Đối diện với sông Hàn - Uông Thái Biểu

01.06.2018

Từ một điểm cao có tầm nhìn xa rộng trên đèo Hải Vân nhìn về vịnh Đà Nẵng, sông Hàn trong buổi chiều còn chút nắng dịu trông như một dải lụa mềm thư thả bay về phía cửa biển. Ngắm sóng nước Hàn Giang chiều hôm lòng chợt nao nao cảm thức về quá khứ, về cổ sự và những cơ duyên lịch sử xảy ra trên mảnh đất giữa rốn trung phần hàng trăm năm trước. Đèo Hải Vân còn đây, dòng sông Hàn còn đó. Sơn ải và hải khẩu là những thắng địa bất biến làm chứng tích cho thời đã xa, thời mà tổ tiên khăn gói vượt rừng thẳm, sông sâu hành phương nam mở cõi. Từ đó mà đón nhận, mà hòa nhập, mà tiếp biến... và cả sự đồng hóa, song hành, tạo một nét riêng cho nền văn hóa Đại Việt ở xứ Đàng Trong.   

Đối diện với sông Hàn - Uông Thái Biểu

Lịch sử ghi rằng, năm 1293, sau khi đánh tan quân Nguyên Mông lần thứ hai, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông, ngài thăng vị Thái Thượng Hoàng và quyết chí tu hành. Năm 1301, Trần Nhân Tông có một cuộc viễn du sang đất Chiêm Thành tìm đạo và lưu lại kinh đô Đồ Bàn đến hơn chín tháng. Không biết Phật hoàng đã hứa hẹn điều gì với Chế Mân trong khoảng thời gian làm khách mà năm 1306 đã xảy ra cuộc hôn nhân cung đình nổi tiếng, công chúa Huyền Trân nhà Trần đã trở thành thê tử của Chiêm vương. Sính lễ Anh Tông nhận được từ em rể của mình là hai châu Ô, Lý. Đó là “mâm quả” Chế Mân sai Chế Bồ Đài dâng đến Thăng Long, vùng đất đai rộng lớn từ sông Gianh đến sông Thu Bồn. Cuộc hôn nhân lịch sử giữa công chúa Đại Việt và quốc vương Chiêm Thành có nhuốm màu sắc chính trị hay không, ai mà thấu được, khi chuyện cũ xảy ra cách nay đã ngoài bảy trăm năm. Chỉ biết rằng, cảm hứng từ đám cưới Huyền Trân từng ai oán thê lương trong nghệ thuật Việt. Bên kia Hải Vân, phía Huế, vẫn còn vọng câu Nam Bình khóc cho người Việt nữ rũ áo cố hương đi làm dâu xứ Chàm: “Nước non ngàn dặm ra đi - Cái tình chi - Mượn màu son phấn-
Đền nợ Ô - Li…”
 Câu ca nghe buồn hiu buồn hắt cùng điệu Lý qua đèo “ức ức... con vượn trèo” vọng trên Hải Vân sơn da diết như càng làm sâu thẳm hơn cái cảnh, cái tình của sơn thủy Hàn giang trong chiều cuối năm nhuốm màu khói sóng này...

Lịch sử thường chọn cho mình lối đi mà người đời sau không dễ lý giải. Câu chuyện của dòng sông bên thành Tourane - Đà Nẵng cũng vậy. Đó là dòng ký ức của những biến động đặc biệt không riêng gì Đà thành mà là nét gạch đậm trên bản đồ thông sử quốc gia. Cái tên Hàn môn lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ Thuận Hóa cuối thế kỷ XV đã sinh ra thành phố bên bờ sông này. Từ đó sông với phố đã hòa làm một. Sông với phố cùng chung số phận, cùng nổi, cùng chìm. Sông Hàn như một nhân chứng, như một tấm gương soi chuyện cũ vùng đất Thuận Quảng và sâu xa hơn là hình bóng của xứ Đàng Trong. Cuộc mở cõi kéo dài hơn 500 năm, từ đám cưới công chúa nhà Trần đến ngày Gia Long bình định xong đối thủ và lập vương triều Nguyễn (1802) đều lưu dấu hình bóng sông Hàn trên bản đồ Lâm Ấp - Đại Việt.

Đà Nẵng cũng nhận một sứ mạng thiêng liêng là gánh chịu những nỗi đau lớn của lịch sử đất nước. Hai cuộc xâm lăng vào thời gần nhất, kẻ thù đều chọn thành phố cửa biển này để nổ những phát súng đầu tiên. Liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã phóng đại bác vào cửa Hàn và thành Điện Hải buổi chiều ngày 31/12/1858. Người phố Hàn và cả nước đứng lên cùng các danh tướng Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương chống quân xâm lược. Từ 1858 đến 1860, máu nghĩa sĩ nhuộm đỏ sông Hàn, ngập thành Điện Hải, tràn khắp đồng ruộng Quảng Đà. Cuộc chiến không cân sức, cứ địa bên sông Hàn thất thủ, Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp. Chưa kịp mừng vì đất nước hòa bình sau chiến thắng 1954 thì hai miền chia cắt bởi thế lực ngoại xâm mới, tháng 3/1965, cửa Hàn lại chứng kiến những đợt sóng hận khi Mỹ chọn nơi này làm địa điểm đổ quân lên đất Việt. Đương đại, thành phố bên bờ sóng lại một lần nữa trở thành người lính tiên phong giữ biển. Có quá không khi nói, dòng sông Hàn được lịch sử lựa chọn làm chứng nhân “đứng mũi chịu sào” cho những biến động ở tầm cuồng phong thời cuộc.

Cuộc đối thoại với ký ức hàng trăm năm trước, với trầm tích, với man man cố sự thăng trầm. Đó là cuộc đối thoại sâu thẳm và hào sảng với sông Hàn. Nước sông Hàn như gương. Soi vào đó thấy hình bóng của chứng tích đau thương, thấy lớp lớp máu xương chồng chất, thấy giá trị của hạnh phúc và đậm đà phong vị văn hóa của một vùng non nước…  

 

2. Ở Đà Nẵng có hai bảo tàng lớn, đó là Bảo tàng kiến trúc Chăm mà người dân Đà Nẵng vẫn quen gọi là Cổ viện Chàm và Bảo tàng tổng hợp. Cả hai bảo tàng đều nằm ngay bên bờ tây sông Hàn. Trùng hợp ngẫu nhiên chăng khi những nơi lưu giữ ký ức xa xưa của vùng đất này lại gắn với mạch nguồn của dòng sông xứ sở. Có thể người Đà Nẵng đã nhận thức sớm, nếu lãng quên, đánh mất quá khứ thì thành phố sẽ y như người khổng lồ đãng trí.   

Chuyện hồi cuối thế kỷ 19, Công sứ Pháp ở Quảng Nam là ông Charles Lemire đi nhặt nhạnh những di vật Chăm về trưng bày ở Đà Nẵng để rồi sau đó Trường Viễn đông Bác cổ vào khai quật quy mô lớn và bắt đầu xây nên Cổ viện Chàm từ năm 1915 thì đã quá lâu rồi. Cũng quá lâu rồi nhưng ký ức Đà Nẵng không thể nào quên được là ba lần quân Pháp tấn công từ 1858 đến 1860. Vậy mà đã hơn 150 năm trôi qua, xương máu binh đao đã hòa vào thế sông, dáng núi. Hồn viễn xứ của hơn một ngàn quan binh Pháp tử trận trước cửa Hàn không biết có còn váng vất trên đá núi, vực sâu Sơn Trà. Bảo tàng Đà Nẵng, ý tưởng không biết do ai khởi xướng, lại được xây trên nền cũ cổ thành Điện Hải. Năm tháng, sự kiện, hoài niệm của thành phố lưu dấu từng ngày và sống động theo dòng hồi ức của người Đà thành...

Họ kể về những năm tháng cũ, thời Đà Nẵng là nhượng địa của Pháp với cuộc sống lầm than. Họ kể những ngày trước năm 1975, chuyện như còn mới. Ông bạn già ngồi cùng tôi ở nhà hàng Memory ngay mép cầu quay sông Hàn, kể: “Ngày xưa nhà hàng này gọi là Kim Đình Restaurant. Ngoài đường Bạch Đằng luôn tấp nập xe Jeep nhà binh. Tàu chiến và ca nô tuần tiễu quần nát sông Hàn. Bên kia sông, một căn cứ hải quân Mỹ và một bãi trực thăng ở gần cầu Đen, thỉnh thoảng bốc bụi mù mịt khi máy bay lên xuống. Đêm đêm đại bác ì ầm...”. Một bức họa chiến tranh khốc liệt, bức bối.

Cũng dòng sông này, sau 1975 là những cay cực hậu chiến. Thời của những chuyến tàu lầm lũi trong đêm vượt biên và những con tàu buôn hàng lậu từ đâu đó về. Thời của những chuyến phà kéo nặng nề bao cuộc mưu sinh qua lại đôi bờ đông tây cùng lời ca hiu hắt của ông già mù mà những người sống thời đó khó quên.

Cái thời... sông Hàn chảy giữa chia đôi thành phố. Bờ tây là Quận 1, Quận 2 và bờ đông là Quận 3 cũ (nay là Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn). Cách nhau một chuyến đò ngang mà như hai thế giới. Đêm đêm phía bờ tây điện rực sáng soi bóng những tòa cao ốc, còn phía đông là những vùng lập lòe. Đặc sản bờ đông là những dãy phố “nhà chồ”, những căn chòi chen cài trên kè đá, bên mép sông, chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể đổ sụp. Trong căn chòi vài chục mét vuông tôn, lá đó là vài ba thế hệ dân chài nghèo khổ chen chúc. Những khu “ba không”: không nước, không điện, không nhà vệ sinh. Phố “nhà chồ” hằng ngày hiện hữu nhức mắt như lời thách đố, đau đáu một nỗi niềm buồn...

Đến Đà Nẵng hôm nay không ai có thể tìm ra bóng dáng những dãy phố “nhà chồ” ở phía bờ đông nữa. Hình ảnh tối tăm đó đã lùi về ký ức, chỉ tồn tại với tư cách là một mô hình trong Bảo tàng để nhắc nhở cho thế hệ sau. Đó được coi là kỳ tích sông Hàn. Kỳ tích được bắt đầu khi thành phố chọn khởi điểm đầu tư phía bờ đông để tạo một bước đột phá. Bằng việc thực hiện Dự án Bạch Đằng Đông, khu đô thị mới bờ đông đã ra đời đáp ứng yêu cầu đảm bảo tính liên kết cảnh quan tự nhiên của sông Hàn với kiến trúc dọc sông, đón nhận tầm nhìn từ bờ tây; tạo cho đôi bờ dòng chảy một vẻ đẹp cân đối. Song trên tất cả những điều đáng nói ấy vẫn là câu chuyện về sự đổi đời từ đây của hàng ngàn hộ dân nghèo Đà Nẵng.

Chuyện của Đà Nẵng là chuyện những khu đô thị mới, chuyện giải phóng bờ biển và những con đường. Ấn tượng nhất là những cây cầu bắc qua sông Hàn mà sức hấp dẫn không hẳn ở kiểu dáng đẹp, hiện đại mà ý nghĩa hơn là “nối những bờ vui” xóa đi cái khoảng cách lưu cữu bên nớ, bên ni. Những cây cầu gánh trên mình trọng trách sẻ chia với hàng vạn cuộc mưu sinh, là biểu tượng của khát vọng vươn ra biển lớn, là nét thẳng trên biểu đồ phát triển. Từ những cây cầu, công cuộc chỉnh trang và phát triển đô thị đã diễn ra mạnh mẽ. Trên những núi cát tràn dài nhưng nhức suốt bờ biển trong những mùa nắng gió ngày xưa, giờ là những khu nhà mới cao tầng, là resort, khách sạn, nhà hàng, công sở, xí nghiệp, khu chế xuất... Tất cả tạo cho nơi ngày xưa tối tăm, nghèo khó một diện mạo mới, góp phần làm nên vóc dáng một Đà Nẵng hiện đại.

         

3. Nếu miền Trung chọn Đà Nẵng làm cỗ máy động lực cho cả vùng thì Đà Nẵng chọn sông Hàn làm dải lụa mềm tạo dáng cho cơ thể cường tráng của đô thị. Có sông Hàn duyên dáng thì phố đang phát triển bớt đi sự phô trương hào nhoáng mà trở nên hài hòa và cởi mở. Từ đôi bờ sông Hàn, có thể suy ngẫm nhiều điều. Trong đó, có một điều rõ nét: Khi cái tâm của nhà lãnh đạo và cái tầm của nhà chuyên môn gặp nhau, thì tâm huyết sẽ kết nối như những nhịp cầu nối hai bờ đông - tây.

Năm 2007, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, nói: “Chúng ta đã chiến đấu ngoan cường để thoát khỏi nỗi nhục mất nước, mất tự do, phấn đấu cật lực trong bảy năm ròng rã để đạt được đô thị loại I, thì chúng ta càng phải biết cách tiến lên mạnh mẽ hơn nữa để thoát khỏi nỗi nhục thất học, thất nghiệp, đói nghèo và lạc hậu”. Cũng năm đó, chuyên gia hàng đầu về kiến trúc Hoàng Đạo Kính, ghi nhận: “Có những đô thị thiêm thiếp trong giấc ngủ triền miên, bình yên nhẩm đếm năm tháng tuổi đời khả kính. Có những đô thị nhận ra vốn và sức bật trỗi dậy, vươn tới phồn vinh, hút và tảo, lọc và thải, kết tụ tinh hoa. Đứng ra nhận lấy chức phận con tàu phá băng. Đà Nẵng thuộc về trường hợp thứ hai...”.

                                        

Ngày xưa, tôi từng nhớ sông Hàn như nhớ rất nhiều những dòng sông trong tâm tưởng, nhớ mà chưa một lần được đặt chân tới đó. Nhớ sông Hàn bởi những dòng cổ sử xứ Đàng Trong, rồi bởi những trang văn của Nguyễn Trung Thành, Thanh Quế, Phan Tứ, Thái Bá Lợi, Dương Hương Ly đọc thời tuổi nhỏ. Và bây giờ, cơ duyên đã cho tôi trở thành cư dân bên bờ sông Hàn. Tôi vẫn nghĩ, sông Hàn là tấm gương trong. Soi vào đó thấy lung linh hình bóng văn hóa và tính cách con người xứ sở. Soi vào đó thấy ai làm điều tâm huyết, ích dân. Đối diện với sông Hàn là đối diện giữa tư duy cải cách, phát triển với những cách làm trọc phú, với sự len lỏi, khôn ngoan của những nhóm lợi ích.   

Không ai có quyền làm tổn thương sông Hàn. Dòng sông ấy đã chở trên mình bao nhiêu cố sự, bao nhiêu trầm tích, miên man những chuyện vui buồn của lịch sử trăm năm. Dòng sông ấy từng quặn thắt bởi những năm tháng mất mát, đau thương. Dòng sông đã là dòng tâm thức của cư dân đô thị bên bờ sóng biển Đông...

Chiều cuối năm, từ triền đèo Hải Vân ngắm dải sông Hàn, dòng cảm thức lịch sử từ hàng trăm năm trước trào về. Thử đặt bàn chân mình lên dấu chân của tổ tiên Đại Việt hành phương nam mở cõi. Cũng cảm nhận về một miền sáng lóa dưới chân đèo hiểm trở, chia cắt trong - ngoài. Cõi Hàn mở ra, cõi Đàng Trong mở ra. Sông thì vẫn thao thiết chảy như ngàn đời nay vẫn chảy. Không ai tắm hai lần trên dòng sông ấy. Chuyện cũ lâu rồi cũng nhạt, cũng phai. Chuyện mới đang bàn. Tương lai thì ở phía trước. Giữa ba chiều thời gian, đối diện với sông Hàn cũng là cách tự biện để tìm một con đường đi về phía trước đúng nhất.

U.T.B