Góc nhìn của người xem tranh và họa sĩ

05.04.2024
Thân Trọng Dũng

Góc nhìn của người xem tranh và họa sĩ

Người khách Tây bên tác phẩm Cánh đồng chiều của họa sĩ Vũ Trọng Anh.

Khả năng cảm nhận vẻ đẹp của những tác phẩm nghệ thuật ở mỗi cá nhân là khác nhau. Hội họa cũng là một ngành nghệ thuật thưởng lãm thị giác, họa sĩ cảm nhận về tranh khác với một nhà phê bình, nhà phê bình này lại có góc nhìn khác với nhà phê bình khác, khách xem tranh cũng mỗi người một kiểu..., mỗi người sẽ có các góc nhìn khác nhau khi tiếp cận tác phẩm dựa trên nền tảng kiến thức, sự trải nghiệm và quan trọng là cảm nhận cá nhân của họ. Hơn thế nữa, đó cũng chính là sự đồng điệu, gặp nhau giữa những tâm hồn của người họa sĩ và công chúng yêu nghệ thuật thị giác.

Mối liên kết giữa họa sĩ và người xem tranh là mối quan hệ đặc biệt giữa cảm nhận của người xem và cảm xúc thăng hoa của họa sĩ. Họa sĩ truyền tải thông điệp, cảm xúc, ý tưởng của mình, sự sáng tạo trong bố cục, hình, đường nét. Các tác phẩm hội họa không phải sẵn có trong sáng tạo của họa sĩ mà phải qua nhiều trải nghiệm để tích lũy vốn sống từ thực tế khách quan liền mạch với quan điểm và phương pháp sáng tác. Các chuẩn mực của họa sĩ quyết định cách nhìn, cách nghĩ và quan trọng cuối cùng là tiêu chuẩn cái đẹp và hiệu quả chất liệu trên từng tác phẩm. Hội họa là để tôn vinh vẻ đẹp của tự nhiên, công việc sáng tác vô cùng phức tạp từ cảm xúc của họa sĩ đối với thực tế xã hội. Từ sự ghi nhận bằng mắt thường để tích lũy vốn kiến thức. Ghi chép tư liệu hay từ sự ngẫu hứng bộc phát, tình cờ để đạt đến tính thẩm mỹ, cũng như tìm tòi sáng tạo cái mới.

Thưởng lãm hội họa thực tế rất cần sự hiểu biết về lịch sử mỹ thuật, văn hóa vùng miền, vốn sống, vốn kiến thức nhìn và thấy từ thực tế cuộc sống. Chính vì những yếu tố này, mỗi người xem sẽ thấy ý nghĩa, và nội dung tác phẩm khác nhau. Họa sĩ là người truyền đạt thông điệp, cảm xúc, ý tưởng của mình thông qua hình tượng, màu sắc, bố cục,… Người xem vận dụng kiến thức để suy nghĩ, đọc cách truyền đạt ý tưởng như một cách giao tiếp không lời. Họa sĩ và người xem tranh kết hợp những yếu tố đó tạo ra 1 sự giao lưu tinh thần giữa 2 bên giúp mở rộng sự hiểu biết.

Để hiểu nghệ thuật, so sánh phân tích cái đẹp của mỗi tác phẩm, tác giả, người xem nên có sự hiểu biết về hội họa, lịch sử mỹ thuật. Ngôn ngữ không lời nó luôn gắn liền với cách nhìn, cách cảm thụ nghệ thuật về phương pháp sáng tác cá nhân về thời kỳ người họa sĩ đang sống và làm việc. Người xem tranh có mối quan hệ đặc biệt với họa sĩ, chính họ là những người đầu tiên thấy được sự tiến bộ, nỗ lực và cái nhìn đa chiều qua tác phẩm của họ.

Vốn dĩ sự cảm thụ, sức sáng tạo, khả năng diễn đạt nghệ thuật của họa sĩ như là năng khiếu bẩm sinh. Có những người không có trình độ hiểu biết về nghệ thuật nhưng đứng trước tác phẩm họ cũng cảm nhận được những xúc cảm tinh tế, thăng hoa, những nét cọ chính xác nhưng vẫn giữ được nội lực để truyền cảm xúc đến bất ngờ.

Tình cờ lướt trang mạng xã hội cá nhân của họa sĩ Vũ Trọng Anh có bài viết rằng: “Tôi thấy người Tây hay ở 1 điều là họ, những người trẻ tuổi rất yêu hội họa và họ thốt lên với tôi rằng… Tôi không thể đi nếu không mang theo bức tranh này.”

Trong một lần đi xem triển lãm tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đi ngang qua một phòng tranh chép thì bất ngờ khi được nghe các bạn du khách người nước ngoài thốt lên khi xem các bức tranh, họ dễ dàng phát hiện ra những bức tranh đó thuộc trường phái hội họa nào và lý lịch của những họa sĩ đó.

Từ thực tế đó cho thấy, học xem tranh là thật sự cần thiết, cũng còn sớm để đặt ra câu hỏi: “Học xem tranh là học những gì, học từ đâu?” để hoàn thiện sự cảm thụ bên ngoài, đường nét, bố cục, màu sắc, nội dung. Các trường phái hội họa như lập thể, siêu thực, trừu tượng, hiện thực, ấn tượng,… bên trong là nội lực tâm thức, góc nhìn xã hội, nội dung và đề tài.

Nhìn chung, người xem tranh đóng vai trò quan trọng trong quá trình cảm thụ và tương tác với tác phẩm, tác giả từ cách vận dụng kiến thức về lịch sử mỹ thuật, thực tế cuộc sống, ngữ cảnh của xã hội. Từ đó họ có thể so sánh tác phẩm của họa sĩ này với tác phẩm của họa sĩ kia. Hay họ có thể hiểu được sự sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ trong hoàn cảnh tác phẩm ra đời. Hiểu và đánh giá tác phẩm nghệ thuật là cả quá trình đọc và học để mỗi người xem tạo ra trải nghiệm và suy nghĩ riêng về nghệ thuật.

Có như vậy họa sĩ và người xem tranh mới góp được tiếng nói chung để thúc đẩy sự phát triển của mỹ thuật, sự giao lưu tinh thần giữa họa sĩ và người xem, từ đó cùng tạo ra một cộng đồng mỹ thuật sôi động và phong phú.

T.T.D