Thơ Nguyễn Hoàng Thọ, ánh lên ngọn lửa hồng

05.04.2024

Thơ Nguyễn Hoàng Thọ, ánh lên ngọn lửa hồng

Nguyễn Hoàng Thọ sinh năm 1949 tại huyện Đại lộc, tỉnh Quảng Nam. Quê quán tại thôn Câu Lâu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Hiện nay ông thường trú tại 403 Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Ông là cựu sinh viên Đại học sư phạm Huế, từng tham gia phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên - học sinh Huế và các đô thị miền Nam trước 1975. Nguyễn Hoàng Thọ là nhà giáo trước khi nghỉ hưu, hiện ông là nhà văn thuộc Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng.

Trước năm 1975, có thơ đăng trên các tạp chí: Đối Diện (Sài Gòn), Sinh viên Huế, Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung, Thân Hữu, Động Mạch.

Sau 1975, tiếp tục sáng tác, thơ đăng trên các báo, tạp chí: Thanh Niên, Thế Giới Mới, Sông Hương, Non Nước, Đà Nẵng cuối tuần, Giáo dục và Thời đại, Tin Xuân, Khúc giao mùa, Tuyển tập Tiếng hát những người đi tới (thơ, văn, nhạc, họa, báo chí của phong trào sinh viên - học sinh trước 1975), Tuyển tập Chưa mưa đã thấm (tuyển thơ Quảng Nam), Tuyển tập Đà Nẵng yêu thương,…

Với một thờ gian dài hoạt động sáng tác, ông đã xuất bản 3 tập thơ: Ngày quật khởi, in chung, 1971, Phù sa rưng rưng, NXB Hội Nhà văn, 2014, Ngăn kéo thời gian, NXB Hội Nhà văn, 2020.

Nguyễn Hoàng Thọ là một trong những người làm thơ xứ Quảng, có mặt trong phong trào đấu tranh đô thị tại Huế. Cùng với các nhà thơ xứ Huế như Ngô Kha, Thái Ngọc San, Võ Quê, Lê Nhược Thủy,... và các nhà thơ đất Quảng tiêu biểu như Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Đông Nhật, Trương Văn Hoàng, Nguyễn Hoàng Thọ đã góp phần hình thành nên dòng thơ yêu nước tại đô thị Huế, giai đoạn 1965-1975 của thế thế kỷ XX.

Ngày 12-4-1972, chiến dịch Phượng hoàng, phong trào đô thị Huế bị đánh phá trước tiên. Các nhà giáo, sinh viên tranh đấu như Lê Văn Thuyên, Bửu Chỉ, Nguyễn Duy Hiền, Trần Đình Sơn Cước, Nguyễn Hoàng Thọ bị bắt tại Huế và đưa vào các nhà giam tại Đà Nẵng. Ngày 15-5-1972, đến lượt thành phố Đà Nẵng, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt tất cả giáo chức, học sinh, giao liên, các nhân sĩ hỗ trợ phong trào. Vì thế, tại các nhà giam Gia Long, Kho đạn, Thanh Bình, anh em Huế và Đà Nẵng gặp nhau. Sau đó, Tòa án quân sự Vùng I chiến thuật tổ chức phiên tòa và tuyên án nhiều anh em học sinh, sinh viên của Huế, Đà Nẵng. Một số được thả, cho về học tập. Một số kêu án, đưa vào các nhà giam Chí Hòa, Gò Công, Tân Hiệp, nơi đây, lại gặp anh chị em phong trào đấu tranh Sài Gòn - Gia Định. Một số đày ra Côn Đảo, đến sau ngày 30-4-1975, mới được tự do.

Những bài thơ của Nguyễn Hoàng Thọ đăng trên Ngày quật khởi, Đối diện, Thái Hòa, Sinh viên Huế, Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung, Thân Hữu, Động Mạch... trở thành quen thuộc với anh chị em trong và ngoài phong trào. Đó là: Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử, Ngày mai tổ quốc hòa bình (Ngày quật khởi), Niềm mơ ước (Đối diện, số 10, tháng 4-1970), Bên nỗi khốn cùng (Đối diện, số 15, tháng 9 -1970), Em gái - Dòng sông (Sinh viên Huế - Xuân Nhâm Tý, 1972), Đốt lửa mừng xuân (Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung, số 2), Niềm tin (Tạp chí Đồng Dao - Đối Diện, Sài Gòn, tháng 2 năm 1974),...

Trong bài thơ Niềm tin, tặng cho học sinh Trung học Hiếu Đức, niên khóa 1973-1974 (nay là trường THPT Ông Ích Khiêm, huyện Hòa Vang), học trò ngày ấy của anh, có người sau này làm lãnh đạo huyện Hòa Vang, lãnh đạo các sở, ngành của thành phố, với mơ ước:

Sáng hôm nay trường ta mở cửa

Chào các em như mừng nắng hòa bình

Những chồi khô mai này tươi lộc mới

Những hố bom cày rồi sẽ hóa cải xanh

 

Tình ruột thịt không thể nào chia cắt

Bắc - Trung - Nam núi liền núi sông liền sông

Một giống nòi, không hai tổ quốc

Một niềm tin con cháu Lạc - Hồng...

Bài thơ thể hiện niềm tin yêu, sự gửi trao hy vọng cho thế hệ trẻ, rằng là, mai này, chồi sẽ xanh lộc mới, hố bom sẽ hóa vườn cải xanh, ngày đó, núi sông liền một dải, chỉ: Một giống nòi, không hai tổ quốc/ Một niềm tin con cháu Lạc - Hồng...

Thơ Nguyễn Hoàng Thọ trước 1975, như cách nói của Võ Quê, là thứ thơ “lửa đường phố”, đầy nhiệt huyết, đầy khí thế. Thơ ấy, một tiếng kèn xung trận, đó là thơ, dũng cảm “đi giữa rừng súng máy”, không sợ bạo quyền, như Trần Phá Nhạc từng viết.

Thơ Nguyễn Hoàng Thọ là ngọn lửa hồng luôn hừng hực, cháy đỏ nhiệt tình. Bây giờ đọc lại, thấy có chỗ giống như khẩu hiệu, tả quá, thiếu đi cái mềm mại, cái duyên dáng, tuy vậy, anh vẫn có những câu thơ hay, hay đến nao lòng:

Dạy mai lớn lên

Biết yêu người cách mạng

Vắt từng nắm cơm qua cửa ngục

Gửi người tình sa cơ

Dạy biết thêu từng chiếc khăn vàng lụa óng

Mùi châu thổ thơm thơm

Lau vết thương người anh hùng lỡ vận

(Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử)

Một trái tim hồng, thiết tha yêu đất nước, yêu người cách mạng, gửi vắt cơm qua cửa ngục, gửi chiếc khăn thêu lụa vàng, thơm mùi châu thổ cho người anh hùng lỡ vận, lau vết thương... Mấy dòng thơ của Nguyễn Hoàng Thọ, mỗi khi đọc lại, làm ta nhớ đến những câu thơ của Trần Quang Long trong Tố Chân:

Tháng tám năm nào anh cùng bạn bè bị bắt

Những lá thư tình em gửi qua cửa ngục

Vo tròn trong gói xôi thơm

Có phải không Tố Chân...

Mùa đông năm nào anh trong lao xá

Tay run run mở gói nhận khăn quàng

Em đan những đêm vội vàng

Từng mũi nhớ thương

Làm sao anh quên được

Chiếc khăn tay run rẩy sau tường

Trời mưa... từ giã

Maria Tố Chân

Anh yêu em vô cùng…

Trong dòng chảy của thơ ca tranh đấu tại các đô thị miền Nam, thơ Nguyễn Hoàng Thọ là tiếng nói thẳng thắn, bức xúc về hiện trạng của xã hội. Bây giờ, qua thời gian, đã năm mươi năm, đọc lại những dòng thơ tranh đấu, xuống đường của những năm tháng cuối 60 đầu 70 của thế kỷ XX, vẫn thấy hực lửa trên những đường phố của thành phố Huế.

Vốn sinh trưởng tại vùng sông nước ven Thu Bồn, lớn lên và gắn bó với những dòng sông quê hương, vì thế, có một con sông quê chảy qua những ruộng vườn xứ Quảng, chảy qua từng trang thơ Nguyễn Hoàng Thọ, đầy trữ tình:

- Giữ lại dòng sông

Con đò

Tiếng hát

Giữ lại buổi chiều có gió thu đưa

(Ngày mai, Tổ quốc hòa bình)

Những câu thơ ân tình, thấm đẫm tình yêu đối với quê hương đất nước, đối vởi mảnh đất nơi mình sinh ra, trưởng thành, sao da diết, mặn nồng:

- Mẹ cấy niềm tin tươi xanh mặt đất

Một sớm con về cho lúa trổ bông

Sương đã xuống trên bờ tre lố nhố

Bếp lửa hồng đơm những ngọn bông...

(Đốt lửa mừng xuân)

- Tổ quốc ơi,

Ngày mai sáng chói

Ngôi đình làng hương khói thơm thơm

Mẹ nâng niu từng sợi tơ tằm...

(Ngày mai, Tổ quốc hòa bình)

Có thể nói, hình ảnh người mẹ, người chị, người em, những con người gần gũi, gắn bó, yêu thương, một nắng hai sương… luôn trở về trên những dòng thơ Nguyễn Hoàng Thọ:

- Mỗi lời mẹ dạy

Là tiếng kèn giục giã lòng con

Là tiếng gọi nhau thân thiết trên đồng

(Ngày mai, Tổ quốc hòa bình)

- Có chị về

Mở lớp bình dân năm tháng đợi chờ

Dạy cho người đi cày biết viết

Bày cách tính cho kẻ bán buôn

- Cho cô gái đầu làng

Gặp chàng trai cuối phố

Câu chuyện tình ngọt mật ca dao...

(Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử)

Một ngày về với những hình ảnh thân thương: Trường làng tôi hoa thơm đầu ngõ/ Có anh về đàn trẻ thơ bớt bơ vơ/ Có anh về mẹ tôi mừng trong bụng/ Uống bát nước chè xanh/ Củ sắn miếng khoai/ Chung tay lấp hố hận thù...

Ngày ấy, như nhà thơ viết: Với bàn tay còn thơm mùi nhiệt huyết/ Hãy biến đồng cỏ thành mạ xanh/ Biến chiến hào thành khu giải trí/ Cho cô gái đầu làng/ Gặp chàng trai cuối phố/ Câu chuyện tình ngọt mật ca dao... Có chị về/ Ngàn dâu xanh lá/ Bàn tay người giáo giới Việt Nam/ Ươm lên nụ hoa hồng văn hóa/ Có chị về/ Mở lớp bình dân năm tháng đợi chờ/ Dạy cho người đi cày biết viết/ Bày cách tính cho kẻ bán buôn/ Sẽ thấy đẹp lên một trời Việt Nam ta tự chủ... (Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử).

Nguyễn Hoàng Thọ có những dòng thơ cảm động, chân thành viết về các bài học lịch sử của cha ông: Dạy bài lịch sử/ Dạy hát dạy nói/ Dạy cấy lúa trồng bông/ Dạy biết Trường Sơn trùng trùng khí thế/ Dạy con đường Hà Nội - Cà Mau/ Rợp bóng cờ bay đất trời độc lập/ Dạy mai sau biết cầm gậy gộc/ Đánh đuổi tham tàn/ Giữ nước giữ dân… (Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử)

Khát vọng và mơ ước hòa bình, thống nhất, không còn những ngày gian khổ chiến tranh: Rủ nhau đi thăm từ Nam ra Bắc/ Chuyến tàu suốt đầu tiên/ Chạy qua cầu Hiền Lương/ Ta nghe đôi bờ âm vang hồn dân tộc/ Ước mơ ngày mai không còn cô quạnh...

Bao nhiêu năm, con sông Bến Hải, cây cầu Hiền Lương trở thành ước vọng của đoàn tụ, không chia cắt: Nghe đôi bờ âm vang hồn dân tộc/ Ngày mai không còn cô quạnh...

*

Trước sau, thơ Nguyễn Hoàng Thọ vẫn là tiếng nói thiết tha với quê hương, với dân tộc: Thấy máu chảy lòng đau/ Thấy bạo quyền/ Không phải thu mình ngồi ngó... (Để thấy trong tim hồng lên dòng lịch sử).

Sau này, trong Phù sa rưng rưngNgăn kéo thời gian, Nguyễn Hoàng Thọ có những suy niệm về vũ trụ, về những được - mất, có - không của một đời người, được diễn đạt dưới các câu thơ đằm thắm và ân nghĩa. Ngọn gió cô đơn thổi qua năm tháng, qua những hạt phù sa rưng rưng, qua những ngăn kéo thời gian với bao sợi chỉ mong manh nhân thế, song, luôn thấm đẫm tình người, tình đời. Đó là những gì ở thơ Nguyễn Hoàng Thọ.

H.V.H