Người Đà Nẵng với bán đảo Sơn Trà - Bùi Văn Tiếng

31.05.2016

Với người Đà Nẵng xưa, bán đảo Sơn Trà cùng với Ngũ Hành Sơn là  hai đài khí tượng thủy văn lộ thiên chuyên dự báo thời tiết hằng ngày: Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa, hoặc Đời ông cho chí đời cha/ Mây phủ Sơn Trà không gió thì mưa... Bán đảo Sơn Trà còn được xem là lá phổi xanh gìn giữ môi trường sống trong lành của người Đà Nẵng, và cùng với núi Hải Vân - đoạn gần Hòn Chảo - trở thành bức bình phong tự nhiên từ bao đời nay luôn dang tay che chắn cho Đà Nẵng khi bão giông từ hướng bắc thổi vào.

 

  Người Đà Nẵng với bán đảo Sơn Trà - Bùi Văn Tiếng

Bán đảo Sơn Trà trong tư thế con nghê chồm ra biển cũng là ngọn hải-đăng-không-đèn sừng sững giúp tàu thuyền đi lại trên vùng duyên hải Đà Nẵng có thể dễ dàng nhận ra vị trí Vũng Thùng, và không phải ngẫu nhiên mà năm 1965 lính viễn chinh Mỹ vừa đến Đà Nẵng đã chọn đỉnh Sơn Trà để đặt đài radar viễn vọng từng được mệnh danh là Mắt thần Đông Dương.    

 

Nhưng đấy vẫn chưa phải tất cả những gì mà tạo hóa đã ưu ái và hào phóng ban tặng cho Đà Nẵng, bởi nói đến Sơn Trà chủ yếu là nói đến sự đa dạng sinh học ở bán đảo này. Từ năm 1980, bán đảo Sơn Trà được công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên vừa có hệ sinh thái đất ướt ven biển vừa có thảm rừng nhiệt đới mưa ẩm nguyên sinh và được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia. Trong chiến tranh và cả một thời gian dài sau khi chiến tranh kết thúc, hầu hết diện tích của bán đảo Sơn Trà vẫn được xem là khu quân sự phục vụ cho mục đích quốc phòng, cho nên nhìn chung sự đa dạng sinh học ở bán đảo này còn được/càng được bảo tồn đúng mức. Rồi trong quá trình đổi mới tư duy kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, diện mạo bán đảo Sơn Trà những năm gần đây thay đổi đáng kể với các con đường dân sự thảm nhựa/cấp phối chạy thẳng lên cao - kể cả được mở hợp pháp và bất hợp pháp, với các khu nghỉ dưỡng hoành tráng và có nơi đạt tầm cỡ quốc tế. Thậm chí đã từng có người lãng mạn đề xuất ý tưởng đốn cây phá rừng ở triền núi để thiết kế mấy chữ cực to “Welcome to Danang” nhằm quảng bá thương hiệu thu hút du khách thập phương…

 

Nếu Sơn Trà chỉ là một bán đảo bình thường như bao nhiêu bán đảo khác nằm dọc duyên hải nước ta thì nỗ lực tạo nên sự chuyển mình của kinh tế ở bán đảo này những năm qua như vậy là rất đáng biểu dương, vì đã góp phần làm cho Đà Nẵng trở thành một điểm đến du lịch sôi động và đầy ấn tượng - nhất là sau sự kiện hàng trăm tỷ phú trên thế giới tề tựu tại InterContinental Danang Sun Peninsula Resort ở Bãi Bắc để tham gia Hội nghị quốc tế về tài chính mang tên “Creative Connections/Kết nối Sáng tạo 2013”; đồng thời tạo thêm điều kiện để Sơn Trà tiếp tục đảm đương vai trò một cứ điểm phòng thủ quan trọng bên bờ Biển Đông ngày càng dậy sóng. Nhưng Sơn Trà lại là một bán đảo được xem là độc nhất vô nhị ở nước ta, bởi vậy ở đây không chỉ đơn giản là kết hợp kinh tế với quốc phòng mà cần kết hợp cả ba yếu tố: kinh tế - quốc phòng - bảo tồn thiên nhiên, trong đó quốc phòng và bảo tồn thiên nhiên phải được xem là cốt lõi, bởi mất nước là mất tất cả, mà mất sự đa dạng sinh học cũng là mất tất cả.

 

Trong quá trình bảo tồn sự đa dạng sinh học của Sơn Trà, bán đảo này đang đứng trước nguy cơ cả hệ thực vật lẫn hệ động vật đều bị xâm hại. Hiện nay trên bán đảo đã xuất hiện phổ biến nhiều loài thực vật ưa sáng thuộc các họ cà phê, cam, trôm, mua, đay... chứng tỏ hệ thực vật Sơn Trà đang bị tác động mạnh theo chiều hướng xấu. Đặc biệt bị tác động mạnh theo chiều hướng xấu ở nơi đây là hệ động vật. Những năm chiến tranh, người Mỹ từng gọi bán đảo Sơn Trà là Monkey Mountain/Núi Khỉ, bởi trong hơn một trăm loài động vật với hàng chục loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ cần bảo tồn của thế giới, khỉ chiếm một vị trí đáng kể về số lượng và về mức độ quý hiếm, mà quý hiếm nhất là Voọc chà vá chân nâu - loài linh trưởng đặc hữu của cả Đông Dương chỉ phân bố dọc dãy Trường Sơn, trong các vùng rừng giáp ranh giữa phía Nam của Lào với  miền Trung Việt Nam và một vùng  nhỏ ở đông bắc Campuchia.

 

Đáng chú ý là hiện nay mật độ quẩn thể Vọoc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà được xem như cao nhất trên thế giới. Đây là một tài nguyên thiên nhiên vô giá mà người Đà Nẵng được sở hữu ở Sơn Trà, đồng thời cũng là một sứ mệnh bảo tồn/bảo vệ người Đà Nẵng phải gánh vác trước cộng đổng quốc gia và quốc tế. Vậy mà cách đây không lâu đã xảy ra sự cố xâm hại rừng cấm quốc gia Sơn Trà - cũng là xâm hại môi trường sống tĩnh lặng của Vọoc chà vá chân nâu - khiến năm 2016 loài linh trưởng này có khả năng sẽ bị Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên, viết tắt là IUCN (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) xếp hạng trong Sách đỏ ở mức Cực kỳ nguy cấp/Critically Endangered. Thật là còn một chút này/chẳng cầm cho vững lại dày cho tan - nói theo cách của đại thi hào Nguyễn Du.  

 

Chính vì thế mà nhân Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22 tháng 5 năm nay, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật, Chi cục Bảo vệ môi trường, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố và Trung tâm GreenViet phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Cộng đồng Đà Nẵng chung tay bảo vệ voọc ở bán đảo Sơn Trà” và bế mạc triển lãm ảnh “Đời sống của Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà” mở cửa từ ngày 17 tháng 5. Tại cuộc tọa đàm rất có ý nghĩa này, các nhà khoa học đến từ Hà Nội và các đại biểu người Đà Nẵng chủ ý không bàn chuyện vì sao phải bảo vệ/bảo tồn Vọoc chà vá chân nâu. Không phải chuyện đó không đáng bàn và mặc dầu từng được bàn nhiều nhưng đâu phải mọi thứ đã ngã ngũ, có điều do áp lực thời gian, cuộc tọa đàm chỉ có thể tập trung bàn về chuyện làm cách gì/ trước mắt làm thế nào/ lâu dài làm ra sao để cộng đồng Đà Nẵng có thể chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung và cho Voọc chà vá chân nâu nói riêng nhằm góp phần trả lại ngôi-nhà-rừng-thân-thuộc-an-bình cho loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm này tại bán đảo Sơn Trà.

Trước hết vẫn là giải pháp truyền thông. Công cụ truyền thông có hiệu quả nhất là các phim thời sự truyền hình và các hình ảnh truyền thông trực quan trên đường phố/nơi công cộng. Cũng cần thu hút sự tham gia của các hội viên của Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật với cả hai tư cách: tư cách công dân và quan trọng hơn là tư cách nghệ sĩ - nghĩa là tham gia bằng sự nhạy cảm của những người sáng tạo cái Đẹp, bằng sức mạnh của nghệ thuật, chẳng hạn của nhiếp ảnh nghệ thuật hay của hội họa và điêu khắc. Nội dung truyền thông cần chú ý kích hoạt lòng tự hào về Đà Nẵng thông qua ý tưởng vinh danh Vọoc chà vá chân nâu thành biểu tượng mới của một Đà Nẵng - thành phố môi trường. Một số đại biểu cho rằng việc lấy hình ảnh một con vật làm biểu tượng khá phổ biến trên thế giới, chẳng hạn như gấu trúc của Trung Quốc, chuột túi/kangaroo của Australia, chim kiwi của New Zealand… Không nói đâu xa, những năm qua Bà Nà Hill đã rất thành công trong việc quảng bá ý tưởng vinh danh Đào chuông thành biểu tượng mới của một Đà Nẵng - thành phố du lịch sinh thái.

Nên chăng ngay tại kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân quận Sơn Trà và Hội đồng nhân dân phường Thọ Quang nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu dân cử mới được bầu có thể thông qua một nội dung nghị quyết chấp thuận đưa Vọoc chà vá chân nâu thành biểu tượng mới của một Đà Nẵng. Nếu được như thế sẽ tạo thêm sức mạnh của truyền thông và quan trọng hơn là sẽ kịp thời có hình thức truyền thông phù hợp về biểu tượng Vọoc chà vá chân nâu tại các sự kiện quốc tế lớn tổ chức tại Đà Nẵng trong thời gian tới như Hội chợ Du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển M.I.C.E Đà Nẵng 2016, như Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á lần thứ V - 2016, hay như Tuần lễ Cấp cao APEC 2017…

Thứ hai là giải pháp thực thi pháp luật nhằm nghiêm trị những hành vi xâm hại môi trường sống của Vọoc chà vá chân nâu, trước mắt cần sớm đưa ra xét xử công khai hành vi phá rừng Sơn Trà nghiêm trọng hồi đầu năm nay. Cũng cần tạo nên sức mạnh của dư luận phê phán những hành vi xâm hại môi trường sống của Vọoc chà vá chân nâu, nói cách khác cần tận dụng sức mạnh và sự đồng hành của đạo đức xã hội, của lương tâm con người trong quản lý thành phố bằng pháp luật. Về lâu dài, muốn phát huy sức mạnh của quyền lực pháp luật và quyền lực ngoài pháp luật tích cực, cần nâng cao hiệu quả giáo dục công dân trong trường học, trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên, sống thân thiện với tự nhiên, đi đôi với ý thức thượng tôn pháp luật đối với thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của vùng đất này. Cần nhớ rằng người xưa đã có thông điệp sâu sắc về hai nội dung giáo dục này thông qua cổ tích Từ Thức lên tiên.   

Thứ ba, xin nói thêm về hai chữ cộng đồng trong chủ đề cuộc tọa đàm “Cộng đồng Đà Nẵng chung tay bảo vệ voọc ở bán đảo Sơn Trà”. Cộng đồng Đà Nẵng ở đây được hiểu là mọi người Đà Nẵng - công việc bảo vệ các động vật hoang dã rất cần sự hợp lực của cả cộng đồng, đơn độc một vài người/một vài ngành/một vài địa phương không thể bảo vệ được. Nhưng cần cảnh giác với hai chữ cộng đồng này, bởi ông cha xưa vẫn thường nhắc nhở con cháu coi chừng cảnh cha chung không ai khóc, cộng đồng là mọi người nhưng nếu không xác định rõ trách nhiệm của từng người/từng ngành/từng địa phương thì rốt cuộc sẽ không có ai làm gì cả. Và công cuộc bảo vệ các động vật hoang dã - trong đó có Vọoc chà vá chân nâu - không chỉ rất cần sự hợp lực của cả cộng đồng mà còn cần phải đặt công cuộc này/sứ mệnh này trong toàn bộ công cuộc/sứ mệnh quản lý hiệu quả Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

Như đã nói trên, muốn quản lý hiệu quả Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, cần kết hợp đồng bộ cả ba yếu tố kinh tế - quốc phòng - bảo tồn thiên nhiên, trong đó quốc phòng và bảo tồn thiên nhiên phải được xem là cốt lõi, chính vì thế trước mắt cần giữ nguyên trạng kết cấu hạ tầng như hiện nay, không mở thêm đường lên núi, không xây thêm nhà cửa/biệt thự/lâu đài; giám sát chặt chẽ và chủ động tổ chức theo các hình thức tham quan đặc thù đối với những du khách có nhu cầu tiếp cận Vọoc chà vá chân nâu. Nếu không thế thì như ý kiến của một đại biểu nêu tại cuộc tọa đàm, càng quảng bá hình ảnh của loài linh trưởng quý hiếm này, càng đẩy chúng đến gần nguy cơ tuyệt chủng do những hành động vô ý thức của một bộ phận người tham quan, thậm chí sẽ tái diễn vụ án kẻ xấu người ngoại tỉnh vào Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà dựng lán đặt bẫy, săn bắn và giết chết Voọc chà vá chân nâu hồi tháng 3 năm ngoái…

*

Cần thấy rằng nếu người Đà Nẵng bất lực hoặc lực bất tòng tâm không quản lý được Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, không bảo vệ được Voọc chà vá chân nâu một cách có hiệu quả thì đó sẽ là một tổn thất không gì bù đắp nổi không chỉ cho cộng đồng Đà Nẵng mà còn cho cả cộng đồng quốc gia và quốc tế, và trong viễn cảnh ấy chắc Đà Nẵng khó lòng được thiên hạ vinh danh là thành phố môi trường, là thành phố văn minh và phát triển bền vững. Chính vì thế mà hơn ai hết và hơn lúc nào hết, người Đà Nẵng phải chung tay hành động để giữ lấy rừng Sơn Trà, để cứu lấy Voọc chà vá chân nâu; đồng thời cần ngẫm nghĩ thấu đáo về một câu nói nổi tiếng của Napoleon Bonaparte: “Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”… 

 

B.V.T