Lê Công Dũng thổi niềm đam mê vào đất đá

06.12.2023
Hoàng Diệp Lạc

Lê Công Dũng thổi niềm đam mê  vào đất đá

Họa sĩ Lê Công Dũng đang điêu khắc tượng Trịnh Công Sơn

Từ người vẽ tranh thuê để tồn tại Lê Công Dũng nuôi dưỡng niềm đam mê cháy bỏng của mình để đến ngày gặt hái thành công trong lãnh vực điêu khắc. Hay có thể nói anh bước từ thế giới nghệ thuật hai chiều vào không gian nghệ thuật ba chiều với chất liệu chính là đá. Đất đá là sự kết tinh của vật chất qua thời gian. Đá vốn vô tri, vô ngôn, vô danh, nhưng đá qua bàn tay và tư duy của nhà điêu khắc Lê Công Dũng, đá đã trở thành hữu danh, trở nên gần gũi thân thiện với con người và làm đẹp cho cuộc sống. Cũng có thể vì lẽ đó mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Đúng vậy, đá qua bàn tay các nghệ nhân, qua tài năng của Lê Công Dũng đã cất lên tiếng nói, lời ca và cả sự trầm tư mặc tưởng. Chúng ta thử đi vào chiêm nghiệm thế giới nghệ thuật của điêu khắc gia Lê Công Dũng.

1. Tượng chân dung

Chân dung nhân vật lịch sử: Một số nhân vật lịch sử do Lê Công Dũng điêu khắc như: Đại vương Ngô Quyền, Huyền Trân Công Chúa, chí sĩ Ông Ích Đường, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng,… thể hiện thần thái và sự trang nghiêm của nhân vật, một lòng với đất nước.

Tượng nhạc sĩ Phạm Duy

Tượng thi nhân Bùi Giáng

Tượng Nhạc sĩ Văn Cao

Chân dung các nghệ sĩ tài danh như: nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, thi nhân Bùi Giáng, nhà phê bình Đặng Tiến,… đã được bàn tay tài hoa của Lê Công Dũng tạc tượng rất có hồn và biểu hiện rõ phần tính cách của các nghệ sĩ.

Chân dung bằng hữu văn nghệ: Lê Công Dũng có đời sống bình dị, thiện cảm với mọi người, đặc biệt là anh em văn nghệ. Có thể nói mảng chân dung bằng hữu văn nghệ là một thành công nhất định của nhà điêu khắc Lê Công Dũng, anh lột tả được thần thái mỗi người bạn, có lẽ do quá trình gần gũi và thường tâm sự trao đổi cùng nhau, nên anh đã cảm nhận và ghi nhớ mảng khối, đường nét và tính cách của từng người. Một số người bạn anh đã tạc tượng như: Các thi sĩ Tâm Nhiên, Phan Hùng, Nguyên Quang, họa sĩ Thiên Chương, nhạc sĩ Đỗ Huy Hoàng, Nguyễn Văn Tính,…

Chân dung thiếu nữ: Với thiếu nữ nhà điêu khắc Lê Công Dũng đã tác tượng nhiều tư thế đứng (thiếu nữ Barnar), nằm, ngồi và tượng bán thân, phù điêu. Đường nét thể hiện loạt tượng thiếu nữ mềm mại, riêng bức Thiếu nữ Barnar bật lên nét văn hóa và dáng vẻ của thiếu nữ miền núi rừng.

2. Tượng tôn giáo

Tượng Đức Phật Thích Ca, Mẹ là mô típ tượng tôn giáo được nhiều nhà điêu khắc thực hiện. Với tác phẩm Khoảng lặng chất liệu granit, một mặt thô nhám, một mặt trơn bóng, cùng với sự xuyên thấu, rỗng,… Lê Công Dũng đã dẫn đưa người xem liên tưởng đến trạng thái tâm vắng lặng sau những bấn loạn của ba đào từ trong xa xăm mịt mù xô đẩy về hiện tại.

Tác phẩm Đức Phật

Tác phẩm Đi và về

Tác phẩm Đi và về chất liệu đá trắng, tạo hình gợi tưởng đến hình vỏ sò đang mở ra chứa bên trong một vỏ sò nhỏ cũng mở ra nhưng theo chiều ngược lại, hay có thể đó là mô hình con tàu mới lồng nhau, dung nhiếp của pháp giới, của vạn hữu. Như tinh nghĩa trong kinh Hoa Nghiêm: “Một là tất cả, tất cả là một”.

3. Tượng về văn hóa, triết lý nhân sinh

Đặc biệt loạt tượng về chủ đề văn hóa, nhà điêu khắc Lê Công Dũng đã thể hiện bản lĩnh tài năng cùng với những suy tưởng, trăn trở của mình với cộng đồng, với văn hóa vùng miền. Như bức Linga chất liệu granit với vòng đen quấn quanh bái vật màu đá đỏ (dương) đặt trên bệ tròn (âm) tạo nên liên tưởng đến sự sơ khai. Bức Trầu cau làm bật lên sự kết giao mang yếu tố phồn thực, tràn đầy năng lượng sống. Tác phẩm Trống đồng là một sự thể hiện mới lạ dẫn dắt người xem trở về với những trầm tích văn hóa cổ của người Việt.

Các tác phẩm Sinh Tồn, Ruột rà, Ngày sinh nhật, Mắt ngọc theo mô típ siêu thực, trừu tượng gợi liên tưởng mạnh cho người thưởng ngoạn. Đó là những tác phẩm đầy tính sáng tạo và làm nên tên tuổi của một nhà điêu khắc thực thụ.

Tác phẩm Tổ ấm

Một số tác phẩm của Lê Công Dũng như Tổ ấm, Ra khơi… được đặt tại quảng trường, công viên ở Quảng Nam và Đà Nẵng.

Được biết, Lê Công Dũng đến với nghệ thuật điêu khắc bằng con đường tự học, tự tìm tòi nghiên cứu. Sau khi anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự, vào năm 2003 anh tham gia lớp học ngắn theo dự án hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy tài trợ ở thành phố Đà Nẵng. Tại lớp học này, anh đã lọt vào mắt xanh của nhà điêu khắc tên tuổi Na Uy là Oyvin Storbaekhen.

Năm 2019 Lê Công Dũng bị tai nạn giao thông, ảnh hưởng sức khỏe dẫn đến suy đa tạng… Tình trạng của nhà điêu khắc Lê Công Dũng bây giờ cũng vô ngôn như đá… anh nói bằng ánh mắt và con tim trong niềm hạnh phúc hòa trộn cùng nỗi thống khổ của một nghệ sĩ. Tôi gặp anh trong một buổi chiều sầu muộn cùng những anh em văn nghệ Cẩm Lệ đưa tiễn thi sĩ Phan Hùng về cõi không. Tôi và Lê Công Dũng chỉ nhìn nhau, ôm choàng để cảm nhận mà không nói nên lời, bởi ngôn ngữ chỉ là phương tiện, không thể diễn đạt trọn vẹn sự vật và thực tại. Cũng như các tác phẩm điêu khắc của Lê Công Dũng, đó là sự sáng tạo sinh động, lung linh vào một thời khắc cô đọng nhất khi đôi bàn tay, trái tim, dòng tâm của tác giả tựu thành một và trong khoảng thời gian đó, tiếng va đập của vật chất tạo nên một giai điệu du dương nâng tâm hồn chúng ta vào cảnh giới chân thiện mỹ. Vì vậy, bài viết ngắn này chỉ mang tính giới thiệu phần nào và truyền đạt một cảm nhận của riêng tôi với các tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Công Dũng.

Tượng của nhà điêu khắc Lê Công Dũng được các nhà sưu tập cá nhân, các tổ chức trong và ngoài nước đón nhận đặt hàng. Một số tác phẩm của anh được dựng tại các điểm nhấn văn hóa ở Đà Nẵng, ở Hội An, ở Tam Kỳ hay ở Na Uy, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha…

***

Nhà điêu khắc Lê Công Dũng - sinh năm 1964, quê phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban Kiểm tra Hội Mỹ thuật Tp. Đà Nẵng.

Anh đã 5 lần được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng thưởng Từ năm 2007 đến 2015, thông qua triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên.

Năm 2012 tác phẩm “Hướng đảo”, tặng thưởng của Ban chấp hành Trung ương Hội Mỹ Thuật Việt Nam.

Năm 2015 tác phẩm “Trống đồng” tặng thưởng của Ban chấp hành Trung ương Hội Mỹ Thuật Việt Nam.

Ngoài ra, anh cũng nhiều lần được Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Tp. Đà Nẵng và Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng trao Tặng thưởng Mỹ thuật hàng năm.

Năm 2011 giải B cho tác phẩm “Sinh tồn” (đá tổng hợp)

Năm 2012 giải A cho tác phẩm “Biển đảo” (phù điêu)

Năm 2013 giải đồng hạng cho tác phẩm “Trống đồng” (tượng granite)

Năm 2014 giải B với tác phẩm “Thiếu nữ Barnar” (tượng granite).

H.D.L