Nghề phu chữ - Phạm Thị Hải Dương

06.06.2018

Nghề phu chữ - Phạm Thị Hải Dương

1. Tôi đã rất đắn đo khi viết những dòng này, bởi người viết như tôi, để thể hiện một chủ đề, lột tả một nhân vật hay cảm nhận về một vùng đất dễ hơn nhiều so với việc cầm bút viết về chính nghề nghiệp của mình. Nói như vậy bởi chỉ hai chữ nghề viết thôi đã bao chứa quá nhiều mảng miếng và xúc cảm. Nhất thời khó có thể bao quát để nói ra cho đầy đủ, trọn vẹn.

Ngày còn đi học, tôi rất tâm đắc với lời dặn của một người thầy: “Hãy làm một công việc mà mỗi sáng thức dậy các bạn đều nghĩ “Hôm nay mình được đi làm” thay vì phải gò mình chịu đựng cảm giác phải đi làm để rồi sinh ra bực dọc, mệt mỏi. Nếu không tìm được niềm vui trong công việc ấy, tốt nhất các bạn nên thử một công việc khác để không tự giết chết bản thân.” Mỗi lần nhớ đến những lời này là một lần tôi cảm thấy mình may mắn. Bởi trong muôn vàn công việc chỉ là công cụ kiếm cơm của người khác thì nghề viết lại là nguồn hạnh phúc bất tận của tôi. Nghề cầm bút với tôi không đơn thuần là niềm vui chốc lát, là si mê nhất thời như cơn mưa mùa phương Nam chợt đến, chợt tan. Sáu năm đi qua với bao vui buồn, dâu bể, tôi vẫn yêu thương nghề cầm bút như thuở ban đầu.

Tôi hay tưởng đến con sông nhỏ uốn lượn sau làng mỗi lần có ai nhắc đến nghề báo, nghề văn. Mỗi lần căng thẳng, tôi thường hít thật sâu rồi nhắm nhẹ đôi mắt lại. Khi ấy, dòng nước xanh xanh lặng lờ hiện ra mồn một, uốn lượn trước mắt tôi. Con sông mười năm như ngưng chảy. Sông nằm mãi ở tuổi hoa niên. Sông chở những trưa bé con trốn ngủ, chân trần chạy ra sông, rúc mình trong bụi dại, với búp tay non hái cho kỳ được trái trâm hay trái ổi rừng chưa kịp chín. Thời gian cứ cuồn cuộn chảy mà vị của trái năm xưa vẫn hoài trên đầu lưỡi, chưa phai. Với tôi, nghề cầm bút chính là con sông không tuổi năm xưa. Như hoài niệm về sông, viết - là nơi tôi tìm về mỗi lần cảm thấy trái tim mình đang túa máu vì giẫm phải chông gai trên hành trình cuộc đời. Mỗi lần nhìn thấy cảm xúc của mình được trải ra, hiện hữu lấp lánh trên trang giấy trắng là lòng tôi nguội lại. Những muộn phiền tắt lịm. Mọi tiêu cực vỡ ra. Hơi thở nhẹ nhàng và đôi chân bước nhẹ bẫng. Cả thân thể tôi như đang thư giãn trong lòng nước mát lạnh.

2.

Lam nói, tác phẩm cũng như khuôn mặt của mình, mỗi lần viết là một lần cẩn trọng. Lam - người cùng nghiệp viết với tôi là người yêu nghề đến kỳ quặc. Lam đi trước tôi mấy năm mà lại ít viết hơn tôi nhiều. Tôi hay đùa, Lam là ổ bánh mì đặc ruột bởi kiểu cần kiệm và sâu sắc của nàng trên trang viết. Mỗi lần tôi nhác thấy tên Lam trên báo là một lần tôi cúi đầu bái phục và cẩn thận cúi xuống nhìn lại mình. Cũng bằng chừng ấy vốn từ nhưng mỗi dòng Lam viết ra phải khiến người đọc dừng lại, ngẫm nghĩ thậm chí trầm trồ về khả năng lột tả thế giới quá chân thực của nàng. Đọc Lam, dù không để ý dòng ký tên cuối bài, song những người yêu Lam đều nhận ra nàng chứ không là ai khác. Lam sâu sắc và điềm đạm. Lam mềm mại mà vẫn đầy đủ thông tin. Lam đi, mỗi bước chân trên trang giấy đều mượt như ru nhưng vẫn ẩn chứa cả thế thái nhân sinh mà Lam muốn thể hiện. Đặc biệt, Lam chưa một lần chạy theo thị hiếu mà để cho môi trường khách quan và ham muốn bản thân dẫn dụ. Với Lam, tôi cảm thấy chữ nghĩa khuất phục nàng, mặc cho nàng điều khiển. Lam như vị tướng tài ba thông thạo binh thư và hiểu lòng tướng sĩ. Không cần quát nạt hay ép buộc, con chữ dưới tay nàng răm rắp lệnh tuân.

Ngày còn sinh viên, tôi có một người đàn anh khá cừ. Anh chăm chỉ làm từng cái tin tai nạn, cháy nổ, cướp của, giết người. Tòa soạn phân công ở đâu, dù tận buôn làng vùng sâu vùng xa hay chường mặt hứng nắng cả ngày ngoài biển anh cũng không từ. Những giờ trống tiết, tôi hay ngồi cà phê với anh ở quán nhỏ đối diện cổng trường. Tiếng cà phê với nhau nhưng câu chuyện của hai anh em thường đứt quãng bởi anh phải cắm đầu vào máy tính làm tin. Vừa làm vừa nghe điện thoại. Vừa nghe điện thoại vừa sấp sải thu dọn máy móc rồi phóng xe đi mất, chỉ kịp nháy mắt ra hiệu cho tôi. Có khi mỗi ngày, anh “đẩy” được năm, bảy cái tin. Đàn anh thương mến anh, đàn em ngưỡng mộ anh. Ai cũng tin rằng rồi anh sẽ thành công hơn thế nữa.Thế rồi, bẵng một thời gian dài, tôi hay tin anh không còn làm báo nữa. Vì một tai nạn nghề nghiệp mà anh vĩnh viễn không thể quay lại với nghề. Bao hào quang tiêu tán. Anh trở lại từ đầu như một cậu sinh viên cầm máy ảnh lăng xăng chạy đi cộng tác từ tờ này sang tờ khác bằng một bút danh hoàn toàn mới.

Anh và Lam là hai trong rất nhiều trường hợp vui buồn với nghề buôn chữ. Trong nghề viết, còn rất nhiều trải nghiệm khác nhau mà chỉ có những ai sống, làm nghề, va vấp, tổn thương, khủng hoảng niềm tin rồi tự mình chữa lành vết thương của mình, đứng lên và tiếp tục thì mới hiểu. Nguy hiểm trong nghề viết như việc chúng ta nhỡ tay chạm phải một quân cờ Domino vậy. Chỉ cần một quân là mọi thứ trở về số không tròn trĩnh. Thế nên, để giữ sự tôn trọng và yêu thương, hay thực dụng hơn là bảo toàn được chén cơm của mình thì cẩn trọng và nhạy cảm là hai thành tố không thể nào thiếu được.

3.

Tôi dám khẳng định trên đời này không nhiều nghề có được trải nghiệm đa dạng như nghề làm báo. Thử tưởng tượng sáng mai, bạn sẽ gặp một người hoàn toàn xa lạ và lắng nghe tất cả về họ. Bạn phải tìm cách tỏ tường hoặc thông cảm, vận dụng mọi giác quan để hiểu hoàn cảnh hoặc động cơ của họ. Hơn thế nữa, bạn phải vẽ lại họ sao cho giống. Mà khổ thay, nếu là họa sĩ, bạn chỉ cần vẽ bề ngoài, nhưng lỡ là phóng viên, bạn phải vẽ được bên trong nhân vật! Hãy tưởng tượng, một tiếng trước bạn còn ăn cơm ngon lành trong quán ăn sang trọng ở trung tâm thành phố thì một tiếng sau bạn đã nhem nhuốc, bụi bặm bởi bụi đường dẫn về một vùng nông thôn nào đó. Có lúc, bạn còn không có quần áo để thay, không biết tối nay mình ăn gì, thậm chí bạn còn không thể thoát khỏi con đường ngập bùn lầy trước mặt.

Khai phá cuộc sống và khai phá con người là hai viên nam châm rất mạnh thu hút những người yêu nghề báo. Với nghề này, mỗi ngày mỗi giờ là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, không có hoàn cảnh nào giống nhau, không có hai vùng đất cho bạn cùng một kỷ niệm. Sách vở nói, hễ dấn thân vào nghề báo là chịu hy sinh rất nhiều. Thực tế, sự hy sinh của những người làm báo còn hơn sách vở gấp nhiều lần. Đó là sự biến động không ngừng của xã hội, sự thay đổi chóng vánh của con người, nhiều giá trị người làm báo từng tôn thờ trở nên rẻ rúng. Khủng hoảng niềm tin và san chấn tâm lý là hai trong nhiều vấn đề mà người làm báo phải đối mặt, chống trả và bắt buộc phải thắng cuộc để có thể tồn tại, gắn bó và hết mình với nghề.

Sống với nghề báo, nghề văn hay nói chung là nghề viết luôn là chuỗi những ngày vừa đấu tranh, vừa giữ gìn cuộc sống, vừa nuôi dưỡng vừa điều hòa bản thân. Giữ được cốt lõi và thuận theo tự nhiên để bản thân được hăng say và trải nghiệm trong giới hạn. Yêu thương và gìn giữ, tôn tạo cuộc đời là sứ mệnh thiêng liêng mà người viết phải khắc ghi.

P.T.H.D