Nhà báo và chữ nghĩa - Bùi Văn Tiếng

13.08.2019

Nhiều nhà báo dùng chữ tài hoa không thua kém gì các nhà văn. Chỉ riêng việc giật tít/đặt nhan đề của một số nhà báo đã khiến thiên hạ rất chi là ngưỡng mộ. Đưa tin phản ánh tình trạng bất động sản đang “đóng băng”, có nhà báo giật tít: Bất động sản bất động… sảng! Rồi viết bài bàn về năng lực thực thi chức năng giám sát của một số đại biểu dân cử, có nhà báo đặt nhan đề: Giám mà không sát, sát mà không… dám! Không chỉ giật tít bằng cách chơi chữ như hai nhan đề nêu trên, các nhà báo còn rất giỏi dùng hình ảnh để đặt nhan đề cho tin bài của mình.

Nhà báo và chữ nghĩa - Bùi Văn Tiếng

Còn nhớ một buổi sáng tháng 10 năm 2006, chúng tôi có mặt thật sớm tại Bệnh viện Nguyễn Trãi Thành phố Hồ Chí Minh để kịp viếng các công chức phường 13 quận Phú Nhuận vừa tử nạn đêm hôm trước trên đường ra Đà Nẵng cứu trợ đồng bào ba quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Sơn Trà bị thiệt hại nặng trong cơn bão Xangsane. Khi phỏng vấn tôi với tư cách là Bí thư Quận ủy Thanh Khê, thấy tôi không kìm được nước mắt vì quá đau đớn tiếc thương những người đã mất, nhà báo liền đặt một nhan đề đầy ấn tượng cho bài báo của anh: Nước mắt chảy ngược vào Nam!

Viết về tình trạng ô nhiễm môi trường dường như vô phương cứu chữa ở một đô thị lớn nhất nước, có nhà báo đặt nhan đề: Nam Sài Gòn đến hẹn lại... hôi. Hay viết về tình trạng cháy rừng cũng dường như vô phương cứu chữa ở một số tỉnh miền Trung, có nhà báo đặt nhan đề: Hết cháy vì... đã cháy hết! Hay viết về sự nguy hiểm của bọn tội phạm mang lại nguy cơ “cái chết trắng” cho xã hội, có nhà báo giật tít: Tội phạm ma túy là ‘tội phạm của tội phạm’! Hoặc viết về tình trạng sáng tác tiểu thuyết ở nước ta hiện nay, có nhà báo đặt nhan đề: Tiểu thuyết đương đại Việt Nam: Có rừng mà không có cây to… Như vậy không phải không có cây, thậm chí có cả rừng cây, vấn đề là chỉ thiếu đại thụ! Tôi cố tình dùng hai chữ “đại thụ” để thay hai chữ “cây to” trong nhan đề trên là nhằm nhấn mạnh đến năng lực sử dụng từ Hán Việt của các nhà báo.

 Viết văn/viết báo bằng tiếng Việt không thể không biết phân biệt vô số từ Hán Việt đồng âm mà dị nghĩa - khác nghĩa đến trái ngược nhau, chẳng hạn chữ trữ bộ bối nghĩa là tích chứa/cất giữ trong từ trữ lượng khác xa chữ trữ bộ thủ nghĩa là bộc lộ ra ngoài trong từ trữ tình… Những nhà báo am hiểu từ Hán Việt không bao giờ viết “sát nhập hai cơ quan”, chỉ viết “sáp nhập hai cơ quan”, bởi sáp trong sáp nhập nghĩa là gom vào làm một. 
Những nhà báo am hiểu từ Hán Việt cũng không bao giờ “sáp nhập” từ tố thuần Việt vào từ tố Hán Việt kiểu như nữ nhà báo - trường hợp này họ viết nhà báo nữ hoặc để cho trang trọng hơn, họ viết nữ ký giả hay nữ phóng viên; hay kiều như đọc giả - mà viết đúng là người đọc hoặc độc giả; hay kiểu như thăm quan - mà viết đúng là tham quan; hay kiểu như yếu điểm - mà viết đúng là điểm yếu hay nhược điểm, bởi chữ yếu Hán Việt nghĩa là quan trọng, chẳng hạn yếu nhân là nhân vật quan trọng… Những nhà báo am hiểu từ Hán Việt cũng rất tinh tế khi viết nhậm chức chứ không viết nhận chức, bởi chữ nhậm Hán Việt nghĩa là gánh vác - nhậm chức là sẵn sàng gánh vác đảm đương trọng trách của chức vụ mới được giao phó, trong khi nhận chức không thể hiện được quyết tâm chính trị này... 
Cũng do tinh tế nên họ không viết thừa kiểu sông Hương Giang hay núi Ngũ Hành Sơn hoặc đề cập đến hay Tập đoàn Sun Group, bởi sẽ là thừa khi giang đã có nghĩa là  sông, sơn đã có nghĩa là núi, cập đã có nghĩa là đếngroup đã có nghĩa là tập đoàn. Cũng do tinh tế nên họ cũng không viết Ban Chấp hành Thành ủy mà chỉ viết gọn là Thành ủy hoặc viết đầy đủ là Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, bởi ủy trong Thành ủy đã có nghĩa là ban chấp hành… 
Đương nhiên nhiều khi nhà báo vô tình hóa ra có lỗi về chữ nghĩa, bởi trong bản thảo thì họ dùng từ chính xác nhưng do lỗi morasse thành ra mang tiếng là dùng từ sai nghiêm trọng, chẳng hạn bàn về thái độ vô cảm thờ ơ trước nỗi bất hạnh của đồng bào mình, nhà báo dùng từ bàng quan rất đúng, vậy mà bị người đánh máy sơ suất - chứ không phải sơ xuất, lại do biên tập thiếu chỉn chu - chứ không phải chỉnh chu, dẫn tới in sai thành bàng quang, đành phải chịu nỗi oan kêu trời không thấu! 
Hoặc chẳng hạn bàn về việc nhà báo phải hết sức cảnh giác với tình trạng nghe phong thanh - nghĩa là nghe loáng thoáng, nghe qua loa, nghe không đầy đủ thông tin mà đã vội viết tin bài, rất dễ “việt vị”, nhưng lại bị đánh máy sai/ in sai thành nghe phong phanh - nghĩa là quần áo mỏng manh không đủ ấm. Thật ra câu chuyện trẻ em nghèo ăn mặc phong phanh giữa tiết trời giá rét cũng là vấn đề nhà báo đáng để quan tâm nhưng không phải là lúc đang bàn về chất lượng nguồn tin!  
Có lần đưa tin ngư dân Quảng Ngãi đã cập đảo Lý Sơn an toàn sau một thời gian bị “tàu lạ” - cách gọi của báo chí trước đây đối với tàu Trung Quốc - bắt giam ngoài quần đảo Hoàng Sa nhằm uy hiếp tinh thần không cho ngư dân nước ta tiếp tục hành nghề trên ngư trường truyền thống và vẫn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, một nhà báo từng sơ suất viết rằng các ngư-dân-nạn-nhân ấy vừa… “trở về đất mẹ” - làm như Hoàng Sa là xứ người! Cái sai về chữ nghĩa nêu trên chứng tỏ nhà báo rất cần nhạy cảm về chủ quyền biển đảo quê hương, giống như rất cần nhạy cảm khi nhìn thấy tấm bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vậy. 
Nhân đây xin nói thêm rằng khi tham luận tại Hội thảo khoa học Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng do Báo Đà Nẵng đăng cai năm 2015, tôi đã phát biểu: “Những tin bài liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông là thuộc loại thông tin quốc nội và thông tin đối ngoại, không nên xem là thông tin quốc tế. Chẳng hạn không nên đăng ở chuyên mục Quốc tế hoặc Thế giới các tin về giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, các sự kiện Trung Quốc tăng cường quân đồn trú ở Hoàng Sa hay xây đảo nhân tạo ở Trường Sa… rất bất lợi trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ta trên Biển Đông”. 
Nhà báo và chữ nghĩa thực chất là câu chuyện tay nghề của người làm báo và thực tế cho thấy càng có nhiều kinh nghiệm và thâm niên trong nghề, càng khiêm tốn học hỏi, người làm báo càng có khả năng lựa lời chọn chữ sao cho thật hàm súc và chính xác, càng có khả năng tự mình hạn chế những sơ suất thậm chí những sai lầm “chết người” về chữ nghĩa. Đương nhiên người viết báo hạnh phúc xiết bao khi thoát được những “tai nạn nghề nghiệp” về chữ nghĩa nhờ có các biên tập viên biết… “soi” thật kỹ! 
B.V.T