng điệu, đồng thanh khí với nhau. Phật giáo cho ma cũng thần thông nhưng ma chủ yếu được hiểu như những “kẻ nào, điều nào, pháp nào làm não loạn tâm thân, ngăn trở pháp lành, cướp của cải nền công đức, giết mạng vận của nền trí huệ”(4). Tứ ma, thập ma, bát ma đều là những thực thể hiện hình ra với mục đích như thế. Ma như vậy được hiểu như những thế lực cản trở con đường cầu đạo, đắc đạo, chứng quả của hành giả, của các bậc tu hành. Ma không thể là thần. Chỉ có bậc chân giác như Đức Phật, Đế Thích mới gọi là thần. Điều này khác với quan niệm của dân gian và Đạo giáo về ma. Ma ở đây là linh hồn của những kẻ “sống linh thác thiêng” hoặc “sống đọa thác đày”, có thể hiện hồn để phù trợ hay ám hại con người. Ma sống ở phía tây, thuộc âm là cõi của kẻ chết. Nghĩa trang thời xưa luôn được đặt ở hướng này. Nếu linh thiêng thì ma có địa vị ngang hàng với thần, là một hình thức của thần. Trong Công giáo, thiên thần là Holyghost (Holy: thần; ghost: ma). Đạo giáo có hàng vạn vị thần, ở khắp tứ phương mười hướng. Thần ma Đạm Tiên tuy là thần ma Đạo giáo nhưng nhìn cuộc đời, con người bằng quan niệm, tư tưởng Phật giáo và dự báo tương lai Kiều bằng lời nói có tính sấm ngữ: Còn nhiều hưởng thụ về sau / Duyên xưa tròn trặn, phúc sau dồi dào.

Nhân vật đạo cô Tam Hợp cũng là một nhân vật mang màu sắc Đạo giáo, chủ yếu ở khía cạnh dùng sấm vĩ. “Đạo cô” là từ để chỉ nữ đạo nhân hoặc sư cô của Phật gia. Nhưng đạo cô Tam Hợp không phải là nữ đạo nhân mà là nhà sư nữ. Vì thế, sư Giác Duyên và Kiều mới gọi đạo cô này là “sư”: Gặp sư Tam Hợp, vốn là tiên tri và Lời sư đã dạy ắt thì chẳng sai. Nhưng nhà sư nữ này lại có khả năng tiên tri, tiên báo một cách siêu phàm. Bà nói “năm năm nữa” Kiều và sư Giác Duyên sẽ gặp nhau và bảo sư Giác Duyên “thả một bè lau” để đón Kiều... Những lời tiên báo này có tính sấm vĩ. Sấm vĩ, sấm ngữ là những lời văn, có khi dài bằng một thiên kinh, có khi chỉ dài vài câu, có chức năng dự đoán tương lai của một vương triều hoặc có khi chỉ đoán hậu vận của một cá nhân. Trong lịch sử, không phải không có các nhà sư Phật giáo có khả năng dùng sấm truyền để tiên báo họa phúc của một vương triều, như các nhà sư thời Lý Trần chẳng hạn, nhưng điều này là hiếm. Sấm ngữ thường là do các đạo sĩ đắc đạo soạn phát. Sấm ngữ có thể được xem như một sản phẩm đặc thù của Đạo giáo phù thủy. Do vậy, việc dùng sấm ngữ của đạo cô Tam Hợp (và Đạm Tiên) có tính Đạo giáo. Có thể nói bà vừa là nhà sư, vừa là nhà sấm ngữ Đạo giáo.

Truyện Kiều có một nhân vật đại diện, hoàn toàn Đạo giáo, đó là nhân vật đạo nhân. Đạo nhân trong lục cấp tiên của Đạo giáo trông coi ngũ hành, đoán việc cát hung. Đây là vị đạo sĩ tại gia, có đạo quán, ai muốn hỏi việc lành dữ thì phải có lễ vật (Gần miền nghe có một thầy và Sắm sanh lễ vật rước sang). Vị đạo sĩ này có bùa chú, là đạo sĩ của Đạo giáo phù lục, có khả năng thông huyền, đốt bùa triệu được quỉ thần (Phi phù trí quỉ, cao tay thông huyền), có tĩnh đàn, có thể xuất hồn đến các cõi âm, cõi tiên (Đạo nhân phục trước tĩnh đàn/ Xuất thần giây phút chưa tàn nén hương). Ông ta dự đoán rất chính xác, rằng Kiều chưa chết và một năm nữa nàng và Thúc Sinh sẽ gặp nhau nhưng “Hai bên giáp mặt chiền chiền/ Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn, lạ thay”. Vị đạo sĩ này có chịu ảnh hưởng của Phật giáo nên có nói tới “nghiệp oan gia”, duyên nợ ba sinh (Người này nặng nghiệp oan gia/ Còn nhiều nợ lắm sao đà thác cho). Đây quả là một vị đạo sĩ chính cống của Đạo giáo phù lục. Sự xuất hiện của nhân vật này cho thấy các sinh hoạt Đạo giáo thời trung đại và niềm tin của con người đối với các hoạt động phù chú, đồng cốt khi ấy.

Trong khi đó, Thúy Kiều là nhân vật có phẩm tính, có đặc điểm của một tiên nữ của Đạo giáo thần tiên. Nhan sắc Kiều không khác nhan sắc của tiên nữ: “Sắc đành đôi một”, kỳ lạ, hiếm hoi. Một phụ nữ có sắc đẹp tuyệt đỉnh như thế chỉ có thể là tiên nữ ở trần gian mà thôi. Tài năng của Kiều cũng được đem so sánh với tài năng của tiên:

- Tay tiên một vẩy đủ mười

khúc ngâm

- Tay tiên gió táp mưa sa

- Phím đàn dìu dặt tay tiên

Ngoài hình thức mỹ hóa tài thơ, tài đàn của Kiều qua việc sử dụng cụm từ “tay tiên” thì có thể thấy, tài năng của Kiều ở đây đã được ví như tài năng của tiên. Tại các hội tiên, các chư tiên, quần tiên không chỉ uống tiên tửu, ăn đào tiên mà còn tấu khúc Nghê thường, xướng họa thơ ca. Lý Bạch được gọi là thi tiên một phần cũng vì thơ hay như thơ tiên thần và có khả năng xuất khẩu thành thơ. Trong truyện trung đại cũng có một thi nhân đối đáp thơ với tiên. Thơ hay, đàn giỏi ở mức khác thường là thơ nhạc của tiên, ở cõi tiên. Nguyễn Du và các nhân vật khác nhiều lần coi Kiều là tiên nữ. Nơi Kiều sống được xem như nơi tiên ở. Nơi Kiều tình tự được ví như động thiên phúc địa, được gặp gỡ Kiều thì không khác gì được gặp tiên và Kiều được so sánh với tiên, là tiên:

- Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần

Còn ngờ giấc mộng đêm xuân

mơ màng

- Thân này dễ lại mấy lần gặp tiên

- Rằng: - “Mua ngọc đến Lam Kiều”

- Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang

- Phẩm tiên rơi đến tay hèn

- Tấc gang động khóa nguồn phong

- Giá đành trong nguyệt trên mây

- Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai

- Phẩm tiên đã bén tay phàm

- Xắn tay mở khóa động đào/ Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên thai.

Như vậy, dù là con người trần thế nhưng Kiều đã được xem như tiên nữ. Theo truyền thống thời trung đại, phụ nữ có tài năng và đẹp kỳ lạ như Kiều đều được cho là có xuất thân từ cõi tiên, cõi trời. Đạm Tiên (Truyện Kiều) là “cành thiên hương” (cành hoa đẹp đến từ trời), còn ca giả La Thành thì là “Cành hoa đẹp từ cõi Bồng Doanh bay xuống” (Nhất chi nồng diệm hạ Bồng Doanh) (Điếu La Thành ca giả, Nguyễn Du). Kiều được đối sánh với tiên Phật giáo hay Đạo giáo? Phật giáo cũng có tiên (thiên nữ) và cõi tiên. Phụ nữ được trở thành thiên nữ, vãng sanh về cõi tiên (lục dục thiên) nếu khi ở trần thế họ có hạnh nghiệp, công đức. Ở tiên cảnh, họ được hạnh phúc, được tận hưởng ngũ dục (vị dục, xúc dục...) nhưng họ phải quán sát thế gian để che chở cho kẻ có thiện hạnh và vẫn tu tập, cầu đạo. Thiên nữ không bất tử. Như vậy, thiên nữ của Phật giáo nhấn mạnh đến khía cạnh đạo hạnh, đạo đức của phụ nữ và trọng trách quán sát khi đã ở trên cõi tiên. Do đó, hình ảnh tiên nữ đẹp cùng tận, đa tình, thùy mị, uyển chuyển, có tài thơ tài đàn và trường sinh bất tử, là khao khát của người nam, là mong cầu của người nữ ở trần gian chỉ có thể là tiên nữ của Đạo giáo thần tiên mà thôi. Kiều được so sánh với loại tiên này.

Đời Kiều như đã hoàn kết, xong xuôi, không còn gì để mong chờ trong kiếp này:

- Kiếp này thôi thế thì thôi

- Thôi còn chi nữa mà mong

Đời người đến thế là xong một đời

- Thôi con còn nói chi con

Sống nhờ đất khách, thác chôn

quê người

- Thân này đã bỏ những ngày ra đi

- Kiếp người đã đến thế này thì thôi

- Nàng rằng: “- Phận thiếp đã đành

Có làm chi nữa cái mình bỏ đi”

Thế nhưng các nhân vật mang màu sắc Đạo giáo là thần ma Đạm Tiên và đạo cô Tam Hợp không chỉ cảm thông, thấu hiểu mà còn mở đường hiếu sinh, gián tiếp cứu vớt Kiều. Đạm Tiên nói với Kiều bằng sấm ngữ là “Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau” và quả thật, con sông này không phải là “mồ hồng nhan” như người Hàng Châu nói mà là con sông thanh tẩy, tái sinh. Trong khi đó, đạo cô Tam Hợp cũng dùng sấm ngữ để báo cho sư Giác Duyên “thả một bè lau” cứu Kiều. Như vậy các nhân vật có tư tưởng, màu sắc Đạo giáo hiện diện để cứu nhân độ thế, đậm chất nhân đạo, đúng với tính cách Việt. Đạo giáo được dân tộc hóa là vậy. Ngoài ra, còn có nhiều nhân vật khác thương xót Kiều. Đến như Hoạn Thư cũng phải thương cảm nàng: Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời...

Ngoài các yếu tố Đạo giáo đã nói thì còn có thể thấy các dấu vết khác của nó, trong đó có hành động giải mộng và niềm tin vào điềm báo. Kiều sau khi gặp Đạm Tiên trong mơ sau hội Đạp thanh nói với mẹ là: Cứ trong mộng triệu mà suy / Phận con thôi có ra gì mai sau. Quả thật, Kiều đoán mộng rất có hiệu nghiệm. Đó là giấc mộng gở, cho biết trước cả một đời người. Giải mộng, đoán mộng do các vu chúc, vu bốc Đạo giáo thực hiện. Giải mộng đưa đến những diễn dịch, suy đoán về tương lai hung hoặc cát. Thời cổ trung đại có các vu sư chuyên đoán mộng cho vua chúa và lời giải đoán này luôn được tin theo. Trong khi đó, điềm báo cũng được cho là quan trọng đối với những ai theo Đạo giáo. Với một cá nhân thì việc gà gáy, chó sủa, nhện sa... một cách bất thường thuộc về những điềm gở còn đối với những việc đại sự thì điềm báo có thể là sao lạ xuất hiện, sét đánh bất ngờ, đất sụt, núi lở... Trong Truyện Kiều, Kim Trọng tin rằng việc mình đến thuê căn nhà có hiên Lãm Thúy là một điềm lành, do hiên này có tên trùng với tên người yêu: Mừng thầm chốn ấy chữ bài/ Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây, còn việc chàng nhặt được thoa Kiều cũng được chàng coi như một dấu hiệu báo trước tương lai tốt đẹp: Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm.

Truyện Kiều như vậy không chỉ chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Phật giáo mà còn chịu ảnh hưởng của Đạo giáo. Điều này thể hiện ở việc có sự hiện diện của các nhân vật Đạo giáo, quan niệm về linh hồn, thần tiên và niềm tin đối với nhân tướng học cũng như sự có mặt của các hoạt động Đạo giáo như bùa chú, giải mộng, sấm truyền... Ảnh hưởng của Đạo giáo làm cho không khí Truyện Kiều thêm huyễn hoặc, kinh dị. Sấm ngữ của thần linh, dị nhân, của nhân vật siêu phàm đưa đến một hệ quả là cốt truyện Truyện Kiều thêm hàm súc. Chúng có giá trị như một thông báo, một sự gợi mở, các hành động, sự kiện diễn ra sau đó có thể được coi như những phân tích, diễn giải, chứng minh cho sự chân xác của chúng. Sự xuất hiện của các nhân vật Đạo giáo phù thủy còn làm Truyện Kiều không còn tồn tại lối kể chuyện chủ quan, nhà thơ không thể dẫn dắt nhân vật trung tâm đi theo con đường mình muốn. Kết thúc có hậu là do những đấng siêu phàm quyết định, được khải thị qua lời các nhân vật Đạo giáo chứ không phải là mong muốn chủ quan của người kể chuyện. Sự hiện diện của Đạo giáo trong Truyện Kiều còn cho biết có sự hỗn dung giữa Nho - Phật - Đạo trong tư tưởng tác phẩm. Không có nhân vật nào thuần túy chịu ảnh hưởng của một tôn giáo riêng lẻ mà có tính chất đa hợp. Đây cũng là đặc điểm chung trong xã hội, văn học và tư tưởng thời trung đại Việt Nam.

T.H.N.T