Dòng sông hoa đăng

28.06.2022
Hồ Sĩ Bình

Dòng sông hoa đăng

Bến thả hoa sông Thạch Hãn. Ảnh Nguyễn Xuân Tư

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, Hội Nhà văn Đà Nẵng tổ chức chuyến thăm và sáng tác về vùng đất “giới tuyến”, “đất lửa” Quảng Trị. Các nhà văn đã đi thăm các di tích lịch sử tiêu biểu từ Thành cổ Quảng Trị đến vùng đất Khe Sanh máu lửa một thời. Tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu một số bài viết, sáng tác mới về Quảng Trị trong niềm xúc động và tri ân.

 

Gần 15 năm trước, những ngày lễ lớn như kỷ niệm Ngày Giải phóng Thành Cổ, Ngày Thương binh liệt sĩ, tôi có dịp trở lại Quảng Trị, nơi từng được nhân loại vinh danh là Thành phố tuẫn đạo (ville martyr).

Mấy ngày trước khi diễn ra lễ hội, đông đảo các cựu chiến binh trở về. Họ quần tụ bên nhau, thậm chí ăn bờ, ngủ bụi (vì ngày ấy cả thị xã chỉ có hai nhà nghỉ đã xuống cấp không đủ đáp ứng nhu cầu nghỉ lại). Các anh chị ấy bây giờ mỗi người mỗi công việc, mỗi địa vị khác nhau nhưng gặp lại đều bình dị. Lạ ở chỗ, ai cũng làm thơ, viết nhạc về mảnh đất Thành Cổ.

Họ thay nhau hát, đọc thơ gần như liên tu bất tận suốt cả đêm không ngủ về một chủ đề rất cũ. Nhiều người ở tận những miền quê xa, nhưng khi được hỏi về quê quán không ngần ngại trả lời: Thành Cổ. Cỏ lau Thành Cổ đã sinh thành những chiến binh làm thơ, viết nhạc. Như thể không làm khác đi được, cho dù đó là những dòng thơ nhạc dung dị, mộc mạc, đôi khi còn dễ dãi trong câu chữ, nhưng khi ai đọc lên đều bằng một rung cảm lạ thường đủ sức lay động tâm hồn người khác, chí ít trong không gian giữa ngàn lau Thành Cổ.

Di tích thành cổ Quảng Trị - Ảnh Nguyễn Xuân Tư

Bởi đó là nỗi ám ảnh kinh khủng của cả đời người về chiến tranh, niềm nhớ thương chưa bao giờ quên lãng với đồng đội, sự gian khổ của một thời tuổi trẻ, sự bầm tím tâm can để tiếp tục sống trong khắc khoải, nên chỉ có nghệ thuật mới có cơ may giải thoát nỗi niềm uẩn khúc của người chiến sĩ...

Chuyện kể hằng năm trong những ngày lễ trọng mà ai cũng biết về người chiến sĩ - nhà thơ Lê Bá Dương, quê ở Nghệ An đã tham gia suốt một thời binh lửa chiến tranh nơi miền cát trắng gió Lào cùng với biết bao đồng đội đã nằm lại giữa chiến trường. Máu xương của họ đã thấm vào hồn thiêng sông núi, mãi mãi tuổi thanh xuân gởi lại giữa ngàn lau Thành Cổ. Anh từng tỏ bày “nhưng tại Quảng Trị với 14 lần bị thương nên có thể nói được khai tử, khai sinh thêm 14 lần”, phải chăng mảnh đất này đã gắn bó như sinh thành và tái tạo nên cuộc đời Lê Bá Dương. Người chiến sĩ năm xưa lòng luôn nặng trĩu tình nghĩa đồng đội, những người anh em đã nằm lại trong muôn nỗi day dứt và ám ảnh suốt đời. Mấy chục năm nay, cứ đến những ngày lễ trọng, anh ra chợ Quảng Trị mua gom hết hoa kết thành những bẹ chuối, cắm hoa trên bè, thắp nến rồi thả xuống dòng sông để tưởng niệm các hương hồn đồng đội. Dòng sông Thạch Hãn đối với Lê Bá Dương là một dòng sông thiêng: “Mỗi lần về lại bến sông Thạch Hãn, tôi vẫn không dám vẫy vùng, chỉ sợ phá đi giấc ngủ của đồng đội. Có chăng chỉ vốc nước khỏa lên mặt như để gột giũa những bụi bặm cuộc đời”. Và anh chính là tác giả của bài thơ để đời mà bất cứ ai khi đi ngang qua sông Hãn đều thầm đọc lại:

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn lại bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sông nước

Vỗ yên bờ bãi mãi mãi ngàn năm

Điều muốn nói thêm là chuyện của người dân thị xã. “Bao nhiêu năm đã sống trên đất huân chương khó đủ từng viên gạch” (thơ Trần Bạch Đằng), nên trong tâm tưởng của người dân luôn cảm nhận đây là vùng đất tâm linh.

Họ sống bằng tâm thức của sự ngưỡng vọng và niềm tri ân, nên chính họ đã tự mình dâng hoa thả trắng cả dòng sông tưởng niệm. Những đêm lễ hội hoa đăng cũng thế, không chỉ của ban tổ chức lễ hội, của cựu chiến binh mà còn có hoa đăng của người dân đôi bờ đã góp phần tăng thêm sự huyền ảo, trang nghiêm cho dòng sông sử thi Thạch Hãn. Có lần, cũng trong đêm hoa đăng ấy, nhạc sĩ Đình Thậm từ Đà Nẵng ra, ngồi trên thuyền giữa dòng sông đầy hoa hát bài Nhớ mùa hoa ven sông rất hay. Tôi đã nghe Đình Thậm hát không biết bao nhiêu lần, thế nhưng đêm ấy thực sự anh hát thật ấn tượng làm xúc động biết bao người. Có lẽ, trong một không gian đầy hoài niệm tiếc thương của ngàn hoa thắp sáng cả dòng sông, người hát và người nghe đều đồng cảm chia sẻ nỗi niềm.

Cũng trong những ngày lễ, khói hương không chỉ nghi ngút ở đài tưởng niệm mà còn ngào ngạt giữa dân gian trong niềm xác tín rằng đây là ngày lễ trọng. Tất cả đều tự nguyện. Không có nghi ngờ gì nữa, họ đã chọn thái độ sống của cả một đời dân bằng trách nhiệm và sự tôn trọng với quá khứ. Cách hành xử ấy đã tạo nên không khí của nền văn hóa tâm linh của người dân thị xã Quảng Trị, để có thể gọi tên đó là bảo tàng sống của văn hóa chiến tranh Thành Cổ.

Và di tích lịch sử quốc gia Thành Cổ cần được viết thêm vào bia đá những nét đẹp văn hóa rất đáng được tôn vinh và trân trọng của ngày hôm nay.

 Mới đây tôi về lại Thành Cổ, vẫn là dòng sông êm đềm đó nhưng phố thị thì đã đổi thay nhiều, có thêm một cây cầu mới bắc qua sông. Mấy năm nay, thay vì chỉ ngày lễ trọng trong năm mới tổ chức thả hoa đăng trên sông để tưởng niệm vong linh những chiến sĩ đã ngã xuống thì ngày nay cứ mỗi đêm 14 Âm lịch hàng tháng người dân đôi bờ đều tự nguyện tham gia thả hoa đăng trên sông. Dòng sông hoa đăng ấy, ngoài lòng tri ân còn thể hiện một nỗi mong ước của người dân về niềm tin thắp sáng cuộc sống của một thị xã thanh bình.  

H.S.B