Nhà văn Nguyễn Văn Bổng và tiểu thuyết "Áo trắng"

11.05.2021
BBT, Huỳnh Thị Thái Bình
BBT: Nguyễn Văn Bổng (1921 - 2001), quê ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông còn một số bút danh khác như: Trần Hiếu Minh, Lê Nguyên Trung, Vương Quế Lâm, Phượng Nguyễn. Nguyễn Văn Bổng xuất thân trong một gia đình Nho học suy tàn, cha ông từng chứng kiến các phong trào yêu nước trong tỉnh hồi đầu thế kỷ XX, nhưng trở nên bất đắc chí, tìm sự lãng quên trong rượu, thuốc phiện và thơ. Chịu ảnh hưởng của cha ngay từ thuở nhỏ nên thơ văn của Nguyễn Văn Bổng không tránh khỏi những nét buồn bã, yếm thế.

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng và tiểu thuyết "Áo trắng"

 

Lúc nhỏ Nguyễn Văn Bổng học tiểu học trong tỉnh, rồi ra Huế học cao đẳng tiểu học và tú tài. Sau đó ông dạy trường tư Thuận Hóa (Huế). Tại đây, ông bắt đầu viết văn, đăng trên các báo ở Sài Gòn, Hà Nội. Đồng thời ông cũng viết truyện ngắn, một truyện ngắn của ông trong giai đoạn này có tính cách “thử bút”: “Say nửa chừng (1943); “Dưới đáy sông Hương” (1944);” Làm lại cuộc đời” (1944), phản ánh tâm trạng băn khoăn, bế tắc của một lớp thanh niên trí thức đang đi tìm hướng đi cho mình.

Nguyễn Văn Bổng viết nhiều thể loại khác nhau: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, bút ký. Các tác phẩm của ông:

 “Say nửa chừng” (tập truyện ngắn, 1944)

“Dưới đáy sông Hương” (tập truyện ngắn,1944)

 Con trâu” (tiểu thuyết, 1952)

“Cắm thẻ đồng câu” (tiểu thuyết, 1955)

“Bếp đỏ lửa” (tiểu thuyết 2 tập, 1955 - 1956)

“Người chị” (tập truyện ngắn, 1960) gồm 4 truyện

“Dân cụ Hồ” (kịch, 1962)

“Đường vô Nam” (kịch bản phim, 1963)

“Đón mùa xuân mới ở miền Nam” (tập bút ký, 1963)

“Cửu Long cuộn sóng” (tập bút ký, 1965)

“Rừng U Minh” (tiểu thuyết, 1966 - 1970)

“Sài Gòn ta đó” (tập truyện và ký, 1969)

“Áo trắng” (tiểu thuyết, 1972)

“Sài Gòn 1967” (tiểu thuyết, 1972 - 1983)

“Đường đất nước” (tập bút ký, 1976)

“Ghi chép về Tây Nguyên” (tập bút ký, 1978)

“Chuyện bên cầu Chữ Y” (tập truyện, 1985)

“Tiểu thuyết cuộc đời” (tiểu thuyết, 1986 - 1991)

“Thời đã qua” (tập bút ký, 1995)

“Bên lề những trang sách” (tiểu luận phê bình, 1998)

“Tiếng nổ Caravel” (tiểu thuyết, 1999)

 Nguyễn Văn Bổng là nhà văn của nhân dân, cuộc sống ông gắn liền với miền quê. Ông được đi nhiều nơi, hiểu biết rộng nhưng dù đi bất cứ đâu ông cũng đều mang theo bóng dáng quê hương, đều ý thức rằng từ vùng đất quê hương đã làm nên danh phận con người ông. Nguyễn Văn Bổng vết nhiều về quê nhà, đặt biệt là Quảng Nam – Đà Nẵng, bởi ông cho rằng đây là nơi có truyền thống văn học, cũng là nơi chiến trường diễn ra sôi động. Phẩm chất con ngươi xứ Quảng như đã ăn sâu trong máu, trong tiềm thức ông, ông đi đâu cũng mang theo bóng dáng làng quê, bãi bồi, con sông, xóm làng. Trong điếu văn tại lễ truy điệu ngày 13/7/2001 nhà thơ Hữu Thỉnh đã nói rằng: “ Nói đến Nguyễn Văn Bổng trước hết ta nói đến một nhà văn xứ Quảng anh hùng, giàu bản sắc, một nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, một bút lực dồi dào, với những tác phẩm tràn đầy nhựa sống…”[1].

Nguyễn Văn Bổng đã từng có những nhận xét về chính cuộc đời mình, ông cho rằng: “nay nhìn lại trong những cái tôi đã viết có hai dòng rõ rệt: nông thôn và thành thị. Tôi viết về nông thôn còn nhiều gượng gạo, nhưng những nét mới trong cuộc sông có nhiều hơn. Về thành thị tôi viết thường nhuyễn hơn nhưng đây đó còn rơi rớt lại những nét cũ” [1]. Nguyên lý cơ bản của văn chương Nguyễn Văn bổng là phản ánh hiện thực từ cốt của đời sống cách mạng và nhà văn phải là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận. Hay trong một bài đăng trên “Tạp chí non nước”, tác giả Đoàn Trọng Huy đã có nhận xét rằng: “Trong thể hiện sáng tác của Nguyễn Văn Bổng, con người chính là nhân dân thuộc đủ mọi tầng lớp, từ nông thôn đến thành thị. Họ là những người tuy phải chịu nhiều đau thương, nhưng anh dũng làm nên sự nghiệp giải phóng, từ ruộng rẫy đến chiến trường, từ Đồng khởi, rồi đến Tổng tiến công nổi dậy và đại thắng. Nguyễn Văn Bổng đã dành trọn vẹn lòng trắc ẩn, sự tin yêu và niềm kính phục nhân dân từ tấm lòng nhân ái và quả cảm của bản thân” [2].

Nguyễn Văn Bổng viết nhiều thể loại khác nhau: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, bút ký. Ngoài ra ông còn có các kinh bản phim truyện, kịch bản sân khấu, phê bình tiểu luận và các bài báo, phát ngôn văn học thể biện một lý tưởng thẩm mỹ và quan niệm nghệ thuật riêng biệt. Ông cũng hết sức bảo vệ những lý tưởng, quan niệm mà mình đề ra và cho là đúng, đó cũng là một trong những yếu tố tạo nên phong cách của Nguyễn Văn Bổng, một nhà văn mang đậm phong cách của con người xứ Quảng.

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh (1921) và 20 năn Ngày mất (2001) nhà văn Nguyễn Văn Bổng, chúng tôi giới thiệu bài viết của Huỳnh Thị Thái Bình về tiểu thuyết Áo Trắng của ông.

                                                                                                  BBT

 

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (giữa) thời kỳ ở chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu

 

Đọc tiểu thuyết “Áo trắng”

 

“Áo trắng” được tác giả viết năm 1973, tác phẩm này còn có một tên gọi khác là “Áo trắng Sài Gòn”, tác phẩm được tác giả ghi là “truyện” với hơn 250 trang sách được chia làm bảy chương. Nhưng với dung lượng hiện thực, cách diễn ngôn, tư tưởng của tác phẩm và đặt biệt là cách xây dựng nhân vật đã làm khiến cho áo trắng vượt qua khuôn khổ của thể loại truyện. Có thể xem “Áo trắng” là một cuốn tiểu thuyết thực sự.

“Áo trắng” là một trong những tác phẩm của Nguyễn Lương Bổng khi viết về đô thành Sài Gòn và các đô thị vùng tạm chiếm miền Nam. Sách viết về phong trào đấu tranh của những học sinh, sinh viên đô thành Sài Gòn. Tác giả lấy Nguyễn Thị Phượng làm nhân vật trung tâm, xưng tôi, trần thuật lại câu chuyện. Chuyện xoay quanh các cô, cậu sinh viên có tinh thần yêu nước, muốn đóng góp cho cách mạng để chống lại chính quyền Mỹ Diệm. Phượng là cô sinh viên nghèo, bố mất sớm, cô ở với mẹ và hàng ngày phụ mẹ với gánh cá ngoài chợ, cô ham học nên được mẹ gửi lên Sài Gòn để học. Ở đây, Phượng cùng nhóm bạn mình gồm anh Hoàng, BB Thanh, Hồng Lan, Linh ria, Hiền và Nhơn, họ có chung một lòng yêu nước, cùng nhau đến với phong trào và cách mạng. Mỗi một người trong nhóm họ có mỗi nguồn gốc xuất thân cùng những điểm tính cách riêng biệt của mình nhưng họ đã hòa chung vào nhau, nâng đỡ nhau cùng hoạt động. Hoàng là chàng thanh niên hiểu biết rộng, do hoành cảnh nên anh cũng trải qua rất nhiều những nghề nghiệp khác nhau. BB Thanh là cô gái có thể gọi là sành điệu, cô đẹp và tính tình có vẻ hơi phóng túng. Hồng Lan là con nhà giàu nhưng tính tình dễ gần. Linh ria thì có thể gọi là cá biệt với cái tính ngang ngược. Họ sống chung trong một thời kì, đều được lý tưởng cách mạng dẫn đường để trở thành những con người dũng cảm, gan dạ. Trong thời gian hoạt động có nhiều người đã bị địch bắt như BB Thanh, Phượng và Hoàng. Họ bị dẫn dụ rồi bị tra tấn dã man, nhưng họ vẫn không hé miệng nữa lời, quả đúng là những con người dũng cảm, kiên cường. trong tiểu thuyết còn có nhũng mối tình chớm nhở như Linh ria với BB Thanh hay Phượng và Hoàng.

Trong thời kì kháng chiến, tác phẩm “Áo trắng” từng được NXB Văn Nghệ Giải phóng in, và được chuyền tay nhau lưu hành trong các căn cứ cách mạng. Tiểu thuyết cũng đã từng được dịch sang tiếng Hàn Quốc từ năm 1987 và được tái bản tới 35 lần, và được xem là sách gối đầu một thời của sinh viên Hàn Quốc. Vào tháng 7/2006 tiểu thuyết này mới được dịch giả Bae Yang Soo dịch từ nguyên bản tiếng Việt. Khi bắt tay vào dịch Áo trắng” dịch giả Bae Yang Soo đã bị cuốn hút vào câu chuyện và cảm thấy khâm phục với hai nhân vật chính đến độ ông tìm cách liên hệ với nguyên mẫu nhân vật chính của câu chuyện, chị Nguyễn Thị Châu và anh Lê Hồng Tư.

 Không khí xã hội - chính trị Sài Gòn trước những năm 1975

Nguyễn Văn Bổng là một tác giả thành công trong việc viết về đô thị. Ông cũng đã từng có nhận xét về bản thân mình: “Về thành thị tôi viết thường nhuyễn hơn, nhưng đây đó lại rớt lại những nét củ” [1]. Tiểu thuyết “Áo trắng” là một điển hình cho thành công ở mặt này của ông khi ôn đã xây chân thật bầu không khí xã hội – chính trị của thành phố lớn nhất miền Nam – Sài Gòn trong những năm tháng chiến đấu chống Mỹ - Diệm đầy ác liệt. Qua lời kể của nhân vật tôi – chị Phượng, Nguyễn Văn Bổng đã hình thành trước mắt người đọc một không khí xã hội Sài Gòn với những mặt đối lập nhau. Giữa sự nhộn nhịp, xa hoa của phố xá với những đau thương mất mát của sự chia ly. Giữa những ánh đèn sáng bừng của khu nhà giàu với những mái hiên tạm bợ của khu nhà nghèo. Mặc dù đó là những sự đối lập nhưng Nguyễn Văn Bổng đã đưa dẫn chúng vào tác phẩm một cách hết sức hài hòa.

Không trực tiếp đưa ra những miêu tả về Sài Gòn lúc bấy giờ nhưng nhờ vào những diễn biến trong cuộc sống của các nhân vật mà thành phố dần hiện lên. Sài Gòn lúc bấy giờ đã có những nơi xa hoa như phòng trà, rạp hát, xi nê… Những người chỉ biết mặc áo dài trắng vải phin nội hóa ở trường học sẽ bị cho là quê mùa, ngốc nghếch, “tiếu lâm”, “khôi hài”. Những con phố vô cùng sang trọng, tưng bừng, phố xá nhộn nhịp với những âm thanh người qua lại, tiếng xe cộ, tiếng giày dép…vang vọng. Đó là bề nổi, là mặt hào nhoáng của Sài Gòn, nhưng đâu đó trong lòng cái thành phố lớn nhất miền Nam này vẫn còn những nơi âm thầm, khuất lấp, đầy lặng lẽ, những nơi chỉ có những ngôi miếu còn sót lại từ xa xưa mà chỉ cần bước khuất vào vài bước so với bên ngoài nhộn nhịp ngoài kia là ta sẽ thấy, thấy con hẻm với những xóm nhà sụp sệ, tồi tàn. Có thể nói nhà văn rất am hiểu thành phố này thì mới phát hiện ra những điểm những góc khuất mà không phải ai cũng có thể chạm đến được. Mượn lời kể của nhân vật tôi – chị Phượng, tác giả như đã phát họa thành công bức tranh đời sống xã hội lúc bấy giờ, nào là cảnh nhà cao, cửa rộng, phố xá tưng bừng, những cảnh ăn chơi trụy lạc ở Chợ Lớn còn được gọi với cái tên “Đại thế giới”, trái với đó là những cảnh người chui rúc dưới gầm cầu hay lang thang trong các vườn hoa, dọc hè phố.

 Không những thế, trong “Áo trắng” tác giả Nguyễn Văn Bổng còn khắc họa được tâm lý, bộ mặt của những con người trong xã hội. Đa số những người giàu họ mang bộ dạng hống hách, họ kinh thường và xua đuổi người khác, dù người ta chẳng lấy, chẳng xin gì từ mình cả, lý do với họ đôi khi chỉ đơn giản là họ sợ bộ dạng “xấu xí” của kẻ nghèo sẽ làm giảm đi cái lấp lánh mà mình đang có. Trong lần được chú dẫn đi tham quan Sài Gòn, chị Phượng đã được chứng kiến cảnh một người đàn bà giàu có xua đuổi một gia đình đứng nấp mưa trước cổng nhà bà ta với lý do “không được làm dơ dáy chổ người ta để xe cộ” [1; tr 62]. Ôi chân thật làm sao mà cũng đau lòng đến lạ. Và cũng trong lần ấy khi nằm dưới mái hiên bên này nhìn qua kia đường sáng choang với ánh đèn của những ngôi biệt thự, chị Phượng đã có suy nghĩ: “Nằm trong bóng tối bên này nhìn qua ánh sáng bên đó, tôi cảm thấy sợ hãi như mình bị lạc loài đến đây. Tôi thấy tôi và chú tôi, cũng như những người chui rúc dưới những gầm cầu, ống cống, những người thất nghiệp lang thang trong các vườn hoa, hè phố tôi đã gặp hôm nay…tất cả chúng tôi như bị lạc loài giữa thế giới những phố xá, biệt thự như ở trước mặt hoặc các cảnh ăn chơi trong thành phố và trong đại thế giới như tôi đã được thấy vừa rồi!”[1; tr 61]. Có thể thấy khác với người giàu có, những người nghèo, họ tư ti, lạc loài khi nhìn vào thế giới hào nhoáng của những người giàu có.

Ngoài bầu không khí xã hội đầy chân thật, tác giả Nguyễn Văn Bổng cũng có những nét phát họa về chính trị thời chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Trên đường phố Sài Gòn những đoàn xe Mỹ thay nhau phóng trên đường. Nhiều trận nổ bom xảy ra, có trận nổ ở Biên Hòa, trận nổ trước cửa trại lính An Đông trên chợ lớn… bom cháy thiêu phòng thông tin Mỹ ở Sài Gòn. Người Việt nhiều người đầu quân làm tay sai cho bọn Mỹ để nhằm hưởng chút lợi lộc, anh rể của BB Thanh làm ở USIS, bọn Mỹ cũng thường đến nhà hắn chơi rồi chọc ghẹo BB Thanh. Trong nhà trường, không được nói về chuyện chính trị, không được tuyên truyền cho cộng sản, thầy cô nào mà giảng dạy về những chuyện này là sẽ bị bắt ngay. Điển hình là thầy Hòa, một thầy giáo yêu nước, sau một lần dạy về “những điều phi thường trong chiến thắng Điện Biên Phủ” đã bị bắt nhốt. Những cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra thường xuyên trên đường phố Sài Gòn, các phong trào học sinh, sinh viên cũng diễn ra sôi nổi.

 Có thể thấy bầu không khí xã hội – chính trị trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ - Diệm đã được tác giả Nguyễn Văn Bổng tái hiện rất thành công và rõ nét trước mắt người đọc. Để có thể làm được như vậy, ông phải là người từng trải, là một chứng nhân trong thời kỳ ấy thì mới có đầy đủ những hiểu biết về thời kỳ mà mình nói đến. Hơn nữa, qua đó cũng có thể thấy được ngòi bút và tài năng văn chương của ông khi có thể đưa hiện thực đời sống vào văn chương một cách tài tình và hòa quyện như thế. Cũng có thể vì vừa là một nhà báo, nhà văn nên cái tôi báo chí một phần nào đó đã ảnh hưởng đến ngòi bút văn chương của ông, nên tiểu thuyết “Áo Trắng” mới có thể chân thật đến vậy.

Những con người lý tưởng - Nhân vật trung tâm lấy nguyên mẫu từ đời thực

Có thể nói nhân vật là linh hồn trong mỗi tác phẩm văn học, nó góp một phần lớn để tạo dựng thành công nội dung mà tác giả muốn truyền tải qua văn bản. Vì thế việc xây dựng hình ảnh, tính cách, cảm xúc cho nhân vật là rất quan trọng. Các nhân vật trong văn học thường là những nhân vật được tác giả tưởng tượng, hư cấu nên sau đó gán ghép cho những đặc điểm nhận diện như tên gọi, lịch sử, nghề nghiệp, đặc điểm. Nhưng trong tiểu thuyết “Áo trắng” có một điểm đặc biệt, đó là những nhân vật trung tâm trong tác phẩm đều được tác giả Nguyễn Văn Bổng lấy nguyên mẫu từ đời thực. Chị Phượng và anh Hoàng trong tiểu thuyết là chị Nguyễn Thị Châu và anh Lê Hồng Tư ở phiên bản đời thực. Các đặc điểm tính cách, cảm xúc, các sự kiện, chuyển biến trong cuộc sống của họ đều là chân thật trong tiểu thuyết “Áo trắng”.

Chị Phượng, một cô sinh viên vùng nông thôn, cha mất sớm, cô sống với mẹ cùng ông bà, hằng ngày Phượng thường phụ mẹ gánh gánh cá ra chợ bán. Phượng chăm học, học cũng khá, chị cũng có những ước mơ đơn thuần như bao cô học trò khác là trở thành một cô giáo, nhưng sau khi chứng kiến cảnh ba mình lê lết trong bệnh viên đến cảnh ba chết sau ca mổ, Phượng lại nung nấu ước mơ trở thành một cô y tá để có thể giúp đỡ cho người khác. Sau khi học hết trung học đệ nhất cấp ở quê, nhờ sự giúp đỡ của người chú mà Phượng được mẹ cho lên Sài Gòn học tiếp bằng tú tài phần 2 tại trường Văn Thanh. Và cũng từ đây Phượng bắt đầu gắn bó hơn với cách mạng, cuộc đời chị cũng có những chuyển biến lớn. Ở Sài Gòn chị cùng nhóm bạn cũ là BB Thanh, Linh ria cùng một số người bạn mới quen như anh Hoàng, Hồng Lan, Hiền và Nhơn chơi chung một nhóm, cùng nhau vượt qua tuổi thanh xuân, cũng cùng nhau bí mật thực hiện các phong trào yêu nước.

Ban đầu khi mới bắt đầu đến với con đường cách mạng, Phượng cũng băn khoăn lắm vì trước khi được lên Sài Gòn học, chị đã hứa với mẹ rằng chỉ chú tâm đến chuyện học thôi. Nhưng từng bước, từng bước chị dần dấn thân vào cách mạng, chị hoạt động hăng say và năng nổ, chị luôn tích cực hoàn thành những nhiệm vụ được giao cho. Phượng bị bắt buộc phải thi hỏng hai lần để ở lại trường giữ đường dây cho các phong trào sinh viên trong nhà trường, đây cũng là việc chị cảm thấy khó khăn nhất và tiếc nuối nhất. Đối với Phượng, khi bắt đầu làm cách mạng chị đã từng nghĩ đến việc bị bắt, bị tra tấn dã man nhưng chưa từng nghĩ đến việc thi hỏng, chị khóc trong bụng nhưng nghĩ đến việc lớn, việc chung thì chị vẫn chọn thực hiện nó. Một thời gian sau Phượng được kết nạp Đoàn. Có thể thấy ở giai đoạn này, mặc dù đã hoạt động cách mạng khá lâu nhưng ở Phượng vẫn còn toát lên vẻ non nớt ngây thơ của một cô nữ sinh với những băn khoăn lo lắng thường tình. Đâu ai biết rằng ta sẽ sớm thấy cô nữ sinh ấy trong hình ảnh một cô gái đầy dũng cảm, kiên cường và bất khuất.

Sau khi tham gia lớp học cấp tốc trở về Phượng bị bắt, chị bị giải đến bót Lê Văn Duyệt, ở đây Phượng bị tra tấn bằng nhiều hình thức. Chị bị chúng nhốt lại nhiều ngày ở biệt phòng, từ những tên lính tay sai đến cả tên trưởng đoàn Dương Đình Hiệu đều ra sức dùng lời ngon ngọt hòng dụ chị nhưng đều không thành. Cảm thấy không hiệu quả chúng bắt đầu thi hành biện pháp “quân sự” không “chính trị” với chị. Phượng bị nhốt vào phòng tối, bị chúng khủng bố tinh thần bằng việc để chị nghe những trận hành hạ đến chết của người khác. Hằng ngày chúng lôi chị ra đánh đập dã man đến thương tích đầy mình. Chị bị bệnh trái rạ chúng cũng không tha, đánh chị đến vỡ trái rạ, chảy máu. Nghe mà đau đớn thay, khi một người phụ nữ phải chịu bao nhiêu hành hạ về lẫn tinh thần và thể xác đến như vậy, những cực hình mà e rằng những người đàn ông cũng khó có thể mà chống chịu được. Khi mới bị bắt vào phòng tối, Phượng cũng sợ lắm chứ sợ tối, sợ một mình, sợ sự nhơ nhớp trong căn phòng ấy còn sợ cả xác chết nữa. Nhưng làm sao bây giờ, thân làm cách mạng không được gục ngã, chị đã rất dũng cảm chiến đấu với chúng, và chị đã chiến thắng. Người phụ nữ ấy như mang trong mình một tinh thần và một quả tim thép vì thế mới có thể chịu đựng đau đớn trong thời gian dài như vậy. Dù chịu bao nhiêu đau khổ nơi địa ngục trần gian ấy, nơi căn phòng tối đen, không một khe sáng Phượng vẫn muốn giữ cho mình màu áo trắng tinh khôi, vẫn muốn một lần được trở lại trong hình ảnh màu áo dài ấy:

“Áo trắng em chưa vướng bụi đời.

Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi

Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót.

Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi…”                            

Nếu chị Phượng là hình ảnh người phụ nữ sôi nổi và kiên cường thì hình ảnh anh Lê Hồng Tư qua nhân vật Hoàng lại khác. Anh là trưởng lớp đệ tam, anh đam mê làm khoa học. Hoàng hoạt động cách mạng lâu hơn Phượng, nắm vai trò truyền đạt lại cho Phượng và những người khác các đường đi nước bước của các phong trào cách mạng hay gọi cách khác anh phụ trách cho hoạt động của nhóm Phượng. Hoàng xuất thân con nhà khó khăn, anh bỏ nhà lên Sài Gòn từ sớm, bương chải đủ các nghề để nuôi sống bản thân và có tiền ăn học. Có thể do được trải đời từ sớm, Hoàng mang lại vẻ chững chạc và trầm lặng hơn những người khác, anh còn được người khác ngưỡng mộ vì sự hiểu biết rộng rãi của mình. Anh lúc nào cũng nhẹ nhàng và ân cần với mọi người xung quanh. Hoàng lúc xuất hiện, lúc biến mất, có thể đoán được những lần biệt tăm của anh là những khi anh đang hoạt động bí mật một nhiệm vụ nào đó. Sau nhiều năm cùng nhau hoạt động, gặp mặt và trò chuyện, anh đem lòng thương mến Phượng, bị thúc dục mãi thì chàng thanh niên ấy mới có đủ can đảm để ngõ lời, nhưng không bao lâu sau thì chị đã bị bắt. Đến lúc Phượng gần được thả ra thì anh lại bị bắt đến nhà tù Côn Đảo. Có thể thấy anh Hoàng không được tác giả cho nhiều đất diễn, để thể hiện những đặc điểm tính cách, cảm xúc như chị Phượng, hoặc có thể là nguyên bản đời thật của anh Hoàng là Lê Hồng Tư vốn đã là người lặng lẽ như vậy. Xong không phải vì thế mà tình yêu nước của anh không được thể hiện rõ như Phượng, trong hình ảnh người con trai ấy ta vẫn thấy rất lý tưởng của cách mạng, của Đảng qua từng hành động, cử chỉ lời nói.

Tác giả Nguyễn Văn Bổng đã rất thành công trong việc đưa nguyên mẫu con người ở đời thực vào trong tiểu thuyết “Áo Trắng”, cũng nhờ đó mỗi hành động, cử chỉ, cảm xúc, diễn biến tâm lý của họ hiện ra trước mắt ta đều vô cùng chân thật. Họ xuất hiện trong tác phẩm một cách tự nhiên, những hành động, những phản ứng hay sự thay đổi cảm xúc của hai nhân vật đều thấy trong đó sự chân thật. có thể thấy Phượng và Hoàng xuất hiện trong tiểu thuyết gần như  nguyên mẫu Chị Nguyễn Thị Châu và anh Lê Hồng Tư, ở họ sáng bừng lên hình ảnh của những con người trí thức yêu nước trong thời kỳ chống Mỹ ấy, hình ảnh của Phượng và Hoàng được tác giả xây dựng làm đại diện cho tầng lớp trí thức yêu nước, là những con người lý tưởng của xã hội lúc bấy giờ.

Những nhân vật đại diện cho tầng lớp thanh niên đô thị miền Nam

Nói đến những con người lý tưởng trong thời kỳ chống Mỹ - Diệm trong tiểu thuyết “Áo Trắng” không thể chỉ nhắc đến Phượng và Hoàng mà còn có nhóm thanh niên như: BB Thanh, Hồng Lan, Linh ria, Hiền, Nhơn và cả Đức. Họ chơi chung một nhóm đồng thời cũng cùng chí hướng hoạt động cách mạng, mỗi con người họ có mỗi hoàn cảnh, xuất thân với những đặc điểm tính cách riêng biệt, nhưng điểm chung giữa họ là cùng có một lòng yêu nước, cùng đi chung con đường phong trào, rồi đến với cách mạng. Họ đều là những con người quả cảm, trung kiên, trung thành với Đảng.

BB Thanh- người đẹp xóm chiếu, cô học cùng với Phượng ở quê và sau này lên Sài Gòn cũng vậy. Chị thanh sành điệu, ăn mặc theo thời, tóc đuôi ngựa, Thanh hay hí hố, huých tay, huých chân đùa giỡn với bọn con trai trong lớp và thường là được chúng đáp lễ ngay. Ban đầu, Phượng không thích Thanh có thể do tính tình phóng túng, ngổ ngáo của Thanh hoặc cũng có thể vì khi ở cạnh Thanh, Phượng có cảm giác chênh lệch. Nhưng Thanh không thật sự như vẻ bề ngoài, Thanh cũng có những lúc một mình trầm tĩnh, cũng có lúc như mang tâm sự khó nói. Sau này trong một lần tâm sự với Phượng ta mới biết rằng Thanh thật ra là người gốc Hà Nội, bị anh rễ dẫn vào Nam sống với âm mưu chiếm đoạt của cải. Trong quá khứ Thanh cũng đã trải qua nhiều chuyện đau buồn, những ngày bơ vơ, lạc lỏng, bương chải làm ăn cùng mẹ. Anh rễ Thanh làm ở quan thông tin Mỹ, nhiều lần hắn ta dẫn bọn Mỹ về nhà ăn chơi rồi đem Thanh ra làm trò, chị ghét điều đấy nên không thuận theo, thế là hắn thù chị. Thanh bỏ nhà và được anh em trong nhóm giúp đỡ rồi theo cách mạng luôn. Trong một lần làm nhiệm vụ ám sát thằng Thế Việt cùng Linh ria, trốn không thoát, chị bị bắt giữ từ đó. Có thể thấy Nguyễn Văn Bổng đã xây dựng nhân vật BB Thanh rất thú vị, tuy bề ngoài mang vẻ phóng túng, tùy hứng nhưng thật ra lại là một người sống tốt tính, hài hước, rất chân thành và tốt bụng. Thanh có thể là hình tượng con người mà thời đại và cuộc sống xung quanh bắt buộc cô phải tạo cho mình một lớp vỏ bọc phù hợp nhằm tránh tổn thương mà tác giả muốn xây dựng.

Hồng Lan – một đại diện cho lớp nhà giàu, chị là tiểu thư giàu có, gia cảnh chị khác hẳn các bạn trong nhóm. Lan có nhà biệt thự, trước có tường cao, cổng sắt, hoa lá phủ ra đến hè đường. Bố chị mất sớm, Lan sống với mẹ, anh trai và hai em. Anh trai Lan bị bắt quân dịch khi đang học ở trường sĩ quan ở Thủ Đức. Tuy là tiểu thư nhà giàu có nhưng chị không mang tính hống hách, kênh kiệu, lại dễ gần và thân thiện, Lan quen với anh Hoàng trước sau đó gặp và thân với Phượng. Lan không lố lăng, nhưng đã được sống trong cảnh có điều kiện từ bé nên cũng có những thói quen của nhà giàu, mỗi ngày đi học cô mang mỗi sắc áo, thích đi chơi phố và không bỏ qua một bộ phim mới nào. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng đã khắc họa nhân vật Lan đúng mẫu của tầng lớp thanh niên giàu có của đô thị miền Nam lúc bấy giờ, nhưng cũng với một niềm đam mê cách mạng, được lý tưởng cách mạng của Đảng soi sáng mà đến với các phong trào.

Linh ria là hình ảnh của cậu thanh niên cá biệt, ngỗ ngược, nhìn có vẻ ăn chơi. Linh cứ mãi bám theo BB Thanh, anh chàng thích cô. Cậu thanh niên với bộ ria đặc biệt, mỗi khi ai khuyên bỏ bộ ria đó đi là anh ta lại bô bô: “Tớ không thể chối bỏ sự tồn tại của tớ. Ở đời này có thể có một nghìn thằng Linh, một vạn thằng Linh, nhưng chỉ có một Linh ria, và chỉ một mà thôi. Tớ không thể bỏ bộ ria, không thể không phải là tớ.” [1; tr 49] Nhìn phớt đời thế thôi nhưng Linh cũng là một người theo phong trào, theo cách mạng, bằng cơ là sau này anh cũng cùng tham gia chung nhóm với Phượng. Có lần Linh cùng BB Thanh cùng nhận nhiệm vụ ám sát thằng Thế Việt, may mắn hơn Thanh, anh lủi thoát được và không bị bắt. Sau sự kiện ấy, Linh trở nên khác thường, anh khiến cho người khác nghĩ rằng anh đã thay đổi, con đường anh đi không còn là con đường của Đảng nữa. Cho đến khi Linh bị bọn độc tài Nguyễn Khánh bắt thì ta mới ngộ ra rằng vẫn đó một Linh ria ngang tàng của ngày nào, vẫn cái kiểu hống hách, không xem ai ra gì đấy, vẫn cái điệu nói chẳng nể nang ai như đã từng nói với thầy hiệu trưởng khi xưa, chỉ thay đổi là bây giờ anh dùng chúng với bọn lính canh. Và Linh bây giờ đang đi trên con đường đấu tranh chống Nguyễn khánh, anh vẫn đấu tranh đấy, nhưng là theo một cách riêng của anh ta.

Có thể không được chú ý bằng những nhân vật khác trong truyện, nhưng Hiền và Nhơn vẫn được xây dựng như một trong những con người thuộc tầng lớp thanh niên lý tưởng của đô thị miền Nam thời ấy. Họ là bạn riêng của Phượng, Nhơn đến từ Tiền Giang, còn Hiền thì ở Tân An, cả hai cùng học chung lớp với Hồng Lan. Họ cũng cùng con đường với Phượng và Hoàng và cũng hoạt động chung nhóm. Còn với Đức, ban đầu anh chàng không có ý định đi theo phong trào, anh ta chỉ biết lo học, việc gì có thể làm ảnh hưởng đến việc học Đức đều không tham dự. Tính tình Đức khá nhu nhược khi để bọn lính Mỹ bắt đi nhận mặt Phượng trong tù, nhưng chung quy thì anh cũng là một người tốt tính. Ban đầu Đức thích Phượng nhưng không thành, anh cũng đã từng là điểm nghi vấn trong việc Phượng bị bọn Mỹ bắt, nhưng không phải. Sau này Đức vào Thành nội làm bác sĩ quân y, anh dũng cảm hơn, lăn lộn với các chiến trường, cũng nhanh tiến bộ nhanh về chuyên môn.

Có thể thấy, Nguyễn Văn Bổng đã xây dựng nên một lớp nhân vật đại diện cho đô thị miền Nam khá đầy đủ và thành công. Mỗi người có một nguồn gốc, xuất thân, có người được sống trong cảnh đầy đủ từ bé, có người khó khăn hơn, phải bương chải nhiều công việc để mưu sinh, họ mang trong mình một quá khứ, một câu chuyện riêng biệt. Ông cũng xây dựng cho mỗi người những đặc điểm tính cách khác nhau, nhưng đều để họ cùng đi chung một con đường, cùng mang một chí hướng. Khi được lý tưởng của Đảng soi sáng, họ đều trở thành những con người gan dạ, mưu trí, hoạt động đem lại những chiến công vang dội cho ta cũng như làm bọn giặc hoảng sợ. Khi bị bắt, sa vào tay giặc, họ vẫn giữ được chí khí chiến đấu, hiên ngang vượt qua mọi cám dỗ, cũng như bao trận đòn roi của bọn giặc. Mặc dù những nhân vật này không được tác giả chỉ đích danh nguyên gốc đời thực của họ song ta hoàn toàn có thể thấy rằng họ được tác giả xây dựng như một nhóm thanh niên lý tưởng đáng để học theo của thời ấy và cho đến cả bây giờ nữa.

Các sự kiện cách mạng được lồng ghép trong truyện

Nguyễn Văn Bổng đã xây dựng một “Áo trắng” chứa đựng nhiều các sự kiện lịch sử đã diễn ra trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trước những năm 1975. Các sự kiện lớn nhỏ như các cuộc mít tin, biểu tình hay các chuyển biến lớn của lịch sử Việt Nam được lồng ghép tự nhiên trong truyện thông qua các hoạt động của nhân vật trong truyện, như diễn biến truyện. Có thể thấy, dung lượng hiện thực được tác giả đem vào trong truyện là rất lớn.

Trong lần trò chuyện của Hoàng và Phượng, chị đã kể rằng trong 1955 khi cô học đệ nhất cấp ở Biên Hòa, đã có trò truất phế vua Bảo Đại. học sinh, sinh viên cũng bị bắt tham gia biểu tình, còn bắt phải mang theo hình Ngô Đình Diệm hoặc Bảo Đại. Thời hình của Ngô Đình Diệm và Bảo Đại được bán đầy, nhưng hình của Bác Hồ thì lại không có. Muốn đem hình Bác đi biểu tình, chị phải mượn hình rồi theo đó vẽ ra mà đem đi. Đến nơi người ta còn bắt mình hô theo họ, phải hô là “Đả đảo Bảo Đại”, “Ủng hộ Ngô Đình Diệm”.

 Các chuyển biến của cách mạng xung quanh cũng được đề cập tới như các cuộc nổ bom xảy ra ở nhiều nơi: tại thị xã Biên Hòa, trước cửa trại lính An Đông, trên Chợ Lớn, trước cửa nhà hàng Metrophon nơi mà bọn Mỹ ở nhiều. Bọn Mỹ chết nhiều, xe của phái đoàn MAAG bị lật hoặc phòng thông tin mỹ bị cháy ở Sài Gòn… Khi ta biết phong trào của ta khắp nơi đang được đẩy mạnh là khi thành phố bị vây ráp liên miên, đánh phá cách mạng với lý do bên ngoài là bài trừ cờ bạc, gái điếm, cao bồi…Ngoài ra còn có cuộc đảo chính không thành ở Dinh Độc Lập của hội Hồng Quân Cách Mạng nhằm lật đổ chính quyền độc tài phong kiến Ngô Đình Diệm, thi hành những chính sách yêu nước. Súng đạn bắn nhau loạn cả lên, hàng ngàn người đua nhau ra đường chen chúc biểu tình, nhiều người chết, trong đó có Hiền.

Khi Phượng ở trong tù cũng có một sự kiện lớn diễn ra, chính quyền Ngô Đình Diệm trong tình thế nguy kịch, bọn Mỹ thì bối rối và đồng bào ta đang phẫn nộ. Ngày

 1 -11 tiếng súng vang vọng, bọn lính canh đề phòng cửa nẻo cẩn thân hơn, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị lật đổ, giết chết. Các tướng lãnh lên cầm quyền. Tình hình biến động không ngớt, tướng Khánh lại lật đổ các tướng kia. Và cũng nhờ những sự kiện đầy biến động đó mà Phượng được thả tự do sau hơn bốn năm bị bắt.

Một thời kỳ lịch sử đầy biến động đã được lồng ghép trong những trang của tiểu thuyết “Áo trắng” một cách tự nhiên nhưng không kém phần chân thật, qua đó ta thấy được việc xây dựng hình ảnh, sắp xếp chi tiết cũng như lựa chọn câu chữ của nhà văn Nguyễn Văn Bổng quả thật tài tình. Nó đã khiến tác phẩm “Áo trắng” không chỉ tồn tại như một tiểu thuyết đơn thuần mà nó còn như một chứng nhân lịch sử, và trở thành một tài liệu quý trong việc giáo dục truyền thống cho giới trẻ, nhất là sinh viên học sinh trong giai đoạn hiện nay.

Nghệ thuật xây dựng tác phẩm

Trong tiểu thuyết “Áo trắng” tác giả không sử dụng nhiều các phương thức nghệ thuật. Điểm đặc biệt trong việc xây dựng tác phẩm của ông là nhân vật, ông đã thành công khi đưa nguyên mẫu hai nhân vật chính từ đời thực vào trong truyện một cách hợp lý, vừa không làm mất đi tính chân thật, vừa biết kiềm chế để cho nhân vật vừa vẹn và dung hòa với tổng thể của tiểu thuyết. Ông chú tâm xây dựng hình ảnh của lớp nhân vật đại diện cho thanh niên đô thị miền Nam. Dường như đã nghiên cứu kỹ Nguyễn Văn Bổng đã xây dựng nên những nhân vật với những bề dày tính cách như Phượng, BB Thanh, hoặc những nhân vật khác có điểm đặc biệt trong tính cách như Linh ria. Đôi khi ông cũng đã đánh lừa được người đọc với những chuyển biến trong tính cách bên ngoài so với đời sống nội tâm bên trong nhân vật. Những nhân vật ông xây dựng rất đa dạng, và không trùng lặp nhau từ xuất thân, hoàn cảnh, đến tính cách và cả những bước đi của họ trên con đường cách mạng.

Nguyễn Văn Bổng cũng rất thành công trong việc xây dựng một bầu không khí đậm chất văn xuôi. Ông đã miêu tả được bầu không khí xã hội – chính trị của miền Nam rất chân thực, đầy ngột ngạt dưới sự khống chế, cầm quyền của các thế lực kẻ thù Ngô Đình Diệm và bọn Mỹ. Từ không khí của những con đường trong thành phố, các trận đánh bom, đến các cuộc biểu tình dưới ngòi bút của Nguyễn Văn Bổng trở nên rất chân thật. Nguyễn Văn Bổng cũng đã miểu tả được không gian u tối, bức bối nơi phòng giam và những đày đọa về tinh thần cũng như thể xác mà con người phải gánh chịu ở nơi đây. Ông cũng lồng ghép được các sự kiện lớn nhỏ của cách Mạng Việt Nam vào các hoạt động của nhân vật và theo dòng chảy của truyện một cách tự nhiên.

Trong tác phẩm “Áo trắng”, tác giả Nguyễn Văn Bổng xử dụng ngôn từ đơn giản, đễ hiểu, gần gũi với người đọc. Ông cũng sử dụng nhiều những từ ngữ đặc trưng của miền Nam lúc bấy giờ như : “cúp cua”, “bát phố”, hoặc những cách gọi của cấp học ngày xưa như: đệ nhị, đệ tam, đệ tứ, lớp tư…Cùng với đó là giọng điệu thay đổi theo từng ngữ cảnh của câu chuyện, lúc thì nhẹ nhàng từ tốn, lúc lại dồn dập để tạo nên bầu không khí hồi hộp, đông đúc phù hợp với những cảnh biểu tình, đảo chính…

Tác giả xử dụng ngôi nhân xưng thứ nhất, để chị Phượng kể lại toàn bộ diễn biến câu chuyện đã góp phần làm cho câu chuyện trở nên có tính xác thực hơn. Qua việc giao lưu và tiếp xúc của nhân vật tôi với các nhân vật khác trong chuyện đã làm cho tính cách và tâm lý của các nhân vật hiện lên một cách tự nhiên và chân thật. Điều đó cũng là một trong những cách xây dựng tác phẩm “Áo trắng” để ta thấy nó có tính xác thực, giống với nguyên mẫu đời thực.

***

Nguyễn Văn Bổng là một nhà văn của quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng vì thế dù đi đâu, làm gì, viết gì ta cũng có thể thấy nhà văn làm bằng một tâm hồn người Quảng, đó cũng ảnh hưởng nhiều đến văn cách của ông. Có thể thấy trong tiểu thuyết “Áo trắng”, Nguyễn Văn Bổng đã xây dựng nên một một không khí đô thị miền Nam rất thành công, nhưng vẫn không quên những nét xưa cũ còn xót lại của miền quê. Hơn nữa ông còn xây dựng nên những chi tiết, hình tượng con người rất chân thật và đầy thực tế. điều đó đã làm cho tác phẩm “Áo trắng” mang linh hồn của đời sống như được xây dựng từ nguyên mẫu đời thực.

“Áo trắng” chứa đựng nhiều giá trị nội dung, tư tưởng và hình tượng con người mang tính giáo dục của thời đại lúc ấy và cũng của chính chúng ta bây giờ. Học sinh, sinh viên cần phải noi theo tấm gương của những thanh niên lý tưởng như Phượng và Hoàng để có thể hoàn thiện bản thân và góp sức cho đất nước phát triển.

Huỳnh Thị Thái Bình

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1.Phạm Phú Uyên Châu, (2018), “ Nguyễn Văn Bổng Từ Thuở dưới đáy sông Hương”, http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p4/c18/n26856/Nguyen-Van-Bong-Tu-thuo-duoi-day-song-Huong.html

2.Đoàn Trọng Huy, (2016), “ Nguyễn Văn Bổng như tôi biết”,

3.http://vannghedanang.org.vn/nonnuoc/chitiet.php?id=2299&so=99

4.Ngọc Thanh, (2016), “Nguyễn Văn Bổng người con của Quảng Nam – Đà

Nẵng”, http://vannghedanang.org.vn/nonnuoc/chitiet.php?id=2298&so=99

5.Văn Thành Lê, (2020), “ Nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Bổng”,

6.https://www.baodanang.vn/tac-gia-xu-quang/202002/nha-van-nha-bao-nguyen-van-bong-3272257/