Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều - Nguyễn Thuận

14.05.2018

 Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều - Nguyễn Thuận

ần đây, trong khẩu ngữ tiếng Việt xuất hiện một biến thể của thành ngữ “Lá lành đùm lá rách”. Đó là: “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Cách nói này quen thuộc đến nỗi người ta không ngần ngại dùng nó trong mọi phong cách ngôn ngữ như: Báo chí, chính luận, ngôn ngữ văn chương (nhiều nhất là trong các báo cáo (văn bản) của các Hội chữ thập đỏ, Hội từ thiện...)

Chưa nói đến nguồn gốc của cách dùng này là gì, chúng ta cũng có thể nhận ra rằng: Dùng thành ngữ theo kiểu như thế là hoàn toàn sai, thậm chí đã bóp méo ý nghĩa vốn rất biểu trưng, rất khái quát của nó.

Tiếng Việt của chúng ta rất trong sáng và vô cùng phong phú. Một trong những giá trị làm cho ngôn ngữ ta trong sáng chính là ở sự giàu có của vốn thành ngữ. Mỗi thành ngữ đều có ý nghĩa riêng, có cách sử dụng riêng nhưng tất cả đều giống nhau ở đặc trưng khái quát, biểu trưng về ý nghĩa và mang đậm nét bản sắc văn hóa Việt. Một điểm đặc biệt nữa là trong thành ngữ, các từ tham gia cấu thành đều mang ý nghĩa khái quát cao.

Vì vậy, hiểu một thành ngữ không nên chỉ căn cứ vào nghĩa đen của từng từ trong đó. Chẳng hạn như thành ngữ “mẹ tròn con vuông” không thể hiểu là “mẹ thì hình tròn, con thì hình vuông”... Thành ngữ là một cụm từ cố định có sức biểu trưng hóa cao, không thể tùy tiện sử dụng và tạo biến thể một cách vô nguyên tắc.

Thành ngữ “Lá lành đùm lá rách” thường được dùng với nghĩa: Sự đùm bọc, yêu thương hỗ trợ lẫn nhau của các thành viên trong cộng đồng. Người giàu có, khỏe mạnh giúp người nghèo khó, yếu đuối; thậm chí người bình thường cũng có thể giúp người hoạn nạn hay sa cơ lỡ bước. Nói một cách khác, ý nghĩa của thành ngữ này biểu thị một thái độ sống có trách nhiệm của con người trong xã hội. Đó là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam mà không phải dân tộc nào cũng có.

Khi dùng thành ngữ này, người dùng không quá chú ý đến nghĩa của “lành”, của “rách” mà chú ý đến mối quan hệ giữa hai trạng thái đối lập “lành - rách” đã được khái quát hóa. Nhờ đó, cách hiểu thành ngữ được mở rộng ra, đi xa hơn cách hiểu cụ thể chỉ bó hẹp trong nghĩa đen của nó là: (cái) lá lành đùm vào (cái) lá rách. Cặp “lành - rách” có thể là:

- “Giàu - nghèo”

- “Khỏe - yếu”

- “Có khả năng - không có khả năng”

- “Thuận lợi - không thuận lợi”

- “Yên ổn - éo le, gặp trắc trở”...

Trong cuộc sống xã hội vẫn còn nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, hay những tình huống trắc trở. Thành ngữ này vẫn còn được sử dụng nhiều. Nó luôn mang ý nghĩa tích cực; lúc thì như một lời khuyên, một lời nhắc nhở; cũng có lúc lại như lời ca ngợi một nét đẹp trong truyền thống của dân tộc. Đó là tấm lòng nhân ái vô bờ của người Việt Nam với nhau và với cả nhân dân lao động trên thế giới.

Tuy vậy, do quá lạm dụng ý nghĩa tốt đẹp của nó mà người dùng quên đi rằng mình đang dùng một thành ngữ mang tính khái quát hết sức sâu sắc. Nếu như trong thành ngữ gốc “Lá lành đùm lá rách” thì “lành - rách” (như đã nói) mang nghĩa khái quát; thì trong “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cặp “lành - rách” lại bị cụ thể hóa đến mức tối đa. Có lẽ người dùng đã suy diễn theo kiểu: “lá rách ít vẫn còn tốt chán, vẫn đủ sức đùm lá rách nhiều”. Trong khi đó, người ta đã quên rằng trong thực tế (là dựa vào nghĩa đen) thì lá đã rách ít cũng khó có thể dùng để đùm được!

Tóm lại, trong mọi trường hợp, khi cần nói đến những điều đã nêu trên, ta chỉ cần dùng một thành ngữ “Lá lành đùm lá rách” là đủ, mà không cần kéo dài thêm “...lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Bản thân thành ngữ gốc đã hết sức cô đọng, súc tích. Nó cũng thật dễ hiểu, dễ sử dụng. Việc thêm vế sau vào thành ngữ để tạo ra một biến thể miễn cưỡng, đặc biệt khi thêm “ít”“nhiều” vào sau “rách” chỉ làm cho nghĩa của thành ngữ trở nên rối rắm; thậm chí làm mất đi tính trong sáng của một thành ngữ vốn đã được thử thách trong thực hành Tiếng Việt.

N.T