Ký ức thành phố tiếng còi tàu - Trần Trung Sáng

28.04.2018

Suốt dọc chiều dài dải đất miền Trung, trên hành trình phát triển kinh tế văn hóa xã hội, có lẽ ít thành phố nào gắn liền với những tiếng còi tàu hỏa xa như Đà Nẵng. Bởi suốt hơn 100 năm qua, kể từ lúc chính thức thành lập hệ thống đường sắt, tàu hỏa luôn là một trong những phương tiện chủ lực đan xen hệ thống giao thông phố thị Đà Nẵng như một hình ảnh đặc trưng gần gũi thân thương. Trước nhu cầu phát triển không ngừng tiến lên một thành phố hiện đại, bền vững, việc di dời nhà ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố để xây dựng ga đường sắt mới nằm trên trục Tây Bắc số 2 (thuộc phường Hòa Khánh Nam) dù sớm hay muộn rồi cũng sẽ được tiến hành trong một tương lai gần, nhưng chắc hẳn với người Đà Nẵng, âm thanh giục giã của những tiếng còi tàu sẽ còn mãi trong ký ức không dễ xóa nhòa...

Ký ức thành phố tiếng còi tàu - Trần Trung Sáng

Ga Đà Nẵng - thao thức tiếng còi tàu

Thật ngẫu nhiên, cứ mỗi lần nghĩ về một sân ga và những con tàu dù bất cứ nơi đâu, là lập tức tôi liên tưởng đến bài thơ Vu vơ (sau đổi lại là Những ngày nghỉ học) nổi tiếng của nhà thơ Tế Hanh (1921-2009). Chính vì vậy, vào năm 1994, trong một lần nhà thơ Tế Hanh đến Đà Nẵng công tác, tôi may mắn được tiếp chuyện và đã tranh thủ hỏi thăm ông đôi điều chung quanh bài thơ này.

Tế Hanh cho biết, bài thơ Những ngày nghỉ học ông viết vào năm 17 tuổi (1938). Lúc ấy ông đang học ở Huế, nhà trọ cạnh đường ray xe lửa, mỗi lần nghe tiếng còi tàu rền rĩ ngang qua rất nhớ nhà. Nhưng thực ra, trong những cảm xúc đầu tiên của ông để trước khi viết nên bài thơ ấy còn có cả hình ảnh sân ga Đà Nẵng, nơi ông đã dừng chân trên chuyến đi đầu tiên rời Quảng Ngãi quê nhà trước khi đến Huế. Ông nói, trong con mắt ông, hồi đó sân ga Đà Nẵng người qua kẻ lại, với biết bao hình ảnh sum họp, chia ly... sống động như những thước phim vô cùng ấn tượng. Đến thời kỳ Cách mạng tháng Tám, những năm 1947-1948, khi tham gia hoạt động tại Đà Nẵng, ông cũng thường có nhiều kỷ niệm thú vị gắn bó với sân ga này.

Cũng theo nhà thơ Tế Hanh, từ thuở mới hình thành, nhà ga chính của Đà Nẵng (Gare de Tourane central) đã được đặt ở ngay giữa trung tâm thành phố đường Lagrie (trước 1975 có tên đường Nguyễn Hoàng, nay là đường Hải Phòng). Về sau, chính quyền thời Pháp đã xây dựng thêm một nhà ga phụ nữa nằm ngay bờ sông Hàn với những bãi đỗ rộng rãi và kho tàng thuận lợi cho việc chuyển tải hàng hóa từ cảng Tiên Sa chuyển sang tả ngạn sông Hàn, có tên gọi là Ga Chợ Hàn (Gare de Tourane Marché), từ 1943 chuyên chở cả hành khách. Kế đến, Ga Chợ Cồn cũng ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng khi chợ này phát triển sầm uất... Bởi vậy, thời ấy nhắc đến cảnh phồn vinh Đà Nẵng, người ta thường nói: Cảnh mô vui bằng cảnh đất Hàn/ Dưới sông tàu chạy, trên đàng hỏa xa...

Nhà thơ Vũ Hữu Định (1942-1981) - tác giả của bài thơ nổi tiếng Còn chút gì để nhớ, sinh thời cũng từng có những câu thơ về tiếng còi tàu vọng từ sân ga Đà Nẵng: “Nhà anh ở gần ga/ đêm thao thức nghe còi tàu giục giã/ giữa đêm vắng chợt thấy lòng xa lạ/ mấy năm rồi không đi trời đất nhỏ dần/ ôi tiếng còi tàu như một nhát gươm/ rướm máu lòng khao khát” (Đêm nghe còi tàu).

Ngày nay, qua nhiều biến động thời cuộc, ga Đà Nẵng được sửa chữa và xây dựng theo phong cách hiện đại nên không còn dấu vết của lối kiến trúc xưa. Dù vậy, đây vẫn là một trong những ga lớn và tốt nhất miền Trung và cũng là một trong những ga quan trọng nhất trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Hằng tuần có khoảng 30 chuyến tàu hỏa từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng. Ngoài các chuyến tàu Bắc - Nam, ga Đà Nẵng còn có thêm những chuyến tàu địa phương đáp ứng lượng khách rất lớn giữa các tỉnh, thành Đà Nẵng - Huế, Đà Nẵng- Quảng Bình, Đà Nẵng - Vinh, Đà Nẵng- Quy Nhơn, Đà Nẵng - thành phố Hồ Chí Minh. Trong định hướng phát triển hạ tầng giao thông và đô thị đến năm 2020 Đà Nẵng ưu tiên phát triển vận tải khách công cộng. Tương lai sẽ di dời nhà ga đường sắt ra khỏi trung tâm thành phố và xây dựng ga đường sắt mới nằm trên trục Tây Bắc số 2 (thuộc phường Hòa Khánh Nam); nghiên cứu xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm nhằm giảm dần phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển hiện đại, bền vững. Tuy nhiên, mới đây, theo Văn bản số 22/BKHĐT-KCHTĐT gửi Văn phòng Chính phủ để góp ý cho phương án đầu tư Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi khu vực nội đô do Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất, trong giai đoạn 2016 - 2020 là không khả thi. Bởi, nguồn vốn giai đoạn này của Bộ Giao thông Vận tải “đã được phân bổ hết” và “chưa có chủ trương sử dụng nguồn vốn dự phòng”. Như vậy, với lịch sử 110 năm tồn tại, việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng dù đã có từ chục năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa thể xác định thời điểm chính thức triển khai. Đó là nỗi thao thức, trăn trở không chỉ của chính quyền mà của nhiều hộ dân sinh sống trong cả hai khu vực ga cũ và ga mới trong tương lai.

Ga chợ Hàn - những ký ức cuối cùng

Cho đến trước khi bị quy hoạch, phá bỏ để mở rộng đường Bạch Đằng, ga chợ Hàn vẫn được đánh giá là một trong những kiến trúc cổ độc đáo còn sót lại thời Pháp thuộc.

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân sự ra đời của ga chợ Hàn bởi thời kỳ đó trên Quai Coubert (đường Bạch Đằng ngày nay) là khu vực tập trung bến cảng, kho hàng và cơ sở kinh doanh của các hãng buôn lớn. Hoặc ngược lại, chính nhà ga và chợ Hàn này đã tạo nên một khu phố cổ và nhiều nhà kho chung quanh trục Bạch Đằng, Phạm Phú Thứ, Trần Phú ngày nay. Ở đó, ngoài các thương nhân người Hoa còn có các thương hiệu kinh doanh sắt thép, nông sản, vận tải lớn như Ninh Thái, Lý Thế Hoành, Dũ Thái, Trương Công Huynh Đệ và cả hiệu sách Việt Quảng, hiệu vàng Kim Thành... nổi tiếng một thời trong những ngôi nhà kiến trúc đầu thế kỷ 20. Lúc đầu, ga chợ Hàn chỉ vận chuyển hàng hóa về ga chính, dần dần mới chở thêm hành khách. Tuy nhiên, về sau những hoạt động tại ga này hầu như không còn nữa, dù tuyến đường sắt đi song song với con đường Bạch Đằng và nhà ga vẫn còn nguyên vẹn. Ông Trần Tấn Hải, người dân Đà Nẵng năm nay 65 tuổi khẳng định: “Hoạt động đường sắt tại ga chợ Hàn chắc hẳn đã chấm dứt từ trước 75, bởi vì hồi nhỏ ngày nào tụi tui cũng đi tắm sông, chạy qua chạy lại trên con đường sắt nhưng không thấy bóng dáng một chiếc xe lửa nào”.

Trong khi đó, nhà ga chợ Hàn từ lâu đã trở thành chỗ cư trú của một vài hộ dân. Những năm cuối của thập niên 80, nơi đây có một hộ bán rượu bình dân thường được các nhóm anh em văn nghệ sĩ tụ tập trò chuyện, đùa vui. Từ khoảng không gian phía sau của khu nhà cũ, có thể nhìn ngắm những chuyến phà qua lại trên sông Hàn, để hồi tưởng những chuyện một thuở xa xôi của Đà Nẵng, của ga chợ Hàn... Nhà văn Nguyễn Văn Xuân kể lại, lần đầu đi học cũng là lần đầu ông được tới thị trấn Vĩnh Điện để theo đường thủy ra Đà Nẵng. Cái thuở ban đầu của ông nhìn về Đà Nẵng thật độc đáo: “Lạ lùng nhất như trong một giấc mơ là trên con đường sắt đổ tới một loại xe, không phải xe lửa, rất thấp, có chất hàng hóa và chả rõ có ai lái hay không mà cứ ngang nhiên đi tới. Tôi chưa phải dừng chân hẳn ở thành phố sang trọng ồn ào này mà còn phải lên xe lửa qua những đoạn đường dài để đến ga Lệ Sơn...”. Nhà văn Nguyễn Văn Xuân cũng nói rằng, cùng lúc thành lập các tuyến đường hỏa xa Trung Kỳ, chính quyền thuộc địa đã đưa ra dự án xây dựng một tuyến đường sắt từ cảng Tiên Sa chở hàng thẳng tới Hội An dọc theo những triền cát và Ngũ Hành Sơn. Ngày 9/10/1905 tuyến đường xe lửa kiểu Decauville được khai thông với 5 chặng đỗ và mỗi ngày 3 chuyến. Tuy nhiên, nhu cầu vận chuyển giữa Đà Nẵng – Hội An thời điểm đó có xu hướng ngày một giảm sút. Đồng thời, tình trạng bị gió cát vùi lấp khiến hoạt động của tuyến đường này ngày thêm khó khăn và ít hiệu quả. Đến cơn bão năm Thìn (1916) thì tuyến đường này hoàn toàn bị tê liệt. Do vậy, vào năm 1917, khâm sứ Trung Kỳ đã ra nghị định cho phép phát mãi các thiết bị còn lại của tuyến đường sắt này.

 Vào những năm 90 thế kỷ trước, khi bắt đầu có những thông tin sẽ phá dỡ  nhà ga chợ Hàn để mở rộng đường Bạch Đằng, không ít người đã bày tỏ tiếc nuối, đề nghị chính quyền giữ nguyên kiến trúc cũ ấy để kết hợp đưa vào hoạt động du lịch. Tuy nhiên, những ý kiến ấy hầu như bị chìm nghỉm trong cơn lốc quy hoạch thực dụng, để đổi lấy những lợi ích hào nhoáng trước mắt của thành phố. KTS. Hoàng Sừ nhắc lại, năm 1996 ông từng nêu vấn đề với Hội đồng Kiến trúc - quy hoạch Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) là cần giữ lại các đặc trưng kiến trúc Bạch Đằng - Trần Phú mang dấu ấn Pháp, còn mở rộng và hiện đại thì nên chuyển về bờ Đông, cũng giống như Thượng Hải, nhưng tất cả đều bị bỏ ngoài tai.

Ký ức cuối cùng của tôi về nhà ga chợ Hàn, ngoài những lần đàn đúm cùng thân hữu bên quán rượu bình dân, còn là hình ảnh một cậu học trò nhỏ tên Trí, thành viên của một gia đình đông đúc anh em đang sinh sống trong khu nhà ga này. Trí rất mê hội họa, thường ngày lúc nào đến đây cũng thấy cậu hí hoáy vẽ những bức tranh về sông nước, thuyền bè, phố chợ... Lúc đó, Trí chừng 15 tuổi, là học sinh năng khiếu mỹ thuật của Nhà thiếu nhi Đà Nẵng do họa sĩ Đinh Gia Thắng phụ trách. Thỉnh thoảng, tôi cũng thường mượn những bức tranh của Trí đạt Giải qua các kỳ thi thiếu nhi để giới thiệu trên báo. Nhiều năm sau, ga chợ Hàn bị quy hoạch xóa sổ, tôi không còn gặp lại bạn nhỏ ấy. Hỏi thăm ra, mới biết Trí bây giờ chính là nhà thiết kế thời trang Nguyễn Công Trí đang nổi tiếng đình đám tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ga chợ Cồn - cảnh cũ, người xưa

Sau 1975, kéo dài suốt gần 20 năm, mỗi buổi chiều về, trong một thời gian cố định, hẳn nhiều người không quên được hình ảnh dòng người tham gia giao thông bị ùn tắt dừng lại trước cổng chắn ba-ri-e để đợi chờ một chiếc tàu lửa vài toa bít bùng, không chở hành khách, với những âm thanh rầm rập, phun khói băng ngang đường Hùng Vương kề cận khu vực chợ Cồn. Hình ảnh ấy thật xưa cũ, quen thuộc, góp phần tạo nên khung cảnh nhộn nhịp cho một khu chợ có tiếng phong phú hàng hóa, thu hút lượng người mua bán đổ về từ thành phố Đà Nẵng và các vùng quê lân cận. Thế nhưng, gần như không mấy người nhớ đến, cách không xa lắm cổng ba-ri-e ấy, lẩn khuất trong xóm nhỏ ở phía cuối chợ hàng heo là nhà ga chợ Cồn, một ga xép để trung chuyển hàng hóa từng tồn tại từ lúc thành lập chợ Cồn cho đến những năm đầu thập niên 1970.

Năm 1994, tuyến đường rầy băng ngang đường Hùng Vương được chính quyền triển khai tháo bỏ, để quy hoạch, mở lại đường Nguyễn Hoàng rộng rãi khang trang, nối dài đến các khu phố mới về hướng sân bay. Đoạn đường băng qua những xóm nhỏ nhếch nhác đan xen bên chợ Cồn tuy không được quy hoạch kịp thời, nhưng cũng dần ló dạng ra mặt tiền. Trong đó, ở phía trên một ngôi nhà hẹp, cũ kỹ hiện rõ dòng chữ nổi đúc bằng xi măng: Ga Chợ Cồn.

Ông Nguyễn Phước chủ nhân hiện nay của ngôi nhà có tên Ga Chợ Cồn cho biết, nơi đây chính là ga xép chợ Cồn một thời phục vụ cho việc chuyên chở hàng hóa cho chợ Cồn mà ông có thời là trưởng ga. Chuyện trò cùng chúng tôi, ông Phước giới thiệu, phòng khách đang sử dụng rộng vỏn vẹn 6m2 xưa là phòng chờ, phòng bán vé cho hành khách. Gian nhà kề bên là nơi ông sinh sống trong quá trình làm trưởng trạm ga và nhiều năm nay cũng được cơi nới để làm nơi sinh hoạt của gia đình ông. Theo ông Phước, hành trình tàu lửa chạy từ ga chợ Cồn vòng qua đường Lê Duẩn, đi xuống cầu Vồng và đến ga chính Đà Nẵng. Ngày ấy, khi nhà ga còn hoạt động, cảnh quang chung quanh nơi đây còn hoang vắng, nhìn thấy rõ khu cầu Vồng trống trải.

Ông Phước năm nay 87 tuổi (sinh 1931), quê Thạch Thang, Đà Nẵng. Từ nhỏ, khi còn 8-9 tuổi ông  đã theo cha vốn là một kỹ sư cầu đường vào Tam Kỳ làm việc trong ngành đường sắt (thời Pháp thuộc). Sau khi cha mất, lớn lên, ông Phước được cho đi học đào tạo thế chân người cha. Từ năm 1960, ông được giao làm thư ký ga tại Tam Kỳ (bán vé, kế toán), có lúc tại Huế.  Đến 1964, ảnh hưởng trận lụt lớn lịch sử, đường sắt bị gián đoạn, ông được về làm thư ký ga Đà Nẵng. Tháng 8/1965, ông được giao làm Trưởng ga chợ Cồn - một ga xép, thường ngày chất đầy các loại hàng hóa. Từ đó, ông được cấp cho một gian bên cạnh phòng khách nhà ga để sinh sống. Đến năm 1973, ga chợ Cồn ngừng hoạt động, ông được điều về làm Phó ga Đà Nẵng, nhưng vẫn tiếp tục sinh sống tại nhà ga cũ chợ Cồn. Tháng 3/1975, khi thành phố được giải phóng, ông Phước là người đứng ra bàn giao máy móc, thiết bị của ga Đà Nẵng lại cho chính quyền cách mạng. Sau đó ông được điều về làm Trưởng ga Lăng Cô (lúc đó, nhà ga Lăng Cô không còn nữa, nên ông làm việc trên một cái gông tàu thay ga suốt mấy tháng), rồi ga Thanh Khê cho đến khi về hưu vào tháng 1/1990.

Nhắc lại những ký ức đáng nhớ nhất về ga chợ Cồn, ông Phước nói: “Hồi đó, khi làm Trưởng ga chợ Cồn tôi hãy còn khá trẻ, hăng hái lắm! Mỗi ngày, niềm vui thú nhất là được chờ đón những tiếng còi rền vang từ các chuyến tàu dừng ga mang theo bao thứ hàng hóa, từ các vùng lân cận đổ xuống cung cấp cho các chợ vô cùng tấp nập! Tuy nhiên, cũng vì các đống hàng hóa chất bên sân ga cao quá, nên vào năm 1966, khi quân đội của Thiệu - Kỳ đổ ra trấn áp quân ly khai của Nguyễn Chánh Thi, họ chiếm lĩnh một tòa nhà cao, từ đó nhìn xuống, thấy ga chợ Cồn lấp đầy các bao tải, họ tưởng là một lô cốt quân sự trú ẩn nên đã bắn xối xả hàng loạt đạn. Đến hiện nay, nhiều vết đạn vẫn còn in dấu trên tường...”

Trước lúc chia tay, ông Phước nói với chúng tôi: “Không ngờ, số mệnh của đời tôi gắn liền với cái ga này. Hồi còn trẻ, tôi được bố trí đưa gia đình vào ở nơi đây, cứ thế mà sống, đóng thuế hằng năm cho Công ty Quản lý nhà đất thành phố từ năm 1977, quên mất thời gian qua đi, không toan tính gì khác. Đến nay đã hết cuộc đời rồi. Vợ tôi đã mất hồi năm ngoái, sau một thời gian dài bệnh nặng, tự tay tôi chăm sóc. Mấy năm nay, cùng với nhiều hộ dân ở đây, ngôi nhà gia đình tôi cũng được thành phố đưa vào diện giải tỏa đền bù, nhưng rồi cứ thấy nói tới, nói lui không biết tôi có chờ kịp không...”.

Bước ra khỏi ngôi nhà cũ kỹ mang dòng chữ Ga Chợ Cồn, quay đầu lại vẫn còn thấy ông Phước đứng lặng lẽ nhìn theo, tôi thầm nghĩ: mai này, khi trở về tìm ông, liệu cảnh cũ người xưa có còn? Và lúc đó, liệu biết mấy ai còn nhớ đến một thời những tiếng còi giục giã của con tàu rầm rập đang tiến về phía trước giữa bao ánh mắt nôn nao chờ đợi bên ga xép chợ Cồn.

T.T.S