Kho báu - Trần Thị Tuyết

06.08.2018

Kho báu - Trần Thị Tuyết

Lớp 10C1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Giải Ba

Ngày tháng sáu. Nắng hạ gắt gỏng. Đường nhựa tỏa hơi hừng hực như muốn đốt cháy mọi sinh vật đứng trên nó. Sân bay giữa trưa vẫn tấp nập người qua kẻ lại. Hơi người. Tiếng rầm rì. Tiếng vali kéo lê trên nền đất. Những tạp âm đô thị. Sự náo nhiệt, xô bồ khiến lòng người bức bối, khó chịu không thôi. Thi thoảng vang lên vài tiếng chửi rủa của mấy hành khách mất kiên nhẫn đợi xe.

Trong tình cảnh chẳng mấy thoải mái như thế, Lam ngược lại vui vẻ và náo nức lạ thường. Tính ra thì đã gần chục năm kể từ ngày gia đình cô rời quê lên thành phố rồi xuất ngoại mấy năm sau đó. Nay trở về, niềm vui còn pha lẫn chút ưu tư, hoài niệm.

Vừa ra khỏi sân bay, Lam liền bắt một chiếc taxi, nói vài câu với tài xế rồi đi đến chỗ hẹn. Lần này cô về một mình. Sở dĩ gia đình cô đã về thăm quê từ năm ngoái, nhưng thời điểm đó, kỳ thi thạc sĩ cận kề, cô phải bù đầu bù cổ vào đống chuyên đề dày cộm, nên đành chờ dịp khác. Tình cờ, tháng trước, bạn học cũ ở Việt Nam liên lạc, báo rằng tháng sáu này họp lớp, hy vọng mọi người tham gia đầy đủ. Thế nên, cô trở về.

Lần họp mặt này, Liên - lớp trưởng quyết định tổ chức ở trường cấp hai cũ. Ngôi trường này nằm ở một ngôi làng nhỏ - cũng là nơi Lam gắn bó suốt những ngày ấu thơ. Tụ họp, cũng là một chuyến thăm quê. Ngồi trên xe, nhìn những hàng cây vùn vụt lướt qua ngoài cửa sổ, cô nghĩ vẩn vơ, về lũ bạn, về những gương mặt quen thuộc trong con xóm nhỏ, về kỷ niệm, về nhiều thứ nữa tưởng như đã bị lãng quên từ lâu...

Gần một tiếng, Lam đến nơi. Gia đình chú Tư đang đứng đợi đầu ngõ. Gặp lại những người thân sau nhiều năm quả thật là một cảm xúc khó nói thành lời. Hai vị trung niên trước mặt đã già đi nhiều, mấy đứa em họ thì tươi mơn mởn ở cái ngưỡng đẹp nhất của độ xuân thì. Một chút lạ mà nhiều hơn vẫn là thân thương. Mọi người cùng Lam về nhà. Cuốc bộ trên đường, cô nhận ra làng mình thay đổi, dù không thể coi là một sự lột xác hoàn toàn. Đường nhựa thẳng tắp. Những mái nhà lụp xụp sửa lại kiên cố hơn. Ít đi những bãi đất trống, những rơm rạ, bãi lau. Lũ trâu bò cũng ít “đi lang thang” hơn ngày trước. Nhưng, giây phút ngửi được hương đất nồng, mùi gạch cũ, vị hoàng lan ngọt lịm quê mình, bao nhiêu hình bóng ùa về từ hẻm sâu ký ức. Lam gặp lại cảnh xưa, người cũ. Cảnh có đổi, người có vơi, nhưng cái bản chất của quê hương vẫn còn đó - mộc mạc, giản dị đến ấm lòng. Chẳng hiểu sao, lòng lâng lâng...

Mai mới là ngày hẹn. Lam còn một ngày để nghỉ ngơi sau chuyến đi dài. Chia ly lâu thế, không biết bọn họ có nhận ra nhau? Tối ấy, cô mơ một giấc mơ kỳ lạ. Cô thấy mình trở lại những ngày thơ bé với những ngôi nhà ngói cũ, ngôi trường nhỏ với cây bàng già, những đứa trẻ loi choi và một người bạn... Đó cô bé đáng yêu với bím tóc được thắt cẩn thận, miệng lúc nào cũng sang sảng: “Lam ơi... Lam à...”. Cô và nó ngày nào cũng nắm tay nhau đi trên con đường từ nhà đến trường, thắt đuôi sam cho nhau mỗi sáng sớm, chơi đồ hàng, vẽ tranh, hát hò mỗi khi rảnh rỗi, vài bữa lại ngủ chung với nhau và không bao giờ quên lén lút cùng nhau đến chỗ kho báu bí mật... Kho báu bí mật... Kho báu giữa Lam và nó...Và cô thấy lại cái ngày mình rời đi mười năm trước... Song, tiếng chuông báo thức làm cô tỉnh giấc, cắt đứt thước phim ký ức chạy chậm trong đại não.

Một ngày mới bắt đầu. Lam nhìn đồng hồ. Ba giờ chiều mới đến giờ hẹn. Còn cả một buổi sáng, cô nghĩ mình có việc để làm rồi. Mặc một bộ đồ thoải mái, Lam tìm trong nhà chú một cái xẻng làm vườn rồi đi về phía trường học...Trường cũ sau khi được xây dựng lại đẹp hơn và thoáng đãng hơn. Duy chỉ có cây bàng già phía sau trường vẫn sừng sững một góc trời, bao nhiêu năm vẫn còn đó, như người bảo hộ canh giữ một cái gì thật quý báu. Lam đến bên gốc bàng, lặng lẽ dò tìm cái gì đó trong trí nhớ. Rồi cô cầm xẻng lên, nhắm thẳng vào vị trí vừa được xác định, đào bới. Phía sau ngôi trường, người ta thấy một cô gái đang đào tìm thứ gì đó... Một cô gái nhỏ nhắn được bao bọc bởi bóng bàng già.

Vài phút đồng hồ trôi qua, mặt đất lổm ngổm vài mảng đào xới. Lam dừng lại. Những cái hố cô đào không sâu, nhưng cô không đào thêm nữa, bởi cô biết cái cô đang tìm không ở sâu đến vậy. Cũng phải, mười năm rồi, trường đã xây lại, làng cũng đổi thay, vật nhỏ bé đó chắc bị người ta tìm thấy và vứt đi rồi cũng nên. Một chút thất vọng hiển hiện trên gương mặt lấm tấm mồ hôi. Đành vậy...

Lấp lại lớp đất vừa bị bới lên, quay người định ra về thì có một giọng nói trong veo gọi Lam trở lại:

- Lam hả em?

Giật mình nhìn người vừa gọi mình, Lam nhận ra cô giáo chủ nhiệm lớp Lam ngày trước, một người phụ nữ hiền lành và giàu tri thức. Nụ cười rạng rỡ trên môi, Lam chạy đến ôm cô giáo cũ:

- Vâng! Em là Lam đây ạ! Mấy năm nay cô có khỏe không? Cô còn đi dạy chứ ạ?

- Lâu thật đấy! Cô vẫn khỏe và đến lớp mỗi ngày. Em về từ bao giờ thế?

- Dạ em mới về nước ngày hôm qua. Các bạn tổ chức họp lớp ở đây, em về tiện thể thăm quê luôn. Ngày hôm qua em hơi mệt nên chưa đến thăm cô được.

- Ôi không sao! Liên có liên lạc với cô tuần trước. Có vẻ buổi họp mặt này đông đủ lắm đây.

Cô trò nói cười, tâm sự đôi câu. Bỗng, cô giáo im lặng một hồi rồi hỏi:

- Mới nãy em cần tìm cái gì hả?

- À... vâng... Một món đồ cũng lâu rồi. Mà có lẽ mất rồi cô ạ. Cũng không quan trọng lắm đâu...

Cô giáo nhìn Lam, bảo:

- Em đến nhà cô nhé! Cô có cái này cần gửi cho em.

Lam hơi ngạc nhiên. Cô nhớ cô đâu có nhờ ai giữ gì suốt mấy năm nay đâu nhỉ. Tò mò, Lam theo về nhà cô giáo.

Ngồi trong phòng khách, Lam thấy cô giáo đem ra một cái hộp sắt cũ. Nhìn hộp sắt trên tay cô giáo, tim Lam như vỗ chậm một nhịp. Một chút ngờ ngợ, nghi vấn hiện trên gương mặt cô:

- Cô ơi! Đây là...

- Vật em cần tìm đúng không?

Không đợi Lam trả lời, cô giáo nói tiếp:

- Thật ra, cô biết hai đứa bọn em chôn cái hộp này ở sau trường lâu rồi. Mấy lần cô ở trường làm việc, về nhà trễ, đi ngang qua bãi đỗ xe thì thấy bọn em đùa giỡn rồi chôn cái hộp này. Nhưng thấy các em bí mật nên cô cũng không hỏi làm gì. Từ ngày em đi, Chi thỉnh thoảng cũng đến mở hộp đấy...

- Thật sao cô? Chi có đến sao cô? - Lam ngạc nhiên, hỏi

- Ừ! Mấy năm sau, Chi lên tỉnh học đại học nên cũng chẳng có ai tìm đến nữa. Nhưng hai năm trước trường khởi công xây dựng, Chi và em cả hai đứa đều không ở làng, cô sợ cái hộp bị lạc nên mới đem nó về nhà giữ. Cuối cùng cũng gặp được em để trao lại. Này, em cầm lấy đi.

Lam cầm chiếc hộp gỉ sắt. Cô mở ra nhìn những vật trong đó. Chiếc hộp không to, bên trong chứa một vài bức thư, một vài bức tranh với nét vẽ nguệch ngoạc và vài đồ chơi nhỏ khác. Kỷ niệm ùa về như vũ bão. Đó là kho báu bí mật của cô và Chi - cô bé thắt bím xinh xắn trong giấc mơ của Lam tối qua. Đấy cũng là bạn thân của Lam ngày trước. Chúng nó thân lắm. Làm gì cũng có nhau. Những gì riêng tư nhất của chúng đều được cất giữ trong chiếc hộp này. Cô cầm ngắm từng đồ vật một. Chiếc kẹp hồng này ngày trước cô và Chi đều thích, nhưng cửa hàng chỉ có một. Thế là hai đứa góp tiền mua về, chuyền nhau đeo mỗi ngày. Nhưng Lam nhớ có lần, người cô thích khen chiếc kẹp hợp với cô lắm, thế là cô giấu nhẹm nó đi, không trả lại Chi. Đợt đó hai đứa cãi nhau. Nhưng chẳng nhớ ai nghĩ ra cách cất chiếc kẹp vào hộp sắt này với quy định chúng nó chỉ được ngắm chứ không được dùng chiếc kẹp này nữa. Vậy mà biển yên gió lặng, hai đứa làm hòa với nhau. Còn mấy bức tranh này chúng nó cùng nhau vẽ khi mới được bố tặng một hộp màu thật lớn. Cả những bức thư này nữa. Mấy lần chúng nó giận nhau, đứa nào cũng ngại mở lời, thế là viết thư rồi bỏ vào đây. Tự khắc sau khi đọc được, chúng nó liền gỡ bỏ mọi khúc mắc.

Có thể nói, hộp sắt này là kỷ niệm vui nhất của cô với Chi, nhưng cũng là kỷ niệm buồn nhất. Ngày Lam biết tin cô sẽ chuyển đi, cô nhớ khi ấy mình vui lắm. Ngày nào cũng khoe là mình sẽ được ăn ngon, mặc đẹp, học trường tốt, gặp nhiều bạn bè mới. Khoảng thời gian đầu, Chi tỏ vẻ hứng thú. Nhưng những ngày cận kề, chúng nó lại càng ít gặp nhau. Một phần vì Lam bận chuẩn bị hành lý, thủ tục giấy tờ, một mặt Chi buồn, Chi giận nó. Bạn bè khi ấy bảo rằng Lam “lên đời” nên chảnh, nên đi khoe khoang khắp mọi nơi, nên ngó lơ chúng bạn, ngó lơ Chi. Nhưng ý của cô thật sự không phải vậy. Đơn giản là khi đó Lam rất vui mà thôi. Hiểu lầm nhưng chẳng ai tỏ bày, giải thích. Ngày ra đi, Lam đợi mãi không thấy Chi đến, tới nhà Chi thì nghe tin Chi đi chơi với bạn cùng lớp mất rồi. Khi ấy, Lam buồn lắm, nó muốn gặp Chi lần cuối, nó muốn nói nó thương Chi lắm, không như Chi nghĩ đâu. Nhưng đợi mãi, Chi vẫn trốn đâu mất dạng. Thời gian đi cận kề, Lam không được phép rề rà thêm nữa. Thế là cô viết một bức thư, cất trong chiếc hộp đó, hy vọng một ngày Chi sẽ đọc được... Nhưng Lam vẫn không nhận được hồi âm từ Chi. Ra đi, cả hai chẳng thể nói với nhau lời tạm biệt...

Đang đắm chìm trong ký ức, bỗng Lam thấy những nét chữ quen thuộc trong xấp giấy được gấp đều cẩn thận. Đó là chữ của Chi, Lam nhận ra nó:

“Ngày 17 tháng 5 năm 2000...” - Đó chẳng phải là một ngày sau ngày cô rời đi hay sao!

“...Lam ơi! Mình xin lỗi! Mình không muốn xa cậu đâu! Thật đấy...”

“Ngày 17 tháng 5 năm 2001...

Lam ơi! Năm nay mình mặc áo dài rồi đấy! Cậu cũng thế nhỉ?”

“Ngày 17 tháng 5 năm 2002...

Lam ơi! Mình để ý một chàng trai được lắm...”.

Lá thư cuối cùng - “Ngày 17 tháng 5 năm 2004... Lam ơi! Mấy năm tới không thể viết thư gửi cậu rồi. Mình lên Sài Gòn đi học. Tạm biệt cậu nhé!”

Cầm những lá thư trong tay, tim cô run run. Thì ra bấy lâu nay Chi chưa bao giờ quên người bạn này. Ngày 17 tháng 5...như một ngày gì đó rất đáng buồn... ngày tình bạn phải chia xa... ngày một người đã ra đi và một người buồn rầu, hối hận...

- Cảm ơn cô vì đã trân trọng và bảo vệ kho báu này!

Lam ngước mắt nhìn người phụ nữ hiền từ bên cạnh đầy biết ơn và trân trọng...

Chiều về, Lam lững thững dưới gốc bàng già. Cô là người đầu tiên đến đây. Cô đang đợi bạn học của mình... đợi cả Chi nữa... Đồng hồ tích tắc nhảy từng giây. Một cơn gió thoáng qua, Lam thoáng nghe tiếng bước chân loạt soạt. Ngước mắt lên nhìn người đang đến, đáy mắt Lam bừng lên thứ ánh sáng rực rỡ hơn cả ánh mặt trời chói chang. Đó là một cô gái xinh đẹp, hiền lành, vẫn với mái tóc bện ngay ngắn như thế. Cô ấy cười, Lam cũng cười. Lam thấy mình như hóa còn bé con. Lam nghe văng vẳng bên tai mình tiếng gọi: “Lam ơi... Lam à...” vọng về từ miền ký ức.

Dưới gốc bàng già, dưới bóng cây nơi tình bạn trở thành kho báu, một cái ôm nồng nhiệt, một lời bày tỏ tâm tình: “Tớ nhớ cậu!”

T.T.T

Bài viết khác cùng số

Chiều Chiều và Nu Nu - Nguyễn Thị Như ThắmKho báu - Trần Thị TuyếtQua khung cửa sổ - Nguyễn Phạm Oanh OanhKhông ngừng mơ ước bay xa...- Trần Trung SángThêm nhiều nét vẽ mới - Hồ Đình Nam KhaMỗi mùa pháo hoa… - Phan NamKịch - Nguyễn Đặng Thùy TrangNgười Phi chúng tôi chỉ dùng thức uống nhẹ - Alejandro RocesXinh đẹp và kiêu hãnh - Hoàng Thảo NhiBay - Võ Thanh Nhật AnhCuộc phiêu lưu của mặt trời - Nguyễn Hà Anh ThưValse tháng tám - Đinh Thị Như ThúyHải Vân Quan - Thạch ChâuĐất gọi - Nguyễn Hoàng SaĐôi lúc thấy mình như là ngụm khói - Trương Đình PhượngVà ngọn đèn xanh ấy không còn - Trần Trình LãmTôi ê a hát - Ngân VịnhMột sớm mùa hè - Nguyễn Thánh NgãGiấc rời - Hoàng Thụy Anh Thơ Xuân CừThơ Phạm Trí ThuQuả bàng vuông - Nguyễ Hưng HảiMột định nghĩa thiêng liêng - Kai HoàngĐà Nẵng như người tình - Đình ThuDấu ấn địa phương trong truyện ngắn Quế Hương - Võ Anh TuấnKhi văn chương không còn biên giới - Nguyễn Thị Anh ĐàoChuyện một người Quảng hiến kế làm trong sạch bộ máy quan lại - Vân TrìnhBùi Công Minh - Tiếng hát biển sôi động, hiền hòa - Đoàn Trọng HuyPGS,TS. Nguyễn Ngọc Thiện con người như tên gọi - Ma Văn KhángLưu Quang Vũ - “Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa” - Huỳnh Thu HậuLưu Quang Vũ và những quan niệm thơ - Mai Bá Ấn