Ký ức ngày 30 tháng 4 năm ấy

05.04.2024
Dân Hùng

Ký ức ngày 30 tháng 4 năm ấy

Người dân đổ ra đường ăn mừng đất nước thống nhất ngày 30/4/1975. Ảnh: Jacques Pavlovsky/Sygma/Corbis

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, thế nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi cái thời khắc lịch sử cách đây 49 năm trước. Lúc đó vào khoảng 12 giờ kém 15 phút trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, cả khu tập thể nơi gia đình tôi sinh sống tưng bừng niềm vui khi nghe loa truyền thanh của Nhà máy điện Uông Bí (Quảng Ninh) và Công ty Kiến trúc gần nhà dõng dạc vang lên tiếng phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam: “Cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng…”. Giọng đọc của cô phát thanh ngày ấy vừa nghiêm trang vừa pha lẫn sự xúc động, rưng rưng vì niềm vui quá lớn của cả dân tộc. Và cũng ngay trong chương trình phát thanh thời sự 18 giờ cùng ngày hôm đó, bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên đầy khí thế và hào hùng. Rất nhiều người, trong đó có tôi cũng thuộc ngay bài hát đó. Trong cái không khí hân hoan, sung sướng đó, bọn trẻ xóm chúng tôi vui lây với niềm vui của người lớn, nhất là những gia đình có người quê ở miền Nam tập kết ra Bắc như gia đình tôi. Chúng tôi chạy nhảy, la hét vang trời cùng với niềm vui vô bờ của ba má và các cô chú tập kết. Ở cái độ tuổi 13-14 lúc bấy giờ chúng tôi đã hiểu được rằng, từ chiến thắng lịch sử này, đất nước được thống nhất, không còn cảnh bom rơi đạn nổ, chết chóc, đau thương. Và sau cái ngày 30 tháng 4 lịch sử ấy, khi non sông liền một dải, ba má sẽ được được về với quê hương sau 20 năm đau đáu mòn mỏi trông chờ.

Một đơn vị Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Nhớ lại, kể từ sau Tết Ất Mão năm 1975, tin vui chiến thắng từ miền Nam nối tiếp nhau làm nức lòng người dân cả nước, đặc biệt là những cán bộ miền Nam tập kết như ba má tôi. Những ngày tháng 3 năm ấy, cùng với Cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mở đầu với Chiến dịch Tây Nguyên, lần lượt các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung được giải phóng, đặc biệt là hai địa danh thân thương là quê hương Hội An (28/3) và Đà Nẵng (29/3). Tôi còn nhớ như in, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, cái bảng tin bằng xi măng của Nhà máy điện Uông Bí gần nhà tôi cứ liên tiếp đưa tin hết tỉnh này đến tỉnh kia của miền Nam được giải phóng, mỗi nơi giải phóng được đánh dấu bằng những lá cờ nửa xanh nửa đỏ trên tấm bản đồ hình chữ S…

Tháng 7 năm năm 1975, lần đầu tiên chị em tôi được cùng ba má về lại quê hương Hội An. Khi ấy phải đi tàu hỏa đến Vinh rồi “tăng bo” lên xe tải về Đà Nẵng, sau đó về Hội An bằng xe đò. Không thể diễn tả hết cảm xúc vỡ òa của ba má tôi lúc bấy giờ khi gặp lại người thân. Người còn người mất, nước mắt xen lẫn với những nụ cười, những cái ôm siết chặt. Đúng là như câu hát “xa ba mươi năm nay mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào” trong ca khúc “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng…

Giải phóng, thống nhất rồi, ba má thì vui mừng hạnh phúc còn chị em chúng tôi thì lại buồn, đơn giản chỉ vì cái “tính con nít” do phải theo ba má về Nam thì phải xa bạn bè, hàng xóm thân thương, xa cái mảnh đất “miền Bắc ơn sâu nghĩa nặng”, nơi chúng tôi sinh ra, lớn lên được nuôi nấng, học hành nên người dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thời “bom Mỹ trút trên mái nhà”, đến trường với mũ rơm trên đầu, đi dưới hào giao thông để đến những lớp học nằm âm dưới mặt đất trong rừng ở “khu sơ tán”. Khi chia tay miền Bắc, ai cũng bịn rịn, quyến luyến, ba má thì rất vui nhưng chị em chúng tôi lại không muốn rời xa mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên với biết bao kỷ niệm sâu đậm của những năm tháng gian khó nhưng thấm đậm nghĩa tình để đến một nơi mới đúng nghĩa “lạ nước lạ cái”.

Những năm đầu sau 1975 vẫn có một thời gian giữa Bắc và Nam còn có khoảng cách. Những đứa trẻ “miền Bắc về” và những bạn đồng trang lứa “trong Nam” còn khá e dè, thận trọng khi tiếp xúc với nhau, thậm chí còn có sự kỳ thị Bắc - Nam. Nhưng rồi dần dần, khoảng cách Nam - Bắc thu hẹp dần. Theo năm tháng, mọi người thân thiện, thấu hiểu, thông cảm, sẻ chia và yêu thương nhau thật lòng dưới mái nhà chung của đất nước Việt Nam hòa bình và thống nhất.

Đất nước sau 49 năm kể từ sau cột mốc lịch sử 30 tháng 4 đáng nhớ ấy, trải qua những thăng trầm, biến cố, những khó khăn vất vả cũng đã dần qua đi. Đời sống đi lên tuy chưa đạt như mong muốn của tất cả mọi người, nhưng so với khoảng thời gian gần nửa thế kỷ ấy, là sự thay đổi vô cùng lớn lao cả về đời sống vật chất và tinh thần mà không ai có thể phủ nhận được.

Quá khứ đã qua đi và đất nước cũng trải qua những thăng trầm, sướng khổ, buồn vui để tiến những bước dài trong quá trình mở cửa hội nhập. Hôm nay, trong những ngày tháng 4 lịch sử này, ôn lại ký ức của một thời hào hùng mà người viết đã được nếm trải để suy ngẫm, tự vấn về những gì mình đã trải qua cùng tiến trình lịch sử của quê hương, đất nước, qua đó càng thấy được giá trị lịch sử to lớn của ngày 30 tháng 4 không thể nào quên ấy.

D.H