Những câu thơ chạm khắc vào thời gian

28.06.2022
Nguyễn Thị Thu Thủy

Những câu thơ chạm khắc vào thời gian

Ngũ Hành Sơn năm cụm ngắm

sông Hàn

Chùa Non Nước trầm tư hương

khói quyện 

(Tường Linh)

Địa danh Ngũ Hành Sơn (thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) không chỉ đẹp về cảnh trí thiên nhiên với sông, biển, núi, rừng mà đây còn là vùng đất thiêng với nhiều ngôi chùa cổ, những bia đá tượng Phật được xây dựng từ đầu thế kỉ XVII, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa Chăm pa một thời vang bóng. Từ lâu, các du khách xem Ngũ Hành Sơn là bức tranh hài hòa giữa nét họa kì thú của thiên nhiên và cái hồn thoát tục, để rồi trong cảm xúc dạt dào về cảnh non nước hữu tình, họ đã lưu lại trên vách đá những thi tứ trác tuyệt để ngợi khen. Trong hiện tại, bụi thời gian đã phủ mờ lên tất cả, nhiều bài thơ đã bị thời tiết của xứ sở “chưa mưa đà thấm” và rêu phong năm tháng, chiến tranh loạn lạc làm nhòe đi. Tuy nhiên đó lại là những “chứng tích sống” cho chúng ta hôm nay cảm nhận được giá trị lịch sử của một danh thắng đã ghi khắc nhiều dấu ấn vàng son trong tâm hồn du khách thập phương.

  1. Tiếng của người xưa

 Thơ đề vịnh kể xiết bao nhà thi bá/ Ngọn bút trần không tả nổi non tiên (Huỳnh Thị Bảo Hòa). Thật vậy, trước khung cảnh thần tiên của quần thể Ngũ Hành Sơn, du khách không thể kìm nổi cảm xúc để rồi thốt lên thi tứ để ngợi ca, tức cảnh sinh tình là vậy. Nơi đây, trời đất đã chọn và giao cho một vẻ đẹp riêng hiếm có của hồn thiêng đất Việt, đồng thời cụm núi nổi lên giữa đồng bằng duyên hải phải chăng đã kết tinh phát tiết cho học khí đất Quảng: Ngũ Hành Sơn bách niên chung tử khí/ Tam quế chi đồng nhật phát thiên hương (Ngũ Hành Sơn trăm năm hun khí tốt/ Ba nhành quế cùng ngày phát hương thơm); đây là đôi câu đối nhà thơ Đào Tấn tặng mừng  ba tiến sĩ: Phạm Tuấn, Phạm Liệu, Phan Quang trong “Ngũ phụng tề phi”.

Vùng đất hội tụ linh khí Ngũ Hành Sơn từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ. Theo tôi, có một dòng sông thi ca viết về nơi đây, dòng sông ấy có cội nguồn từ ngọn suối nhỏ chảy róc rách trong những hang động huyền ảo, bắt gặp sự tương giao đồng điệu của tâm hồn thi nhân. Mỗi thi phẩm viết về Ngũ Hành Sơn là một sắc màu riêng biệt in đậm cá tính của người thơ và dù bao thăng trầm của cuộc đời các bài thơ ấy vẫn rực rỡ sắc màu như “đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt”. Theo thống kê của Nguyễn Dị Cổ trong bài viết “Đọc lại thơ xưa Ngũ Hành Sơn” (báo Quảng Nam ngày 30/7/2016) và cuốn Ngũ Hành Sơn - vùng lịch sử, văn hóa tâm linh (Lê Hoàng Vinh - Lê Anh Dũng) thì có khoảng trên 20 bài thơ được khắc trên vách đá mà tác giả chủ yếu là các quan nhân dưới thời nhà Nguyễn, các Tăng sư… Phần lớn các bài thơ viết bằng chữ Hán, chỉ có vài bài viết bằng chữ Nôm, đáng kể nhất là Đáo Ngũ Hành Sơn của cụ Tam Nguyên Tôn Thất Mỹ, Nhớ Ngũ Hành Sơn của cụ Tiểu cao Nguyễn Văn Mại - nguyên án sát Quảng Nam 1898; Viếng cảnh Non Nước của Bà Bang Nhãn Lê Thị Liễu…

Thơ ca của người xưa đều thiên về vịnh cảnh sắc non nước hữu tình, nét đông vui rộn rã của du khách viếng chùa, tái hiện quang cảnh sinh hoạt của người dân nơi chân núi… Bài thơ Nhớ Ngũ Hành Sơn được khắc trên tấm bia trước động Hoa Nghiêm của Tiểu cao Nguyễn Văn Mại viết theo thể ca trù, một loại hình diễn xướng cung đình rất thịnh hành từ thế kỉ XV ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, từng được giới quý tộc và trí thức yêu thích: Phong nguyệt tịnh thần tân kết lữ/ Hành Sơn xuân sắc cận hà như… Lối xe ngựa sau sau trước trước/ Cảnh Bồng Lai nước nước non non… Này là hang Huyền Hạc/ Này là Động Thiên Long/ Này cửa Huyền Không/ Này là chùa Chân Tạng… Buồm hoạn hải gió lần thắng cảnh/ Khách Thiên Thai ngùi cảnh nhớ Thiên Thai. Bằng thanh âm giai điệu của nhạc thính phòng cổ, cụ Tiểu Cao đã để lại những câu ca tuyệt sắc và tôn vinh Ngũ Hành Sơn là chốn Bồng Lai, cảnh Thiên Thai khiến lòng ta bùi ngùi xúc động. Người xưa đà khuất bóng nhưng những câu thơ còn mãi với thời gian.

Thể thơ mà người xưa ưa chuộng là thất ngôn Đường luật; và cũng với thể loại ưa thích đó cụ Tam Nguyên Tôn Thất Mỹ (1860 - 1913) hiệu là Tam Xuyên, ở làng An Cựu; con người tài hoa với cuộc đời phiêu bạt đầy thăng trầm ấy, lúc đương thời ra làm quan đã từng từ Huế giong buồm Đáo Ngũ Hành Sơn:

Sáng ở ngoài Kinh, xế đến Hàn

Lá buồm lần nẻo Ngũ Hành Sơn

Chữ đề Linh Ứng chùa Non Nước

Dấu tạc Huyền Không tượng Phật vàng

Cây cỏ những khoe cùng tuế nguyệt

Lửa hương còn quyện với giang san

Sanh thành thử ngẫm có trời đất

Khéo để riêng cho một cõi nhàn 

(Bản dịch thơ của Nguyễn Bội Liên)

Giữa những bộn bề của đường hoạn lộ, con người tài ba phóng túng ấy vẫn dành chút thời gian quý báu, một chút “nhàn” để vịnh cảnh sinh tình với nước non; âu cũng là điều đáng để chúng ta nể phục. Tình yêu đất nước, niềm gắn bó với quê hương xứ sở bắt nguồn từ nỗi say mê cảnh trí thiên nhiên như hai câu Tam Xuyên đã vịnh: Cây cỏ những khoe cùng tuế nguyệt/ Lửa hương còn quyện với giang san.

Đến với những câu thơ của nữ sĩ Lê Thị Liễu, ta hòa cùng những rung cảm của Bà Bang Nhãn trước không gian sinh hoạt đậm chất thiền; quả thật đến với Ngũ Hành Sơn, hòa với thế giới của hang động chùa chiền, du khách trút bỏ mọi ưu phiền để đắm mình trong không khí tĩnh lặng, huyền ảo, lung linh. Nhưng với nữ sĩ, bài thơ ngoài nghĩa tả thực chốn Bồng Lai tiên cảnh còn là nỗi ưu thời mẫn thế, là tấc lòng của nữ sĩ khi đất nước đẹp xinh rơi vào tay thực dân Pháp:

Cảnh trí nào hơn cảnh trí này

Bồng Lai tiên cảnh hẳn là đây

Núi chen sắc đá pha màu gấm

Chùa nức hơi hương khói lộn mây

Ngư phủ gác cần ngơi mặt nước

Tiều phu chống búa tựa lưng cây

Nhìn xem phong cảnh ưa lòng khách

Vút mắt Trường Sơn ác xế Tây  

(Viếng cảnh Non Nước)

Bên cạnh những bài thơ chạm khắc trên đá vẫn còn vô số thi phẩm của những tác giả danh tiếng ngâm vịnh về vùng núi non thần tiên này. Đó là những sáng tác của công chúa Ngọc Lan (em vua Minh Mạnh), của nhiều văn nhân, tăng lữ và của các chí sĩ: Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Lê Bá Trinh, Huỳnh Thị Bảo Hòa… Song, những câu thơ của thi sĩ thơ mới Phạm Hầu về Vọng Hải Đài với cảm xúc vũ trụ bao la khiến lòng ta choáng ngợp: “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai”. Ý thơ vừa gợi tả cái vẫy tay ngoài không gian vô cùng vô tận khi đứng trên đài cao Vọng Hải vừa gợi lên khí phách cao ngạo của thi nhân trước dòng đời trong đục; đồng thời khắc đậm nỗi cô đơn sâu thẳm của tâm hồn. Lời tâm sự của người thi sĩ tài hoa yểu mệnh gợi ta liên tưởng đến nỗi đơn côi tận cùng của nhà thơ Lí Bạch trong “Độc tọa Kính Đình Sơn”: Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ nhàn/ Tương khan lưỡng bất yếm/ Chỉ hữu Kính Đình sơn (Chim đã cao bay hết/ Một làn mây nhẹ qua/ Trông nhau mà chẳng chán/ Núi Kính Đình cùng ta).

  1. Lời đồng vọng hôm nay

Đá khắc chùa danh bia chửa mục/ Vàng đề bút ngự chữ còn tươi quả thực lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng ngày nào như còn vọng mãi bởi những dòng thơ khắc trên đá có thể mờ bởi thời gian nhưng sẽ không bao giờ phai phôi trong tâm khảm người đời. Ngũ Hành Sơn cũng vậy, cho đến hiện tại miền sơn thủy hữu ý ấy vẫn có sức thu hút lớn lao đối với hàng triệu du khách, đặc biệt là lễ hội Quán Thế Âm diễn ra vào 19 tháng 02 Âm lịch tại hòn Thủy Sơn khiến dòng người trẩy về đây không dứt.

Trải qua bao cuộc bể dâu, thắng tích vẫn là nguồn cảm hứng ngút ngàn của bao thi sĩ đương thời. Có thể những câu thơ hiện tại không còn được khắc trên đá bởi thời đại công nghệ tiến bộ vượt bậc song là tiếng lòng đồng vọng của con cháu hôm nay thành kính với người xưa. Có hàng trăm thi phẩm viết về Ngũ Hành Sơn với những tên tuổi: Tường Linh, Phụng Lam, Trinh Đường, Đinh Vũ Ngọc, Ngân Vịnh, Đỗ Xuân Đồng, Nguyễn Nho Khiêm, Bùi Xuân, Lê Anh Dũng, Trần Tuấn… Thơ nay viết về Ngũ Hành Sơn đa dạng thể loại; mỗi tác phẩm là một góc nhìn riêng, không đơn thuần vịnh cảnh mà gắn bó với đời thường nên gần gũi, thân quen nhưng thi ảnh vẫn giàu chất họa; nhiều bài đề cập đến quang cảnh sinh hoạt tâm linh của ngày Quán Thế Âm, cảm tác về những bức tượng và tài điêu khắc đá của những nghệ nhân thầm lặng nơi chân núi Ngũ Hành, vẫn có đôi bài nặng niềm thế sự, nhiều bài là lời tri âm của ngàn sau đối với ngàn xưa: Tôi ngửa tay hứng từng giọt sữa/ Nghe khí thiêng sông núi thấm vào hồn (Bên vú đá Ngũ Hành Sơn, thơ Trinh Đường), Ngập ngừng nắng, ngập ngừng mưa/ Nhẹ tênh cơn gió-gió vừa mông lung/ Trời xanh một mảnh trên lưng/Có con hạc đá trông chừng muốn bay (Động Huyền Không, thơ Ngân Vịnh)…

“Thơ là thơ đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng” (Sóng Hồng). Mỗi nhà thơ là một họa sĩ khắc chạm lên cuộc sống bức tranh non nước quê hương cùng những suy ngẫm về thế sự mà mình đã trải nghiệm bằng tài năng xúc xắc ngôn từ. Đến với những câu thơ khắc tạc trên đá núi vượt quy luật thời gian của người xưa và lắng lòng để thưởng thức vần thơ viết hôm nay, ta rung cảm cùng nỗi niềm của thi nhân, gắn bó và yêu quý biết bao vẻ đẹp huyền bí, thanh cao thoát tục của quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn:

Gió lộng ngân thơ “Vọng Hải Đài”

Người muôn năm cũ mãi còn ai?

Hoa cương dấu đạn hai mùa lửa

Rạng nét hùng văn dưới nắng mai.

(Tường Linh)

N.T.T.T