Chuyện một người Quảng hiến kế làm trong sạch bộ máy quan lại - Vân Trình

06.08.2018

Chuyện một người Quảng hiến kế làm trong sạch bộ máy quan lại - Vân Trình

Đó là vị Cử nhân thứ 729 của nhà Nguyễn. Ông không những là Cử nhân đầu tiên (Cử nhân khai khoa) của huyện Đại Lộc, Quảng Nam mà còn được lưu danh trong sách Đại Nam thực lục- bộ biên niên sử Việt Nam viết về triều đại các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn.

Cụ Phan Trí Hòa sinh năm Canh Ngọ (1810). Ông người xã Phiếm Ái, tổng Đức Hòa Thượng, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc làng Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc; thuộc đời thứ 6, Phái Nhất của dòng họ Phan làng này. Là con thứ 7 của Phan Văn Nguyên, một vị quan có chức vụ cao thời nhà Nguyễn dưới các triều Gia Long, Minh Mạng, từng được phong tước Kế Thiện Hầu. Em gái cụ Phan Trí Hòa là bà Phan Thị Thục (Phan Thị Tài), một Cửu giai Tài nhân của vua Thiệu Trị.

Được người cha dạy dỗ chu đáo, ngay từ thuở nhỏ, Phan Trí Hòa học rất giỏi. Ông đỗ Cử nhân năm Minh Mạng thứ 15 (1834), khoa thi Giáp Ngọ, vị thứ 12/31. Làm quan từ triều Minh Mạng, Binh bộ Lang trung (hàng tứ phẩm) Phan Trí Hòa không khỏi lo lắng cho bộ máy quan lại đương thời, nhất là hậu quả do tình trạng “nhất quyết” gây ra. Theo đó, trong việc cất nhắc, bổ nhiệm quan lại mỗi khi bị khuyết, về nguyên tắc là do đình thần đề cử nhưng trên thực tế lại do một vị quan có thế lực quyết định cả. Chính đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền, buôn quan, bán chức hoặc gây bè kết phái ở chốn quan trường. Ngay cả việc bổ khuyết các chức quan Khoa, Đạo- tức quan thanh tra, giám sát việc thực hiện các nghi chế trong triều đình, phát hiện những điều không hợp lệ của quan chế và những sai trái của quan lại- cũng không nằm ngoài “quy luật” ấy. Do được các vị trưởng quan ưu ái, chiếu cố, “nâng đỡ không trong sáng” nên một số vị quan Khoa, Đạo khi được thăng bổ thường bỏ qua những khuyết điểm, sai trái của số quan lại (được bổ nhiệm theo hướng “lợi ích nhóm” của vị trưởng quan). Hệ lụy không tránh khỏi là hình ảnh chốn quan trường bị hoen ố, niềm tin của quan lại và dân chúng vào bộ máy công quyền giảm sút nghiêm trọng.   

Vốn tư chất thông minh và tính khẳng khái, cương trực, tháng tư năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), nghĩa là khi nhà vua lên ngôi mới ba tháng, Phan Trí Hòa dâng sớ tâu những điều gan ruột liên quan đến công tác đề cử quan lại, nhất là quan lại làm công tác thanh tra, giám sát. Sách Đại Nam thực lục (tập 6) ghi lại lời tâu ấy như sau: “Đặt ra chức Khoa, Đạo cốt để củ hoặc các nghi chế trong triều để chỉnh đốn về phương pháp làm quan. Từ trước đến giờ, có ngạch quan nào khuyết, theo lệ, phải do đình thần đề cử; tuy tiếng gọi là đình thần cử ra, nhưng thực thì do một người nào đó đề cử. Cho nên, những kẻ muốn được chóng thăng, không khỏi có sự cậy nhờ thế lực, hoặc bè đảng nâng đỡ. Huống chi chức Khoa, Đạo đã do đình thần cử ra, thì sau này không khỏi có chút nhân tình, e rằng sẽ có cái tệ nể mặt. Từ nay về sau, nếu có khuyết chức Khoa, Đạo nào, xin do bộ Lại chọn các viên tri phủ, tri huyện có thâm niên, các chủ sự có chân khoa mục làm danh sách kê rõ sự trạng tâu lên bộ Lại, để xem xét thăng bổ”.

Đọc lời tâu, vua Thiệu Trị tuy không đồng ý với đề xuất của Phan Trí Hòa về cách chọn cử  quan Khoa, Đạo song cũng thống nhất quan điểm phải “sửa chữa phương pháp cho người làm quan được trong sạch xứng chức”. Nhà vua cho rằng, đây “vốn là ý của ta buổi đầu dùng người, mong được thịnh trị”. Để khắc phục những  khuyết điểm, sai trái  trong “công tác cán bộ” mà Thự Lang trung họ Phan chỉ ra, vua định lệnh: “Chuẩn cho từ nay về sau, phàm những người được dự vào chân kén chọn cử người, phải cấm tuyệt không cho ai ra vào tư túi, theo đúng phép công, cần xem người mình ứng cử ấy về học hành, về chính sự, có đáng làm chức ấy không đã, rồi sau mới chỉ rõ tên để bảo cử. Còn người được tiến cử phải nên hết lòng với chức vụ của mình, giữ gìn ngay thẳng công bằng, trên có thể báo đáp trách nhiệm đã giao cho, dưới có thể không phụ lòng người đã tiến cử mình”. Nhà vua cảnh báo nghiêm khắc: “Nếu lại bè đảng với nhau, một khi bị người đàn hặc, hoặc là tự ta xét ra được, tất phải trị tội nặng”.

Như vậy, từ lời tâu của cụ Phan Trí Hòa, triều đình nhà Nguyễn, ngay từ thời vua Thiệu Trị, đã có sự thay đổi quan trọng trong chế độ công cử, tiến cử quan lại, đó là quy định về tiêu chuẩn để được tiến cử, đề bạt; về trách nhiệm của người đề cử- tiến cử; về bổn phận của người được tiến cử, bổ nhiệm; về chống tiêu cực trong việc đề bạt quan lại, nhất là trong đề bạt các chức quan thanh tra, giám sát quan lại. Những quy định này, thiết nghĩ, vẫn có giá trị tham khảo trong đổi mới công tác cán bộ thời nay!

Cụ Phan Trí Hòa mất năm Nhâm Thân (1872). Mộ phần của cụ lúc đầu được an táng tại xóm Cây Trâm, làng Phiếm Ái, sau này được dời lên Núi Lở, xứ Đồng Dương, nay thuộc xã Đại Nghĩa.

V.T

Bài viết khác cùng số

Chiều Chiều và Nu Nu - Nguyễn Thị Như ThắmKho báu - Trần Thị TuyếtQua khung cửa sổ - Nguyễn Phạm Oanh OanhKhông ngừng mơ ước bay xa...- Trần Trung SángThêm nhiều nét vẽ mới - Hồ Đình Nam KhaMỗi mùa pháo hoa… - Phan NamKịch - Nguyễn Đặng Thùy TrangNgười Phi chúng tôi chỉ dùng thức uống nhẹ - Alejandro RocesXinh đẹp và kiêu hãnh - Hoàng Thảo NhiBay - Võ Thanh Nhật AnhCuộc phiêu lưu của mặt trời - Nguyễn Hà Anh ThưValse tháng tám - Đinh Thị Như ThúyHải Vân Quan - Thạch ChâuĐất gọi - Nguyễn Hoàng SaĐôi lúc thấy mình như là ngụm khói - Trương Đình PhượngVà ngọn đèn xanh ấy không còn - Trần Trình LãmTôi ê a hát - Ngân VịnhMột sớm mùa hè - Nguyễn Thánh NgãGiấc rời - Hoàng Thụy Anh Thơ Xuân CừThơ Phạm Trí ThuQuả bàng vuông - Nguyễ Hưng HảiMột định nghĩa thiêng liêng - Kai HoàngĐà Nẵng như người tình - Đình ThuDấu ấn địa phương trong truyện ngắn Quế Hương - Võ Anh TuấnKhi văn chương không còn biên giới - Nguyễn Thị Anh ĐàoChuyện một người Quảng hiến kế làm trong sạch bộ máy quan lại - Vân TrìnhBùi Công Minh - Tiếng hát biển sôi động, hiền hòa - Đoàn Trọng HuyPGS,TS. Nguyễn Ngọc Thiện con người như tên gọi - Ma Văn KhángLưu Quang Vũ - “Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa” - Huỳnh Thu HậuLưu Quang Vũ và những quan niệm thơ - Mai Bá Ấn