Tình yêu và chiến tranh

02.11.2020
Nguyễn Vĩnh

Tình yêu và chiến tranh

Sông Cu Đê xuôi về tới Thủy Tú thì trải rộng, mênh mông như một đầm nước lớn. Đời sông chẳng khác chi đời người. Sau bao vật vã thác ghềnh, sông trở lại chính mình, lặng lẽ trầm tư trước khi hòa vào với biển. Buổi sáng mắt sông đầy sương khói. Trong nét đẹp mơ màng ấy, sông như đang giấu trong lòng biết bao buồn vui hoài niệm, trắc trở truân chuyên của cả một đời. Dưới bóng dừa rười rượi, những ly chè tươi đậm chát, quấn vào chân răng rin rít. Cô gái đón và mời nước chúng tôi ước đã ngoài ba mươi, cái tuổi đang chín ửng nhan sắc. Lúc cô cười, đôi môi đỏ thắm gợi cảm và quen tới mức như đã gặp ở đâu đó. Huỳnh Văn Xuân giới thiệu: Đây là Phượng, tên nằm nôi là Rê. Con bé này đã đi chiến đấu khi còn trong bụng mẹ. Lời giới thiệu úp úp mở mở của Xuân, càng làm tôi tò mò, nhưng không tiện hỏi.

Nắng đã lên cao, thỉnh thoảng những chiếc thuyền chài ngược xuôi, làm nắng vỡ ra lóng lánh mặt sông. Từ chỗ đang ngồi, Xuân nói thêm: Ngược qua Trường Định, men theo bờ sông trèo thêm vài giờ sẽ tới Khe Răm, hậu cứ

Khu 1. Ngày ấy trai tráng các làng ven biển này nhập ngũ đông lắm, họ đi theo con đường vừa nói để vào chiến khu. Có người lên rừng mới 16 tuổi, cái tuổi tròn trăng ăm ắp mộng mơ. Xuân cười, đang định nói tiếp thì có tiếng xe máy đổ xịch, Giỏi từ xe bước xuống. Biết nhà có khách, chị chạy ào ra bến kiếm hải sản tươi. Bắt tay từng người xong chị ngồi vào bàn, nhìn tôi nói như phân trần: “Khách tới nhà không gà thì vịt”. Nhưng ra tới biển mà không ăn đặc sản của biển, cậu Vĩnh sẽ cho rằng mình hà tiện. Chị cười vui và hồn nhiên đến lạ. Tiếng cười mở bung ra khu rừng ký ức trong chị. Trong khu rừng ấy có bom đạn, có hạnh phúc và đắng cay, có những khúc khuỷu vẽ nên đường cong số phận con người.     

Thời chiến tranh, để tránh lộ mình, đội hình Tiểu đoàn nhưng các Đại đội ở khá xa nhau, từ năm đến mười phút đường rừng. Mỗi Đại đội có bếp ăn riêng. Phụ trách bếp ăn, gồm một quản lý và một tổ nuôi quân, hầu hết là nữ. Bếp trưởng Trần Thị Giỏi quê Hòa Hiệp, nhập ngũ năm 1972, nguyên là chiến sỹ Khu 1 Hòa Vang. Chị và nhiều đồng đội nữ nữa của Khu, giữa năm 1973 được điều động về Tiểu đoàn tôi để làm công tác này, vào cái tuổi 18, 20 trẻ trung, lưng ong thắt đáy đẹp mặn mà.  

Hai tuần nay, Giỏi nằm điều trị ở Bệnh xá 76. Trong chiến dịch tháng 01/1975 có mật danh A15, Giỏi và Chúng len lỏi mang cơm ra chốt Gò Quy, Phú Đa. Loạt đạn M16 bắn về phía chị, một viên chui ngang vào mặt, lấy đi của chị hai cái răng hàm trên, may không đứt lưỡi. Nằm viện mà lòng chẳng yên, ngoài nỗi nhớ đơn vị, Giỏi còn rưng rức nhớ thương một người, kèm theo nỗi lo lắng tột cùng, khi cái thai trong bụng mỗi ngày một mây mẩy, chẳng thể tiếp tục giấu được nữa.  

Người mà Giỏi nhớ thiêu đốt cháy lòng là Nông Xuân Lê, quê Cao Bằng. Ngoài Bắc anh học xong lớp 10 thì nhập ngũ, năm 1973 vào chiến trường Quảng Đà, vốn tính cẩn thận nên khi biên chế về đơn vị, được phân công làm quản lý bếp ăn Đại đội 1. Lê dáng người cao ráo, chút thư sinh trong phong cách sinh hoạt. Nói năng nhỏ nhẹ, nhưng đường ngắm AK thì vào hàng cao thủ, anh có thể bắn đứt cổ con chim cu xanh, đem về cho bếp nấu canh cải tàu bay, bồi dưỡng người sốt mới dậy. Công việc quản lý của anh là cùng tổ nuôi quân, tìm mọi cách để bộ đội ăn no, giữ gìn sức khỏe. Nhận, cấp phát quân trang, nhu yếu phẩm... tất tần tật.

Cây cỏ còn có tình, phối ngẫu với đất trời sinh hoa kết trái cho đời. Giỏi và Lê, năm dài tháng rộng chung vai chiến đấu, cùng nhau vượt qua cái chết cận kề. Chăm sóc nhau những trận sốt rừng tái xanh, tái nhợt. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, tình cảm lớn dần rất tự nhiên. Nhiều đêm Giỏi cuộn mình trên võng, lòng cồn lên thứ xúc cảm rất lạ, không giống tình cảm đồng đội vô tư nữa. Cộng rơm trong chị bén lửa bùng cháy khát khao, dữ dội. Chị lơ mơ hình dung vòng tay của Lê đang siết lấy eo thon. Những ngón tay anh nhẹ nhàng, phả vào thân thể chị thứ ngôn ngữ rất lạ, làm cho người chị bừng nóng hừng hực. Cổ họng chị khô đắng. Thở dài, cố xua đuổi hình ảnh bốc hỏa ra khỏi đầu, chị biết, quan hệ tình cảm trai gái thời chiến tranh được xếp vào hành vi bất chính, phải chịu kỷ luật cao.

Giá như...  đừng có cái giá như trên đời này.

Giỏi mỉm cười một mình, nhớ lại đầu tháng 9 năm 1974, hôm ấy đi nhận nhu yếu phẩm ở phòng Hậu cần Quảng Đà (Thành Mỹ), trên đường trở về Thọ Lâm mưa như trút. Trời tối nhanh, không kịp tìm chỗ trọ, đành phải che tăng, mắc võng ngủ lại giữa rừng. Ăn tạm bánh lương khô, hứng nước mái tăng uống qua bữa, cả hai lên võng cố dỗ giấc ngủ sau cung đường dài. Trường Sơn đêm mưa buồn nẫu ruột. Tiếng chim Từ quy gọi nhau thâu đêm, cùng với tiếng mưa đều rơi trên mái tăng, tạo ra thứ âm thanh hoang dã và cô đơn đến nghiệt ngã. Giỏi lăn trở mãi trên võng không sao chợp mắt được. Lê ở võng bên cạnh cũng vậy, người anh bồng bềnh, hai tai ù ù, nóng bừng ngột ngạt. Không kiềm được nữa, anh hé bọc võng, khẽ luồn bàn tay đầy lửa qua phía Giỏi... Chị dùng dằng phút đấu tranh cuối cùng! Hỡi ơi, tình yêu như bông hoa tới thì phải nở. Không cưỡng được, chị ghì chặt tay người bạn trai bên cạnh, đặt lên gò ngực tròn trịa, săn chắc của mình. Đêm đó, chị đê mê, đau đớn, lần đầu vụng dại chia tay thời con gái tuổi hăm hai, trong tiếng mưa xao xác đại ngàn...

Sau lần ấy, họ tìm cách tránh mặt nhau. Đơn vị phát hiện thì kỷ luật, chẳng nên kéo dài, chị đã nghĩ vậy. Nhưng, dẫu trái tim của người lính, thì cũng đập trong lồng ngực trần tục như bao người. Không dám nhìn anh, lòng thì quay quắt nhớ nụ hôn đêm mưa bồi hồi rạo rực. Tình yêu ập tới lấp đầy khoảng trống đơn điệu, khét lẹt mùi thuốc đạn trong hồn chị. Từ ngày ấy, môi Giỏi đỏ thắm, bước chân thoăn thoắt, làm việc không biết mệt. Có một thảo nguyên xanh mượt như  nhung, trải kín lòng chị. Có tiếng suối chảy róc rách ngày đêm, êm đềm bên tai chị. Có con chim nào đang hót trong ngực chị, ríu ra ríu rít lời vui. Tình yêu mật ngọt làm Giỏi đắm say, hạnh phúc. Gam màu tươi tắn, đã tô vẽ cho cái chết phía trước của người lính, vốn đầy chất thơ, càng thêm dịu dàng. Chị lo sợ, nhưng không hối tiếc.

Ở thêm tuần nữa, Giỏi ra viện về đơn vị. Trận chị bị thương, đại đội 1 nằm lại gò Quy hơn chục cán bộ chiến sỹ, có người xích xe tăng nghiến chết dưới công sự, cơm chưa kịp ăn. Trông thấy Giỏi mọi người đều mừng, Chúng ôm chầm chị khóc nức nở. Giỏi nghỉ một ngày, xong lại lao vào công việc bếp núc quen thuộc. Chị len lét muốn gặp Lê, để nói về cái bông hoa bé nhỏ xinh xắn trong bụng mình, sản phẩm một đêm mưa tầm tã của hai người. Giọt máu đang cựa quậy mỗi ngày một lớn, đồng nghĩa với kỷ luật ngày một thật gần.

Điều lo lắng cuối cùng đã đến. Đêm tháng giêng rừng mù mịt sương, cái lạnh như cắt da cắt thịt người. Bên ánh đèn phòng không tù mù, anh chị ngượng ngùng đứng cúi mặt đọc kiểm điểm trước sự xót xa, ái ngại của đồng đội, bạn bè. C trưởng chính trị Lương Văn Thành, bằng chất giọng xứ Nghệ nằng nặng, không tiếc lời phê phán, ông nói:

- Anh, chị đã yếu kém toàn diện về đạo đức, không vượt qua được cám dỗ tầm thường. Thiếu kiên định về lập trường. Thiếu nhất quán về quan điểm và tư tưởng, nên đã rơi vào cạm bẫy của “chủ nghĩa xét lại”...

Giỏi chảy nước mắt, ôm mặt ngồi khóc hu hu như con nít. Ngày chị lên rừng đi chiến đấu, gói nhan sắc và tuổi 16 thanh xuân vào balo, cùng bạn bè từ giã ngôi làng Thủy Tú thân yêu sáng chiều hai bận triều lên, với nắng dát vàng kín biển. Thương quê mình đầy bóng giặc, chị cầm súng để giữ cho hàng dừa quê nhà, luôn trải tóc xuống dòng Cu Đê êm ả. Chết chị không sợ, nhưng nghe phê bình cùng giuộc với bọn xét lại, (chị không hiểu xét lại tròn méo ra sao, chỉ loáng thoáng biết là xấu), chị đau lòng lắm!

Đầu tháng 3/1975, trước khi ra chốt Chóp Nón, quần nhau với Thủy quân lục chiến quanh cao điểm 363, Đại đội 1 họp công bố quyết định kỷ luật dành cho hai người. Theo quyết định, Giỏi và Lê bị giáng cấp từ hạ sỹ xuống binh nhất. Cuối mùa xuân, đơn vị tiến xuống đồng bằng. Kết thúc chiến dịch Đà Nẵng, quay lại quân quản thành phố Hội An. Tại đây, Giỏi đã sinh con đầu lòng, đánh đổi nhiều nước mắt và mất mát. Cô thiên thần bé nhỏ, khả ái, hân hoan chào đời, không hề biết chị đã ôm con đi trong lửa đạn, qua trăm núi ngàn đèo, vào sống ra chết. Không biết người mang nặng đẻ đau ấy, từng bị khiển trách nặng nề, chịu nhiều tổn thương. Tình yêu muôn đời không có lỗi. Tình yêu của chị cũng vậy, nào có tội tình gì. Nhưng lỗi bởi chiến tranh. Chị và anh đã yêu nhau, khi hai tay đang ôm chặt súng, giữa thời bom đạn ác liệt,

khắt khe...

Một thời, trái tim duy nhất chỉ dành cho Tổ quốc!

Chuyện Giỏi kể đã xong, nhưng chưa ai muốn lên tiếng. Trên bàn, món mực tươi hấp gừng chấm mắm ruốc ngọt xợt, thơm lựng Giỏi mang ra đãi khách, cũng không ai động đũa. Trong tình yêu trai gái đời thường, luôn có ngọt ngào đắng cay, nhưng tình yêu của chị hình như phải đánh đổi đắng cay, nhiều hơn những đôi lứa khác. Chúng tôi ngồi cùng nhau dưới tán dừa mát rượi, nhìn ra dòng sông Cu Đê phẳng lặng. Hôm ấy, một ngày tháng 8 chơm chớm heo may, tôi đến Hòa Hiệp Bắc cùng Trần Văn Cư, Nguyễn Thảo, Huỳnh Văn Xuân tìm tới thăm Giỏi. Tóc chị đã lơ thơ một vài sợi bạc. Vết thương trên má làm cho nụ cười của chị không còn tròn trĩnh, tươi tắn. Nhưng trong mắt chị lại sáng trưng, ánh lên niềm vui khác, khi chỉ cho chúng tôi cô thiên thần bé nhỏ ngày xưa. Đó là cô gái đã mời nước sáng nay. Cô gái tên Phượng ấy, thừa hưởng toàn bộ nhan sắc của mẹ: Đẹp dịu dàng và ngọt lành như cây dừa quê chị.

N.V