Đạo diễn Đoàn Hồng Lê: Vẻ đẹp khắc nghiệt của hiện thực là “mỏ vàng sống động của phim tài liệu"

06.12.2023
Phạm Thiều Hạnh

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê:  Vẻ đẹp khắc nghiệt của hiện thực là “mỏ vàng sống động của phim tài liệu"

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê (Ảnh: Tuấn Anh)

Đó là người phụ nữ mạnh mẽ, khoáng đạt, dễ gây ấn tượng với ai mới gặp lần đầu. Từ nét cá tính độc đáo trong phong cách ăn mặc, mái tóc xoăn bồng đầy chất nghệ sĩ, đôi mắt lấp lánh nụ cười phóng khoáng… Ngỡ như mọi thứ với Lê đều dễ chịu, vô ưu. Qua đôi lần trò chuyện, có dịp gần Lê, cảm nhận trong ánh mắt có vẻ bình thản, an nhiên, ẩn chứa những suy tư đau đáu... Tuy ở hai lĩnh vực khác nhau, nhưng tôi luôn dõi theo những bộ phim tài liệu của Lê và đã có dịp phỏng vấn Lê trong chương trình Nhịp cầu VTV8 cách đây nhiều năm. Từ ấy đến nay, Lê đã đi được một chặng đường dài, không ít nhọc nhằn, gai góc, để miệt mài theo đuổi những điều thôi thúc trong tim.

Là nữ đạo diễn được biết đến qua những bộ phim tài liệu gây sự chú ý đặc biệt không chỉ trong nước mà cả quốc tế, Đoàn Hồng Lê như một “ẩn số”, “quen mà lạ” với những ai quan tâm, yêu thích dòng phim tài liệu điện ảnh trực tiếp, khi cô mang đến những câu chuyện có thật bấy lâu bị khuất lấp, với một lối kể riêng biệt, gieo vào lòng người xem những xúc cảm lắng đọng, ám ảnh. Cùng sinh hoạt trong Hội Điện ảnh thành phố Đà Nẵng, mỗi lần nghe tin Lê nhận giải thưởng mới, trong tôi, ý nghĩ viết về Lê lại thôi thúc, dẫu biết có nhiều bài báo, kể cả báo nước ngoài viết về phim của cô ấy. Có lẽ, sức hút “khó cưỡng” này được khơi gợi từ  niềm đam mê bất tận với nghề, cách làm phim độc lập, sáng tạo cùng những thông điệp ý nghĩa được nữ đạo diễn Đoàn Hồng Lê truyền tải qua những câu chuyện mang vẻ đẹp chân thật mà ngồn ngộn những khắc nghiệt của hiện thực đời sống.

“Phim tài liệu cho tôi cơ hội nhìn sâu vào những cuộc đời”

Nói đến phim tài liệu, không ít người hẳn còn lưu giữ ký ức về những bộ phim kinh điển của Việt Nam với những thước phim chân thực, lời bình chắt lọc, phản ánh nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, lịch sử dân tộc, những số phận thăng trầm… đặt ra nhiều vấn đề có tính nhân văn sâu sắc, tác động đến đời sống con người trong xã hội hiện tại qua lăng kính của người làm phim. Cũng bởi tầm vóc, độ sâu, tính nhân bản từ những vấn đề cốt yếu của cuộc sống, cần có sự soi chiếu bằng nhãn quan sắc bén, vốn sống, tài năng, nhiệt huyết, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng… mà phim tài liệu xưa nay vốn được xem như một “lãnh địa” không dễ tiếp cận và khai phá, đòi hỏi người làm phim thật sự dấn thân. Theo đà phát triển của xã hội trong bối cảnh mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế, bên cạnh những “chuẩn mực” đã “mặc định”, chủ thể, đối tượng, cách làm phim tài liệu hiện nay ngày càng có nhiều đổi mới, xóa đi sự phân biệt về giới giữa những người làm phim. Không ít các nhà làm phim nữ đã khẳng định được dấu ấn cá nhân của mình và được gọi tên vinh danh ở các giải thưởng lớn từ trong nước đến quốc tế. Đoàn Hồng Lê là một trong số đó.

Theo đuổi dòng phim điện ảnh trực tiếp từ năm 2004 và là thành viên của Varan Việt Nam - những người làm phim theo phong cách tài liệu Pháp, với mong muốn sản xuất những bộ phim tài liệu đề tài đương đại bằng ngôn ngữ điện ảnh trần trụi nhưng giàu cảm xúc và đậm tính hiện thực, Đoàn Hồng Lê là người đồng tổ chức và điều hành dự án đào tạo điện ảnh trực tiếp của Varan Việt Nam vào năm 2010-2011 tại Đà Nẵng và cũng là nữ đạo diễn tiên phong truyền cảm hứng dấn thân vào những đề tài gai góc. Những bộ phim do cô cùng ekip VTV8 thực hiện những năm qua không chỉ đạt nhiều huy chương vàng, giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại các kỳ Liên hoan phim truyền hình toàn quốc, Giải báo chí quốc gia, Giải Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam, VTV AWARDS với hạng mục “Phim tài liệu ấn tượng”… mà đã vượt qua biên giới đất nước vươn ra thế giới đến với các Liên hoan phim (LHP) quốc tế. Tiêu biểu như các bộ phim: Đất đai thuộc về ai (2008) - câu chuyện về nỗi niềm  xót xa, sự phản ứng của những người nông dân buộc phải rời khỏi vùng đất họ đang sống, bỏ lại ruộng lúa đang canh tác, theo chủ trương “giải tỏa, thu hồi đền bù đất” của chính quyền để phát triển du lịch bằng vốn đầu tư nước ngoài và cuộc đấu tranh giành lại mảnh đất đã được họ đánh đổi bằng máu xương trong quá khứ. Bộ phim được trình chiếu tại LHP ngắn Clemont - Ferrand và hơn 10 LHP quốc tế khác, đoạt giải thưởng LHP phim Cameras des Champs (Pháp - 2011), Giải thưởng Trái tim xanh YxineFF (Việt Nam - 2012). Bộ phim Lời cuối của cha - câu chuyện về tình yêu lãng mạn của tuổi trẻ trong thời kỳ tham gia cách mạng qua ký ức người cha mắc bệnh Alzheimer của nữ đạo diễn - chứng bệnh lấy đi trí nhớ trong hiện tại nhưng giữ được những ký ức từ rất xa trong quá khứ. “Đó là những ký ức về tình yêu, niềm tin, nỗi buồn của một thế hệ, một thời đại đang dần qua đi” mà theo Đoàn Hồng Lê “… nếu không kip ghi chép lại, tinh thần đó sẽ dần chìm vào lãng quên cùng với một giai đoạn lịch sử”. Câu chuyện chất chứa nhiều xúc cảm, suy tư sâu sắc này đã gây được sự chú ý tại LHP quốc tế DMZ lần thứ 7 diễn ra ở Hàn Quốc (2015). Cùng với 6 dự án khác, bộ phim Lời cuối của cha của Đoàn Hồng Lê đã được Quỹ Hỗ trợ điện ảnh DMZ chọn lựa từ gần 150 dự án của các nhà làm phim độc lập khắp châu Á để trao giải thưởng ở hạng mục “Dự án phim tài liệu dài” trị giá 20.000 USD, để nữ đạo diễn tiếp tục hoàn thành dự án phim tài liệu Những lời cuối cùng của cha tôi. Bộ phim đã có mặt tại nhiều LHP quốc tế như Social World (Ý, 2017), Cottbus (Đức, 2017), Jogja NETPAC Asian (Indonesia, 2017), New Narrative (Đài Loan, 2018), Kochi Biennale (Ấn Độ, 2018)… và vinh dự nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Đức Hoành (Trung Quốc, 2018). Phim Người mẹ, câu chuyện cảm động về hành trình ngỡ như vô vọng của người mẹ tìm kiếm đứa con lai thất lạc, được gửi đi trên chuyến bay sang Mỹ trong ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam (tháng 4/1975) đã được phát sóng trên 4 kênh truyền hình của Anh và Bắc Ireland vào tuần lễ kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ, trong Liên hoan truyền hình Latest Vision, được chọn chiếu tại các LHP Saraqusta, Tây Ban Nha; LHP Silicon Valley Asian Pacific, California, Mỹ; và mới đây được đề cử giải đạo diễn xuất sắc nhất của hạng mục phim tài liệu tại giải thưởng Golden Panda, Trung Quốc - một giải thưởng phim truyền hình quốc tế với hơn 7 ngàn bộ phim gửi tranh giải từ khắp nơi trên thế giới. Và còn rất nhiều bộ phim khác như Đứa con lạc loài, Ngày hòa bình, Đường đến hòa bình… được Đoàn Hồng Lê khai thác theo “cách nhìn cuộc sống, con người với những khía cạnh bản chất nhất” với thái độ làm phim tôn trọng tuyệt đối sự thật, không tô vẽ, đánh bóng mà bám chắc vào gốc rễ của hiện thực, cho dù hiện thực ấy có xù xì, khắc nghiệt đến đâu.

“Tôi cho rằng, điều hấp dẫn nhất của phim điện ảnh trực tiếp là sự chân thực. Tôi và những đồng nghiệp của mình muốn sản xuất được những bộ phim kể về thời chúng ta đang sống bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh trần trụi nhưng giàu cảm xúc và mang vẻ đẹp khắc nghiệt của hiện thực. Chúng tôi không né tránh bất cứ đề tài nào. Chúng tôi liên tục phá vỡ, đào xới, lật tung những gì tưởng đã chắc chắn, ổn định để tìm kiếm con đường mới. Phim tài liệu khiến người ta suy tư và tiếp tục đi tìm những câu trả lời mới cho cuộc sống; nó có một đời sống song song bên cạnh sự vận động của xã hội, hiện thực tâm lý, tình cảm con người. Mỗi một bộ phim là một câu chuyện mới, cho tôi cơ hội nhìn sâu vào những cuộc đời hay những sự việc, khám phá sự phức tạp và đa diện của con người và cuộc sống”

“Ý tưởng bắt nguồn từ cái nhìn của hiện tại”

Nếu cho rằng Đoàn Hồng Lê “có duyên” với các LHP quốc tế quả không sai, nhưng có lẽ chưa đủ để nói lên nỗ lực cống hiến của nữ đạo diễn này trên con đường vượt qua giới hạn của bản thân cũng như những rào cản vô hình, hữu hình từ thực tế cuộc sống. Càng không thể lột tả trọn vẹn chiều sâu bên trong làm nên tính cách, đam mê, ước vọng của Đoàn Hồng Lê với những bộ phim chứa đựng khát khao chữa lành vết thương trong tâm hồn con người. “Tôi sinh ra ở Hà Nội, một năm trước khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Thế hệ chúng tôi lớn lên trong những năm đầu hòa bình và trải qua tuổi thơ khốn khó trong tình cảnh đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến, hàn gắn lại những vết thương trên thân thể và tâm hồn. Tôi sống giữa những câu chuyện hậu chiến vây quanh và vì vậy những bộ phim của tôi đều ít nhiều liên quan đến cuộc chiến đó.”

Xem phim của Đoàn Hồng Lê, có thể thấy những gì được cô phát hiện, gom nhặt, kể lại từ những mảnh ghép của hiện thực, dòng chảy của lịch sử, thời gian, ký ức cá nhân, thân phận con người là những sự thật trần trụi mà chỉ có người trong cuộc mới tường tận và bộc bạch sâu đến tận nỗi niềm tâm can. Đó là hơi thở cuồn cuộn từ huyết mạch đời sống, khởi nguồn cho những ý tưởng của người làm phim, như Đoàn Hồng Lê chia sẻ: “Ý tưởng bắt nguồn từ cái nhìn của hiện tại… Phim tài liệu dù lấy đề tài nào, ngay cả những đề tài tưởng cũ nhất nhưng nếu người làm phim biết gắn nó với hơi thở cuộc sống hiện tại một cách tinh tế, thì hẳn sẽ được đón nhận… Cuộc sống hiện tại là “mỏ vàng sống động” và cần được khai thác ở thì hiện tại.” Có lẽ vì vậy chăng mà ý tưởng hình thành những bộ phim của Lê nếu theo lối suy nghĩ thông thường, tưởng chẳng có gì to tát, song qua lăng kính cá nhân của nữ đạo diễn, lại toát lên nhiều tầng ý nghĩa sâu xa từ những điều hết sức giản dị. Có khi ý tưởng đến bất chợt qua những khoảnh khắc xúc động bắt gặp trong đời thường, nhưng ngẫm kỹ, đó là kết quả của sự quan sát, nghiền ngẫm nhiều ngày những hiện tượng đời sống và con người ở khía cạnh bản chất. Như ý tưởng bộ phim Ghi chép 12 ngày đêm vừa đạt Giải Vàng cho thể loại phim tài liệu tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41 (tháng 3/2023) được gợi nên từ những bức ảnh của các nhà báo ghi lại những khoảnh khắc trong sự kiện lịch sử Hà Nội 12 ngày đêm (năm 1972). “Nhiều năm sau hòa bình tôi vẫn được nghe kể về 12 ngày đêm ấy trong những câu chuyện của mẹ tôi - một biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam - về những chú, bác đồng nghiệp của mẹ khi họ mang những bức ảnh trở về… Và tôi đã luôn muốn làm một bộ phim về Hà Nội 12 ngày đêm bi tráng đó qua góc nhìn thật cá nhân của những người chụp ảnh thời điểm đó, và qua những bức ảnh của họ… Đây là một niềm vui cho người làm phim tài liệu lịch sử, vì bộ phim này nhìn lại lịch sử theo con mắt của người trẻ và mong muốn thực hiện để dành cho giới trẻ”. Bộ phim Đất đai thuộc về ai lại có một “xuất xứ” khá “ngẫu nhiên” Có lần đi trên đường ngang qua vùng đất của “những người anh hùng Điện Ngọc” trong chiến tranh, nơi người dân đổ máu xương để giữ đất, bỗng không còn thấy ruộng vườn mà chỉ thấy cái sân golf rộng mới, chợt nghĩ không biết những người anh hùng của một thời bây giờ sống ra sao với cảnh này. Phim bắt đầu từ ý tưởng đó, nghĩa là cũng bắt nguồn từ cái nhìn của hiện tại”. Phim Người mẹ lại là một câu chuyện tìm con thật ly kỳ, gay cấn ngay cả lúc chưa hình thành ý tưởng “Nhà sản xuất đưa cho tôi bài báo viết về câu chuyện cô Đẹp, một phụ nữ gửi đứa con lai đi Mỹ trong chiến dịch Babylift, đã 44 năm qua không kết hôn, đau đáu tìm kiếm đứa con, gợi ý xem tôi có thể làm một bộ phim hay không. Những câu chuyện như thế này không phải là ít, tôi không mấy hào hứng cho đến khi tôi gặp cô Đẹp. Nỗi đau mất con và sự chân thành của cô đã khiến tôi xúc động, tôi quyết định làm một bộ phim kể về cuộc hành trình tìm con của một người mẹ, hy vọng rằng bi kịch của cá nhân cô trong giai đoạn đặc biệt - những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975 - có thể kể được đôi điều về thời điểm lịch sử ấy…”

Ai đã xem bộ phim Ngày hòa bình, cái ngày không thể nào quên với người Đà Nẵng (29/3/1975), hẳn sẽ thấu hiểu được nỗi hoang mang, sợ hãi của con người trước những biến động loạn ly của thời cuộc và giá trị lớn lao của hòa bình sau bao năm bom đạn chiến tranh. “Cuộc chiến đi qua, chỉ còn lại tiếng nói của con người". Mang theo những ưu tư về nỗi niềm con người thời hậu chiến, Đoàn Hồng Lê đã tìm gặp những người trong cuộc với mong muốn ghi lại những “ký ức cá nhân”. “Những người làm phim đã tìm gặp những nhân chứng. Đó là những người bình thường trong thời điểm đó: một sinh viên Văn khoa, một giáo viên, một sinh viên y khoa, một nhà báo, một người lính của chế độ cũ... để nghe họ kể lại những trải nghiệm cá nhân, riêng tư và sâu sắc về ngày cuối cùng của chiến tranh ở Đà Nẵng, trong tinh thần nhân văn và thấu hiểu.” Năm 2021, bộ phim đã lọt vào top 5 đề cử cho giải thưởng VTV AWARDS hạng mục "Phim tài liệu Ấn tượng" và được phát sóng nhiều lần vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Đà Nẵng trên kênh truyền hình quốc gia.

Cũng với đề tài hậu chiến, phim Đứa con lạc loài được tiếp cận ở một góc độ nhạy cảm mà không phải ai cũng dám lăn xả vào.“Đó là câu chuyện của những người phụ nữ Việt Nam bị những người lính Đại Hàn cưỡng hiếp trong thời chiến, họ là những nạn nhân của chiến tranh nhưng ở thời bình họ lại bị khinh miệt, nỗi đau và uất ức của họ bị người đời quên lãng dần theo thời gian… Bà Nguyễn Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ người nước ngoài Đồng Hành tại Hàn Quốc đã chia sẻ sự đồng cảm sâu sắc sau khi xem bộ phim này: “Bộ phim tài liệu này cho người xem cảm nhận rõ nhất nỗi đau của những người mẹ, người phụ nữ, những đứa con lai Đại Hàn. Cảm ơn đạo diễn Lê đã tạo ra 1 tác phẩm thật sự ý nghĩa để cho người xem có thể có cơ hội tiếp cận và hiểu hơn về số phận của những người con lai Đại Hàn tại Việt Nam. Thật sự chiến tranh có thể kết thúc, nhưng vết thương do chiến tranh để lại thì bao giờ sẽ lành?.

“Quá trình làm phim là quá trình khám phá”

Có thể thấy những vấn đề đặt ra trong các bộ phim của Đoàn Hồng Lê đều ít nhiều có liên quan đến lịch sử. Trong điều kiện hạn chế những hình ảnh tư liệu của quá khứ, việc tìm cách kể lịch sử qua những ký ức cá nhân sâu sắc của người trong cuộc là cách “xoay xở” sáng tạo của nữ đạo diễn trong suốt quá trình làm phim “đó là điều luôn thử thách người làm phim, rất phiêu lưu nhưng chính vì vậy cũng rất thú vị”. Gần đây nhất, bộ phim Đường đến hòa bình mà ekip của Đoàn Hồng Lê theo đuổi ròng rã 4 năm từ Việt Nam sang Hàn Quốc với bao khó khăn, thử thách cùng với cô Thanh, nhân vật chính trong phim và các nhà sử học, nhà báo, luật sư, người dân tiến bộ của Hàn Quốc, cuối cùng đã đơm trái ngọt bằng hàng loạt giải thưởng: Giải B Báo chí quốc gia năm 2022, giải Bạc cho phim và giải thưởng Cánh diều vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải Cánh diều 2023. Song đối với Đoàn Hồng Lê, hạnh phúc lớn lao nhất cô nhận được từ câu chuyện Cô Thanh đi kiện đó là chiến thắng của sự thật và công lý đã thuộc về những người dân thường như gia đình cô Thanh, vốn chịu quá nhiều tổn thương, mất mát trong chiến tranh. Đó cũng là phần thưởng cho sự quả cảm, bền bỉ của nữ đạo diễn luôn muốn đi đến tận cùng sự thật “Năm 2019, khi pitch ([1]) ý tưởng làm phim tài liệu Đường đến hòa bình về quá trình cô Thanh - một nạn nhân trong vụ thảm sát làng Phong Nhị đi kiện chính phủ Hàn Quốc vì lính Đại Hàn đã giết 5 người trong gia đình cô hồi năm 1968, có ý kiến cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm về quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Tôi có nói đây là một việc chắc chắn sẽ diễn ra, nếu chúng ta không làm phim thì nó vẫn diễn ra, đến một ngày vụ kiện đi đến kết quả cuối cùng, sẽ là một kết quả dậy sóng truyền thông dù thắng hay thua, lúc đó chúng ta sẽ có một bộ phim ghi chép lại quá trình đó…”

Điều gì đã làm nên sức lan tỏa và tạo dấu ấn riêng biệt cho những bộ phim tài liệu của nữ đạo diễn Đoàn Hồng Lê là cô nhọc nhằn theo đuổi phong cách làm phim điện ảnh trực tiếp gần 20 năm nay? Ý tưởng mới mẻ, độc đáo? Những câu chuyện chạm đến lòng trắc ẩn? Vẻ đẹp khắc nghiệt của hiện thực? Sự can đảm, quả quyết muốn đi đến tận cùng sự thật? Hay nhiệt huyết của một trái tim say nghề, muốn được thử thách những điều mới mẻ? Có lẽ, khó minh định được đâu là điều cốt lõi làm nên sự khác biệt và “sức nặng” cho những bộ phim của Đoàn Hồng Lê, nếu không bắt đầu từ ngọn nguồn của một trái tim nhạy cảm, biết đồng cảm với nỗi đau con người, một lý trí luôn trăn trở những câu hỏi “tại sao”. “Hiện thực cuộc sống luôn có hai mặt trắng - đen, tốt - xấu. Đằng sau sự khắc nghiệt có thể ẩn chứa vẻ đẹp trong trẻo, thánh thiện và ngược lại, ẩn sau sự thánh thiện có thể là sự khắc nghiệt, thậm chí tàn độc. Điện ảnh trực tiếp giúp người làm phim học được cách nhìn cuộc sống đa chiều, nhờ cách liên tục đào sâu và tìm cách lý giải, thấu hiểu nó để nhân văn hơn”. Một nữ đạo diễn biết nuôi dưỡng cho mình những tố chất của một nhà báo, dám vượt ra khỏi giới hạn an toàn để khám phá, thể nghiệm những cách làm phim mới và quả cảm chọn đi trên con đường gai góc để bảo vệ những điều mình tâm huyết, dù chưa biết kết quả ra sao. Đây là điều khiến tôi cảm phục Đoàn Hồng Lê khi xem những bộ phim có nhiều hình ảnh do tự tay cô quay lấy, chấp nhận sự rung lắc, mờ nhòe, khuôn hình lộn ngược…“Sở dĩ điện ảnh trực tiếp chấp nhận sự rung lắc, tối mù vì đó là cảnh quay chân thực và giàu cảm xúc nhất, mà chưa chắc sự sắp xếp sau đó sẽ đem lại. Việc nắm bắt những khoảnh khắc, cái thần sắc chân thực nhất của cuộc sống, của con người là điều tối quan trọng đối với những người làm phim chọn lối đi nhọc nhằn này. Cách làm phim này đa diện hơn cách làm phim một chiều như lâu nay, tức là nhà làm phim “áp” người xem bằng lời bình. Ở đây, nhà làm phim chỉ gợi ra một vấn đề, một câu chuyện, mỗi người xem sẽ nghĩ về câu chuyện đó theo cách của họ”.

Càng ngạc nhiên, thú vị với những bộ phim mà ngay cả người trong cuộc cũng không biết được cái kết sẽ như thế nào, người làm phim cũng hồi hộp, lo lắng, thắc thỏm không kém cùng nhân vật trong chặng đường tìm con gian nan của người mẹ (Người mẹ) hay hành trình chưa từng thấy trong lịch sử một người phụ nữ Việt Nam chất phác đi kiện chính phủ Hàn Quốc (Đường đến hòa bình)“Nghề làm phim cho mình những cuộc hạnh ngộ và biết thêm con người một cách thú vị nhất, cũng như nhìn thấu nội tâm của chính mình… Quá trình làm phim gần như là quá trình khám phá lẫn nhau… Tôi coi đó như một hành trình mà chúng ta không đoán được cái kết sẽ như thế nào. Có khi lại là cái kết không ai có thể ngờ tới.” Như cái kết thật đẹp mà Đoàn Hồng Lê vừa vinh dự  nhận được. Đó là danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do nhà nước phong tặng, một phần thưởng xứng đáng cho sự cống hiến của nữ đạo diễn.

Tôi ấn tượng với một câu nói của Đoàn Hồng Lê “Lưu giữ lịch sử là bổn phận của mỗi cá nhân trong cuộc đời này”. Xin mượn những chia sẻ của nữ đạo diễn trong bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Koh Kyeong Tae trên Báo Han Kyoreh, Hàn Quốc sau khi cô hoàn thành bộ phim Đường đến hòa bình, khép lại với nhiều suy tư để ngỏ…“Lịch sử có những ngóc ngách mà khi đi sâu vào đó ta mới hiểu được toàn cảnh con người và thời đại… Một cuộc chiến qua đi, trở về một mình đối diện với chính mình, người ta chỉ còn lại những vết thương. Với những tổn thương, không có sự an ủi nào là vô nghĩa… Tôi mong muốn lịch sử trở nên gần gũi với đời sống, chứ không chỉ là những con số hay luận đề trong sách giáo khoa. Cần đưa “lịch sử của thường dân” vào chương trình học, nghĩa là những câu chuyện về trải nghiệm chiến tranh của các nhân chứng, từ đó học sinh có sự đồng cảm với con người, hiểu rõ vì sao mọi chuyện xảy ra như thế ở góc độ con người. Tôi tin điều đó giúp học sinh nhận thức được vai trò của mình trong việc kiến tạo nên một lịch sử của tương lai.”

                                                                                             P.T.H

[1]() Pitch: Trình bày dự án

(Bài viết có trích dẫn những chia sẻ của đạo diễn Đoàn Hồng Lê trên các báo VTV News, VOV.VN, Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Báo Đà Nẵng).