Tiếng quê tôi

05.04.2024
Nguyễn Châu

Tiếng quê tôi

Xa quê đã lâu nhưng hằng năm vào mùng Năm tháng Ba (âm lịch), tôi thường hay về nhà thờ Tộc Nguyễn Văn ở Hạ Nông, Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam dâng hương - Mùa Thanh Minh. Các anh chị họ của tôi đã hơn 80 nhưng vẫn còn minh mẫn chống gậy về nhà thờ, gặp nhau mừng rơn, ôm nhau như ngày còn trẻ nhỏ. Chị Hai cầm tay tôi run run hỏi:

- Chớ mi dìa (về) hồi mô?

- Dạ, mới bước vô...

- Thằng Dũng hắn còn lí lắc không mi? Cái thằng ngó rứa mà tội. Hồi mô dìa cũng qua thăm chị...

Chị Ba xen vô:

- Con dzợ (vợ) hắn lùn tịt mi hỉ, đi đứng y chang như lỗ (lão) Tốm (Tám)...

Anh hai Đẳng (chồng chị Hai) từ ngoài bước vô ôm vai tôi lắc lắc:

- Cậu dìa được mấy bữa? Túi (tối) qua anh ngủ hỉ? Chu choa cậu làm cái chi mà đen thui, ốm nhom ốm nhách. Chắc ham đi rượng chớ chi?

- Mô Phật! Anh nói dị òm, chị Hai nghe chỉ chửi um lên chừ!

Chị Hai hấp háy đôi mắt đã lòa như muốn hỏi hai anh em nói cái chi.

Anh hai Đẳng biết ý nói lớn:

- Lỗ (lão) Châu ni loạng quạng hung! Năm ngoái tui dzô thăm, lỗ còn ú na ú nần chớ mô có giống cò ma như ri...

- Chớ mi lồm (làm) cái chi mỵ (lạ) rứa mi? Có đau chi không?

Bỗng có tiếng con nít khóc ré lên, chị Ba quay vào nhà sau nói lớn:

- Mi ủm (ôm) cho nó bú xí, sáng chừ nó thét (ngủ), thèm dzú (vú) đó!

Trên nhà thờ Tộc đã có tiếng chiêng, trống giục giã con cháu tụ về.

Anh Tam trưởng tộc râu tuy hơi bạc nhưng tóc vẫn còn đen, khăn áo chỉnh tề bước xuống thềm dang tay đón con, cháu tha phương, những khuôn mặt măng non rụt rè bên cha mẹ ngỡ ngàng nhìn những ông già bà lão họ hàng thân tộc nhưng chưa hề được gặp. Chỉ mới vài năm đã thêm nhiều dâu rể mới.

Anh Tam vừa xong lạy tạ, con cháu lần lượt dâng hương và quỳ lạy tổ tông, ông bà.

Những con cháu ngoại không kể lớn nhỏ được ưu tiên ngồi mâm sau bậc trưởng thượng, con cháu nội lăng xăng phục dịch và được ngồi... nhậu sau cùng.

Tiếng cười nói, vui mừng chào hỏi nhau rộn rã. Biết bao nhiêu kỷ niệm của tuổi thơ nơi miền quê nghèo khó năm xưa dâng tràn theo nhịp nhớ. Anh Ngo lui cui đốt áo giấy, vàng tiền ngoài cổng, mồ hôi chảy dài trên má, chiếc khăn đóng hất ngược không đủ che mát dưới ánh nắng gay gắt của tháng Ba, tà áo dài đen phất phơ theo cơn gió nhẹ...

Anh Ngo - con bác tôi, hơn tôi một tuổi nhưng cùng lớp, học xong tiểu học anh ở nhà giữ trâu... anh em đã từng đánh nhau vì trái xoài ở Miếu Bà hay giành giật nhau trái ổi...

Anh nói:

- Mi đừng bước tới, miệng cống hầm hinh coi chừng lọt...

- “Lọt sàng xuống nia”. Lồm (làm) chi hung rứa anh! Chị bốn Lung còn khỏe không anh?

- Chỉ ngủm (chết) rồi!

Tôi nhìn sang nhà chị bốn Lung, hàng dâm bụt vẫn xanh um nhưng cửa đóng then cài, không còn thấy bóng dáng nhỏ nhoi của chị đã từng cõng tôi đi học trong mùa đông lạnh lẽo, đường lầy lội thuở nào...

Chu choa, mỗi lần về quê tôi mới được nghe lại tiếng quê mình khiến tôi ứa nước mắt.

Bao nhiêu năm xa xứ, giọng tôi lai rồi. Không phải ngụy biện nhưng nghề gõ đầu trẻ khiến tôi đã lai... học trò tôi!

Nhà thơ Tường Linh (1931-2021) cũng tha phương nên da diết nhớ, nhớ miền quê không có xe... lam:

“Rủ nhau vô núi hái chơm chơm

Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm

Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc

Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm

Mùa đông tơi lá che mưa bấc

Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm

Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa

Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!”.

Tôi nhìn quanh không thấy chị năm Nhươn, chị Ba vừa bỏm bẻm nhai trầu, lấy tay chỉ vô bếp:

- Hắn ngồi chò hỏ kia kìa...

Chị năm Nhươn - con cô tôi, dù quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng đồng nhưng dáng người thon thả, làn da trắng bóc và tâm hồn mơ mộng, thích làm thơ, ca hát. Chị năm Nhươn đẹp nhất làng tôi nhưng số chị lận đận chuyện chồng con, thiệt là “hồng nhan bạc phận”. Vừa mới mười bảy tuổi, cô tôi đã gả chồng, chưa được mấy ngày, chồng đi biền biệt. Hơn mười năm sau tái hợp được vài tháng, rồi anh bị đưa sang Campuchia mất xác, chị thành vợ liệt sĩ khi tuổi đời chưa đến ba mươi.

Thấy tôi, chị đứng vụt dậy, thụi (đấm) vào lưng tôi bình bịch.

Chị cười to:

- Thấy thằng ni nhớ chuyện hắn với thằng Ngo ở truồng chạy tồng ngồng về nhà vì tội tắm ở đàng nước (mương thủy lợi) bị ông Bề “ba-te” ôm quần giú (giấu) bụi tre...

- Chuyện xưa quắt, chị kể chi con cháu nó cười...

- Hồi nớ tụi bay lung (nghịch ngợm) quá mà! À mà có đem tập thơ nào dìa tặng chị không?

- Em lùng (làm) miết mới tìm được truyện thơ “Đồi thông hai mộ” (Tùng Giang - Vũ Đình Trung):

“Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ

Anh của em yêu quý nhất đời

Anh đi mù mịt xa khơi

Phượng hoàng tung cánh phương trời mãi bay”.

Tôi vừa đọc xong, nhìn chị ngồi bó gối buồn hiu, tôi hối hận vì đã vô tình khơi lại niềm đau của chị.

Bóng nắng đã ngả về chiều, làn gió nồm mát rượi, hàng tre nghiêng ngả, tiếng chim chíp của bầy chim dồng dộc non chờ mẹ. Giọng hò ru em từ đâu nghe mơ hồ từ bên kia rộc (ruộng sâu) vọng về:

“Bồng em mà bỏ vô nôi

Để mẹ đi chợ, mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán, Chợ Cầu

Mua cau Bất Nhị, mua trầu Hội An

Hội An bán gấm bán điều

Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành”.

Anh Ngo kéo tôi lên nhà trên, ngang qua bàn các cháu, tiếng mời xen lẫn cụng ly, những giọt bia lóng lánh tình cốt nhục khiến anh Ngo chạy làng, phần tôi lãnh đủ.

Thằng cháu “ông ngoại trẻ” mới quá năm mươi, thay mặt con cháu chúc mừng 100% với ông “cố” chú.

Ông chín Sâm, nay đã 90 ngoài - ngày xưa học trò nội tôi, năm nào cũng về giỗ, chạp. Ngày xưa ông cũng thầm thương trộm nhớ cô tôi - mẹ chị năm Nhươn. Nhìn ông lụm cụm quỳ lạy, dù ông không bà con dòng họ, tôi cảm thấy lòng mình xốn xang vì chưa làm tròn đạo hiếu.

Ông ôm cây đàn, tiếng đàn ngân rung theo giọng đã khê vàng của ông:

“Đờn cầm đờn sắt đờn ca

Đờn sáu dây anh cũng gảy giao hòa

Đờn chi anh chơi cũng đủ

Duy chỉ có đờn bà anh chưa chơi!

Anh đến đây xin dặn em đôi lời

Nếu anh không cống líu

Xin em thời đừng có xàng xê”

(Dân ca Quảng Nam)

Bọn trẻ reo hò hè nhau làm kiệu đưa ông chín Sâm đi quanh sân, cùng nhau hòa điệu theo ông...

Tình yêu non sông, đất nước lớn dần theo bước chân đi, xa quê có ai nhắc về cố hương của mình đã có lòng thiện cảm. Khi còn ở quê nhà cùng làng cùng xóm vì chuyện cỏn con đã đánh nhau chí chóe nhưng lúc tha phương chỉ cần nghe giọng nói đã lâng lâng niềm cảm mến. Còn gì vui hơn “Tha hương ngộ cố tri” nhưng cũng éo le khi “đào trái tha hương ngộ cố tri” (thơ Bùi Hữu Nghĩa).

Nhưng đến một nơi nào đó ở Đông Nam Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông... chỉ cần nghe tiếng Việt thôi đã có tình cảm như anh em ruột thịt không cần biết Bắc, Trung, Nam...

Rồi khi sang Mỹ; châu Âu gặp anh chàng nào da vàng mũi tẹt đã cảm thấy tình mến thương dâng tràn qua ánh mắt, không cần biết anh là ai! Nhưng nếu gặp các bà, các cô, tình cảm còn ưu ái, lai láng trăm phần.

Lòng ái quốc thiêng liêng cao cả hội tụ trong hai tiếng Tổ quốc, đồng bào, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước thì tình làng nghĩa xóm, tình cật ruột lại đằm thắm, len lỏi vào từng vi mạch dẫn về tim.

Tôi có anh bạn Nguyễn Hai - quê Quảng Ngãi, bất kỳ nơi đâu thấy số xe 76 anh liền mời... nhậu!

Trà dư tửu hậu anh đọc thơ:

“Giữa Sài Gòn gặp biển số thân thương

Người có xe chắc đồng hương Quảng Ngãi

Xe số bảy sáu (76) đi qua không dừng lại

Tôi nhìn hoài, nhìn mãi cứ nhìn theo

Bao nhiêu năm vẫn giữ mãi trong lòng

Dòng sông quê vẫn chảy hoài trong máu

Chiều thành phố nhớ về quê đau đáu

Nhớ Sông Trà nhớ quá những chiều xưa

Ngày xa làng bao bè bạn tiễn đưa

Giờ gặp lại đầu đã thừa tóc bạc

Bạn bè cũ bao đứa còn, đứa mất

Đứa xa quê, cứ hẹn mãi chưa về.

Đứa bám làng cố giữ chút tình quê

Không nao núng trước bốn bề sóng gió

Đèn Sài Gòn dẫu ngọn xanh, ngọn đỏ

Đèn quê hương vẫn khiêu tỏ đón ta về

Ở nơi nào cũng thấp thoáng bóng làng quê

Và thấp thoáng vầng trăng tròn kỷ niệm

Tạm biệt nhé, ngày mai rồi sẽ đến

Hứa nhau về nhen bếp lửa Trà Giang”.

(Hoàng Duyên)

Đêm trăng miền thôn dã yên bình, vành trăng khuyết thượng tuần treo lơ lửng đầu ngọn tre trải ánh vàng dìu dịu, tôi đang thả hồn phiêu du nhớ về những ngày thơ dại... Bỗng anh hai Đẳng vỗ vai khiến tôi giật mình quay lại, nhìn anh già quắt râu ria lởm chởm. Nhớ về những ngày cơ cực, củ khoai củ sắn nhường nhịn cho em, niềm yêu thương đọng từ ký ức chợt dâng lên trong lòng tôi nghèn nghẹn khiến tôi quên mất tuổi mình, ôm thân hình còm cỏi của anh vào lòng...

- Hai ông như con nít! Già mà còn khóc...

Chị năm Nhươn ở đâu lù lù xuất hiện, vỗ vào vai tôi đau điếng.

Anh hai Đẳng có vẻ mắc tịt (mắc cở) la lên:

- Không lo dọn cái chi để anh em tui lai rai...

Anh quay qua tôi:

- Làm xí hỉ?

Rồi gọi vào trong:

- Qua mời cậu Tam, cậu Ngo nghe bây...

Chị năm Nhươn xen vô:

- Có tui nữa nghe ông...

Anh hai Đẳng kể hồi nớ (1960) đám cưới chị năm Nhươn ban đêm, đốt đuốc đưa dâu qua cầu Trọng (lạch Bình Long), thằng nào cài lựu đạn dở như hạch, chớ không tan xác cả đám...

Chị năm Nhươn vỗ bàn la lên:

- “Nói chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi...!”.

Màn đêm đã buông, tiếng côn trùng nghe rỉ rả. Nông thôn không còn hoang vắng như xưa, ánh đèn điện sáng trưng trên lối vào Từ Đường họ Nguyễn. Nhìn về Bất Nhị ánh lên màu đô hội như ngày xưa từ quê tôi ngó ra Hàn...

- Hồi nớ chị Hai mi đâu có ưng tau, tau làm rể gần hai năm, hết lợp chuồng heo, đánh tranh lợp nhà đến cuốc đất bệ... chỉ mới chịu. Cưới rồi, cầm cái tay chỉ còn ngúng nguẩy, rứa mà cứ năm một xồn xồn...

- Cái ông ni tồ lô (tào lao) ăn cơm mới nói chuyện cũ...

Chị Hai cười móm sọm, chỉ còn mấy cái răng ông trời cho để nhai... trầu.

Chị quay sang tôi:

- Chị làm cho em mâm xôi đường, bánh hộc, bánh nổ dìa trong đó cho mấy đứa nhỏ...

Sáng sớm ngày mai, thằng “ông ngoại nhỏ” sẽ chở tôi xuống Vĩnh Điện đón xe về Sài Gòn. Tôi về hay tôi đi?

“Đi về đi ở đi đi

Đi là đi biệt từ khi chưa về”.

(Bùi Giáng)

N.C