Trang trí kiến trúc nhà phố ở khu phố cổ Hội An

06.12.2023
Võ Văn Hoàng

Trang trí kiến trúc nhà phố  ở khu phố cổ Hội An

Bản vẽ Mặt cắt nhà số 77 Trần Phú. Nguồn: TTQLBTDSVH Hội An

Đôi nét về quá trình hình thành nhà phố ở khu phố cổ Hội An

Vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, Hội An với vị trí đặc biệt thuận lợi nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, là cầu nối giữa cửa Đại Chiêm ở phía đông (Hội An) với dinh trấn Quảng Nam ở phía tây (Điện Bàn). Hội An còn là cửa ngõ quan trọng của vùng đất Quảng Nam trù phú và dân cư đông đúc. Vùng cửa sông có mực nước sâu, thương cảng ăn sâu vào đất liền khoảng 5 km, lại được dãy Cù Lao Chàm như bức bình phong trên biển chắn sóng rất an toàn. Vì thế Hội An rất thuận lợi cho tàu thuyền cập bến và trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trên chặng đường hàng hải quốc tế nối liền khu vực Đông Nam Á với Đông Bắc Á.

Nhiều thương nhân ngoại quốc đã đến Hội An buôn bán, trong đó thương nhân người Hoa, người Nhật chiếm một số lượng lớn so với thương nhân các nước khác. Được phép của chúa Nguyễn, họ mua đất, cất nhà, lấy vợ người Việt và xây dựng lên những khu phố chạy dọc theo bờ bắc của sông Thu Bồn, tạo thành một đô thị thương cảng sầm uất của cả xứ Đàng Trong. Giáo sĩ dòng Tên người Ý là Cristophoro Borri đã sống ở Đàng Trong từ năm 1618 đến năm 1622, trong nhật ký truyền giáo, ông đã viết khá rõ về thành phố Hội An thời bấy giờ: “Thành phố ấy gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ có thể nói là có đến hai thành phố, một phố của người Tàu, một phố của người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu, người Nhật cũng vậy”[1].

Ngày 18 tháng 8 năm 1695, thương nhân người Anh là Thomas Bowyear đến Hội An, ông đã phát thảo diện mạo phố xá Hội An cách biển 3 dặm, có một đường phố chạy dọc theo bờ sông, hai bên có hai dãy nhà chừng 100 nóc, toàn là người Hoa ở[2]. Cùng năm, thiền sư Trung Hoa là Thích Đại Sán cũng đến Hội An, ông miêu tả: “Thẳng bờ sông, một con đường dài 3, 4 dặm gọi là Đại Đường cái, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh)”[3].

Đến năm 1773, nội chiến trong nước diễn ra, khu phố cổ Hội An bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Tháng 8 năm 1778, M. Chapman đến Hội An và ghi trong nhật ký của mình: “…ngày 30 đến Hội An, thành phố này bị chiến tranh tàn phá gần hết, chỉ còn trơ trọi những mảng tường cháy nham nhở,… Hội An xưa là nơi đô hội, nhà cửa bằng gạch ngói san sát, đường đi lát đá nay chỉ còn thấy một sự đổ nát mà không ngăn nổi kinh dị…”. Hai năm sau, Ch. Maybon đến Hội An (1780) cũng không tìm thấy vết tích gì của những nhà cửa lợp ngói trước kia ngoài vài mảng tường như đã bị đốt cháy. Mãi 20 năm sau, J. Barrow đến Hội An cũng chỉ chứng kiến một sự hoang tàn đổ nát đến phải thất vọng[4].

Đến đầu thế kỷ XIX, kiến trúc của khu phố cổ Hội An mới được phục hồi, nhưng cũng chỉ là một thành phố có con đường khá dài (tức đường Trần Phú ngày nay), dãy phố đều xây bằng gạch và chỉ có một tầng, tất cả đều bố trí để buôn bán, phía sau là những nhà kho kín đáo[5]. Năm 1832, trong công trình Beschreibung der Erde, nach ihrer natürlichen Beschaffenheit, ihren Erzeugnissen, Bewohnern und deren Wirkungen und Verhältnissen, wie sie jezt sind được ấn hành tại thành phố Stuttgart, Wilhelm Hoffmann cho biết Hội An nằm “trên một nhánh của cùng một con sông, với dân số 50.000 người, trong đó có 5.000 người Hoa cư trú thành một dãy phố. Hội An được phân biệt bởi một cảng tốt và hoạt động thương mại liên tục, với những ngôi đền/chùa tráng lệ thờ Đức Phật, Thiên Hậu, Quan Thánh và các nhà thờ Thiên chúa cũng có ở đó".[6] Đến năm 1841, đất bồi của sông Thu Bồn cho phép cư dân Hội An mở thêm một con đường mới song song với đường Trần Phú về phía nam lấy tên là Tân Lộ (tức đường Nguyễn Thái Học hiện nay). Năm 1886, đất bồi của sông cho phép họ mở thêm một con đường chạy dọc bờ sông, song song với hai đường phố nói trên (tức đường Bạch Đằng ngày nay)[7]. Như vậy, đến cuối thế kỷ XIX, diện mạo kiến trúc của khu phố cổ Hội An mới được hình thành như hiện nay[8].

 2.Bố cục mặt bằng nhà phố

Nhà phố ở đô thị thương cảng cổ Hội An có lối kiến trúc khá đặc biệt. Những ngôi nhà này có độ cao rất khiêm tốn, thường là một tầng lầu hoặc hai tầng lầu nhỏ, hoặc chỉ là một gác xếp nằm sát cạnh nhau tạo thành những dãy phố dài giống như một khối đúc liền chạy dọc theo các con đường Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai… Mỗi ngôi nhà thường hẹp về chiều ngang (khoảng 3 - 7m) nhưng sâu về chiều dài (có nhà dài đến 40 - 50m). Điều này làm cho các ngôi nhà ở đây có dạng hình ống hay hình ruột ngựa (nhà phố).

Mặt bằng tổng thể của nhà phố thường được chia thành ba nếp (hoặc bốn nếp), nếp nhà thứ nhất nối với nếp nhà thứ ba bởi nhà cầu và sân trời. Nhà cầu và sân trời là không gian được chia thành hai phần theo chiều dọc của ngôi nhà, chúng có kết cấu độc lập và mang chức năng chuyển tiếp giữa nếp nhà thứ nhất (nếp nhà trước) với nếp nhà thứ ba (nếp nhà sau). Phần sân trời được lát đá, trang trí bể nước, non bộ, cây cảnh, giúp ngôi nhà thoáng và hòa hợp với thiên nhiên. Còn phần nhà cầu có hệ mái nối liền nếp nhà thứ nhất với nếp nhà thứ ba thành một cơ cấu liên tục, rất phù hợp với điều kiện khí hậu mưa nhiều và nắng nóng ở đây. Mỗi ngôi nhà thường được chia thành ba gian: gian chính giữa hẹp, hai gian hai bên rộng. Nếp nhà thứ nhất sát đường nên bố trí làm cửa hàng, nơi tiếp khách. Nếp nhà thứ ba giáp với bến sông thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa bằng thuyền. Về sau, bến sông ngày càng bị bồi lấp và hình thành nên những con đường thì nếp nhà sau được sử dụng làm nơi buôn bán, kho cất giữ hàng hóa, nhà bếp, nhà vệ sinh. Nay chỉ còn lại một số ít các ngôi nhà thông với hai mặt đường, điển hình như nhà số 77 Trần Phú, số 9, số 33, số 101 Nguyễn Thái Học.

3. Trang trí ngoại thất nhà phố

Mặt trước nhà phố ở Hội An được trang trí khá đơn giản. Phần cửa chính có một lớp cửa ngăn lửng với những chấn song. Hai gian hai bên được che bởi những tấm ván dài nằm ngang, xếp chồng từ dưới lên trên, tạo thành bức vách gỗ. Phần trên cửa, sát mái hiên người ta trang trí các panô hộc. Nhà có hai tầng lầu thì mặt trước trang trí phong phú hơn. Ở tầng một của một số nhà có hàng hiên, người ta làm các lan can có chấn song hình con tiện ở dưới phần tay vịn. Còn nhà mặt trước không làm hàng hiên thì thay vào đó là một chiếc cửa lớn bằng gỗ, nằm chính giữa, thông ra mặt đường, hai bên không có cửa sổ. Người ta thay thế hai khung cửa sổ thành hai ô vuông, đối xứng nhau qua cửa chính. Hai ô vuông này được ghép bởi bốn khuôn sứ men xanh hình hoa thị.

Bản vẽ Mặt đứng nhà số 77 Trần Phú. Nguồn: TTQLBTDSVH Hội An

 Những ngôi nhà phố ở Hội An hầu hết được làm theo dạng hai mái, đa số nhà chính và nhà phụ không chung một mái mà là hai nếp mái kế tiếp nhau. Rất ít trường hợp mái nhà chính phủ lên cả phần nhà phụ. Ngược lại, đa số nhà cầu được lợp theo kiểu bốn mái. Trên mặt bằng tổng thể thì nhà trước, nhà cầu và nhà sau được lợp bằng những mái riêng biệt. Ngói ở Hội An là loại ngói làm từ đất, mỏng, nung thô, mang hình vuông, mỗi cạnh khoảng 22 cm và có dạng hơi cong. Khi lợp, đầu tiên người ta xếp một hàng ngói ngửa lên và sau đó tiếp tới một hàng ngói úp xuống. Cách lợp này được gọi là kiểu lợp ngói âm dương. Khi lợp xong mái, các viên ngói được cố định bằng vữa, tạo thành những dải ngói nhô lên dọc xuôi theo mái, khiến toàn bộ mái toát nên một vẻ cứng cáp, mạnh mẽ. Ở trên đỉnh mái, phần nóc mái được xây cao lên hình chữ nhật như một cái hộp, cũng có một số trường hợp hai bên tường hồi cũng được xây cao hẳn làm cho toàn bộ tổng thể dường như bị mất cân đối. Hình thức và cách trang trí của tường hồi luôn gây một ấn tượng mạnh và là yếu tố tạo ra giá trị rất riêng của phố cổ Hội An[9]. Ở bờ hồi của mái hiên tầng trệt, người ta còn thể hiện hai bên là những bông khế đúc bằng xi măng, nhằm tạo ra sự mềm mại duyên dáng cho ngôi nhà.

Phía trên cửa ra vào có trang trí “mắt cửa”. Qua khảo sát tại khu phố cổ Hội An, bước đầu chúng tôi tìm thấy có trên 20 kiểu mắt cửa khác nhau. Phần lớn các mắt cửa có dạng hình tròn,hình lục giác, hình bát giác, hoặc cắt khấc thành 6 hoặc 8 đầu cánh hoa cúc; một số ít mắt cửa có dạng hình vuông như mắt cửa ở nếp nhà thứ ba nối với nhà cầu và sân trời của nhà số 67 Trần Phú; hình nửa khối cầu dẹt ở nhà số 77 Trần Phú... Tán mắt cửa thường được chia thành hai phần: phần tâm và phần vành bao quanh mắt cửa. Phần tâm của mắt cửa đa số thường trang trí hình lưỡng nghi được sơn hai màu đen trắng - biểu tượng của âm dương, hình nhụy hoa, hình chữ triện, chữ Phúc (偪), chữ Thọ (壽),… Còn phần vành bao quanh bên ngoài tâm, tạo dáng hoa cúc 6 hoặc 8 cánh mà cánh của nó xoáy hình lá đề (nhà số 101 Nguyễn Thái Học, nhà số 80 Trần Phú…), hình bát quái, hình hồi văn, hình giao long, hình bốn hoặc năm con dơi bao quanh chữ Phúc, có mắt cửa chỉ có một chữ Thọ, hoặc tạo một gờ chỉ nổi phía bên ngoài vây lấy tâm. Một số mắt cửa hình vuông thì phần vành của nó không được trang trí. Bước đầu theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, mắt cửa là một họa tiết trang trí độc đáo, thể hiện đôi bàn tay khéo léo tài hoa của các nghệ nhân làng Kim Bồng, đồng thời nó cũng thể hiện tín ngưỡng thờ Môn thần của người Hoa ở khu phố cổ Hội An (?), mắt cửa trở thành linh hồn cho những ngôi nhà cổ.[10]

Do không gian của ngôi nhà hẹp về chiều ngang, sâu về chiều dài. Để tạo ra sự thông thoáng, thoát nước và chiếu sáng, hầu như nhà nào cũng có một khoảng sân chạy dọc theo nhà cầu, nối giữa nếp nhà thứ nhất với nếp nhà thứ ba mà người ta gọi là “sân trời”. Sân trời được thiết kế thấp hơn nền nhà để dễ thoát nước trong mùa mưa, nền sân được lát đá xanh, gạch Bát Tràng hoặc tráng xi măng. Tại đây thường bố trí hồ cá có hòn non bộ hoặc những bồn cây được làm bằng đá, trang trí hoa văn rất đẹp, trên đó trồng nhiều loại cây như: mai, đào, trúc, lựu… Trên tường thường đắp nổi bức phù điêu hình bình phong với các đề tài: tứ thời, tứ quý, bình hoa, long mã hà đồ, lư hương và các câu đối chữ Hán. Các họa tiết này được đắp bằng vữa tô màu hoặc ghép bằng các mảnh sành sứ nhiều màu sắc, giống với một số di tích ở Huế.

Phần trên bức bình phong gần đỉnh tường của sân trời được chia thành các ô hộc, bên trong các ô hộc đó cũng được trang trí hình hoa lá chim muôn đắp nổi, cảnh sinh hoạt của “tứ dân”, đôi khi người ta thay vào đó là những viên gạch hoa tráng men. Trên sát đỉnh tường, người ta đắp nổi các gờ chỉ bằng vôi hoặc bằng gạch hoa khuyết bốn góc, một viên nằm ngang, một viên dựng đứng, tạo nên các dãi băng mềm mại. Việc trang trí cho sân trời đã giúp cho nơi này ngoài tác dụng điều hòa không khí mà còn trở thành nơi nghỉ ngơi thư giản cho gia đình sau những giờ phút buôn bán mệt nhọc, đón gió mát trăng thanh về đêm, cách xa sự ồn ào náo nhiệt của phố xá bên ngoài. Cách tổ chức không gian kiến trúc cho ngôi nhà như vậy đã tạo ra sự thông thoáng, phù hợp với khí hậu địa phương, thuận tiện trong sinh hoạt và buôn bán của mỗi gia đình.

Trên bức vách gỗ của nhà cầu và nếp nhà thứ ba sát sân trời cũng được chạm nổi những mảng mỹ thuật theo đồ án: “tứ dân” ở nhà số 77 Trần Phú diễn tả hình ảnh của kẻ sĩ đọc sách, người tiều phu đi lấy củi, ngư ông ngồi câu cá, trẻ mục đồng dắt trâu. Ở bức tranh này, chúng ta còn thấy cả bầu trời được thể hiện bằng những gợn mây và chim đang bay, dưới mặt đất có cả nhà cửa; “đông bình tây quả” (phía đông là bình hoa, phía tây là mâm quả); “tứ quý” (bốn con dơi vây quanh chữ quý); “ngũ phúc viên thọ” (năm con dơi vây quanh chữ thọ); ngoài ra còn trang trí chấn song hình con tiện, cá chép, tôm, cua…

4Trang trí nội thất nhà phố

Nhà phố ra đời gắn liền với nhu cầu buôn bán và sinh hoạt của tầng lớp thị dân. Trong từng ngôi nhà, ngoài các gian bố trí làm cửa hàng buôn bán, tiếp khách, cho thuê, cất giữ hàng hóa… chủ nhà còn dành một nơi trang trọng thường là ở nếp nhà trước để làm nơi thờ tự tổ tiên và các vị Thần, Phật bảo hộ của gia đình. Nếu như trong các ngôi nhà vườn, nơi thờ tự thường hướng ra lối cửa chính thì ngược lại trong các ngôi nhà phố lại hướng ra sân trời để đón ánh sáng và không khí, đây là một đặc trưng rất quan trọng của nhà phố ở Hội An, dù đôi khi cũng có một số trường hợp bàn thờ quay ra phía đường. Các trang thờ thường được chạm trổ rất cầu kỳ và đặt trên cao ngay lối đi chính. Khoảng không gian thâm nghiêm này có ánh sáng rất hạn chế, tĩnh lặng và đầy vẻ huyền bí với những hoành phi, câu đối ca ngợi công đức tổ tiên. Những ảnh thờ luôn phủ vải đỏ, bài vị sơn son thếp vàng và những đồ thờ bằng đồng đầy ấn tượng.

Với tính chất đặc biệt về kiến trúc, vì kèo và các vách ngăn là nơi tập trung thể hiện tài nghệ trang trí của các nghệ nhân. Vì “trính chồng trụ đội” là một trong những loại vì phổ biến được trang trí nhiều trong các di tích nhà phố ở Hội An, các cây trính được tạo dáng mềm mại với những đường chỉ uốn lượn chạy dọc theo thân. Giữa thân trính trang trí các đề tài hoa lá, mây cuộn, rồng phượng, tứ quý. Hai đầu của cây trính được tạo dáng đầu giao long, mà người ta còn gọi là giao lá. Cách chạm khắc thiên về ghép mảnh, phảng phất bóng dáng nghệ thuật chạm lộng bong kênh. Với cách trang trí này, các cây trính trở nên nhẹ nhàng thanh thoát, làm cho nội thất ngôi nhà thoáng rộng hẳn. Cũng như trính, các trụ đội được tạo dáng thon gọn, chúng gồm hai phần và được kết nối với nhau bởi mộng, phần dưới phình to tạo thành hình quả bí chia thành nhiều múi, quả phật thủ hay quả hồ lô thuôn tròn có mộng liên kết với trính; còn phần trên thon cao vươn lên đỡ đòn tay. Để tăng vẻ mỹ thuật, và giảm độ nặng của kết cấu kiến trúc, người thợ thường gắn hai tai gỗ (còn gọi là bông trụ hay hoa trụ) chạy dọc theo thân trụ đội. Các tai gỗ này được chạm thủng hình chữ triện, hình hoa lá, hồi văn cách điệu.[11]

Bản vẽ Vì vỏ cua, Trính chồng trụ đội… ở nhà số 77 Trần Phú.

Nguồn: TTQLBTDSVH Hội An

Bên cạnh đó, “vì vỏ cua” cũng là nơi tập trung thể hiện tài nghệ của các nghệ nhân. “Vì vỏ cua” thường dùng cho phần hiên ở sát sân trời, nhằm nâng cao mái hiên để đón ánh sáng và không khí vào sâu hơn trong nội thất của ngôi nhà. “Vì vỏ cua” được làm theo hình bán nguyệt và chạm trổ hết sức công phu. Với đôi bàn tay tài hoa của mình các nghệ nhân đã biến những phiến gỗ khô cứng thành những đường nét, hình tượng sống động có hồn, nhằm tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát. Đường nét trang trí chủ đạo ở đây là các đường cong uốn lượn và nhiều đề tài trang trí tinh xảo như hoa lá, hồi văn, dơi, cuốn thư, song ngư hoặc các đồ vật, con vật gắn với sự uyển chuyển mềm mại, linh hoạt. Chính vì vậy, chúng ta bắt gặp ở nhà số 101 Nguyễn Thái Học bộ “vì vỏ cua” tạo dáng hai thanh kiếm bắt chéo nhau, xung quanh có dải lụa và mây cuộn mềm mại; hay hai chiếc gậy như ý buột bằng dải lụa ở nhà số 80 Trần Phú, mây cuộn ở nhà số 77 Trần Phú…

Cùng với vì kèo, các bẩy hiên và các ô hộp ở phần cuối vỏ cua cũng được thể hiện hết sức mỹ thuật các đề tài: cá chép, cá hóa long, con sóc chùm nho, con dơi cánh xòe, quả đào, quả phật thủ… Đặt biệt cột là phần chịu lực chính của ngôi nhà, nâng đỡ các vì kèo ở phía trên. Do đặc điểm của ngôi nhà thấp, lại hẹp về chiều ngang, kết cấu chủ yếu bằng gỗ, cho nên người thợ đã tỉa gọt các thân cột cho tròn trĩnh, hai đầu cột nhỏ dần lại. Còn những thân cột hình vuông, người thợ soi chỉ tròn ở bốn cạnh nhằm giảm bớt cảm giác nặng nề của kiến trúc. Cột đặt trên những viên đá tảng hình vuông hoặc hình tròn, có viên tạo hình trái bí tám múi, xung quanh chạm khắc văn kỷ hà và văn cánh sen. Tai cột được chạm thủng hoặc chạm nổi hình bát bửu của Đạo giáo, hình hoa lá, hình chim thú… làm cho thân cột không thô cứng mà trở nên mềm mại hơn.

Trên các thân cột cũng được chủ nhà trang trí bằng những bộ liễn đối chạm trổ, sơn son thếp vàng, khảm trai, khảm ốc lộng lẫy, kết hợp với các đề tài hoa lá, bướm trĩ, tứ thời, tứ quý, bát bửu, sinh hoạt vua quan… Có bộ liễn tạo dáng chữ thành hình 100 con chim, mỗi nét bút thể hiện một con chim với các tư thế khác nhau: đứng yên, rỉa lông, xòe cánh hoặc bay lượn mà người ta gọi là “bách điểu” (số nhà 101 Nguyễn Thái Học); hay 100 đóa hoa mà người ta gọi “bách hoa”. Hoặc mỗi chữ là một cây cảnh uốn lượn để tạo ra những câu đối hết sức độc đáo. Thông qua câu đối này, người ta gởi gắm tấm lòng thành kính của mình đến với ông bà tổ tiên, cầu mong nhận được sự phù hộ để con cháu dồi dào sức khỏe, đoàn kết, tương thân tương trợ, kề vai sát cánh giúp đỡ lẫn nhau vượt mọi khó khăn, làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức làm rạng rỡ tông môn…

Trên các thanh xà thường treo một số bức hoành sơn son thếp vàng và ghi tên hiệu buôn bằng chữ Hán như: “Tấn Ký”, “Tấn Bửu”, “Quân Thắng”, “Thuận Thắng”; hoặc những câu chữ có nội dung cầu phúc, thể hiện nguyện vọng và sở thích của gia đình như: “Tích Đức Di Tôn” (Nên tích đức để lại cho con cháu), “Minh Đức Duy Hinh” (Chỉ có đức sáng mới để lại tiếng thơm)...; hay những câu mang ý nghĩa giáo dục con cháu phải biết cần cù chịu khó để gìn giữ cơ đồ của tổ tiên để lại như: “Kiệm Năng Thành” (Biết tiết kiệm thời gian, tài của thì sự nghiệp sẽ thành công), “Cần Hữu Công” (Cần cù là có ích), “Sáng Nghiệp Duy Nan” (Sáng lập cơ nghiệp là rất khó khăn nên đời sau phải biết trân trọng, giữ gìn), “Hữu Chí Cánh Thành” (Có chí sẽ thành công)… Các nghệ nhân còn chạm nổi trên đó những mô-típ trang trí truyền thống như: “chồng thư ống bút” và “mâm bồng lọ hoa”…

Trong những ngôi nhà cổ, chủ nhân còn bày biện trang trí những đồ dùng quý và đầy mỹ thuật: như treo những đôi lồng đèn cổ hình lục giác, hình bát giác, hình tròn, hình vuông, hình bầu dục ở các góc nhà, trên đó trang trí hình “bát tiên quá hải”, hoa mẫu đơn, rồng, phượng; tranh thủy mặc bằng mực Tàu với các đề tài: tứ thời, tứ dân… Ngoài ra còn có những bộ bàn ghế cổ, tủ gỗ, tràng kỷ, đôn thống có niên đại hàng trăm năm được chạm khắc trang trí độc đáo nhiều hình ảnh con sóc chùm nho, con dơi cánh xòe, dơi ngậm tiền, mây cuộn, những đường hồi văn. Bên cạnh đó còn trưng bày nhiều đồ gốm sứ cổ có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau: Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… Và nhiều chiếc đỉnh được chế tạo bằng đồng, bằng vàng với nhiều kiểu dáng, được bố trí ở những nơi hợp lý làm tôn vẻ đẹp sang trọng cho ngôi nhà.

*

*      *

Có thể nói, trong nhịp sống "sôi động" của du lịch Hội An như hiện nay, nhiều chủ nhân của một số ngôi nhà phố đã "sang nhượng" lại cho người khác (đến từ những tỉnh, thành phố khác), phần nào sự khác biệt về văn hóa đã làm thay đổi một phần nào đó kiến trúc cũng như trang trí của ngôi nhà. Nhưng qua những mô-típ trang trí nội thất, ngoại thất hiện hữu trên, chúng đã gắn chặt với kiến trúc nhà phố hàng trăm năm qua, đã trở thành một bộ phận hữu cơ, tạo nên đời sống văn hóa nghệ thuật phong phú của cộng đồng cư dân xưa ở Hội An.

Trải qua bao nhiêu năm tháng, với những thăng trầm của lịch sử và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt (cả con người) đã tác động lên quần thể kiến trúc khu phố cổ Hội An. Thế nhưng những đường nét chạm trổ kỹ lưỡng công phu ấy vẫn giữ nguyên dáng vẻ, tạo cho ngôi nhà mang những nét trang nghiêm, cổ kính và sang trọng của người xưa.

V.V.H

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cristoforo Borri. 1998. Xứ Đàng Trong 1621, (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và hiệu đính). Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Nguyễn Quốc Hùng. 1998. “Vài nét về di tích trong khu phố cổ Hội An”. Văn hóa Nghệ thuật. Số 8.
  3. Thích Đại Sán. 1963. Hải ngoại kỷ sự. Viện Đại học Huế - Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam.
  4. Nguyễn Hồng Kiên. 1998. “Về khu phố cổ Hội An”. Văn hóa Nghệ thuật. Số 8.
  5. Trần Kinh Hòa. 1957. “Phố người Đường ở Hội An vào thế kỷ XVII, XVIII và nền thương nghiệp của nó”. Tân Á học báo. 3(1), Tân Gia Ba.
  6. Kiêm Thêm. “Phố cổ Hội An”. http://newvietart.com/index4.1746.html
  7. Võ Văn Hoàng & Nguyễn Thái Hòa. “Tín ngưỡng thờ Môn thần ở Hội An”. Di sản Văn hóa. Số 3(44) năm 2013.
  8. Nguyễn Quốc Hùng. 1995. Phố cổ Hội An và việc giao lưu văn hóa ở Việt Nam. Nxb Đà Nẵng.
  9. Wilhelm Hoffmann. 1832. Beschreibung der Erde, nach ihrer natürlichen Beschaffenheit, ihren Erzeugnissen, Bewohnern und deren Wirkungen und Verhältnissen, wie sie jezt sind (Mô tả trái đất, theo cấu tạo tự nhiên, sản phẩm, cư dân, tác động và điều kiện của chúng hiện nay), Ein Hand-und Lesebuch für jeden Stand, Erster Band, E. Schweizerbart's Verlagshandlung, Stuttgart.


Chú thích:

[1] Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong 1621, (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và hiệu đính), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.92.

[2] Dẫn theo: Nguyễn Quốc Hùng, “Vài nét về di tích trong khu phố cổ Hội An”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 8 năm 1998, tr.42.

[3] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế - Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1963, tr.154.

[4] Dẫn theo: Nguyễn Hồng Kiên, “Về khu phố cổ Hội An”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 8 năm 1998, tr.47.

[5] Dẫn theo: Nguyễn Quốc Hùng, “Vài nét về di tích trong khu phố cổ Hội An”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 8 năm 1998, tr.42.

[6] Wilhelm Hoffmann, Beschreibung der Erde, nach ihrer natürlichen Beschaffenheit, ihren Erzeugnissen, Bewohnern und deren Wirkungen und Verhältnissen, wie sie jezt sind (Mô tả trái đất, theo cấu tạo tự nhiên, sản phẩm, cư dân, tác động và điều kiện của chúng hiện nay), Ein Hand-und Lesebuch für jeden Stand, Erster Band, E. Schweizerbart's Verlagshandlung, Stuttgart, 1832, tr.702.

[7] Trần Kinh Hòa, “Phố người Đường ở Hội An vào thế kỷ XVII, XVIII và nền thương nghiệp của nó”, Tân Á học báo, 3(1), Tân Gia Ba, 1957, tr.330.

[8] Khu phố cổ Hội An hiện nay nằm ở phía nam thành phố Hội An, dài khoảng 2 km, rộng 1 km, gồm các con đường chạy dọc ven sông Hội An theo hướng đông tây: đường Trần Phú (trước đây gọi là La Rue Japonaise), Nguyễn Thái Học (Rue Cantonaitre), Bạch Đằng, Phan Chu Trinh (Rue Minh Hương), Nguyễn Thị Minh Khai (Rue Khải Định); và các đường phố cắt ngang theo hướng Bắc Nam gồm: Trần Quý Cáp (Place du Marché), Lê Lợi (Rue Hội An), Nhị Trưng,...

[9] Kiêm Thêm, “Phố cổ Hội An”. http://newvietart.com/index4.1746.html

[10]  Xem thêm: Võ Văn Hoàng & Nguyễn Thái Hòa, “Tín ngưỡng thờ Môn thần ở Hội An”, Di sản Văn hóa, Số 3(44) năm 2013.

[11] Nguyễn Quốc Hùng, Phố cổ Hội An và việc giao lưu văn hóa ở Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 1995, tr.72.