Khúc bi tráng hay là diễn ngôn chiến tranh trong Trùng tu của Thái Bá Lợi - Hồ Thế Hà

14.05.2018

Khúc bi tráng hay là diễn ngôn chiến tranh trong Trùng tu của Thái Bá Lợi - Hồ Thế Hà

Thái Bá Lợi là nhà văn quân đội thực thụ trước khi trở về từ những cánh rừng. Nghĩa là sau khi anh đã hoàn thành nghĩa vụ người lính và bắt đầu nghiệp bút của mình từ những ký ức nóng hổi của chiến tranh. Viết về sự thật chiến tranh và con người trong chiến tranh, với anh, như là mệnh lệnh của trái tim. Không kể truyện ngắn, chỉ riêng tiểu thuyết, đến nay, Thái Bá Lợi có Thung lũng thử thách (1978); Họ cùng thời với những ai (1981); Bán đảo (1983), Còn lại với thời gian (1989), Trùng tu (2003), Khê ma ma (2004), Minh sư (2010) và Câu chuyện Đà Nẵng (2016).

Quan niệm về nghiệp văn chương, anh nói: “Dù viết về cái xấu hay cái tốt, viết về quá khứ, hiện tại hay tương lai, đối tượng muôn thuở của văn học vẫn là con người. Nói được một điều gì đó với con người, được một vài người chia sẻ là một việc khó. Thiên chức và hạnh phúc của nhà văn chắc chắn cũng chỉ như vậy”(1) .

Để minh chứng quan niệm trên, tôi chọn tiểu thuyết Trùng tu, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện Tết Mậu Thân, với mong muốn “góp một tiếng nói chân thực, cảm động của những người trong cuộc bằng hình tượng văn học để bạn đọc có cái nhìn xác thực hơn về một sự kiện đang có cái nhìn trái chiều hiện nay”(2).

Toàn bộ câu chuyện dài của một thời chiến tranh mà tác giả là người trong cuộc được tái hiện dồn nén trong 190 trang sách là sự thật lịch sử khốc liệt nhất của lịch sử dân tộc. Nằm giữa sự thật đó lại là thời hiện tại đang tiếp diễn sau chiến tranh mười mấy năm trời mà đoạn văn mở đầu và kết thúc tác phẩm Trùng tu là một nghệ thuật đồng hiện đầy thú vị, tiêu biểu cho cách viết của Thái Bá Lợi. Đoạn mở đầu diễn ra trong cửa hàng của công ty cung ứng tàu biển Seamen’s club giữa hai cựu binh cùng đơn vị sau mấy mươi năm gặp nhau: “Tôi và nó, hai trong số vài ba chục người sống sót của một tiểu đoàn bảy trăm người sau sự kiện Tết Mậu Thân ở Huế tình cờ gặp nhau ở đây” (tr.13). “Hồi đó, chúng tôi mới tuổi hai mươi. Tôi nhớ nó kém tôi một tuổi” (tr.20). Và đoạn kết hiện ra trong những  lá thư ngắn của “nó” gửi cho “tôi” thiết tha một tâm sự làm nó không yên lòng: “Nó thường kể về công việc tu sửa di tích như đó là niềm vui duy nhất còn có trên cõi đời này. Nó nói nghìn năm sau con người vẫn phải cần đến công việc của nó. Tất cả sự phù phiếm thì hãy trả về cho sự phù phiếm”. Lá thư mới nhất “nó viết rằng dù khó khăn đến đâu việc trùng tu Huế trước sau cũng sẽ làm được, nó nói cảm xúc của nó đầy ứ trên mỗi viên gạch, mỗi bậc thềm mà nó đi qua, mà nó nhớ lại rõ ràng hơn nhờ ký ức gian khổ chúng tôi cùng từng trải, nhưng việc ấy làm sao quan trọng bằng việc trùng tu những điều năm tháng đi qua đã để lại, những con người bước từ trong đó ra, kể cả nó và tôi” (tr.189-190). Đó chính là chìa khóa để tôi lần tìm trên từng diễn ngôn Trùng tu của Thái Bá Lợi.

Nhân vật của tiểu thuyết có nhiều tầng lớp, nhiều đối tượng, nhiều địa vị, nhưng tựu trung bao gồm những con người/ hình tượng chủ yếu sau: nhân dân, quân taquân địch (ở đây chủ yếu là quân đội Mỹ. Đây là một góc nhìn có chủ ý của nhà văn, muốn nói đến tính khốc liệt của chiến tranh không cân sức giữa ta và Mỹ, nhưng ta sẽ chiến thắng bằng sức mạnh của lòng tin và chính nghĩa - H.T.H nhấn mạnh). Tam giác nhân vật này được Thái Bá Lợi luân phiên, đan xen thể hiện từ điểm nhìn đồng hiện trong hiện tại giữa nhân vật “nó” và “tôi” một cách thú vị. Ở đó, nhân dân luôn là hậu phương, là chỗ dựa tinh thần vững chắc của người lính cách mạng, còn kẻ thù là những người xâm lược khát máu đang sát hại quân dân ta bằng những vũ khí tối tân, hiện đại. Diễn ngôn chiến tranh vừa bi tráng, vừa nhân văn, vừa như những chấn thương tinh thần và thể xác của quân dân ta và cả quân địch lần lượt hiện ra theo thời gian tuyến tính của cuộc chiến, pha những đoạn trần thuật hiện tại trong không gian cửa hàng của công ty cung ứng tàu biển Seamen’s club và quán café của ông chủ già đã bán qua 3 chế độ Pháp, Mỹ và ta, luôn mở cửa quán đến 10 giờ đêm. Chọn không gian và thời gian như thế, Thái Bá Lợi muốn dồn nén câu chuyện bằng những đứt nối quên - nhớ, nhưng lại có sức năng động và chân thực theo kiểu giảm trừ hiện tượng luận để người đọc luôn tin đó là sự thật, một sự thật có cả bi kịch, bi tráng và bi hùng. Và nó không thể khác của đời sống chiến trường. Không gian đó, họ có đủ tư cách và độ lùi thời gian để hồi ức và luận bàn về chiến tranh và khát vọng trùng tu Huế với cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

“Nó” bây giờ“ làm ở Trung tâm bảo quản và tu sửa di tích. Trước vận động trùng tu lại Huế, còn hiện giờ đang làm thực sự. Không ngờ lại tu sửa cái nơi chúng mình đánh nhau ngày trước” (tr.16). Mà điều kỳ diệu là nơi những chứng tích năm xưa có chỗ còn nguyên vẹn: “Vừa rồi tao có nhận ra cái hầm hai đứa mình nấp trong đêm đầu tiên nhào xuống Huế”, “Không phải còn nguyên cả cái hầm. Người ta đã trồng một cây vú sữa cạnh đó. Nhưng bức tường trước cửa hầm thì còn nguyên. Điều kỳ lạ hơn nữa là vệt máu của tao vẫn còn nguyên trên tường. Hình như còn cả dấu tay của mày ấn vào đó sau khi băng cho tao” (tr.21). Đó là ký ức bằng máu chứ có phải chuyện chơi đâu. Chiến tranh không phải trò đùa. Đó là diễn ngôn trực tiếp nhất của mọi cuộc chiến trên trái đất này. Ký ức và minh định khó tin này lại chính là một sự thật của tâm lý và ảo giác, khi thời gian sau chiến tranh đã chôn vùi chứng tích dưới xác thời gian. Những ẩn dụ qua ngôn từ và hình tượng như trên đã trực tiếp giúp người đọc nhận ra cái giá mà nhân dân và người lính phải đánh đổi trong chiến tranh để có hòa bình trong hiện tại.

Diễn ngôn chiến tranh trong Trùng tu được Thái Bá Lợi vừa trực tiếp vừa gián tiếp hình thành giữa ta và địch một cách cụ thể. Kẻ địch luôn tàn bạo và hiếu chiến, luôn tìm cách tiêu diệt quân dân ta. Còn quân và dân ta thì cũng luôn tìm cách để tiêu diệt đối phương để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Qua đó, sức mạnh tự vệ chính nghĩa của ta và sự tàn bạo phi nghĩa của địch hiện ra: “Tình hình đơn vị không lấy gì làm lạc quan. Quân số còn ba mươi lăm người, nhưng chỉ có mười tám tay súng. Năm thương binh bị pháo trong ngày chưa chuyển đi được vì không biết sẽ chuyển về đâu. Đại đội phó, người được đề bạt thay tôi đã hy sinh sáng nay... Còn địch thì đang ở phía trước. Chúng đổ bộ từ Sông Hương lên Mang Cá rồi tiến vào. Quân dù. Cánh phải có thể có thủy quân lục chiến Mỹ, bọn này có xe bọc thép trang bị 6 nòng súng 106 ly yểm trợ” (tr.27).

Thái Bá Lợi như một lữ khách đi tìm lại chính mình qua từng sự kiện và hoài niệm. Anh vừa là nhân vật ngôi thứ nhất xưng tôi vừa là nhân vật nhập vai trong từng sự kiện của trung đoàn đánh vào Huế, giằng co bao nhiêu ngày, để rồi, có cả một tiểu đoàn bị xóa sổ từ mặt trận Huế năm 1968 một cách thương tâm và day dứt. Có thể mượn lời Thanh Thảo trong lời tựa “Và Thái Bá Lợi quyết trùng tu những nỗi day dứt đó. Không theo kiểu người ta “chơi” bê tông hay xi măng lên những di tích, mà theo kiểu người đi trong đường hầm quẹt lửa lên soi một khoảng tối nào đó của ký ức. Trong thoáng chốc ánh lửa lóe lên, nhà văn cho ta thấy một góc tối bất chợt, một góc bị quên lãng bị xếp xó với biết bao số phận những người lính” (tr.8).

Nói theo tâm lý học miền sâu của S. Freud, thì cái nhớ và cái quên đều thuộc về cơ chế của tâm lý tự vệ có điều kiện để, thông qua nhân vật của mình, nhà văn cố gắng trùng tu những gì đã mai một, tàn phế một cách day dứt theo thời gian và không gian. Từ đó, tác giả làm sống lại ý niệm tồn sinh trong vùng mờ của ký ức chiến tranh, mà thực ra, nó rất sáng rõ trong từng tế bào của người lính đã từng sống sót sau đạn bom mù trời cho đến ngày hôm nay. Số phận của người lính và số phận của nhân dân là gì? Tầm vóc và khát vọng chiến công của người lính và của nhân dân là gì? Đó là những đối thoại và độc thoại đến ám ảnh của nhân vật “tôi” và “nó”. Và cũng nói như Thanh Thảo “Dù bây giờ, nói thật, tôi cũng chưa rõ Thái Bá Lợi định trùng tu cái gì? Ký ức chiến tranh hay ngôn ngữ của chính anh. Có lẽ cả hai, mà có khi lại là cái khác” (tr.11). Cái khác ấy chính là những gì cao hơn chiến tranh và sự hy sinh mất mát, là bài học xương máu và bài học làm người mà nhân dân và người lính đã thông điệp với chúng ta hôm nay bằng sự chọn hành vi đạo đức của mình theo phán đoán đúng trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất của chiến tranh.

Những hồi ức đánh thức hồi ức chính là những diễn ngôn từ chập chờn đến cụ thể: “Chúng tôi vẫn ngồi lặng lẽ nhấp cà phê. Tôi thấy mình đã quên đi khá nhiều các sự kiện. Không ai cứ khư khư ôm mãi trong mình những nỗi gian truân vất vả mà con người đáng ra không nên phải chịu đựng. Nhưng nhờ những ấn tượng mạnh đủ sức làm hằn lại trong trí nhớ, tôi dần dần nhớ lại được nhiều việc. Với nó, việc này nó khá hơn tôi nhiều. Nó ngồi chống tay vào cằm lơ đãng nhìn khói thuốc bay lên từ đầu điếu thuốc của tôi. Tôi cố nhớ lại cái buổi sáng bất hạnh quân Mỹ bắt đầu vây đánh chúng tôi mà từ đó đến nay tôi thường nghĩ rằng mình khó mà quên được. Không hiểu vì sao bây giờ tôi phải vất vả lắm mới nhớ lại rành rọt những gì đã xảy ra trong khoảng thời gian sau khi chúng tôi thức dậy” (tr. 124).

Chiến tranh là nơi sàng lọc và thử thách tinh thần người lính khắc nghiệt nhất nhưng cũng anh minh, cao đẹp nhất: “Bọn Mỹ đánh chúng tôi rất sớm. Khoảng gần sáu giờ pháo chúng đã bắn cấp tập vào các nơi đóng quân của tiểu đoàn. Chúng bắn chính xác vì hai ngày qua những máy bay trinh sát OV.10A đã quần đi vòng lại nhiều lần. Điểm chốt đại đội 7 chúng tôi chịu lượng pháo nhiều hơn cả. Các loạt pháo chưa dứt và khi mặt trời nhô lên khỏi những rặng cây bìa làng, đủ loại máy bay chúng ào đến. Từng tốp F4 thay nhau dội bom vào cái thôn nhỏ mà tôi đặt vị trí chỉ huy đại đội, dưới chân điểm chốt mù mịt khói” (tr.124). Điều đó đủ biết cuộc chiến tranh ác liệt biết dường nào. Chiến tranh là một hiện tượng khủng khiếp, nó hoàn toàn trái ngược với bản tính tự nhiên của con người, bởi vì nó là “một hiện tượng vô đạo đức, nó có thể bẻ gãy con người về mặt tinh thần” (V.Bư-cốp - nhà văn Xô viết). Do vậy, bi kịch là điều không thể né tránh, “chiến tranh là thần chết”. Có điều cái chết của người chiến sĩ yêu nước như thế nào? Vì mục đích và ý nghĩa gì? Họ để lại cho những người đang sống, tiếp tục sống, suy nghĩ và hành động ra sao? Đó chính là ý hướng thẩm mỹ trong Trùng tu của Thái Bá Lợi. Giá trị đạo đức, xã hội, triết lý... trong tác phẩm của anh được bộc lộ trực tiếp từ bên sau những bi kịch cao cả đó. Đó, nhiều khi hoàn toàn không phải là chiến công mà cao hơn chính là tinh thần bất khả chiến bại, khát vọng lập chiến công của mỗi chủ thể.

Trong tam giác nhân vật nói trên, hình tượng nhân dân luôn hiện hữu trong từng chiến hào, trận địa, mái tranh vùng giải phóng như những nạn nhân cao cả của cuộc chiến. Đó là ông già, cháu bé, là nữ giao liên/ chiến sĩ tên Mai và bao nhiêu nhân vật thấp thoáng khác chính là đại diện cho nhân dân, là nơi để người chiến sĩ nương tựa, hy vọng và chiến đấu chiến thắng. Họ là những người đã sống lặng lẽ và chết lặng lẽ cho vận mệnh tổ quốc mà Thái Bá Lợi không cố ý tô vẽ hay ngợi ca một chiều dễ dãi như một số tác phẩm viết về chiến tranh đã khắc họa như một công thức. Đó chính là diễn ngôn chấn thương (trauman discourse) chân thật thể hiện sự cách tân về bút pháp và quan niệm nghệ thuật về con người của các tác giả. Sự mất mát, hy sinh lớn lao của người lính là có thật. Đó cũng chính là diễn ngôn đối thoại, đa thanh của tiểu thuyết Trùng tu. Thái Bá Lợi muốn trùng tu những vẻ đẹp này chăng? Mô típ ta thắng - địch thua, ta anh hùng - địch nhút nhát... đã không xuất hiện một cách đáng trách trong Trùng tu. Diễn ngôn của người chiến thắng, ở đây, đã có cái nhìn khách quan đến bất ngờ. Và vì vậy, tính chân thật và nhân đạo của quân ta, tính khốc liệt của chiến tranh và tàn bạo của quân địch sẽ hiện ra như nó vốn có, làm tăng hiệu cảm nghệ thuật cho tác phẩm. Đó chính là nghệ thuật bình đẳng trong bút pháp và trong tư tưởng của nhà văn khi viết về chiến tranh, nói theo nghĩa biện chứng, khách quan và trung thực nhất của từ này.

Diễn ngôn nghệ thuật trần thuật được Thái Bá Lợi miêu tả tự nhiên nhưng có sức lay động mạnh, vì tính trực tiếp và khách quan của ngôi kể (luân phiên ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai). Những người lính trong Trùng tu được Thái Bá Lợi miêu tả rất đẹp, ẩn chứa một sức mạnh tiềm tàng và lãng mạn: “Chính vào lúc đứng bên cạnh chính trị viên trên một mô đá nhìn các đại đội từ cửa rừng đi ra, những khuôn mặt, những nòng súng, những bao gùi bồng bềnh trên lưng chiến sĩ, thấp thoáng trong ánh ngày sắp tàn, tôi trực nhận được có một cái gì đó lớn lao và khác thường đang đến với mình. Những người lính lầm lũi đi về phía đồng bằng, mắt nhìn xuống những bước chân của mình. Không khí đượm hương đồng nội bởi mùi cỏ cháy phảng phất trong gió” (tr.76). Điều này được tác giả bộc lộ thông qua nhân vật kiến trúc sư người Ba Lan Kazimierz nói: “Ngay đến hố bom này cũng phải bảo tồn” (tr.53). Và, ông còn nói: “Trường phái của anh ta chủ trương chỉ giữ lại một cách vững chắc và khoa học những gì còn lại. Những cái đổ nát không dựng lại hoàn toàn, mà chỉ phục chế để gợi lại cho người ta biết rằng chúng đã từng có như thế nào” (tr.65).

Diễn ngôn nghệ thuật Trùng tu vừa mang ý nghĩa thực tiễn vừa mang ý nghĩa ẩn dụ, biểu trưng. Trùng tu đền đài, lăng tẩm, miếu mạo thì không khó khăn gì trong thực tế, nhưng trùng tu lòng người thì quả là khó hơn nhiều. Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, đâu đâu cũng có những con người tốt làm nên chiến công và thành tích. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những phần tử cơ hội, tráo trở và thực dụng. Họ ngụy trang bằng những thủ thuật tinh vi và khôn khéo, nhất là trong những hoàn cảnh ác liệt, khó khăn, khi sự sống và cái chết ngắn như mỏ con chim sẻ. Thị là nhân vật như vậy. Trong cuộc sống hậu chiến, họ nhanh chóng leo lên những vị trí quan trọng. Nhưng để làm được điều đó, họ sẵn sàng bán rẻ lương tâm, miễn là được lợi ích cá nhân. Họ thường huênh hoang, tực đắc và bước qua số phận những người tốt và chân chính.

Chủ đề đạo đức được Thái Bá Lợi đặt ra và lý giải một cách khách quan. Bên sau những mệnh đề đạo đức đó, tác giả đã giúp người đọc phát hiện được mầm mống của cái ác và nguyên nhân của lòng thiện cao cả. Giống Nguyễn Minh Châu trong Cỏ lauMùa trái cóc ở miền Nam, cái ác đã vượt quá ngưỡng giới hạn để họ trở thành nạn nhân của chính mình. Cỏ lau trên mặt đất thì có thể tiêu diệt dễ dàng nhưng cỏ lau trong lòng người thì khó mà tiêu diệt tận gốc. Bao giờ cũng thế, Thái Bá Lợi kêu gọi con người hãy bảo vệ nhân tính. Bởi nhân tính là cội rễ của mọi điều thiện. Nó có khả năng thanh lọc và hoàn thiện nhân cách. Nhân vật “nó” và “tôi” trong Trùng tu là biểu hiện cho nhân cách người lính, tâm hồn cao thượng và khát vọng chiến đấu và chiến thắng cao cả của người lính bình thường trong chiến tranh.

Khả năng chiến đấu và chiến thắng cũng như khát vọng lập công của người chiến sĩ bao giờ cũng giúp họ vượt qua bao thử thách ác liệt của đời sống chiến trường để vươn lên lựa chọn hành vi đúng đắn và cao đẹp. Khả năng phán đoán đúng và dám xả thân vì nghĩa lớn bao giờ cũng là nền tảng đạo đức và nhân cách của con người trong việc lựa chọn hành vi đạo đức. Thái Bá Lợi muốn làm sống dậy vốn ký ức chiến trường mà mình là một nhân chứng, là người trong cuộc để qua đó, khơi dậy khả năng nhận thức tối đa của con người trong chiến tranh thông qua cái sườn móc xích bộ ba: Tình huống - Lựa chọn - Hành vi. Tính bi kịch - như một phạm trù mỹ học, vì vậy, nổi rõ trong sáng tác như một đặc trưng thẩm mỹ của Trùng tu.

Bằng nghệ thuật đồng hiện không gian và thời gian trong những tọa độ đặc biệt của đời sống chiến trường ở không gian - thời gian hiện tại đã làm cho tính chân thật của chi tiết và tình huống trở nên linh động và có sức lan tỏa ở chiều sâu. Thi pháp này trở thành phong cách đặc sắc của Thái Bá Lợi trong hầu hết các tiểu thuyết của ông mà Trùng tu, Minh sư, theo tôi là thành công và hấp dẫn hơn cả.

Ngôn ngữ đời thường nhưng có chọn lọc phù hợp với từng tính cách và tình huống đã làm cho diễn ngôn chiến tranh và diễn ngôn chấn thương thân thể và tình cảm trở thành điểm nhấn nghệ thuật đáng chú ý của Thái Bá Lợi. Ngôn ngữ ấy phù hợp với đời sống trên chiến trường và cuộc sống đời thường trong chiến tranh và cả trong tiếp nhận của bạn đọc thời hiện tại. Vậy rõ ràng là Thái Bá Lợi muốn trùng tu cả trên hai bình diện lịch sử và con người mà tiêu điểm Huế là logic bề mặt để lần vào bên sau, bên sâu, bên xa của vấn đề nhân cách con người. Nhưng diễn ngôn khách quan cộng với nghệ thuật trần thuật ngôi thứ nhất đã làm cho những trang viết của Trùng tu gần gũi với ngôn ngữ thời chiến và ngôn ngữ tâm lý. Tất cả đã cộng hưởng thành nghệ thuật diễn ngôn riêng, mang cá tính sáng tạo riêng của tác giả.

Thái Bá Lợi đã thành công trong sự nghiệp văn học khi đề ra nhiệm vụ: phải đi sâu tìm hiểu cội nguồn xã hội - đạo đức của chiến công, của quá trình lập chiến công và quá trình hy sinh cũng như quá trình tha hóa đạo đức của con người trong chiến tranh và trong hòa bình... đã nêu bài học sáng ngời về lý tưởng làm người, về tinh thần dũng cảm và tinh thần xả thân vì nghĩa lớn của con người cách mạng bình thường, giúp họ nhận thức một cách thấm thía, bất ngờ trước “những vấn đề triết học - đạo đức - tâm lý, không chỉ của chiến tranh mà cả của đời sống hiện tại trong cuộc đấu tranh mới vì hòa bình, không chỉ liên quan đến vài cá nhân mà gắn chặt với đời sống tư tưởng, tinh thần của xã hội” (Bư-cốp, Không thể nhắm mắt trốn tránh cái ác). Thành công tổng thể của Trùng tu chính là ở nghệ thuật diễn ngôn chân thật về chiến tranh và con người trong chiến tranh như thế. Trùng tu là một trong không nhiều tiểu thuyết - nhật ký thành công nhất viết về chiến tranh sau chiến tranh đạt giá trị nhận thức, triết mỹ và tâm linh sâu sắc.

H.T.H