Lần đầu tiên trong đời - Ngô Thị Thục Trang

06.06.2018

Lần đầu tiên trong đời - Ngô Thị Thục Trang

Đang ngồi coi thời sự, chị bỗng nảy ra ý định đi chợ đêm. Chị bảo với em: “Hay đi chợ đêm chơi hè. Hơn năm rồi chưa đi lại”. Em bảo em chưa tắm, chị chờ em chút, em xối một tí cho mát là xong.

Em lên lầu rồi, tự nhiên cơn buồn từ đâu xâm chiếm chị. Chị bỗng thấy mình vô nghĩa, giữ không nổi một người con trai, để người ta bỏ đi lấy vợ. Chị lại thấy mình vô lý, sao người theo mình mà mình không thích, còn sợ người ta nữa. Chị còn thấy mình vô tích sự, đi làm năm bảy năm rồi vẫn tay trắng, trong khi bạn bè đã đuề huề nhiều thứ. Thế là chị không muốn thay đồ, không muốn dắt xe ra khỏi cổng nữa. Chị cứ ngồi đấy, mắt nhìn màn hình ti vi vô cảm.

Em tắm xong, đi xuống, ngang qua chỗ chị ngồi. Mùi sữa tắm thơm phức. Em mặc bộ đồ vải lanh ở nhà. Chắc chờ chị bảo mới thay đồ. Em cầm sách lên đọc. Chị biết em đang chờ chị. Chỉ cần chị bảo: “Thay đồ đi!” là em sẽ chạy vào phòng, quần jeans áo pull sẵn sàng. Và chạy ra chỗ cây treo mũ, đội chiếc mũ bảo hiểm chim cánh cụt lên, chờ chị dắt xe ra. Em sẽ là người khóa cửa rồi cổng. Chưa có lần nào hai chị em cùng ra khỏi nhà mà người khóa cổng là chị. Nhưng lòng chị như cái bánh tráng nhúng nước, dịu quặt. Chị cứ ngồi thừ ra đó.

Chị biết, nếu là chị em người ta, người em sẽ vui vẻ hoặc cau có hỏi: “Có đi không đây?”. Nhưng chị và em không là chị em người ta. Chị và em, dù khác nhau nhiều điểm, trái ngược nhau nhiều điểm, nhưng có điểm này giống nhau: Không dám yêu cầu, đòi hỏi gì ở người khác. Lại càng không dám phàn nàn người khác, sợ người khác... đau. Từ nhỏ đã vậy. Mẹ sắm gì mặc nấy, nấu gì ăn nấy. Mẹ bảo đi học thêm thì đi. Ba cho tiền mua bông tai, nhẫn đeo cho ra con gái, chị cầm đi rồi lại cầm về đưa ba: “Con không biết đeo mấy thứ đó!”. Từ ngày đi làm, chị chưa lần nào nhờ đồng nghiệp làm hộ bất cứ việc gì. Nhà có việc cũng không dám nghỉ. Chỉ duy nhất một lần, chị thậm thò nộp đơn xin miễn họp. Đó là lần chính sếp bảo chị nghỉ, vì thấy chị quá mệt.

Em không hỏi. Chị không nói. Chỉ có tiếng của biên tập viên thể thao sang sảng trong ti vi. Đã sắp tám giờ. Cả chị và em đều biết ở thành phố này, sau chín giờ tối chẳng còn mấy ai buôn bán gì trừ những quán ăn khuya. Mọi lần trước hai chị em đi dạo chợ đêm đều từ bảy giờ đến tám rưỡi thì chở nhau về. Có khi chẳng mua được gì. Áo quần hay dây buộc tóc, bông tai, cài kẹp ở đó giá rẻ nên không tốt. Chợ đêm dành cho công nhân, sinh viên và người lao động nghèo. Nhưng đi chợ đêm có thú riêng của nó. Nhộn nhịp và thân mật, điều mà những shop hàng không thể đem lại.

Chị tưởng như nghe được tiếng thở dài nén trong lồng ngực em. Chị định vùng dậy thay đồ. Nhưng chẳng biết cái gì giữ chị lại. Chị biết, em cũng đang chờ tiếng chuông điểm giờ như chị. Chỉ cần kim phút chỉ đúng số mười hai là không đi đâu nữa hết. Em có thể yên tâm với bài học của mình. Chị thì cứ tự nhiên trôi theo dòng sầu miên man của chị.

Nhìn em lúc này, chị gặp lại mình của những lần ba mẹ bảo sẽ chở chị đi về ngoại thời bé con. Sáng dậy, ba mẹ còn bàn nhau sẽ mang gà biếu ngoại, rồi ở lại mấy ngày, đem những bộ áo quần nào. Nhưng đến gần chín giờ vẫn không thấy động tĩnh gì, lòng chị bắt đầu vỡ ra từng mảnh nhỏ. Mỗi ngày, chỉ có một chuyến đò xuôi về phố lúc chín giờ sáng. Khi đồng hồ điểm đúng chín giờ thì coi như niềm hy vọng trong chị tắt ngấm. Nhưng chị không dám hỏi ba mẹ ơi, vì sao không đi, không dám khóc ứ ừ sao ba mẹ không đi, ba mẹ đã bắt con chờ đợi, hức hức. Cô bé chị lúc đó chỉ lẳng lặng bỏ ra vườn, trèo lên cây ổi ngồi gặm nhấm nỗi thất vọng riêng mình. Sau này, chị vẫn thường im lặng mỗi khi đánh tuột một điều gì đó. Cứ lặng im mà tan nát.

Giờ nhìn em, chị lại nghe lòng mình nhoi nhói. Chị ngồi đấy, nhìn em đơn độc với nỗi thất vọng đang trào lên trong mình. Chính chị làm nên nỗi thất vọng ấy của em. Chị cần một câu nói: “Đi nào!” hoặc “Chị xin lỗi, hôm nay tự nhiên mất hứng!” là chấm dứt trong em sự ngột ngạt. Nhưng chị là chị, không thốt được lời nào. Ngoài đường, gió vẫn dịu dàng ve vuốt hàng xà cừ. Nhưng căn phòng nơi chị đang ngồi im lặng thì như mọi thứ đang đông cứng lại. Chỉ một lời thôi, chị cũng không nói nổi. Chị không hiểu mình nữa. Kim đồng hồ lướt qua số mười một.

Chị lại nhớ đến lần Sang hẹn chị nửa năm, hỏi chị có chờ được không. Lúc đó, tình yêu tuổi trẻ dâng tràn, chị không ngần ngại bảo có mười năm cũng được. Nhưng chỉ một tháng sau, chị đến thăm, Sang đã dành cho chị ánh mắt khác. Đêm ấy, chị ngồi thức trắng trong căn phòng trọ nhìn Sang ngủ. Hôm sau, chị về, phờ phạc vì mất ngủ. Sang thay số di động, chị gọi lần nào cũng chỉ nhận được câu: “Thuê bao quý khách vừa gọi...”. Chị biết địa chỉ nhà Sang ở quê, nhưng chưa lần nào có ý định bắt tàu ra ngoài đó một chuyến hỏi Sang xem lời hẹn nửa năm, Sang chôn ở chỗ nào. Chị không dám trách Sang, chỉ thỉnh thoảng lại nghe con tim mình kêu lên mấy nhịp não nề. Chị mất Sang mà không được biết lý do, nhưng không xem đó là một thua thiệt. Như cái số kiếp của chị nó là vậy. Cho gì nhận nấy, không có quyền đòi hỏi.

Chiếc kim đồng hồ đã điểm đúng số mười hai. Chợt nhiên, chị thấy một luồng năng lượng tràn trề chạy qua người. Chị vùng dậy, giục em: “Thay đồ. Mới tám giờ, còn sớm chán!”.

Lần đầu tiên trong đời, chị làm được một việc là chiến thắng sự lơ lửng của mình.

Lần đầu tiên trong đời, chị mong em sẽ giống mình, học lại từ đầu sự quyết liệt.

N.T.T.T