Kịch - Nguyễn Đặng Thùy Trang

06.08.2018

Kịch - Nguyễn Đặng Thùy Trang

Tác giả Mẫu Đơn, tên thật là Nguyễn Đặng Thùy Trang, sinh năm 1993 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Hiện là giáo viên.

Nguyễn Đặng Thùy Trang bắt đầu sáng tác văn học từ những năm học Trung học phổ thông, với những bài tản văn nhỏ về gia đình, bạn bè, về thành phố biển thân thương. Những tản văn đầu tay của Trang in ở tập san Áo Trắng và sau đó là báo Bình Định, diễn đàn văn học Đông Tây, tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, Tài Hoa trẻ,...

Khi vào học khoa Ngữ Văn trường Đại học Quy Nhơn, em tiếp tục tham gia sáng tác và  tập trung vào thể loại truyện ngắn. Truyện của em thường xuyên được đăng  trên báo ở trung ương và tạp chí các tỉnh thành.

 Mẫu Đơn tâm sự: “Trong hai, ba năm gần đây, các truyện ngắn của tôi vẫn còn ở mức đang tìm tòi và định hình phong cách. Trong các sáng tác của mình, tôi vẫn muốn viết nhiều về thành phố biển với những con người ở đây. Biển và con người vì một duyên cớ nào đó đã  gắn bó với nhau một cách bền chặt, trầm lặng nhưng đầy thơ mộng...”.

Tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu với bạn đọc truyện ngắn có tên “Kịch” của tác giả Mẫu Đơn - Nguyễn Đặng Thùy Trang.


1.

Tất cả các ô cửa đều đóng, tất cả các cánh cửa đều im. Chỉ có những ngọn đèn vàng và tôi, những ngọn đèn miệt mài ngã một phần thân mình ảo giác xuống lòng đường. Tất cả đã sẵn sàng, tất cả đã đầy đủ, chỉ chờ một vài tiếng tích tắc nữa thôi, tôi, giữa lòng phố xá này, trung tâm của thành phố này, tụ hội của cơn mê đêm này, sẽ diễn vai diễn của mình, bài bản, đàng hoàng. Tích tắc, tích tắc. Sao nó tĩnh lặng thế nhỉ, mọi thứ cứ như một trận sóng thần trước đó vài giây, vài phút, vài tiếng. Nó khác với tôi trong những đêm diễn trật tự và cũng đầy náo loạn cảm xúc. Mọi thứ cứ như sắp vỡ tung ra. Ở nơi đây, qua cái giờ sột soạt của những người quét đường và cũng thỉnh thoáng chớp nháy những đèn xe đi bão, tôi thấy một sân khấu quay mình, cứ như mặt trái của tấm màn nhung phủ xuống để đón những ánh mắt đợi chờ người ra diễn. Mặt trái có khóa, mặt trái có kẽm gai, mặt trái có những ngọn đèn cửa tù mù, mặt trái có những loài hoang đi đêm, mặt trái có những loài vật canh cửa. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới biết, diễn ở một sân khấu mặt trái là như thế nào. Nó xóa bỏ tất cả ranh giới diễn viên chính phụ, tất cả các kịch bản và số lượng khán giả đông đến không ngờ. Nào là cây, nào là đường, nào là những chiếc bóng màu đen đổ xuống, nào là những con chim đang ngủ, những con đang ăn đêm, chó và mèo. Không sao, tôi cũng sẽ tỏa sáng theo cách tôi có thể trong đêm tối. Đủ giờ để diễn. Nhiều ánh mắt dán vào đêm thao láo nhưng bí mật. Tôi thấy nhưng tôi không nói, tôi cũng không sợ hãi. Tôi là một diễn viên chuyên nghiệp.

2.

Mười hai giờ tối. Quán đóng cửa. Nhạc công dọn dẹp sau khi nhận được tiền lương, không có gì phàn nàn. Nhiều bài hát đã được cất lên. Hay và dở. Họ biết, và không có ý định cố gắng thêm điều gì. Mọi thứ vẻn vẹn trong vài giờ đồng hồ. Chỉ thế thôi. Một tay chuyên đàn cho các nhà hàng sang trọng cũng đã gọi điện tới, một gã khác chuyên hát cho những đôi tình nhân tỏ tình cũng sắp có mặt. Vài ba cô nàng nữa chứ. Vài cú phôn. Nếu ai đó rảnh, họ sẽ đến. Mười hai giờ mười. Trễ mười phút. Nhanh lên tí. Trong giấc mơ của con bé nào đấy, có tiếng xé gió khủng khiếp. Đến nơi. Như thường lệ, họ để xe hai bên đường, và đứng thưởng thức. Đêm nào cũng thế á. Ừ đêm nào cũng... Ố, hay kìa. Quay cuồng thế. Nhưng kịch câm thế này thì làm sao mà hiểu được anh. Đây này, em xem đi. Có người thuộc kịch bản không lấy ra. Có người lấy kịch bản khác. Có người tự sáng tác kịch bản. Em muốn xem kiểu nào? Thế thì em sẽ tự nghĩ ra. Em sẽ lấy điện thoại quay lại rồi lồng vào đó lời bình của em, anh thấy thế nào. Okie.  Rồi rồi. Vò đầu thế này thì mà là, ôm mặt thế kia, ngơ ngác thế kia... chắc là thất tình rồi, hay là thiếu điểm anh nhỉ, hay đau khổ vì thất nghiệp với cả bị ruồng bỏ. Tùy em, sao cũng được. Không, động tác hình thể như thế có khi là đang chết đuối cũng nên, hay là trong giấc mơ, mộng du, bó bột à. Đấy đấy, cái chân, cái tay, sao lại rút lại thế í, xuất thần quá, hay quá... Youtube mà lên thì hay hơn cả... hí hí hí anh ạ. Bốn năm chàng trai chăm chú dõi theo. Đồng hồ gần một giờ sáng. Cứ đến lúc chân tay người ấy rút rút co quắp lại, họ xúm lại vội vã đưa người ấy về. Về đâu anh nhỉ? Tiền boa cho em. Hẹn ngày mai. Mai em gửi link  anh xem. Tùy. Diễn viên kịch câm ú ớ ú á ngồi kẹp giữa hai cái miệng hay hát ca và đôi tay gõ phím, bấm dây đàn. Tay chân hết lớ quớ được nữa. Im. Chở về. Họ thò tay vào túi áo anh ta. Một mẩu giấy nhỏ. Hôm nay tới lượt mày. Ừ đưa đây. Căn 48 ngõ S đường H.            

3.

Một cái chách. Anh ta đập vào má mình. Đồ dối trá. Một cái chách. Má bên kia ửng đỏ. Thằng phản bội không kém. Im cả đi. Tôi không làm gì sai cả. Một cái chách. Tôi... Tập kịch bản thiếu trang hay bị xé vì một lý do nào đó. Đáng lẽ nhân vật sẽ được cải chính, biện luận hay nhân vật tiếp tục dối trá. Nhưng trang kịch bản không hoàn thiện. Nó làm anh lúng túng đặt mình vào một khoảng không tư duy. Đối diện với đống quần áo đủ màu đủ loại trước mặt với ô cửa sổ cũ mèm mưa cuốn ục ục trên mái tôn. Kịch bản. Anh học tạm phần đã có. Dối trá và lừa đảo. Lừa đảo và dối trá. Chách và chách. Thấy tê tê da mặt, lại đến giờ ăn trưa. Tạm nghỉ.

Cho dĩa cơm như mọi hôm. Một phần mấy cây son di động màu đo đỏ hợp thời vẽ hình trái tim, vâng, của anh. Đồ dối trá. Xin lỗi, em sẽ lấy cho anh dĩa khác sạch hơn, em mới lỡ tay, anh tinh ý quá. Lừa đảo. Làm gì mà gớm thế, đây không thiết, khách còn đầy. Chách. Điên. Cơm đâu. Đây, quý khách. Dĩa cơm mới nâng ngang tầm ngực thả xuống cạnh tay cầm đũa muỗng sẵn sàng. Ăn xong, đứng tính tiền. Dối trá và lừa đảo. Anh ta mấp máy miệng không thôi. Cách khoảng một chốc. Chủ quán và phục vụ tụ vào, chả có nhẽ, hắn đã biết... Trên đường đến nhà hát, anh tấp vào một cây xăng, mùi xăng và mùi người. Không thể tả. Thoáng nhớ cái tít các chiêu trò móc túi. Anh thò tay vào túi quần, để im. Miệng lẩm bẩm, lừa đảo. Nhân viên không nghe thấy gì, bận, quay như chong chóng.

Đến nhà hát, không kịp nói chào ai câu gì. Anh đi tìm nhà biên kịch. Hắn ta chưa tới. Một khoảng trống trong đầu. Kịch bản là mảnh giấy bị mất trang. Lừa đảo và dối trá. Anh nghĩ tới lúc “đứng hình”. Đứng ngồi không yên, anh xem đồng nghiệp diễn. Sân khấu lớn, vang vọng. Đối thoại, độc thoại, bàn thoại. Tiếng. Âm thanh. Chữ. Nhà biên kịch. Hắn tới nhưng không mang theo gì cả. Anh đưa cho hắn trang kịch bản giữa chừng. Hắn ồ à. Lừa đảo à. Ừm. Điền thêm vài dòng vào. Cắt bớt mấy dòng. Căng thẳng. Anh tìm mọi ngóc ngách có thể, yên tĩnh, học lại. Tập thử nhưng cũng phải nghiêm túc, anh là diễn viên chuyên nghiệp.

Đứng trên sân khấu. Bạn diễn nâng đỡ, chách chách dùm anh mấy cái, cũng nhẹ. Cũng đối đáp, đúng kiểu qua lại. Anh liên tục nói những gì đã có trong đầu, sống trong đầu, mọc thành cây trong đầu. Đoạn ấy, cả hai hét lên, đồ lừa đảo, đồ dối trá. Đạo diễn gật gật vừa lòng. Thêm vài câu thoại. Lúc chào khán giả, anh cúi đầu, cúi đầu, cúi đầu. Cảm ơn. Khép màn. Cả chục đêm diễn, chục địa điểm. Màn mở và khép.

4.

Diễn viên kịch câm à? Không, bình thường, nhưng thích câm, chắc muốn đổi mới. Địa chỉ này. Vứt đi. Mỗi hôm một chỗ, giữ làm gì. Nơi đó là nơi nào. Nơi nào? Ông già bước xuống, đi vào căn nhà đúng như địa chỉ, ngủ lại. Ông ấy diễn ở đây? Già rồi, chắc tự do. Sao ta lại phải đến với ông ấy? Kịch bản bảo phải làm thế. Ai đưa cho anh? Không thể giải thích được. Mỗi sáng, anh đều nhận được một kịch bản trong thư chuyển phát nhanh. Nhưng anh là nhạc công. Không, anh không biết.  Sao anh ngốc vậy. Vì anh là một nhạc công, vì anh là một diễn viên, và anh phải diễn. Trong thư luôn kèm theo tiền trả cho đợt diễn trước. Anh có đôi tay và đôi môi này. Anh chẳng phải làm gì khác ngoài kịch bản gửi sẵn. Em cũng muốn diễn, em cần tiền, làm thế nào để anh giới thiệu cho em. Cô ta cười không mấy quyến rũ. Em có khả năng, cô ta nhắc lại. Em có thể tự viết kịch bản cho mình. Nhưng không ai trả tiền cho em. Hay anh viết kịch bản cho em, trả tiền cho em. Anh không đủ khả năng. Anh là một thằng bất tài, anh diễn, có thế thôi.

Chách. Dừng được rồi, tạm nghỉ, ta sẽ tập tiếp. Nhà biên kịch đã tới.

M.Đ

Bài viết khác cùng số

Chiều Chiều và Nu Nu - Nguyễn Thị Như ThắmKho báu - Trần Thị TuyếtQua khung cửa sổ - Nguyễn Phạm Oanh OanhKhông ngừng mơ ước bay xa...- Trần Trung SángThêm nhiều nét vẽ mới - Hồ Đình Nam KhaMỗi mùa pháo hoa… - Phan NamKịch - Nguyễn Đặng Thùy TrangNgười Phi chúng tôi chỉ dùng thức uống nhẹ - Alejandro RocesXinh đẹp và kiêu hãnh - Hoàng Thảo NhiBay - Võ Thanh Nhật AnhCuộc phiêu lưu của mặt trời - Nguyễn Hà Anh ThưValse tháng tám - Đinh Thị Như ThúyHải Vân Quan - Thạch ChâuĐất gọi - Nguyễn Hoàng SaĐôi lúc thấy mình như là ngụm khói - Trương Đình PhượngVà ngọn đèn xanh ấy không còn - Trần Trình LãmTôi ê a hát - Ngân VịnhMột sớm mùa hè - Nguyễn Thánh NgãGiấc rời - Hoàng Thụy Anh Thơ Xuân CừThơ Phạm Trí ThuQuả bàng vuông - Nguyễ Hưng HảiMột định nghĩa thiêng liêng - Kai HoàngĐà Nẵng như người tình - Đình ThuDấu ấn địa phương trong truyện ngắn Quế Hương - Võ Anh TuấnKhi văn chương không còn biên giới - Nguyễn Thị Anh ĐàoChuyện một người Quảng hiến kế làm trong sạch bộ máy quan lại - Vân TrìnhBùi Công Minh - Tiếng hát biển sôi động, hiền hòa - Đoàn Trọng HuyPGS,TS. Nguyễn Ngọc Thiện con người như tên gọi - Ma Văn KhángLưu Quang Vũ - “Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa” - Huỳnh Thu HậuLưu Quang Vũ và những quan niệm thơ - Mai Bá Ấn