Tạ thơ Trương Vũ Thiên An khi đọc “Tạ” - Hoàng Sĩ Nguyên

14.05.2018

Tạ thơ Trương Vũ Thiên An khi đọc “Tạ” - Hoàng Sĩ Nguyên

Trương Vũ Thiên An có “Đối - độc thoại thay lời tựa” khi Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tập thơ Tạ của anh vào tháng một năm hai nghìn không trăm mười tám: “Và trên hết là một lời Tạ Ơn. Tạ ơn gia đình, bạn bè, học trò và những người vì tôi mà khóc mà cười. Tạ Ơn cuộc đời ấm áp này”.

Cám ơn thông điệp nặng tình của Trương Vũ Thiên An. Và trên hết khi đọc thơ anh là một LỜI TẠ. Tạ tình thơ ru miên tình quê - hồn nước! Tạ khúc hoan ca nghề giáo - tình trò! Tạ tấm lòng thương quý mẹ - cha! Tạ nghĩa tình mặn nồng chồng - vợ! Tạ lời ru theo suốt đời con!...

...tha tôi về nhả hạt giữa làng quê

Ai đó nói rằng, khoa học không có Tổ quốc nhưng nhà khoa học có Tổ quốc. Vậy thì, văn học và văn chương, khoa - học - của - tâm - hồn càng và càng phải vậy! Văn chương là tác phẩm. Văn học là khoa học nghiên cứu, tiếp nhận văn chương. Trương Vũ Thiên An vừa là người sáng tác văn chương (truyện ngắn, thơ), vừa làm nghề truyền thụ văn học (viết phê bình và dạy Văn). Hèn chi mà tình quê hương - Tổ quốc nặng sâu trên từng con chữ!

Đọc Tạ, chúng ta bắt gặp một không gian văn hóa sinh thái Quảng Nam, Huế luôn thức đọng. Năm 1993, Nurit Bird David giới thiệu một khái niệm về mối tương quan con người - tự nhiên để làm rõ ý kiến cho rằng, những tộc người bản xứ có xu hướng nhận thức mối quan hệ của họ với môi trường sống xung quanh là theo tương quan cá nhân(1). Philippe Descola cũng đã nói về một sinh thái học biểu trưng: Vũ trụ (= nơi cư trú) bao gồm vạn vật và con người, đó là một thực tại được cấu tạo bởi số nhiều những chủ thể có quan hệ và giao tiếp với nhau, trong đó con người chỉ là một chủ thể(2). Con người lớn lên với tình yêu máu thịt nơi cư trú của họ sẽ là những con người có trách nhiệm với sinh thái đó. Trương Vũ Thiên An là con người như thế!

Trong 68 bài thơ ở Tạ, có trên 30 lần xuất hiện tên các địa danh yêu dấu gắn bó hoặc có nhiều kỷ niệm duyên nợ với tác giả. Đó là Núi Thành, Tam Kỳ, Chu Lai, Hội An, Đèo Le, Huế, Sông Hương, Trường Giang, Chợ Dinh, Chùa Cầu, Thanh Toàn, Làng Chuồn, Phước Kiều, Thiên Mụ, Bạch Mã, Trà Quế, Hòn Kẽm Đá Dừng, Núi Ngự, Duy Xuyên, Đông Ba, Hà My, Núi Chúa, Prao, Tà Lu, Trường Sơn, Thu Bồn, Chùa Hang, Định Phước, Bàn Than, Tam Mỹ, Tam Quang, Tam Anh, Cây Trâm,... Không đi nhiều, hiểu rộng; không sống lâu và sống sâu với làng quê thì sao nhả hạt được (?!).

Đó là một lần “Đưa em về mây gió quê anh/ đưa em về với những ngõ xanh/ về với Núi Thành quê anh cát trắng”; là “Chu Lai chiều hương biển/ phải đâu cát lún chân hoài”; là “Tam Kỳ - thành phố tôi bắt đầu yêu...”; là Quê tôi “Mỗi người dân quê tôi chào đời vác cơn bão mà đi/ những con chim miền Trung mắt buồn từ tiền kiếp”.

Tôi là người cũng nặng nợ với cảm thức văn hóa từng vùng quê, nên dẫu Tạ có nhiều bài hay nhưng nếu bảo tôi chọn bài tôi thích nhất thì không ngần ngại, tôi sẽ chọn ngay bài Hợp âm. Trương Vũ Thiên An bộc bạch “tôi là hợp lưu của hai dòng Huế - Quảng”! Dòng hợp lưu đó là cả một góc bảo tàng văn hóa Xứ Huế - Xứ Quảng đáng trân trọng: có “sợi mì nồng vắt qua tô bún bò cay”; có “chiếc đèn lòng Hội An treo lúc lắc trên đỉnh Bạch Mã”; có “tiếng vọng của chất đồng Phước Kiều trên Thiên Mụ đại hồng chung”; có “con chim hạc bạc má trên Hòn Kẽm Đá Dừng về đậu trên cửa Đông Ba”;... mà chọn mãi tôi không chọn được câu thơ nào để trích, chẳng lẽ trích cả bài thì say quá!

Lớn hơn một vùng quê là Tổ quốc. Tổ quốc trong thơ Trương Vũ Thiên An với “Những viên gạch Đền Hùng độc tấu trong đêm/ Bốn ngàn tiếng trống dội trời Văn Miếu/ Thăng Long thành con rồng thiêng hóng chuyện/ đuôi chấm vào tịch liêu” (Về giữa thiên niên). Tôi chẳng thể hiện được cảm xúc gì hơn khi mượn lời thơ của Chế Lan Viên thay cho LỜI TẠ “Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tổ quốc chứ còn đâu”!

Thôi thì, ai đếm được lá rừng; ai đếm được hạt ngọc của một đời con chim nhả hạt, khi Trương Vũ Thiên An là con chim “nhả hạt giữa làng quê”!

...vẫn theo mùa trên bục giảng của thầy đây

Logic thông thường của triết lý nhân văn cho chúng ta thấy rằng, tấm lòng như thế thì chắc chắn nếu tác giả làm thầy giáo thì đó là một thầy giáo giàu nhân cách. Quả không sai với tác giả Tạ: Trương Vũ Thiên An - thầy giáo Trương Văn Quang!

Trung Việt có lần hỏi Trương Văn Quang: “- Con người sáng tác và thầy giáo trong anh, ai lớn hơn?”. Câu trả lời là: “- Với tôi, đi dạy là thiêng liêng. Tôi sợ những gì tôi viết không giúp ích nhiều cho đời bằng đi dạy”(!).

Tiêu Đình khi viết “Đọc Gác chân lên cô đơn” (cuốn truyện ngắn và tiểu luận phê bình) của Trương Vũ Thiên An cũng đã bắt đúng thần thái ấy: “Gặp cũng nhiều lần, như đã từng gặp Huế trong truyện của Thiên An, là chuyện về giáo dục hiểu theo nghĩa rộng. Đọng lại lấp lánh qua đó là nỗi thao thức về bài học dạy người, bắt đầu trước hết từ những trăn trở làm người. Có thể đó là lời dạy của cha về thế cờ đi hậu “bình phong mã đối đương đầu pháo”; của chị về cái lẽ huyền vi của tâm hồn: “Em đừng buồn vì mặc áo rách, quan trọng là tâm hồn mình lành lặn...” (Chị); của thầy giáo về một thái độ nghiêm khắc cần thiết: “Tôi không diệt những học sinh chăm ngoan mà chỉ tiêu diệt những cô cậu hư hỏng, làm khổ cha mẹ, thầy cô...” (Đại dương không bão tố)”.

Đó cũng là ước nguyện, là chân dung thầy giáo Trương Văn Quang - bình dị thôi mà cao cả: “dịch bàn nép cơn mưa dí/ níu cửa khép đồng gió hoang/ lau mớ tóc rễ tre trò nhỏ/ thầy bồng vạt nắng sang ngang” (Thầy)! Anh làm thầy chân thật nên anh cũng quý yêu những thầy cô chân thật. Anh cầu mong có nhiều, nhiều thầy cô như thế; và anh mong chúng ta có con em được học với những thầy cô như thế, như con của anh: “nép cạnh tường rào nghe con tập đọc/ bài học đầu có nắng bi bô/ giọng cô giáo dạy con điều chân thật/ ba bước vỡ lòng về phía lơ ngơ” (Phút từ tâm). Là thầy giáo từ tâm nên thơ anh rưng rưng với những cảnh đời đau khổ trong Nước mắt da cam, Ước mơ nào cho em,... Đã là học trò, nay lại làm thầy nên càng lắng sâu hơn kỷ niệm sân trường. Nhớ trường xưa, thầy cũ cũng là để nhìn lại chính mình rõ hơn, sống tốt hơn - để đã và mai sau bao lứa học trò của mình lại làm thầy, hóa trong cái khôn cùng bình dị một đời người: “Kỷ niệm cứ hóa thành chiếc lá sau mưa/ cứ ẩm mát mặt sân trường cũ/ riêng thầy hóa thành cây phượng già năm cũ/ buổi con về tí tách trận mưa hoa” (Chiếc lá). Và, thật cảm động khi anh viết về, viết cho, nói với đồng đội - những người cùng anh lao lực trong cái nghiệp mình chọn nghề chứ ít ai nghề chọn mình mà tồn tại trọn nghĩa với tiếng trống trường: “Đồng đội tôi/ những con người lấy bục giảng làm vui/ phát nguyện một đời phấn trắng” (Đồng đội). Tôi may mắn cũng được là đồng đội của thầy Quang. Được cùng thầy vật lộn với nhiều kỳ thi học sinh giỏi, thi thuyết trình văn học, thi tốt nghiệp, thanh tra, dự giờ,... Vâng. Xin TẠ ƠN thầy đã nói hộ tiếng lòng của những người thầy giáo, cô giáo chân thật... “thành kỷ niệm xếp hàng hình bục giảng/ thành nhớ thương về chớp trắng cuối dòng sông” (Đồng đội)!

...ngày mẹ gặp cha cơn mưa nhòa trắng cửa  

Trong Thế cờ đi nước hậu, Trương Vũ Thiên An bộc bạch: “Cha bỏ tôi và mẹ ra đi vào một cõi không tôi trong một ngày giáp tết. Trút xong tâm nguyện với mẹ, cha ôm mặt tôi thì thầm: - Cha không được nhìn Quỳnh nở... Nở cho ai Quỳnh ơi! Mẹ khóc héo cả mắt. Tôi cắn răng, cắn răng nuốt từng cục buồn. Không khóc được. Lui cui, tôi hái mỗi thứ mỗi hoa. mỗi khóm tùng một nhánh lặng nghiêm mang đến mộ cha...”. Cha anh là người cha và cũng là người thầy minh cẩn nhất của anh: “Cha không thích để lại bóng trong tôi/ người muốn tự tôi chói nắng/ cái này là của chính con/ những lúc trưa tôi quá nhớ người” (Bóng thẳng đứng). Thơ anh nghiêng hết về cha lòng thương nỗi nhớ nước mắt trắng mưa nhòa, “Ngày mẹ xa cha cũng cơn mưa ngồi trắng cửa/ tôi đem tô hứng một bát nước đầy/ và chợt thấy/ bao năm rồi/ mắt lửa/ Mưa từng hồi/ dội nhỏ vai tôi” (Mẹ và cơn mưa).

Tạ có 5 bài thơ viết về mẹ: Mẹ vẫn gánh nước trên trời, Và mẹ và trăng và biển, Mẹ và cơn mưa, Mẹ khóc, Về mẹ; và nhiều bài khác tên bài thơ không có từ mẹ nhưng đâu đó trong tình thơ có mẹ. “Gia bần tri hiếu tử”. Chẳng ai khoe cái sự nghèo; song nhiều khi nghèo lại là trường học không có bài giảng nhưng tự thấm vào con những đạo lý và nghĩa cử sống cao đẹp nhất (mà thời nay nhiều gia đình mơ ước không thể có được vì quá giàu nên con cái quá hư, họ ước là mình nghèo như nhà nghèo mà con thành đạt). Mến yêu thay, mẹ anh cũng như bội số chung của bao con cò lam lũ trong cái ngày xưa: “Gối đầu bao chuyến hàng ruột thịt Bắc Nam/ phao cứu sinh qua đỉnh Đèo Ngang/ còi cứu hộ dội vách đá Đệ nhất hùng quan/ va mưa bay vào những cơn mưa miền Trung mộng trầm lăng tẩm/ những người lính nửa thân chìm trong lũ/ bồng sáng từng giấc ngủ qua cơn” (Mẹ vẫn gánh nước trời). Quê anh nghèo nên thương mẹ tảo tần. Buổi tối chưa qua đã lo bữa sáng; “đọt muống”, “vốc khoai chà” cho con mà đời mẹ mòn vai! Nhưng, đã yên đâu cái nắng hạn, mưa nguồn, bão tố miền Trung vạn đời quăng quật mẹ anh, mẹ tôi, mẹ của đồng đội. Nhưng - lại nhưng; nhưng mẹ có than thở gì đâu Quỳnh ơi, chỉ mong Quỳnh nở, nụ cười mẹ sáng cả đời thơ: “Mỗi người dân quê tôi vào đời vạt cơn bão mà bươn/ những con chim miền Trung bay xuyên tiền kiếp/ xuyên những đêm mưa xuyên thủng những cây thùy dương lênh khênh rướn biển/ đậu vào mắt mẹ tôi thành nhấp nhánh nụ cười” (Quê tôi).

TẠ LÒNG Trương Vũ Thiên An thổn thức tình cha nghĩa mẹ; cho lớn khôn, giàu có hơn đời của những người thơ, người thầy “lắm lúc ngủ quên trên cánh đồng làng/ giấc mơ tôi gối vào giấc mơ mẹ” (Mẹ và cơn mưa).

...mát lưng ta người vợ khẽ đưa cành

Đùa rằng, không biết Trương Vũ Thiên An có thương vợ như Tú Xương không (?!). Tú Xương thương vợ nhưng hờ hững vì trách khéo “thói đời”; Trương Vũ Thiên An đã bù hai trăm phần trăm cho sự hờ hững của cụ Tú... anh thương vợ như vợ thương anh. “Em là truyện ngắn đầu tay/ anh thiên vị đính kèm bao thương nhớ/ khi em khóc lòng anh nức nở…” (Em, Anh và Truyện ngắn). Tạ có nhiều bài thơ và tình thơ nói về tình yêu của anh tự cái thuở ban đầu lưu luyến; rồi bao kỷ niệm vấn vương... để bây giờ kho báu đó giàu có thêm hơn trong gia sản tình yêu mới và nghĩa chồng vợ trăm năm gắn bó với một nàng mà “cưới em từ thu dạo ấy/ đến ni mới biết em gầy” (Mùa em). “Đến ni mới biết” là cách nói dí dỏm của tầng tầng tình yêu thương bởi càng đến ni càng thương vợ hơn. Anh dỗ con mà nựng vợ “...khi mẹ vắng nhà những tối trực xa” (Hạnh phúc nằm nghiêng); khi “Nghe đài báo tin bão xa/ lòng anh bão gần nghiêng ngả/ ai che dùm em liếp cửa” (Mùa em). Có người phụ nữ nào không tươi nụ cười hạnh phúc khi được “nhà mình” dõi theo, sẻ chia như thế.

Vợ anh cũng trọn đời theo anh, cùng anh nên thay đổi cả nơi ở, nơi làm, chiều chồng thỏa chí vẫy vùng con chữ, phấn trắng. Cám ơn chị đã ấm cúng hơn cùng anh khi anh đối diện... Anh sẽ không, không buồn đâu bởi luôn có chị, “mát lưng ta người vợ khẽ đưa cành” (Đối diện). TẠ TÌNH anh khắc chạm thêm tình nghĩa vợ chồng trong nguồn mạch!

...hạnh phúc đổ về từ một phía bên con

Dày trang thơ là tấm lòng của anh dành cho con. Vợ đi trực, anh vừa làm cha, vừa làm mẹ ru giấc ngủ con thơ “Bàn tay ba vuốt vuốt sợi tóc con/ mẹ đã từng vuốt con như thế/ chân con gác nặng tình thương vô kể…” (Hạnh phúc nằm nghiêng). Con lớn lên đi học, anh theo con để “...làm gã học trò già khi con ngoái lại mỉm cười vào lớp” (Dắt con ngày cưới), “Cha - con cò già siêng học/ thức cùng con vở bài” (Bài thơ không dám gửi cho con). Trọn đời anh làm “người phu xe già vô tư”, “mảnh vườn xanh ẩn náu”, “cây thông rừng hiên ngang”, “loài chim sơn ca”,... để “ấm chân con đến trường”, “chắn cùng con bão tố”. Ngày con gái cưới chồng, anh Dắt con ngày cưới“mỉm cười cũng lâu hơn” bởi con đã lớn khôn. TẠ ĐỜI có nhiều... núi Thái Sơn cho xã hội thêm nhiều công dân tốt, gánh vác giang sơn. Con sẽ lớn khôn nhờ bao người cha như anh “đã canh chừng suốt tuổi thơ con”!

 

Đời có hạn mà tình thì vô hạn. Tình để lại cho đời chan chứa sức sống mãi bền lâu. Tạ còn nhiều lắm những triết lý, nghiệm suy cuộc đời; tình nơi ở, nghĩa nơi đi, duyên cảm xúc với Chuồn chuồn, Hoa chuối, Đêm sân ga, hay Về với Nguyễn xưa,...

Tôi cũng có vẻ hơi lan man... bởi lời thương sao nói hết!

Trương Vũ Thiên An - Trương Văn Quang hơn tôi sáu tuổi. Anh xứng đáng là người anh, người Thầy kính yêu của tôi trên mọi phương diện. Khúc hát về thơ anh e rằng lỗi nhịp... xin xá xá... Làm vui. TẠ lòng anh chân thật!

...Mốt mai mùa về thương nhớ sẽ thênh thang...

H.S.N

 

(1). Bird-David. N (1993) - Tribal metaphorization of human - nature relatedness. In K. Milton (ed.) Environmentalism: The View from Anthropopogy, London: Roultledge. (Bản tiếng Việt được in trong: Hội dân tộc học Việt Nam - Readings on indigenous cosmology. Tài liệu tham khảo các bài giảng “Thế giới quan bản địa” - giáo sư Kaj Arhem (Đại học Goterborg - Thụy Điển)  tại Bảo tàng dân tộc học, Hà Nội- 2004, tr.458 - 466).

(2). Xem Descola, tr.479] Philippe Descola- Constructing natures - Symbolic ecology and cocial practice. In P. Descola & G. Palson (eds), Nature and Society: Anthropologcal  Perspectives, London: Routledge. (Bản tiếng Việt được in trong: Hội dân tộc học Việt Nam - Readings on indigenous cosmology. Tài liệu tham khảo các bài giảng “Thế giới quan bản địa” - giáo sư Kaj Arhem (Đại học Goterborg- Thuỵ Điển)  tại Bảo tàng dân tộc học, Hà Nội- 2004, tr.479 - 493).