Xây dựng đô thị Đà Nẵng giàu bản sắc & phát triển bền vững trong tương lai - KTS Tô Hùng

06.06.2018

Xây dựng đô thị Đà Nẵng giàu bản sắc & phát triển bền vững trong tương lai - KTS Tô Hùng

20 năm tạo dựng thương hiệu đô thị & hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ từ năm 1997, tuy nhiên đô thị Đà Nẵng thực sự khởi sắc từ sau năm 2003 khi thành phố trở thành đô thị loại 1. Chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” là cách thức tạo nguồn vốn đầu tư, tạo sự chuyển biến khá mạnh mẽ, góp phần mở rộng quy mô đô thị cả về số lượng và chất lượng. Sau 20 năm chỉnh trang xây dựng, thành phố đã di dời, giải phóng mặt bằng với tổng số hộ phải giải tỏa là gần 120 ngàn trên tổng số gần 200 ngàn hộ dân. Nhiều khu dân cư, điểm dân cư nông thôn, nhiều khu công nghiệp, khu du lịch, kết cấu hạ tầng đô thị... đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng. Từ một thủ phủ của tỉnh lỵ, với vài con phố quanh quẩn ven sông, cho đến nay Đà Nẵng đã thực sự vươn mình ra Biển lớn.

Nhìn lại chặng đường đã qua

Ít ai biết rằng, khi mới chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, thành phố chỉ có gần 100 con đường, với tổng chiều dài gần 300 kilômet thì đến nay thành phố Đà Nẵng có gần 2.000 con đường trong đó nhiều trục cảnh quan xứng tầm một đô thị hiện đại với tổng chiều dài trên 1200 km. Đã có 9 chiếc cầu bắc qua dòng sông thơ mộng, nối liền hai bờ đông tây. Nói đến thành công của 20 năm qua, không thể không nhắc đến chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo sự đồng thuận thực sự đối với người dân trong việc xã hội hóa, đóng góp xây dựng nhiều công trình và dự án quan trọng. Cũng chính nhờ sự đồng thuận này mà đến nay hầu hết các kiệt hẻm khu dân cư đã được bê tông hóa, không còn cảnh nắng bụi mưa lầy. Khu nhà chồ dọc bờ Đông sông Hàn giờ đây đã lùi dần vào ký ức của người Đà Nẵng, thay vào đó là những công trình kiến trúc cao tầng hiện đại, dần rõ nét bộ mặt đô thị khang trang. Tiêu biểu nhất phải kể đến chiếc cầu quay Sông Hàn, mốc son quan trọng trong quá trình thành phố ven sông vươn mình ra biển lớn, được xây dựng nên từ chính sự tích cóp của người dân Đà Nẵng, một biểu trưng cho ý Đảng lòng Dân, cho sự đồng thuận được khẳng định xuyên suốt theo thời gian.

Đà Nẵng đã được mở mang đủ tầm, đủ sức và đủ rộng, bộ khung hạ tầng mở ra các hướng với nhiều hoạch định lấp đầy nhanh chóng không gian đô thị, thì nay đặt ra cho công cuộc kiến thiết đô thị phải cải thiện, vun đắp hình ảnh chung của đô thị với những hình hài công trình xây dựng đẹp hơn, hiện đại hơn và mang lại cho nhân dân cuộc sống chất lượng hơn. Không tự mãn với những gì đã làm được, người Đà Nẵng hôm nay biết phát huy những nền tảng mà thế hệ đi trước đã tạo dựng, tiếp cận vận hội mới, nối tiếp công cuộc tạo dựng thành phố với nhiều khát vọng mới; xây dựng Đà Nẵng sánh vai cùng các thành phố lớn trong khu vực, xứng tầm là một trong những trung tâm của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền Trung Tây Nguyên, là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Những thách thức cho tương lai

Chúng ta có thể thấy rằng, thực tế phát triển đô thị thời gian qua là quá nhanh, đặt ra cho hôm nay hàng loạt các câu hỏi: Mô hình nào sẽ được chọn lựa cho chiến lược phát triển bền vững đô thị? Giải pháp nào để nâng cao chất lượng cuộc sống và không gian cảnh quan đô thị? Chúng ta đang ứng xử ra sao với tài nguyên thiên nhiên?... Đây thực sự là bài toán khó cần nhiều lời giải, bởi thành phố phải đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức. Đó là, việc tổ chức giao thông đang đối mặt với thực trạng dân số không ngừng tăng nhanh cùng với quá trình đô thị hóa mở rộng. Đó là vận tải đô thị vẫn chủ yếu là xe máy, ô tô cá nhân ngày càng nhiều khi người dân ngày càng ăn nên làm ra, lượng khách du lịch không ngừng tăng nhanh qua các năm... Đó là ùn tắc giao thông đang hiện hữu. Là môi trường luôn được nhắc đến với tiếp vị ngữ ô nhiễm, ô nhiễm trầm trọng xuất hiện ngày càng nhiều bởi nước thải từ sinh hoạt, khói bụi từ sản xuất, đất đá ngổn ngang từ khai khoáng... Thẩm mỹ đô thị luôn là sự trăn trở khi phương pháp quy hoạch “chia lô”, sao chép một cách cứng nhắc đã dẫn đến những không gian giống nhau ở khắp mọi nơi, không có nơi nào đặc biệt - môi trường sống có thể rất tiện ích nhưng lại không mang lại cảm hứng và không đáng nhớ, không tạo được dấu ấn nếu không nói là theo một lối mòn cũ kỹ. Điều này thể hiện qua việc hình thành các khu dân cư mới với kiểu nhà phố chạy dài bám sát mặt đường, với các mô thức kiến trúc khá đơn điệu, không gian đường phố kiểu điển hình... Trong khi đó, những không gian mang đậm tính bản địa có giá trị văn hóa cao (làng nghề truyền thống, khu phố Tây...) hầu như bị xóa sổ trong quá trình đô thị hóa. Quá trình mở mang tạo nên nhiều quỹ đất phát triển đô thị, nhiều khu ở, khu nghỉ dưỡng, nhiều con đường nhưng nhìn chung còn thiếu những khung cảnh thành thị phồn hoa, thiếu những trung tâm của kiến trúc và cộng đồng, thiếu những công viên và vườn hoa, những điểm nhấn đô thị, thiếu những công trình mang diện mạo biểu trưng để nhìn vào, nhận ra ngay Đà Nẵng. Cảnh quan đô thị vẫn là những mảnh ghép khá rời rạc, trong khi thiên nhiên Đà Nẵng được đánh giá như một hệ tự nhiên và xã hội hoàn chỉnh thu nhỏ gồm núi, đồi, rừng, hồ, suối, sông, biển, đèo, cù lao, vịnh, cánh đồng, bản làng dân tộc, làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên... Một phức hợp tự nhiên - sinh thái - nhân văn không đâu sánh nổi mà nhiều đô thị chỉ sở hữu vài ba nhân tố trong hệ tự nhiên và sinh thái đó. Với những giải pháp quy hoạch hiện nay, không những không khai thác được giá trị đặc trưng này  để tạo lập bản sắc đô thị, mà còn phá vỡ cấu trúc cảnh quan tự nhiên, nguy cơ đánh mất giá trị văn hóa đặc trưng, hủy hoại môi trường sinh thái và mục tiêu xây dựng Đà Nẵng phát triển bền vững, thành phố môi trường sẽ trở thành viễn cảnh.

Những giải pháp mang tính định hướng

Nhận diện nguy cơ, thách thức để từ đó đề ra những giải pháp thiết thực vừa mang tính chiến lược, trên cơ sở tôn trọng và vận dụng linh hoạt, phát triển đô thị phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế xã hội, hội nhập khu vực và thế giới nhưng đồng thời phải đảm bảo bền vững trong tương lai. Để thực hiện mục tiêu này, tác giả mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, Đà Nẵng là thành phố trẻ, không bị ràng buộc bởi những cấu trúc đô thị lâu đời. Điều này rất có lợi cho Đà Nẵng trong việc tái cấu trúc đô thị theo hướng hiện đại trên cơ sở những mô hình phát triển đô thị tiên tiến phù hợp.

Hai là, Tổ chức đô thị tạo sự hòa nhập, tăng cường tính kết nối giữa các nhân tố tự nhiên và nhân tạo, giữa không gian kiến trúc và không gian xanh, giữa yếu tố lịch sử với yếu tố đương đại...

Ba là, Đà Nẵng có địa hình, địa mạo rất phong phú và đặc sắc, văn hóa đa dạng là yếu tố quan trọng tạo nên sự phong phú về hình thái không gian cảnh quan đô thị.

Do đó, rất cần việc tổ chức không gian cảnh quan đô thị trên nguyên tắc lấy dòng sông Hàn tạo “lõi xanh”, dãy núi nam Hải Vân tạo thành hình cánh cung ôm lấy vịnh Đà Nẵng vừa là phông nền tạo cảnh, vừa “đóng khung” không gian biển; lấy ngọn Ngũ Hành Sơn lịch sử làm trung tâm phát triển khu Tây Nam (việc đóng khung và chia cắt ngọn núi như hiện tại đã phá hủy cảnh quan tự nhiên vốn có), lấy bán đảo Sơn Trà tạo yếu tố “nút” cho không gian phía Đông và ngọn núi Bà Nà là điểm hội tụ phía Tây thành phố.

Mô hình đô thị nén (compact city) là lựa chọn phù hợp cho khu vực trung tâm đô thị cũ với chức năng theo hướng hỗn hợp, tập trung phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa, thương mại; ưu tiên phát triển tổ hợp kiến trúc nhà cao tầng, đồng thời chú trọng các công trình kiến trúc, di tích lịch sử tạo điểm nhấn, không gian đậm chất “nơi chốn và tinh thần”; chú trọng các không gian quảng trường, công viên cây xanh gắn với các hoạt động văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí. Mô hình thành phố vườn cần được tham khảo cho khu vực phía tây, tây bắc thành phố với địa hình, địa mạo đa dạng cùng với mục tiêu duy trì vành đai xanh thông qua các hoạt động phát triền nông nghiệp và du lịch xanh.

Giải pháp giao thông xanh cần được khai thác, trong đó đa dạng hình thức vận tải công cộng, tăng cường các hình thức giao thông không gây ô nhiễm môi trường (đi bộ, xe đạp) gắn với tiện ích đô thị theo hướng thông minh. Tăng cường các trục kết nối Đông Tây, Bắc Nam, giao thông vành đai và mạng lưới đường phố đô thị. Đặc biệt giải pháp giao thông ngầm hay trên không cũng cần được đặt ra khi thành phố đối diện với quy mô dân số từ 2-3 triệu người trong tương lai. Có giải pháp đồng bộ và toàn diện trong việc thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường, thay đổi tư duy trong khai thác tài nguyên cho mục đích phát triển kinh tế xã hội theo nguyên tắc đảm bảo cân bằng sinh thái, yếu tố tự nhiên và nhân tạo cùng phát huy dựa trên mối quan hệ tổng hòa, tương hỗ. Cùng với đó là ý thức gìn giữ đa dạng sinh thái, bảo tồn cấu trúc cảnh quan tự nhiên núi-sông-biển, bảo vệ môi trường là mục tiêu hàng đầu trong tiến trình xây dựng thành phố đáng sống.

Phát triển bền vững trên nền tảng đô thị giàu bản sắc

Nếu như 20 năm xây dựng đã mở ra cho thành phố một không gian rộng lớn để phát triển, hội nhập và định dạng thương hiệu thì trong tương lai Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố xứng tầm khu vực, chất lượng không gian sống cao, và hơn hết là thành phố luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên nền tảng đô thị giàu bản sắc.

Mặc dù chúng ta tự hào về những gì đã đạt được nhưng khi tĩnh tâm “nhìn lại”, chúng ta sẽ không khỏi băn khoăn tự hỏi: bản sắc kiến trúc đô thị Đà Nẵng là gì?

Có thể nói, Đà Nẵng thực sự là nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một khối tài sản vô giá. Quả thật hiếm có nơi nào trên dải đất nước hình chữ S này được sở hữu một hệ thống sinh thái cảnh quan tự nhiên đa dạng đến như vậy, hội tụ sinh thái sông, sinh thái biển, sinh thái rừng, sinh thái đảo, sinh thái đồng bằng... tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một cấu trúc “Núi - Sông - Biển” rất bền chặt. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến hệ sinh thái nhân văn phong phú với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa: văn hóa Đông - Tây, văn hóa Việt - Chăm, văn hóa dân gian - hiện đại, văn hóa làng xã - thành thị, văn hóa vật thể - phi vật thể... Tất cả tạo nên một bức tranh muôn màu, cộng sinh để tồn tại, cộng hưởng để phát huy. Ngoài ra, không thể không nhắc đến vốn di sản kiến trúc được tích lũy qua những bước thăng trầm của lịch sử. Tuy không quá đồ sộ so với những thành phố hàng ngàn năm tuổi, nhưng Đà Nẵng cũng tự hào khi nhắc đến Đình Hải Châu, Bồ Bản, sở hữu công trình độc nhất vô nhị lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc của nền văn hóa Chămpa một thời vang bóng, ngôi trường được mang tên École Franco-Annamite de Tourane sau này đổi thành trường Phù Đổng hay Tòa thị chính tọa lạc ngay bên bờ sông Hàn thơ mộng nay là trụ sở Hội đồng nhân dân thành phố... theo thời gian, vẫn luôn khẳng định là những chuẩn mực trong sáng tạo nghệ thuật kiến trúc, đậm chất thẩm mỹ và giàu tính nhân văn.

Từ sau mốc son được công nhận là đô thị loại I vào năm 2003 đến nay, thành phố chứng kiến sự đổi thay đáng thán phục, sự thay da đổi thịt đang diễn ra hằng ngày. Nếu như trước đây Đà Nẵng chỉ là đô thị cấp tỉnh với những công trình thấp tầng len lỏi ven sông thì nay đã mang hình hài của một đô thị hiện đại vươn mình ôm trọn một dải bờ Biển Đông. Đời sống người dân nhờ vậy cũng khởi sắc hơn, văn minh đô thị tiệm cận đến chuẩn mực của những thành phố lớn trong khu vực. Nhưng có lẽ, chúng ta cũng dễ nhận ra một thực tế rằng, Đà Nẵng đang phải đối mặt với sự mất cân bằng cần thiết cho việc phát triển bền vững. Đó là sự cân bằng giữa quá khứ và hiện tại, giữa yếu tố nhân tạo và tự nhiên, giữa truyền thống và hiện đại, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa tăng trưởng kinh tế và bảo tồn văn hóa, giữa những con đường to rộng và sự chống chếnh của kiến trúc đô thị, giữa khát vọng vươn tới tương lai và sự nhìn lại quá khứ... Quá trình tái thiết đô thị đã đánh mất quá nhiều thứ để nhớ và lưu vào ký ức, để khi ngoái nhìn lại chúng ta thấy hối tiếc. Là sự hối tiếc khi đánh mất đi các công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Là sự tiếc nuối khi nhiều công trình với phong cách kiến trúc độc đáo trên phố Bạch Đằng, Trần Phú, Lê Lợi... bị phá bỏ hoặc thay đổi công năng, mà một khi đã thay đổi công năng thì chạm đến lỗi lớn và không có cơ hội để khắc phục. Là sự xót xa khi những vùng quê trù phú đã phải nhường chỗ cho các khu công nghiệp và các khu tái định cư; những làng nghề truyền thống cùng với những lễ hội đặc trưng nhường chỗ cho những khu du lịch sang trọng... Những cảm giác đó sẽ ào ạt đến cùng một lúc, khi chúng ta nhận ra rằng tất cả những sắc màu riêng của Đà Nẵng đang phai dần đi bởi quá trình đô thị hóa quá nhanh và đang dần có nguy cơ mất kiểm soát. Và hơn cả, là sự hối tiếc dai dẳng khi nhìn đến hệ sinh thái tự nhiên vốn dĩ là một cấu trúc hoàn chỉnh đang dần bị chia cắt, biến dạng và nguy cơ suy thoái môi trường ngày càng hiện hữu bởi cuộc chạy đua của thị trường, của những khát vọng chinh phục, nếu không thận trọng thì sẽ trở thành lối ứng xử thiếu văn minh khi khai thác thiên nhiên một cách thái quá.

Để suy ngẫm thêm về những giải pháp

Bản thân người viết là kiến trúc sư nghiên cứu trong lĩnh vực cảnh quan đô thị với nhiều tâm tư, mong muốn góp phần gìn giữ và tạo dựng một hình hài đô thị Đà Nẵng đậm bản sắc, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp:

Trước hết, phát huy giá trị các di sản kiến trúc là nhiệm vụ quan trọng cùng với những giải pháp bảo tồn, phục hồi cần sớm được triển khai. Chúng ta hãy làm điều đó với một tinh thần cầu thị, thông qua những nghiên cứu mang tính tổng thể và thật sự khoa học. Cần sớm ban hành bộ quy chế ứng xử, quản lý đối với các di sản kiến trúc một cách cụ thể để tránh mắc phải những sai lầm đã xảy ra. Kế đến là sự bắt tay vào cuộc của các nhà quản lý quy hoạch, cải tạo chỉnh trang các công trình có giá trị văn hóa, tâm linh truyền thống của người dân Đà Nẵng. Các đền thờ, miếu mạo, không gian lễ hội phải được ứng xử với một thái độ trân trọng, tương lai sẽ nhìn nhận và đánh giá chúng ta không chỉ là những gì chúng ta đã tạo dựng hôm nay mà hơn cả là những gì chúng ta gìn giữ được từ thế hệ cha ông, truyền lại cho thế hệ mai sau, đó là lương tâm và trọng trách của mỗi người.

Hai là, thành phố còn thiếu những điểm nhấn đô thị, thiếu những công trình mang tính biểu trưng để nhìn vào nhận ra ngay. Các kiến trúc sư không chỉ có trách nhiệm tạo ra những vật thể có công năng, hình thức thẩm mỹ vừa mắt mà cần hơn là sự sáng tạo nghệ thuật, khi ngắm nhìn và bước vào bên trong sẽ có những rung cảm, công chúng sẽ ghi nhận không chỉ là tài năng mà cả cái tâm trong từng nét vẽ. Đối với các nhà quy hoạch, quản lý đô thị, việc tạo ra nhiều địa điểm, nhiều không gian cho cộng đồng là cần thiết, nhưng cần hơn nữa chính là các không gian kiến trúc kia thực sự trở thành những “nơi chốn”, nơi mà mọi người đến không chỉ muốn được đáp ứng về nhu cầu mà quan trọng hơn “nơi chốn” ấy sẽ lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ, sẽ là nơi tìm đến, nơi luôn nghĩ về. Tất cả điều đó đòi hỏi một sự vào cuộc làm việc nghiêm túc, luôn hiện diện song hành cái tâm với nghề, cái tầm để hoạch định và kiến tạo.

Ba là, cần nhìn lại để đánh giá một cách khách quan, khách quan ngay cả trong việc đặt câu hỏi, liệu rằng chúng ta đã sử dụng đất đai một cách có hiệu quả chưa khi mở rộng thành phố theo tiến trình của một đô thị xứng tầm khu vực? Chúng ta đang xây dựng đô thị theo mô hình gì? Hình hài đô thị trong tương lai sẽ như thế nào khi vẫn mải mê say sưa với những ngôi nhà thấp tầng, những ngã ba ngã tư giao thông dày đặc? Chúng ta tạo ra thật nhiều quỹ đất ở để đón đầu cho một thành phố với quy mô hơn 2 triệu dân đã thật sự hợp lý chưa, trong khi tương lai người thành thị cần hơn những khoảng xanh, hạ tầng xã hội và những tiện ích đô thị? Chúng ta đã nghĩ đến và sẽ làm gì với những mô hình “Đô thị nén”, “thành phố vườn”...? Những câu hỏi đó cũng chính là những tự vấn, suy ngẫm, trăn trở trong mỗi chúng ta. Cho nên, cần thiết phải có một giải pháp lâu dài, vừa đảm bảo tính hiệu quả trong khai thác tài nguyên đất đai, vừa đảm bảo điều kiện hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố nhân văn, thành phố đáng sống. Việc gìn giữ một vành đai xanh cho thành phố, mảng vườn xanh cho khu dân cư, hành lang xanh cho các loài di chuyển và giao thông xanh để bảo vệ môi trường là chiến lược mang tính thời đại. Hình ảnh một thành phố hiện đại, văn minh với những công trình xây dựng hiện đại song hành với những xóm làng truyền thống, bản làng dân tộc cùng hòa quyện trong màu xanh của nước, của trời và của cây cỏ cũng chính là một đặc trưng khó tìm thấy ở các đô thị khác hiện nay.

Điều cuối cùng, và cũng là điều mà người viết mong đợi nhất, đó chính là quá trình xây dựng, chỉnh trang đô thị cần tuân thủ nguyên tắc: hình thái không gian đô thị Đà Nẵng không thể thiếu bóng dáng của núi cao, đồi thấp, của sông dài và bãi cát trắng. Cơ cấu sử dụng đất đai trong quy hoạch không thể thiếu những mảng xanh tự nhiên, không gian dành cho cộng đồng không thể thiếu những bãi tắm biển.

Thay lời kết

Thế hệ cha ông ta đã tạo dựng đô thị Đà Nẵng trên nguyên tắc kiểm soát không gian luôn trong một trạng thái cân bằng, hài hòa giữa các yếu tố: cảnh quan tự nhiên và cảnh quan đô thị, giá trị tinh thần và nơi chốn, phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa... Ngày hôm nay, đón nhận vận hội mới, thành phố tiếp tục hội nhập sâu, chúng ta không thể chối từ những trào lưu kiến trúc đương đại, càng không thể đi ngược với những tiến bộ của công nghệ thời đại 4.0, thành phố sẽ thông minh hơn, đô thị tiện ích hơn, nhưng nguyên tắc cơ bản trên vẫn phải được tôn trọng, gìn giữ và phát huy, bởi đó là bản sắc, và đã là bản sắc thì chắc chắn sẽ không thể mờ nhạt dù trong thời đại nào. Và chắc chắn hơn hết, một khi có bản sắc riêng, theo thời gian, Đà Nẵng sẽ luôn mang hình hài nên thơ của một thành phố bên núi, bên sông hài hòa và sâu lắng.

T.H