Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian trong đời sống đô thị ở thành phố Đà Nẵng sau-hợp-nhất với tỉnh Quảng Nam
Từ tháng 10 năm 2025, thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất với tỉnh Quảng Nam sẽ trở thành một thành phố có diện tích lớn nhất trong sáu thành phố trực thuộc Trung ương (Đà Nẵng hơn 11.859 km2, Thành phố Hồ Chí Minh hơn 6.772 km2, Cần Thơ hơn 6.360 km2, Huế hơn 4.947 km2, Hà Nội hơn 3.359 km2, Hải Phòng hơn 3.194 km2), với đời sống đô thị ngày càng phát triển ở khu vực các quận/thị xã, các thành phố thuộc tỉnh, các thị trấn huyện lỵ, đi đôi với triển vọng đô thị hoá nhanh hơn ở nhiều khu vực khác, sẽ vừa là thời cơ vừa là nguy cơ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian. Bài viết sẽ đi sâu nhận diện các thời cơ và nguy cơ ấy để trên cơ sở đó đề xuất giải pháp phù hợp.
1. Thời cơ của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian trong đời sống đô thị sau hợp tỉnh
Thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất với tỉnh Quảng Nam sẽ có nhiều thời cơ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian trong đời sống đô thị sau hợp tỉnh. Trước hết là số lượng di sản sau hợp nhất sẽ tăng đáng kể và trở thành một dư địa phát triển hoạt động nghiên cứu/ sưu tầm/ quảng bá/ truyền dạy về văn hóa văn nghệ dân gian rộng hơn. Chẳng hạn về các di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và đến tri thức dân gian, ngoài các di sản của Đà Nẵng đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng/2015, Nghệ thuật Bài Chòi Đà Nẵng/2016, như Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng/2016, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn/2021 và như Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước/2014, Nghề làm nước mắm Nam Ô/2019, Nghề làm bánh tráng Túy Loan/2024…; còn có các di sản của Quảng Nam cũng đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như Hát bả trạo/2013, Nghệ thuật Bài Chòi, Quảng Nam/2014 [cùng với Nghệ thuật Bài Chòi Đà Nẵng và Nghệ thuật Bài Chòi bảy tỉnh Trung Bộ khác được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại/2017], Múa Tân’ tung Da’ dá của người Cơ Tu/2014, Nói lý, hát lý của người Cơ Tu/2015, như Nghề trồng rau Trà Quế/2022, Mì Quảng/2024, Nghi lễ dựng Cây nêu và bộ Gu của người Cor/2014, như Lễ hội Rước cộ Bà chợ Được/2014, Lễ hội Bà Phường Chào/2020, Lễ hội Bà Thu Bồn/2020, Tết Nguyên tiêu ở Hội An/2023, Tết Trung thu ở Hội An/2023 và như Nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu/2014, Nghề mộc Kim Bồng/2016, Nghề khai thác yến sào Thanh Châu/2016, Nghề làm gốm Thanh Hà/2019, Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh/2024, Nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm/2024…
Thời cơ thứ hai là số lượng nghệ nhân và người sưu tầm/ nghiên cứu/ giảng dạy văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng của thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất với tỉnh Quảng Nam sẽ đông đảo hùng hậu hơn. Chi hội Văn nghệ dân gian thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam hiện có 26 hội viên, trong đó có 5 hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Hội Văn nghệ dân gian thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng hiện có 53 hội viên, trong đó có 15 hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, sau khi được hợp nhất, chắc chắn sẽ trở thành nòng cốt cho nguồn nhân lực địa phương hoạt động trên lĩnh vực này.
Thời cơ thứ ba là trong bối cảnh thành phố mở rộng ra toàn tỉnh Quảng Nam với hai di sản văn hóa thế giới (đô thị cổ Hội An/1999 và khu đền tháp Mỹ Sơn/1999), hai di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương/2016 và đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam/2018, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm/2009, xã đảo Tam Hải, cùng với di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn/2023, hai di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải/2017 và danh thắng Ngũ Hành Sơn/2018, di tích quốc gia liên tỉnh Hải Vân quan/2017, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Nhà Trưng bày Hoàng Sa và cả Hòn Sơn Trà con vừa được thành phố Huế bàn giao lại, tài nguyên du lịch của thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất sẽ trở nên phong phú, tạo hấp lực thu hút du khách đến với Đà Nẵng, đồng thời cũng hình thành những cộng đồng khán/ thính giả có nhu cầu trải nghiệm các loại hình diễn xướng dân gian ở cả miền biển và miền núi. Đây chính là thời cơ để các nghệ nhân không chỉ có nhiều hơn sân chơi để thể hiện tài năng nghệ thuật mà còn có nhiều hơn môi trường để truyền dạy nghề nghiệp.
Thời cơ nữa là Đà Nẵng sau hợp nhất với tỉnh Quảng Nam sẽ huy động tốt hơn nguồn lực đầu tư công cũng như nguồn lực đầu tư theo hướng xã hội hoá nhằm thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” được phê duyệt theo Quyết định số 3404/QĐ-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030” được phê duyệt theo Quyết định số 3875/QĐ-BVHTTDL ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - trong đó có các giá trị văn học dân gian của dân tộc Cơ Tu, dân tộc Cor, dân tộc Hoa trên địa bàn Đà Nẵng sau hợp nhất. Thực tiễn những năm qua cho thấy, một cộng đồng cư dân người dân tộc thiểu số muốn bảo tồn được tập quán xã hội và tín ngưỡng của sắc tộc mình phải đảm bảo số lượng cư dân nhất định, nếu không rất dễ hoà tan vào tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Kinh.
2. Nguy cơ của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian trong đời sống đô thị sau hợp tỉnh
Bên cạnh các thời cơ nêu trên, thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất với tỉnh Quảng Nam cũng sẽ phải đương đầu với không ít nguy cơ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian trong đời sống đô thị sau hợp tỉnh.
Trước hết là những nguy cơ thời nào cũng có thể diễn ra, chẳng hạn như nguy cơ phá hoại di sản liên quan đến tín ngưỡng dân gian diễn ra hồi cuối tháng 3 năm 2025 ở phường Cẩm Phô thành phố Hội An: Tấm bia dùng để yểm thủy đạo và có mối liên hệ với tín ngưỡng thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ tại di tích chùa Cầu, đặt bên trong một am thờ nhỏ xây bằng gạch, nằm trong lòng gốc cây đa cổ thụ, trên mặt bia khắc chữ Hán Nôm và hình ba đạo bùa, đã bị đục phá làm hư hại gần như hoàn toàn các chữ và hình chạm khắc trên mặt bia.
Đặc biệt là nguy cơ các lễ hội truyền thống mất dần thậm chí mất hẳn cơ sở xã hội tương thích. Tháng 3 năm 2025, tôi được Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố mời làm diễn giả cho Tọa đàm “Văn hóa văn nghệ dân gian Quảng Nam Đà Nẵng” tại sự kiện chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng - Khúc tráng ca tự hào” và Triển lãm ảnh, tài nguyên thông tin nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng 29/3/1975 - 29/3/2025 tổ chức tại quận Liên Chiểu. Sau khi nghe tôi lý giải sở dĩ Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ khó bảo tồn và phát huy như Lễ hội Cầu Ngư bởi ngày nay ở Phong Lệ không còn cơ sở xã hội tương thích là chăn trâu và trẻ chăn trâu, một học sinh Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh đã hỏi rằng nếu như trong quá trình phát triển, Đà Nẵng không còn ra khơi đánh cá và ngư dân, không còn cơ sở xã hội tương thích thì Lễ hội Cầu Ngư sẽ được bảo tồn và phát huy như thế nào? Câu hỏi sắc sảo vang lên từ một nơi rất gần làng chài Nam Ô và làng chài Xuân Dương một thời vang bóng này đã chạm đúng ngón tay vào số phận của không ít làng chài ở Đà Nẵng - và cả ở Quảng Nam - trong mấy chục năm qua.
Trong bài "Những làng chài dần xa, dần qua…" đăng Báo Đà Nẵng điện tử ngày 22 tháng 4 năm 2018, tôi từng viết: “Rõ ràng việc bảo tồn di sản vật thể của văn hóa dân gian miền biển của Đà Nẵng - “hương hỏa” ông cha xưa để lại - đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn lao mà lớn nhất, ám ảnh nhất là những làng chài ven biển đang dần xa, dần qua... Văn hóa dân gian miền biển hay miền núi hay ở bất kỳ địa bàn nào cũng đều phải gắn liền với cư dân bản địa. Khó có thể bảo tồn văn hóa dân gian miền biển - cả vật thể lẫn phi vật thể - trên một địa bàn không có cư dân bản địa, càng khó hơn khi không có cư dân ngư nghiệp bản địa. Do quá trình đô thị hóa sôi động suốt mấy thập niên qua nên ở miền biển Đà Nẵng ngày càng mất đi các làng chài, kéo theo quy mô cộng đồng cư dân ngư nghiệp bản địa ngày càng teo tóp, dẫn đến những di sản vật thể của văn hóa dân gian miền biển như đền miếu thờ Cá Ông, giếng cổ... hoặc bị triệt phá xóa sổ, hoặc tuy không bị đập bỏ cày ủi nhưng những đền miếu thờ Cá Ông, giếng cổ... do tách khỏi làng chài, khỏi cộng đồng cư dân ngư nghiệp sẽ trở nên vô hồn, lạc lõng cô đơn giữa không gian xa lạ”.
Hơn 20 năm đô thị hóa, Đà Nẵng đang ngày càng mất đi các làng chài (như làng chài Đông Hải, làng chài Nam Thọ - từng nổi danh là nơi đầu tiên sáng tạo thuyền nan ở Đông Dương, làng chài Xuân Hà...). Xin nói thêm, những chiếc thuyền thúng ở các làng chài ven biển Đà Nẵng - cũng đang đứng trước nguy cơ trở thành di-sản-ký-ức đơn thuần - là hình ảnh được nhiều du khách lựa chọn để chụp hình kỷ niệm, chứ không phải những con tàu công suất lớn… Cũng từng có ý tưởng dùng thuyền thúng như một sản phẩm du lịch và điều ấy hoàn toàn khả thi. Đương nhiên sẽ hấp dẫn hơn nhiều khi đó là những chiếc thuyền thúng nằm bờ nghỉ ngơi sau khi vừa đồng hành với con người trong sóng gió - chứ không chỉ và chủ yếu cũng không phải là những chiếc thuyền thúng được lưu giữ ở bảo-tàng-ngoài-trời như một hoài niệm về quá khứ. Tương tự, trong việc phát triển du lịch dựa vào làng chài hiện có của thành phố, sẽ hấp dẫn du khách hơn nhiều khi đó là những làng-chài-đương-sống, nghĩa là những-làng-chài-có-ngư-dân với mùi vị đặc trưng của làng cá/làng mắm, chứ không chỉ và chủ yếu cũng không phải là những làng-chài-không-ngư-dân, những làng-chài-chỉ-có-thuyền-thúng-trên-cạn…
Từ đó cũng có thể nhận diện nguy cơ sân khấu hóa các lễ hội dân gian - tức là việc tổ chức lễ hội “không xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng thực tế của dân làng mà chỉ xuất phát từ nhu cầu tham quan của du khách thập phương”, chẳng hạn lễ hội Cầu Ngư - “một lễ hội được xem là hết sức thiêng liêng đối với nghề biển hồn treo cột buồm” - mà lại thiếu “sự tham gia hồn nhiên của đông đảo ngư dân”; hay chẳng hạn “có những thay đổi không nên có so với nguyên bản cổ truyền” như xu hướng rút ngắn thời gian, hoặc xu hướng tách rời không gian thiêng truyền thống, hoặc xu hướng liên kết giữa các làng trong việc tổ chức lễ hội”, đi đôi với xu hướng “xuất hiện thêm một số nghi thức lễ hội hiện đại như đọc diễn văn và đánh trống khai mạc...”. Không gian thiêng truyền thống càng là yếu tố quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số miền núi, bởi không phải ngẫu nhiên mà năm 2008 UNESCO ghi danh Không gian văn hóa công chiêng Tây Nguyên - chứ không phải Nghệ thuật trình diễn cồng chiêng - vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tiếp nữa là những nguy cơ có khả năng phát sinh trong quá trình hợp tỉnh sắp đến, chẳng hạn nguy cơ suy giảm hiệu lực/ hiệu quả quản lý do chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ ba cấp còn hai cấp, nhất là khi không còn cấp huyện là cấp đang trực tiếp quản lý các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể lâu nay - ít ra là trong thời gian đầu chuyển đổi mô hình.
3. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian trong đời sống đô thị sau hợp tỉnh
Trước hết cần phải chuyên nghiệp hoá công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa dưới nước, di sản văn hóa phi vật thể, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” sau hợp nhất cấp tỉnh và cấp xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện. Khoản 1 Điều 37 Nghị định mới của Chính phủ quy định các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa dưới nước, di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục quốc gia về di sản văn hóa phi vật thể và chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, có hiệu lực thi hành vào cuối năm 2025 (thay thế Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam; Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước; Nghị định số 39/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn) đã xác định: “Tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới thuộc sở hữu toàn dân là tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp bảo vệ và giữ gìn toàn diện di sản thế giới; do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, tổ chức lại, giải thể theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và theo quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa”.
Lễ hội Cầu ngư quận Sơn Trà được tổ chức hàng năm.
Quy định này đã cơ bản giải toả được nỗi lo ngại của tác giả Lê Quân trong bài báo "Sáp nhập, cơ chế nào quản lý đô thị?" đăng Báo Quảng Nam điện tử ngày 29 tháng 3 năm 2025 cho rằng “một điều được giới yêu văn hóa xứ Quảng băn khoăn, liệu khi thực hiện sáp nhập tỉnh thành, đồng thời không còn đơn vị quản lý cấp huyện, bài toán bảo tồn di sản tại Hội An và Mỹ Sơn sẽ được thực hiện ra sao? cơ chế quản lý nào để các di sản văn hóa này vẫn giữ được giá trị nguyên bản, không bị cuốn theo guồng quay phát triển của đô thị hóa?”. Tóm lại, giải pháp đầu tiên là thành lập Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất không phải trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo mô hình Trung tâm Quản lý di sản văn hóa thành lập tại Quyết định số 1154/QĐ-UBND ngày 08 tháng 02 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng mà trực thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất.
Tuy nhiên giá trị di sản văn hóa dân gian trong đời sống đô thị không chỉ thu hẹp trong các di sản thế giới mà còn bao gồm di sản văn hóa cấp quốc gia và di sản văn hóa cấp thành phố. Chính vì vậy suy đến cùng thì “bệ đỡ” cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian trong đời sống đô thị sau hợp tỉnh chính là người dân và hệ thống chính trị cấp xã/phường là cấp gần dân nhất, nhất là những phường/xã có di sản như phường Hải Châu, phường Ngũ Hành Sơn, phường Hải Vân, phường Hội An, xã Trà Kiệu, xã Thu Bồn, xã Hòa Vang… Độ gần dân/thân dân/sát dân của phường/xã sau hợp nhất có thể vẫn được giữ nguyên, trong khi thẩm quyền quyết định chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều so với trước. Vấn đề là làm thế nào để Trung tâm Quản lý di sản văn hóa trực thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất kết nối tốt với hệ thống chính trị cấp xã/phường sau hợp nhất.
Giải pháp cơ bản nhất là phải đầu tư để nâng cao chất lượng các giờ dạy-học văn học dân gian của môn Ngữ văn trong trường phổ thông, cũng như cần phổ cập toàn thành phố sau hợp nhất việc đưa Tuồng và Bài Chòi vào trường học - chứ không phải thí điểm ở trường phổ thông tại một vài quận huyện như hiện nay, trước hết là qua dạy - học môn Giáo dục địa phương trong trường phổ thông và qua một số môn học khác (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội từng thành công trong việc đưa bốn loại hình di sản văn hóa phi vật thể là đèn kéo quân, rối nước, tục ăn trầu cau và gốm Bát Tràng lồng ghép vào các môn vật lý và hóa học lớp 8, lớp 9). Tuy nhiên mục tiêu chủ yếu của việc đưa Tuồng và Bài Chòi vào trường phổ thông không phải nhằm đào tạo diễn viên tuồng và nghệ nhân hô/hát bài chòi mà chỉ nhằm tạo khán giả/công chúng yêu Tuồng và Bài Chòi cho tương lai (có thể trong số ấy có những em sẽ theo đuổi nghiệp xướng ca này nhưng đó không phải là mục tiêu chủ yếu), vì thế đưa Tuồng và Bài Chòi vào trường học còn được hiểu là đưa hai di sản cấp quốc gia này thành bộ môn đào tạo hẳn hoi trong Trường Cao đẳng nghệ thuật thành phố, đi đôi với việc truyền nghề trực tiếp từ những nghệ sĩ tuồng và nghệ nhân hô/hát bài chòi ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng như ở các câu lạc bộ Bài Chòi... Đối với nhân lực sáng tác kịch bản Tuồng/Bài Chòi, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố sau hợp nhất - mà nòng cốt là Hội Văn nghệ dân gian thành phố sau hợp nhất - cần tổ chức những trại sáng tác hằng năm dành riêng cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và các câu lạc bộ Bài Chòi nhằm tạo sân chơi cho người trong nghề sáng tạo kịch bản cũng như trao đổi/học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sáng tạo kịch bản.
Xin nói thêm, những lễ hội truyền thống thể hiện tín ngưỡng dân gian đã có một vị trí đáng kể trong Tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Đà Nẵng theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, chẳng hạn nghề đan thuyền thúng ở Thọ Quang đã vào Tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Đà Nẵng lớp 3; nghề làm nước mắm Nam Ô và cụm di tích lịch sử Nam Ô bao gồm: Đình Nam Ô, Lăng Ông, Dinh Âm Linh, Nghĩa trủng Nam Ô, Miếu bà Liễu Hạnh, Miếu bà Bô Bô, Giếng Lăng… đã vào Tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Đà Nẵng lớp 3, lớp 7, lớp 10; Lễ hội Cầu Ngư đã vào Tài liệu Giáo dục địa phương thành phố Đà Nẵng lớp 7, lớp 10….
Đối với nguy cơ người dân/ngư dân không được giữ vai trò chủ thể trực tiếp trong lễ hội truyền thống/lễ hội Cầu Ngư, giải pháp khắc phục là chính quyền địa phương cần lùi xuống tuyến hai, nhường vị trí tuyến đầu - nhất là trong phần lễ - cho một số người dân/ngư dân có uy tín trong cộng đồng, am hiểu tường tận lễ nghi cúng tế, từ việc vái mấy vái lạy mấy lạy đến việc khấn sao cho đúng… đảm nhiệm.
Kết luận
So với các tỉnh/thành phố thuộc diện hợp tỉnh lần này, thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam có một thuận lợi rất cơ bản, khó có địa phương nào sánh được là đều chung cội nguồn văn hóa - trong đó có văn hóa dân gian. Đây cũng là thuận lợi để Đà Nẵng sau hợp nhất có thể phát huy/ tận dụng thời cơ và quan trọng hơn là khắc phục/ vượt qua nguy cơ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian.
B.V.T
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Văn Tiếng (2018), "Những làng chài dần xa, dần qua…", Báo Đà Nẵng điện tử ngày 22 tháng 4 năm 2018.
2. Bùi Văn Tiếng (2022), "Bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng cư dân ven biển Đà Nẵng- Thực trạng và giải pháp", tham luận tại Hội thảo khoa học Bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng dân gian của cộng đồng cư dân ven biển ở khu vực Trung Bộ hiện nay do Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 26 tháng 9 năm 2022.
3. Bùi Văn Tiếng (2023), "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể vùng Trung Bộ - nhìn từ thực tiễn Đà Nẵng", tham luận tại Hội thảo khoa học Di sản văn hóa phi vật thể vùng Trung Bộ: Tiềm năng và động lực phát triển do Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Học viện Chính trị Khu vực III đồng tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 28 tháng 9 năm 2023.