Một bản tình ca

02.11.2020
Văn Luân

Một bản tình ca

Cứ nghỉ có cuộn dây thì thả được cánh diều.Tuổi thơ tôi rớt trên cánh đồng lặng gió... Ngày ấy tôi còn nhớ, trên chiếc xe tìm gió cha gò lưng đạp dọc bờ sông, con ngựa sắc tội nghiệp lọc cà lọc cọc mang theo những âm thanh tội nghiệp. Gió tung vào tóc tôi, thổi vào cánh chong chóng xếp bằng giấy thủ công. Tôi hét lên cười sung sướng - Quay đi, quay đi chóng chóng ơi! Nhà của tôi không đủ gió, bốn bề bốn bức tường còn sơ sài, tôi thì như chiếc bóng bay mây trời cũng muốn đưa tay kéo về.

Ngọn Thái Sơn không còn đứng vững sau cơn địa chấn. Cha tôi mất trong một ngày tháng tư có bão. Mùa xuân đi qua, khi tôi chưa ra khỏi mái trường trung học cơ sở. Mẹ tôi cắn môi tứa máu, giấu nỗi cô đơn góa bụa, cần mẫn chèo con đò ngược nước đưa chúng tôi đến bến đến bờ. Tôi không còn được tắm trong gió, phải gió bờ sông kia! Nó có vị... muối, có mùi chua từ mồ hôi lưng áo cha tôi. Thời gian mở lồng cho con sáo bay khỏi vùng trời ngây thơ, đơn giản. Gió không còn là nỗi khát khao mà là hoài niệm, nơi tâm hồn tôi được mơn man, ve vuốt giữa oi bức nực nội của cuộc đời. Tôi lớn lên trong căn nhà nhỏ, con hẻm nhỏ và ước mơ  bình thường mà tôi có thể có. Bởi... vì thượng đế không ở khắp nơi nên đã sinh ra các bà mẹ... Câu danh ngôn tôi đọc được đã vẽ một vầng hào quang trên mái tóc chưa ngả màu của mẹ. Thượng đế của tôi lặng lẽ dệt tương lai, năm canh trằn trọc với kiếp tằm nhả tơ. Tôi may mắn, diễm phúc bằng sự hy sinh của mẹ? Hay tôi đã lấy đi năm tháng người đàn bà có quyền chờ đợi thêm một chuyến sang sông?

Mười bảy tuổi, tôi được chọn vào đội điền kinh của tỉnh. Cha đã cho tôi đôi chân chắc khỏe, mẹ đã cho tôi đức tính kiên trì bền bỉ. Thời bao cấp, nuôi một vận động viên trong nhà là cả một thách thức. Chất lượng sống định mức bằng tem phiếu, bằng tiêu chuẩn, thậm chí là may rủi qua những lá thăm để được những thứ mà cung và cầu như đôi đũa lệch. Lúc nào cũng thèm ăn, đó là sỉ nhục mà dạ dày luôn thiếu tự trọng. Không những thế, tôi còn thèm... ngọt, do mỗi ngày phải chinh phục cự ly đường chạy. Đường ngọt! Chao ôi, nó lúc nào cũng hiện về ngay cả trong giấc ngủ.

Chợ Chéo, một miếng đất hình tam giác có lẽ được khai sinh từ ba người đàn bà và con vịt như dân gian thường nói. Chợ bán nông sản và đường từ vùng quê lén lút chở về, thời cấm cửa tự cung tự cấp nên còn có tên là chợ chui. Chợ có sức cám dỗ kỳ lạ sau mỗi buổi tập. Tôi thường cuốc bộ qua đó mục đích để nhìn những cối đường thô, từng bát đường đen óng ả. Việc lén lút ăn mày bằng mắt trở thành nhu cầu không cưỡng lại được và hình như nó cũng tiếp cho tôi năng lượng theo kiểu nhìn no con mắt. Nhà tôi nghèo, hàng xóm cũng nghèo và đất nước vừa qua cuộc chiến nên rất khó khăn. Cái nghèo bình đẳng nên khốn khó cũng bình thường. Tôi mỗi ngày qua chợ Chéo mang theo nỗi buồn, giấu mẹ, sự thèm khát sợ những hạt muối xát vào lòng biển khơi.

Những mối tình thường được thi vị theo nhiều cách khác nhau. Adam bị Eva cám dỗ bởi trái táo, Mị Nương vì tiếng hát Trương Chi, Trọng Thủy vì cây nỏ thần... Tôi quen nàng vì bát đường ngọt. Trần trụi vậy đó nhưng có sao đâu. Bông hồng, bông lan cũng nở ra từ đất như hoa cúc của tôi thế thôi. Cúc ở bên kia sông cha mất trong một lần đi biển, mẹ bỏ đi lấy chồng nàng ở với bà ngoại, mười lăm tuổi đã chạy chợ.

Hôm ấy tôi mãi ngắm những bát đường thì đụng phải nàng. Cái rổ đường đổ ra tung tóe, tôi luống cuống sợ hãi nhặt lên và nghỉ thế nào cũng bị mắng té tát, chợ búa mà. Tôi cúi mặt không dám nhìn lên, ấp úng:

- Xin  lỗi dì, con...

- Con cháu chi đây, không có mắt hả? Đền đi, đường ướt hết rồi, bán chi được nữa. Tai tôi nóng bừng, miệng khô rang. Một rổ đường đến cả năm tiền bồi dưỡng cũng không trả nổi. Tôi nhìn lên thì ra là một cô gái. Nàng không có vẻ giận dữ, mắt như có nụ cười. Tôi cảm thấy chút bình an trấn tĩnh lại như vận động viên trước vạch xuất phát.

- Xin lỗi tại chợ đông quá mình không mang tiền.

- Không mang thì cởi áo bỏ lại. Cách nói trêu chọc nửa đùa nửa thật, tôi cởi vội cái áo khoác thể thao lúc nào cũng mặc trên người:

- Cám ơn, cho gởi mai mang tiền đến. Nàng cầm cái áo, cảm giác ai đó mở cái barie cho mình bước qua.

Tôi về đội điền kinh, kể cho chúng bạn tai nạn ăn mày bằng mắt, chúng nó phá lên cười. May có thằng bạn thân vận động trong đội đóng góp ít tiền lẻ chỉ mua đủ vài bát đường, tôi kể cho mẹ, mẹ nghe xong bảo tôi đem phiếu mua vải sang nhà bà Tư. Chiều bà đưa cho mẹ tôi mười đồng. Thời đó lương công nhân dệt của mẹ tôi chưa đến bốn mươi đồng một tháng. Đợi cho trời gần tối tôi đi chuộc áo.

Chợ đã thưa người, có tiền tôi tự tin bước vào. Cúc đang dọn hàng, thấy nạn nhân mang bộ mặt ăn năn đến, nàng gọi ly chè ngọt.

- Ăn chè đi, đến trễ vậy? Người ta phải dọn hàng về kẻo không kịp phà.

Nghe trong giọng nói có vẻ ấm áp, gần gũi. Tôi giúp nàng xếp dù bạt, nàng tủm tỉm cười. Xong việc tôi lấy tiền ra mà không biết nói sao nữa, nàng đưa cho tôi túi ny lông:

- Áo đây! Ngày nào cũng thấy anh qua chợ, có người nhà bán ở đây sao? Tôi gãi đầu không biết trả lời thế nào.                                                            

- Cho... gởi tiền đường hôm qua làm đổ xuống đất... Nàng mở to mắt nhìn tôi rồi lại cười:

- Đùa thôi, đường hôm qua bán hết rồi. Ăn chè đi!

Tôi ngoan ngoãn ăn vị ngọt không khi nào bằng, thì ra nàng cầm áo có dụng ý... Bản năng thôi thúc tôi quyết tâm chinh phục nàng để được gần hơn với chợ Chéo.

Mối tình chỉ đơn giản xây lên từ đó, thú thật ngoài cái dịu dàng, mộc mạc của một cô gái mồ côi, tôi đến với Cúc bằng sự thèm khát được mỗi ngày tiếp xúc vị ngọt của đường, thứ calo luôn thiếu trong khẩu phần ăn mỗi ngày. Cúc kể rằng ngày nào cũng để ý thằng “ăn mày” tôi đi ngang chợ Chéo, chẳng tìm ai mà cứ nhìn vào những thau đường, mắt mơ màng như người... nghiện hút. Tôi bảo tôi là thế, chân phương như bát chè thô.

Những lần đi thi đấu dài ngày trở về, tôi tự hỏi có phải mình đang nhớ nàng hay nhớ bát đường chợ Chéo, sự háo hức không rõ ràng, có lúc hoài nghi... Có lẽ là cả hai. Bản tình ca của tôi được viết lên trên chuyến tàu chợ. Khoang tàu của tôi không sạch sẽ thơ mộng nhưng vẫn chở tôi đi đến cuối ga người, có em đồng hành cùng lắng nghe âm thanh thập thình, cùng nhấp nháp mùi vị cuộc sống.

Con tàu dừng lại, tôi mang về cho mẹ một đóa hoa Cúc nở bốn mùa. Hạnh phúc với mật ngọt trong nhà. Mẹ tôi thở phào, neo con đò lại, giao cho tôi mái chèo ước lệ tiếp ngày vượt lũ. Mỗi sự tìm kiếm mưu cầu đều chung mẫu số - Hạnh phúc và bình yên. Sự diệu kỳ có lẽ ở khắp nơi từ ngõ chợ đến tháp ngà cung điện...

Nhà không có gió, cha tôi đi tìm gió. Mẹ tôi, thượng đế của tôi không dựng nên khung trời khác và tôi thừa kế hai người viết bản tình ca bình dị.

Bước qua sườn dốc của vận động viên chạy đường dài, tôi đã về đến đích, chiếc huy chương không là vàng, bạc... Mà là những bát đường ngọt mai này kể lại cho con!

V.L (Minh họa Lê Huy Hạnh)