Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng

05.04.2024
Trương Văn Khoa

Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng

Tác giả Trương Văn Khoa tại Hòn Kẽm - Đá Dừng

Cuối thu năm 2023, tôi trở lại vùng Tây Thăng Bình (Quảng Nam), nơi có Phật viện Đồng Dương, có hồ La Nga - Cao Ngạn, một công trình đại thủy nông, được hình thành từ công sức nhọc nhằn của người dân nơi đây. Mỗi lần rong ruổi về miền quê hương nghèo khó này, băng qua những đồi núi dọc dài theo Quốc lộ 14B, những kỷ niệm xưa lại ùa về như câu chuyện của ngày hôm qua. Năm tháng cứ thế vội qua đi, con người và cuộc sống cũng đã đổi khác nhiều, chỉ có kỷ niệm là vẫn còn nguyên vẹn. Âm nhạc cũng như thế, cho dù gần 50 năm, mỗi lần về quê, tôi cứ nhớ mãi ca khúc “Hồ Cao Ngạn” (sáng tác 1977), một sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Bích còn vang mãi trong tôi đến bây giờ:

“Trên núi rừng La Nga - Cao Ngạn

Sớm mai, nắng trải ven đồi

Mà vui sao như mùa xuân tới

Mà rộn ràng lời ca bay xa…”.

Ngoài hồ La Nga - Cao Ngạn, Phật Viện Đồng Dương được xem là dấu tích cổ xưa nổi tiếng của người Champa (sau này, tôi viết rất rõ trong cuốn sách “Nụ cười Bayon” - Nhà xuất bản Hội nhà văn 2008). Thế nhưng, nơi mê hoặc tôi nhất vẫn là là “Hòn Kẽm - Đá Dừng”, danh thắng đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người dân Quảng Nam.  

Nắng thu vàng ươm, trải dài trên những lối đi ven đồi. Chiếc ô tô phóng nhanh về thị trấn Tân Bình (trung tâm huyện Hiệp Đức). Cảnh vật vẫn như xưa, phố xá nhiều hơn thời tôi làm việc cách đây chừng 40 năm. Ghé vào một quán café ven đường, hỏi đường đến Hòn Kẽm Đá Dừng.

Vừa nhấp ly café, cô chủ nhìn tôi:

- Có phải anh ở Đà Nẵng lên không?

Tôi ngạc nhiên:

- Sao cô biết giỏi vậy?

Cô mỉm cười đáp:

- Nhìn biển số xe 43A là biết ngay!

Tôi bắt chuyện về danh thắng để khỏi bị lạc đường. Cô chủ quán hiếu khách, nhiệt tình trả lời:

- Từ đây lên bến đò, dưới chân cầu Trà Linh, chừng 11 km. Đường gập ghềnh khó đi nhưng ô tô đi được. Đến đó, anh gọi đò chở đi, có khoảng 3 đến 4 thuyền của cha con ông Lân.

Cô tiếp tục:

- Mùa này vắng khách, chủ đò thường trồng trọt thêm, nhiều người phải gọi trước mới có đò đón khách.

Cảm ơn cô chủ quán café hiền hòa, tôi đánh xe rẽ phải, hướng về làng Trà Linh.

 Chim rừng hót vang dưới những tán lá cây hai bên đường. Vài cô sơn nữ dừng chân ngơ ngác nhìn theo chiếc ô tô len lỏi xuyên qua đồi núi chập chùng.

Chừng 30 phút, chúng tôi đến thôn Trà Linh, một đoạn nữa là bến đò dưới chân cầu Trà Linh. Cầu Trà Linh được đầu tư hơn 120 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ giữa năm 2018, đã đưa vào sử dụng, góp phần xóa bỏ tình trạng “đò ngang cách trở” bao đời giữa người dân 2 thôn Trà Linh Đông và Trà Linh Tây.

Nơi “thâm sơn cùng cốc” vắng lặng không một bóng người, Vài con trâu ngâm mình dưới dòng nước trong xanh mát lạnh. Non nước hữu tình, những con đò nhỏ nằm im đợi khách.

Sông Thu Bồn bắt nguồn từ ngàn khe, trăm suối trên cao nguyên Ngọc Linh (Kon Tum), qua Trà My hợp lưu với sông Tranh, đến Tiên Phước hợp lưu với sông Tiên thành một dòng chảy lưu vực Hiệp Đức - Quế Sơn, tạo nên một danh thắng tự nhiên hùng vĩ.

Người Quảng Nam gọi lưu vực này là Hòn Kẽm - Đá Dừng. Đây được xem là danh thắng nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, song do địa hình núi non hiểm trở nên đến nay vẫn chưa có nhiều người đặt chân đến được nơi này. Hòn Kẽm Đá Dừng, tên gọi từ lâu đời, gắn liền với những truyền thuyết dân gian đậm sắc màu huyền hoặc của núi rừng, sông suối và bao thân phận của người dân nghèo khó ngược dòng Thu Bồn khai hoang, mở đất. Dòng sông vùng thượng nguồn lững lờ trôi qua những hẻm núi dựng đứng, đẹp như tranh vẽ, nơi có nhiều địa danh rất quen thuộc với người  dân nơi đây như Tứ Nhũ, Bà Thiêng, Đá Bùa, Đá Dựng, Khe Nghiêng, Gành Tiên, Ba Hang, Nước Mắt. Hầu hết đều thiên tạo chẳng hạn như một mỏm đá nhô ra, bãi cát nhỏ trắng phau, đỉnh núi phủ dày cây cối xanh mướt. Nước từ mạch ngầm của Hòn Kẽm cứ theo các kẽ đá nhô ra nhỏ tí tách hàng ngàn năm xuống dòng nước trong xanh.

Đá Bùa là một văn bia cổ của người Chăm được chạm khắc từ lâu đời luôn ẩn chìm dưới nước ngay dưới chân vách đá Thạch Bích. Văn bia gồm hai hàng chữ Sanskrit mỗi hàng dài 2m, thân chữ cao 15 cm ngoằn ngèo cao khoảng 15cm, dài 2m, nhiều nét bị mờ do nước chảy bảo mòn, được một tham tá người Pháp của tòa Công sứ Hội An, phát hiện năm 1908. Có nhiều truyền thuyết được thêu dệt xung quanh hòn đá “thiêng” này nhưng đây chỉ là di tích xưa của người Champa. Hai hàng chữ của văn tự này được giáo sư người Pháp Edouard Hubert (Trường Viễn Đông bác cổ Pháp - Hà Nội) giải mã, dịch sang mẫu tự Latinh vào năm 1911:

“Cri Campecvaro vijayi mahipati Cri.

Prakàcadharmmeti sthàpitavàn Amarecam iha”

Tạm dịch:

“Hoàng đế Prakacadharma, vua nước Champa vinh quang muôn năm

Chúa đất nơi đây xin dâng cúng đấng Siva này”.

Theo ông E. Hubert, trước đây còn có một vật tượng linga đặt trên văn bia cổ này này nhưng bị lũ lụt trôi mất. Văn khắc này là một trong 40 văn khắc Chămpa rải rác ở Quảng Nam.

Hàng năm vào ngày rằm tháng 8, khi nước sông thường cạn, hai dòng chữ lạ của văn bia cổ mới lộ thiên, ngư dân các vùng thượng nguồn sông Thu Bồn thường mua sắm hương hoa, lễ vật mang tới đây để cúng thần linh.

Có thể nói rằng, Hòn Kẽm Đá Dừng được xem là một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo nhất của miền sơn cước xứ Quảng. Núi đá cao chót vót nghiêng mình trầm tư soi xuống dòng sông cô quạnh, khiến non nước nơi đây như một bức tranh thủy mặc hiền hòa và thanh bình.

Đi dọc bờ sông chừng 15 phút, người lái đò (tên Lân) mới đến bến. Dường như nhà ông ở xa bến, khách vắng nên khi nào có người, ông mới đến, thời gian còn lại, ông trồng trọt hoặc chăn trâu bò.

Tiền đò 50.000 đồng/người, chúng tôi lên một chiếc thuyền bằng gỗ. Đò rời bến xuôi về hạ nguồn. Nước sông trong vắt, mát lạnh, uốn lượn qua những vách núi đá dựng đứng hai bên sông, kéo dài trên nền trời xanh thẳm khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên hữu tình và thơ mộng.   

Khi được hỏi tên thật của địa danh, ông Lân, người lái đò lâu năm ở đây nói rằng:

- Tổ tiên của tôi ở vùng đất này gọi là Hòn Kẽm - Đá Dựng chứ không phải là Đá Dừng. Anh nhìn thấy 2 bên bờ, đá dựng đứng hết lên đó!

Vừa lái đò, ông Lân kể chuyện:

- Đi Hòn Kẽm - Đá Dựng từ huyện Hiệp Đức gần hơn, cách thị trấn 11 km là thôn Trà Linh, đến cầu Trà Linh, xuống đò, xuôi dòng là ngang qua danh thắng này.

Ông tiếp tục:

- Đi ngã Nông Sơn (Quế Sơn) xa lắm, đường bộ hoặc đường sông, đến Hòn Kẽm - Đá Dừng 3 đến 4 tiếng đồng hồ.

Mùa hè, dưới đồng bằng nắng nóng 38 độ nhưng ở đây, đi thuyền giữa sông, gió lồng lộng, mát lạnh cả tâm hồn.

Khi hỏi về độ sâu của dòng sông, ông trả lời:

- Nước sông đoạn này sâu lắm! Có một lần, đoàn khảo sát khí tượng thủy văn về đây, họ lấy máy đo độ sâu, cảnh báo đoạn sông này sâu tới 40 - 50 mét.

Viếng thăm Dinh Bà Trà Linh (tại thôn Trà Linh Đông, xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức). Theo truyền thuyết, Bà Trà Linh là nữ tướng nhà Lê, người có công sáng lập ra làng Trà Linh ngày nay và giúp dân làng có cuộc sống bình yên, no ấm. Để tưởng nhớ công ơn của Bà, năm 2002 người dân làng Trà Linh đã xây dựng miếu Bà dưới chân Hòn Kẽm - Đá Dừng và tổ chức lễ cúng vào ngày 14.2 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, nhiều hạng mục của ngôi miếu đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2019, miếu Bà Trà Linh đã được xây dựng mới lại để người dân đến viếng hương.

Chia tay người lái đò, chúng tôi quay trở lại làng Trà Linh, nắng đã xế về bên kia núi, gió sông mơn man một vùng ký ức, từng đàn trâu lững thững đi về dọc bờ sông hoang vắng. Đến Hòn Kẽm - Đá Dừng như tìm về một xứ sở bình yên, thơ mộng và đầy ắp những kỷ niệm sông núi một thời, được vỗ về trong sóng nước trong xanh, để nhớ lại người mẹ Quảng Nam ầu ơ bên vành nôi thuở nào:

“Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng

bậu ơi

Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng”.

T.V.K