Nhà thơ Thanh Trường, như tôi biết

05.04.2024
Vân Trình

Nhà thơ Thanh Trường, như tôi biết

1. Tôi được nghe danh ông từ những năm mới chập chững vào chốn học đường, ngay sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Ông đương là Trưởng Ty Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng. Còn ba má tôi là giáo viên. Cái tên Trương Anh Ta thường được nhắc trong các bữa cơm gia đình với sự trân trọng, ngưỡng mộ.  Lúc ấy, tôi nào biết ông từng là một người lính chân đất cầm mã tấu tự vệ, một quân nhân cầm súng bộ binh, rồi chuyển dần qua công tác Tuyên - Văn - Giáo - Huấn, từng lên bục giảng các bài học cơ bản của cách mạng ở các trường lưu động, trường Đảng nông thôn trong những năm tháng kháng chiến khốc liệt. Nào biết ông từng in dấu chân ở khắp nẻo đường kháng chiến, lăn lộn ở các vùng tự do, các vùng địch hậu, các vùng giáp ranh tạm chiếm của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cho đến ngày cùng đoàn quân giải phóng dũng mãnh tiến về giải phóng thành phố hoa lệ bên dòng Hàn thơ mộng.

Trương Anh Ta là tên hoạt động cách mạng, còn tên thật của ông là Trương Xuân Thành. Sinh ra ở Phiếm Ái (Đại Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam) - một làng quê êm đềm bên dòng Vu Gia hiền hòa nhưng cũng thật hung dữ vào mùa lũ, ông mến gọi làng mình là một “phím đàn yêu” - một cách chơi chữ dễ thương, bởi từ “phiếm” phát âm theo tiếng Quảng chẳng khác gì từ “phím” cả! Ông kể với tôi rằng, Phiếm Ái là đất học. Cụ Phan Trí Hòa, đỗ Cử nhân khoa thi Giáp Ngọ (1834) được vinh danh trong “Quốc triều hương khoa lục”, trở thành Cử nhân khai khoa ở Đại Lộc. Người cháu là Phan Thường Chuyết cũng đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão (1879) cùng với ông Trương Liên, nghĩa là hai cậu cháu cùng đỗ một khoa - một hiện tượng khoa cử hiếm có!  Phiếm Ái - tên làng ông còn kiêu hãnh đi vào lịch sử đất Quảng và lịch sử nước Việt như một mốc son. Nơi đây phát nguồn một phong trào nông dân vĩ đại nhất đầu thế kỷ XX trước khi có Đảng: Trung Kỳ dân biến (1908). Nhiều yếu nhân của phong trào là người thuộc tộc Trương. Họ là bốn anh em ruột: Trương Côn, Trương Tổn, Trương Đính, Trương Hoành - nguyên là học sinh trường Khâm Thiên Giám - những thủ lĩnh tài ba trong việc phát động quần chúng xuống đường tranh đấu. Họ là Cử nhân Trương Liên, vị quan Huấn đạo huyện Duy Xuyên - một cố vấn hướng đạo chống Pháp và Nam Triều; là Cử nhân Trương Lâm (Nghè Nhiếp) - người biên soạn nhiều tờ xâu xin giảm thuế; là Lý trưởng Trương Kỳ (em ruột Trương Lâm) - người đứng ra tổ chức đón tiếp và lo cơm nước cho đoàn biểu tình kéo về tỉnh lỵ La Qua và Tòa Công sứ Hội An để xin xâu.

“Văn chương nết đất, thông minh tính trời”. Cụ Tố Như dạy chẳng sai. Trên “nết đất” Phiếm Ái, ông nội ông và cha ông đều là những nhà nho thông minh và hiếu học. Ông nội biệt hiệu Nguyệt Như, nổi tiếng nhớ lâu. Lần nọ, đến nhà một lương y giỏi để mượn sách thuốc về học, thầy không cho mang sách về nhà. Thế là, ông mang luôn gạo đến ở nhờ để xem sách. Rồi, trở thành thầy thuốc bắc kiêm luôn thầy dạy chữ nho trong làng, môn sinh rất đông. Cha ông học không theo thứ tự lớp lang nhưng rất giỏi, từng thi đậu bằng Tiểu học (Primaire), được bổ dụng làm Hương sư và thăng hàm Cửu phẩm văn giai. Vì có tham gia ít nhiều phong trào yêu nước, vị Hương sư ấy bị nhà chức trách đương thời đưa lên dạy học ở miền sơn cước Trà My, để khống chế. Tính tình cương cường, không chịu khuất phục những kẻ dã tâm cướp trắng ruộng đất của mình, cha ông từng đi kiện tụng vất vả hàng năm trời. Thắng kiện nhưng lại bị bọn quan lại cho người đánh trọng thương, phải đưa đi nhà thương Hội An cứu chữa nhưng không qua khỏi.

Cha mất sớm, mẹ một nách 4 con thơ đầu tắt mặt tối “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” tần tảo lo cho ông - đứa con đầu lòng ăn học cho bằng người. Hằng tuần, phải cõng gạo đi bộ hàng chục cây số để thọ giáo ở một trường tiểu học chốn thị thành hoa lệ, cuối cùng, ông cũng mang về cho gia đình, họ tộc và làng xóm tấm bằng Primaire danh giá lúc bấy giờ.

2. “Ai ra đi ngày ấy/ Ngã xuống vẫn mỉm cười/ Ai về còn sót lại/ Bật khóc giữa ngày vui”. Vâng, ông thuộc thế hệ cán bộ cách mạng đầy khí phách và bản lĩnh như thế. Tham gia cách mạng từ hồi tiền khởi nghĩa (3/1945). Sau Cách mạng Tháng Tám, từng giữ chức Chủ tịch UBND cách mạng xã Hòa Ái (bao gồm các làng: Hòa Mỹ và Phiếm Ái), rồi Ủy viên Ủy ban Hành chính xã Đại Nghĩa. Cuộc đời ông bao nỗi truân chuyên, có lúc mong manh giữa sự sống và cái chết. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954), ông được cấp trên lệnh cho về sống hợp pháp, tùy tình hình sẽ liên lạc sau. Nhưng kẻ thù đâu để yên. Một tiểu đội ám sát của quận Đại Lộc và một tên chỉ điểm dò theo gót chân ông. Bị tống giam vào nhà lao dã chiến Đông Lâm (thuộc Đại Quang ngày nay), ông đối mặt với cái chết trong gang tấc. Không khai thác được tin tức nào từ người chiến sĩ kiên trung bằng đòn roi, tra tấn dã man, địch dự định thủ tiêu ông bằng cách thả bao tời nhận chìm xác dưới đáy sông Vu Gia. Cơ hội sống sót của ông thật quá bất ngờ vì lúc này có quan trên về thị sát tình hình nên mọi hành động giết chóc phải tạm dừng. Thế là, mặc cho sức đã kiệt và mặc cho nhà giam có hàng đại đội bảo an canh gác, tuần tra; chờ đêm rất khuya, nghe tiếng ngáy đều của lính gác, ông lăn mình bò đến cửa ngách, rướn người lên tháo then cài, rồi men theo tường ra vườn, chui qua mấy lớp rào gai. Bò theo hướng ruộng, vào bìa rừng. Thoát nạn và được cơ sở cưu mang, lo cơm thuốc, phục hồi sức khỏe. Lần khác, ông và Huỳnh Chúc đang đi công tác thì bị địch phát hiện, phải núp trong một hang đá bịt bùng đầy lau lách, định bụng gần sáng sớm sẽ chuyển sang nơi khác. Bỗng nhiên, nổi lên vài ngọn lửa bốc cao cùng với tiếng súng, tiếng mõ và tiếng người chạy bao vây, lùng bắt. Địch điên cuồng cho đốt lửa xăng sáng rừng hòng vây bắt hai đồng chí ta. Lạ thay, dựa vào bóng cây, lau lách, họ thoát hiểm khiến kẻ thù một phen cay cú, bẽ mặt. Có lúc, ông và đồng đội phải quyết định dùng tới khẩu súng phòng thân mới bảo toàn được tính mạng (Xin nhớ rằng, thời điểm 1954 - 1959, cán bộ ta được lệnh không được sử dụng vũ khí để chống trả địch). Kiên trì phương châm: “Ở không lâu, đi không dấu, nấu không khói, nói không to”, ông và đồng đội như con ong cần mẫn bí mật ngày đêm xâu chuỗi, bắt rễ, kiên trì phát động phong trào đòi hiệp thương Tổng tuyển cử, chống khủng bố, bắn giết người kháng chiến cũ, cố giữ ngọn lửa cách mạng trong lòng dân. Những năm 1962 - 1964, ông là Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, đứng mũi chịu sào trong hoàn cảnh cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, một mất, một còn với kẻ thù hung hãn và nham hiểm.

3. Ông là một nhà giáo có tài, có tâm, có tầm. Khoảng đầu năm 1971, đang công tác tại Ban Tuyên giáo phụ trách trường Đảng, ông bất ngờ được cấp trên thuyên chuyển làm Trưởng Ban Giáo dục tỉnh Quảng Đà. Chiến tranh ác liệt không làm ông sờn lòng, nản chí, luôn cùng đồng nghiệp toàn tâm, toàn ý chỉ đạo mở các trường cấp 1, cấp 2 cho con em cán bộ tỉnh, huyện ở đồng bằng rút lên căn cứ để đào tạo văn hoá. Hệ thống giáo dục của tỉnh từng bước được triển khai trong điều kiện phát động quần chúng mở ra. Dưới trướng của ông, cán bộ giáo dục lúc ấy thật sự là những “cán bộ nằm vùng”, hết lòng hết sức chăm lo việc học tập văn hóa của con em nhân dân nhằm đào tạo một lớp thanh, thiếu niên có lòng yêu nước thiết tha, biết căm thù giặc sâu sắc và có trình độ học vấn để góp phần xây dựng lại quê hương sau này.

Đất Quảng hoàn toàn giải phóng (3/1975), ông nhanh chóng chỉ đạo tiếp quản và tổ chức thành công năm học đầu tiên dưới chế độ cách mạng. Điều đáng trân trọng là với tinh thần cởi mở, với bản lĩnh chính trị vững vàng, tất cả vì sự nghiệp giáo dục, ông chủ trương thu nhận mà không mặc cảm hay phân biệt đối xử đối với các thầy cô giáo ở chế độ cũ, nay bằng lòng đăng ký làm việc với chính quyền cách mạng. Trong cuốn bút ký “Tuyến lửa sông Côn”, ông cho biết: “Chúng tôi tổ chức một cuộc họp mặt đông đủ các thầy cô giáo, có trên hàng chục đơn vị giáo dục từ phía Bắc Trị Thiên - Huế cho đến phía Nam thành phố Đà Nẵng, có các Ty Giáo dục Quảng Nam, Quảng Tín, thị xã Hội An về tập trung tại Nhà hát Trưng Vương đầy bụi bặm hoang phế. Cuộc họp mặt ngắn gọn, đầy chân tình, chúng tôi chào mừng các thầy cô giáo, các anh, các chị, các ông đều ở lại với thành phố Đà Nẵng... Chúng tôi mời mọi người vui vẻ trở về các trường học của mình để chuẩn bị triển khai năm học 1975 - 1976, năm học đầu tiên sau giải phóng”. Và, ngày tựu trường năm học ấy quả là một ngày hân hạnh lớn cho đất Quảng sau chiến tranh: không còn nô lệ học vấn do giặc nắm giữ. Học sinh tự do, thầy cô giáo tự do. Ngập tràn niềm vui trong những mái trường im tiếng súng, trên những bục giảng và bảng đen của các thầy cô giáo và cả trong ánh mắt em thơ. Tất cả chào đón một tương lai huy hoàng đang mở ra phía trước.

Đứng giữa thành phố Đà Nẵng vừa giải phóng, nhìn ra biển xanh sóng vỗ tận chân trời, ông vẫn không quên chiếc nôi cách mạng từ nguồn cao hùng vĩ Trường Sơn, với điệp trùng thác lũ cùng những buôn làng hẻo lánh mù sương và những cột mốc biên cương. Ông tự vấn: Người làm giáo dục nên làm gì để đưa học vấn đến chốn thâm sơn cùng cốc, nâng một bước văn hóa đi lên theo kịp với miền xuôi? Ông gọi đây là món nợ với bà con các dân tộc ít người kiên cường và thủy chung, son sắt với cách mạng. Trên cương vị người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh nhà, ông mạnh dạn tham mưu cho cấp trên phát động, kêu gọi và tổ chức đăng ký trên năm ngàn nam, nữ giáo viên hăng hái tự nguyện lên dạy học ở các huyện miền Tây Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau này, nhớ lại chủ trương ngày ấy, ông hết sức vui mừng thổ lộ: “Sự thật bước đầu gian khó, giáo dục đã đào tạo hàng loạt những thầy cô giáo ở nẻo cao. Dòng đời giáo dục cứ tiến mãi vinh quang cho đến tận mấy mươi năm sau giải phóng”.

4.

 Sau đúng 10 năm làm Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (1977 - 1987), ông về nghỉ hưu tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng nhưng cái máu văn nghệ tiếp tục chảy rần rật trong huyết quản. Ông là thành viên của Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, Hội Nhà văn Đà Nẵng, Câu lạc bộ Hàn Giang, Thái Phiên. Tuổi cao, lại phải dùng máy trợ thính, không hiểu ông lấy đâu ra sức lực để mà nghe, mà đọc, mà viết. Từ năm 1994, với bút danh Thanh Trường (lái từ Trương Thành - họ tên ông), ông lần lượt cho ra mắt bạn đọc một loạt tác phẩm thơ: Bóng nước Vu Gia, Giọt sương, Nguồn đất, Hai màu lá, Trang nhật ký và hai tập bút ký: Những năm tháng ở lại miền Nam, Tuyến lửa sông Côn.

Đọc thơ Thanh Trường, Giáo sư Hoàng Châu Ký nhận xét: “Những bài thơ để lại trong tôi nhiều tình cảm sâu đậm nhất vẫn là những bài về cuộc chiến đấu gian khổ, quyết liệt suốt 20 năm chống Mỹ của quê hương ta, nhân dân ta mà Trương Anh Ta luôn có mặt... Trương Anh Ta ghi lại bao nỗi đau riêng từ trong kháng chiến trường kỳ gian khổ ấy, những tiếng lòng xót xa, thiết tha mà dũng cảm... Những cảm xúc ấy phát sinh qua bao biến cố trong môi trường khốc liệt và đầy kịch tính, anh ghi sâu vào lòng, cộng với những suy tư của mình... Vì vậy, thơ anh chân chất, trung thực, dễ rung cảm lòng người”.

Thật vậy, trải qua bao sóng gió của cuộc đời, bằng kinh nghiệm và tri thức của một người từng trải, ông tự bạch như lời nhắn nhủ với bạn đọc, rằng: “Thơ như một dòng sông chảy, như nước có nguồn, như người có cảm xúc, trang trải trong từng bước thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai. Thơ là linh hồn sống, làm việc và tác động. Thơ nuôi dưỡng chí khí và tâm hồn cao đẹp. Thơ là CHÂN, THIỆN, MỸ cho hôm nay và mai sau. Thơ rèn giũa con người và làm người luôn trong sáng”. Ông quan niệm: “Làm thơ không phải chỉ giữ lại một kỷ niệm riêng tư mà phải hòa nhập tình cảm của mình với mọi người, làm món ăn tinh thần cho tất cả”.

Trương Anh Ta đã đi xa. Đã bước sang năm 2024, nhớ về ông, tôi chợt nhớ bài thơ “Xuân 2000” (đăng trong cuốn Văn học Đà Nẵng 1997 - 2007) với những câu thơ đầy ắp những ưu tư và kỳ vọng: “Sự sống phải chăng là chân lý?/ Tinh hoa nguồn đất dẫn dắt ta đi/ Dòng nước lũ cuống cuồng chảy xiết/ Phút cứu nạn là phút diệu kỳ/ Sự sống phải chăng là đau khổ?/ Ta quý yêu từng ánh mắt em thơ/ Biển ngoài kia còn dặt dìu sóng vỗ/ Thế kỷ sau vẫn đẹp những trang thơ!”. Nhớ về ông, tôi nhớ về câu thơ: “Thanh thản như trời mây vần vũ”. Một câu thơ 7 chữ chứa đầy nghịch lý. Trời mây vần vũ thì làm sao mà thanh thản được? Không ít người thắc mắc. Nhà thơ Đông Trình trả lời rất xác đáng: “Ấy là sự tĩnh tại của thơ đã tạo ra sự thanh thản gần như không có được cho tâm hồn con người. Viết một câu như vậy là nắm được quy luật vận hành của thiên nhiên, vũ trụ và của đời sống nội tâm con người”. Còn tôi, mạo muội nghĩ rằng, câu thơ sao lại ứng nghiệm với đời ông đến thế! Đúng những ngày cả đất Quảng phải gồng mình hứng chịu cơn bão số 9 và lũ lụt hung hãn (năm 2009) nhấn chìm bao làng mạc, ruộng đồng trong biển nước mênh mông, ông thanh thản ra đi, sau khi đã làm xong phận sự của một CON NGƯỜI - kiên cường trong tranh đấu song cũng đậm chất nhân văn trong đời thường. Ông thanh thản về cõi vĩnh hằng, để lại “hồn thơ thấp thoáng ánh lên từ cái giọt sương riêng riêng của tác giả” (lời nhà thơ Thanh Quế) đọng mãi trên dương thế. Soi vào bóng nước Vu Gia, ta có thể bắt gặp hồn thơ dung dị và ngọt ngào ấy!

V.T