Hương bưởi Trường Sơn

01.07.2025
Phan Thị Thu Loan

Hương bưởi Trường Sơn

Tranh minh họa: Hồ Đình Nam Kha

Chuyến xe chở đoàn làm phim ca nhạc của Trung tâm Truyền hình miền Trung tại Đà Nẵng vừa tới Quảng Trị thì trời bất ngờ đổ mưa lớn. Gió lạnh tràn về, nhiệt độ xuống dưới 15 độ. Rét như cắt ruột khiến cả đoàn ngao ngán nhìn ra ngoài cửa kính mờ hơi nước. Riêng Lanh - trưởng đoàn kiêm chủ nhiệm phim là người lo lắng nhất. “Mưa mãi thế này, ăn dầm nằm dề cả tuần là chết như chơi”.

Tuần trước, khi họ đi tìm địa điểm quay, trời còn khá đẹp. Chiếc xe Toyota 15 chỗ ngồi đưa chủ nhiệm và đạo diễn bon bon trên khúc đường dốc quanh co của nông trường Cồn Tiên, Dốc Miếu tới nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Rừng cao su hai bên đường trải dài xanh ngút ngàn. Bạch đàn liễu trổ những chùm hoa vàng trên nền trời xanh thắm. Họ không thể hình dung ra chiến trường khốc liệt năm nào giữa khung cảnh nên thơ của ngày hôm ấy. Thế nhưng cảm giác này đã biến mất khi trước mắt họ hiển hiện một rừng bia mộ dày đặc của nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Cả mấy triền đồi đầy những ngôi mộ nằm san sát nhau được chia thành nhiều cụm theo từng địa điểm chiến trường. Phương đạo diễn phim và Lanh chủ nhiệm, cầm trong tay những bó nhang lớn, đi lên đồi. Trong khói hương nhạt nhòa, trời chiều chuyển dần sang màu tím. Phương tìm được ngôi mộ có tấm bia ghi tên một nữ liệt sĩ quê quán phù hợp với nhân vật chính trong phim. Chị đốt một nén nhang nhỏ thắp trên nấm mộ, thầm khấn vong linh của người đã khuất hãy phù hộ chị cùng đoàn làm phim thành công như mong muốn. Trong thâm tâm Phương thật sự xúc động...

- Xong chưa Phương? Mau lên, còn nhiều việc lắm đấy nhé!

Giọng Lanh vang lên, cắt đứt dòng suy tưởng của Phương. Chị im lặng đứng lên và theo anh xuống đồi, nơi chiếc xe của Trung tâm truyền hình miền Trung đang đợi họ.

Sau đó, được người bảo vệ nghĩa trang chỉ dẫn, họ tìm ra địa điểm một số cảnh quay quan trọng cho bộ phim. Đó là con đường đất đỏ chạy quanh sườn núi, đầy những vết lốp xe tải. Vách taluy nham nhở vệt cào bới của máy xúc mọc xanh rì dương xỉ. Con đường đang được mở rộng trước khi trải nhựa. Có những đoạn xe khó vào, công nhân phải đào đất bằng tay. Gần nghĩa trang có một con suối nước chảy cuồn cuộn, đục ngầu trong mùa mưa lũ. Bãi sỏi ven suối dưới bóng những lùm cây xanh rì rất thích hợp với việc dựng lán cho tiểu đội nữ thanh niên xung phong. Tuyệt vời nhất là gần đó có một cây cầu gỗ lớn bắc qua khe núi, cỏ lau mọc đầy quanh chân cầu và ngang sườn đèo, phất phơ theo từng cơn gió. Phương mừng rỡ. Với linh cảm của người trong nghề, chị hiểu rằng đây là những bối cảnh rất thích hợp cho bộ phim. Riêng Phương nghĩ, không biết người con gái dưới nấm mộ kia có phù hộ cho chị không khi họ mau chóng chọn được những địa điểm quay phim rất khó tìm ra ở những nơi khác.

Sau khi đã thống nhất với Ban quản lý nghĩa trang về lịch làm việc trong tuần tới, Phương và Lanh lên xe chạy về thị xã. Theo kế hoạch, chiều nay họ sẽ gặp Phùng, trưởng đoàn ca kịch của tỉnh để bàn việc chọn diễn viên, thuê trang phục và xe ca chở diễn viên.

- À, xin chào! Mời các anh chị vào đây! Vất vả, vất vả quá hầy!

Phùng xởi lởi đón họ với vẻ ngọt ngào. Anh từng là diễn viên rồi được cử đi học đạo diễn về đoàn vài năm trước. Lanh nhanh nhảu đáp lời:

- Vâng, vâng, cảm ơn Công việc lúc đầu nên chúng tôi về hơi trễ. May mà anh vẫn đợi. Quý hóa quá!

Cuộc trao đổi diễn ra nhanh gọn. Sau một vài câu chào hỏi xã giao, Lanh nói:

- Có lẽ cũng muộn rồi, còn cô Phương chắc cũng khá mệt. Chúng tôi mời anh đi ăn chút gì đó nhẹ nhàng rồi ta bàn tiếp nhé.

- Tôi thì không sao, nhưng nếu chị Phương mệt thì ta đi hầy!

Phùng nhận lời ngay như đã quen với những cuộc giao dịch thế này. Họ tìm một nhà hàng trong thị xã để ăn chiều. Tối hôm ấy, Lanh và Phùng còn rủ Phương đi chơi một vòng quanh thị xã, nhưng Phương từ chối, lấy cớ vì đi đường mệt. Phương thầm nghĩ: “Họ có vẻ hợp nhau. Để họ đi riêng còn tiện bàn công việc”. Chị thích kịch bản phim do một nhà văn trẻ viết. Những ca khúc rất hay trong phim là của một nhạc sĩ tên tuổi mà chị quý mến. Nhất là đề tài về những nữ thanh niên xung phong hy sinh trong chiến tranh khiến chị xúc động. Chị sẽ gạt đi những khó khăn trắc trở trong mùa mưa lũ để làm tốt bộ phim. Với ý nghĩ ấy Phương thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn... Những ấn tượng đậm nét trong ngày cứ lởn vởn quanh giấc mơ của chị.

Hôm sau Phương gặp các diễn viên mà Phùng đã chọn. Họ đều trẻ trung, xinh đẹp nhưng Phương chưa tìm ra người đảm nhận vai chính. Thương Thương, nữ diễn viên chủ chốt của Đoàn mà Phùng đặt nhiều hy vọng hóa ra lại trái hẳn với hình dung của Phương. Cô ẻo lả cả trong dáng đi và giọng nói, có lẽ chỉ thích hợp với các vai nữ sinh thành phố. Xem ra Phùng có vẻ chiều chuộng cô ta lắm. Các vai phụ thì tạm ổn vì các diễn viên trẻ mới vào đoàn hãy còn vẻ chân chất đáng yêu mà Phương nghĩ rằng thích hợp với các vai nữ thanh niên xung phong thời ấy.

Chị cùng Lanh ra về sau khi đã hẹn công bố danh sách diễn viên được chọn vào sáng mai. Chị cần có thời gian để suy nghĩ và nhất là để tìm cho ra một cô gái đóng vai tiểu đội trưởng. Trong hình dung của chị, cô gái ấy phải có vẻ đẹp mạnh khoẻ, hồn nhiên và kiên nghị. Phương chợt nghĩ đến cô gái nằm dưới mộ. Qua tấm bia Phương biết cô ấy hy sinh khi vừa tròn 19 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của đời người. “Cô gái ấy hẳn phải can đảm lắm”, Phương thầm nghĩ và chạnh lòng thương cảm.

Chiều ấy Phương và Lanh còn gặp gỡ nhiều diễn viên nghiệp dư của tỉnh để chọn các vai thanh niên xung phong và bộ đội. Chị mải miết nhìn từng gương mặt háo hức của các cô gái trẻ trong đoàn văn công tỉnh đội để tìm kiếm một nét tương đồng với mong muốn của chị. Nhưng Phương đã thất vọng. Họ quay về nhà khách Ủy ban mà vẫn chưa tìm được nữ diễn viên chính. Lanh bắt đầu sốt ruột:

- Kỹ vừa vừa thôi, tôi thấy nhiều cô cũng được đấy chứ! - Lanh thốt lên khi họ vừa bước vào xe.

- Em đã cố công tìm rồi. Chưa có ai đạt cả - Phương trả lời.

- Thế còn Thương Thương thì sao? Cô ấy khá lắm đấy. Ông Phùng đảm bảo rồi mà.

- Có thể cô ấy rất khá, nhưng trong một vai khác Vai này thì... không hợp.

Phương cố lựa một từ nhẹ nhàng.

 -Nếu không tìm ra được diễn viên chính thì không thể bấm máy trong tuần tới như kế hoạch đâu!

- Thì đành vậy. Có lẽ mình quay vào phía Nam tìm thêm...

- Mọi việc đã đâu vào đấy cả. Chỉ còn mỗi chuyện này mà phải hoãn ngày quay! Đợi đến lúc cô tìm ra diễn viên thì mọi sự thay đổi hết. Thế thì chết tôi chứ còn gì!

Phương im lặng. Chị không muốn tranh cãi với Lanh. Là trưởng đoàn, anh lo lắng cũng phải, nhưng cứ chọn bừa thì Phương không thể. Đêm hôm ấy Phương trằn trọc khó ngủ. Chuyện hồi chiều cứ trăn trở trong đầu chị. Chưa chọn được diễn viên, Lanh đã lên lịch bấm máy, đưa chị vào tình thế rất khó xử. “Không, mình không thể nhượng bộ. Cứ phải chọn được người vừa ý đã”. Đột nhiên hình ảnh những nấm mộ bạt ngàn trên sườn đồi lại hiện ra trong óc chị. Trong màn đêm tĩnh lặng, khuôn mặt một người con gái rõ dần lên trước mắt Phương như được tách ra từ bóng tối. Vai mang khẩu súng trường, bộ bà ba đen giản dị, hai bím tóc tết gọn buông ngang vai, khuôn mặt đẹp rắn rỏi nhưng dịu hiền, cô gái nhìn chị với đôi mắt trong sáng. Phương bàng hoàng tự hỏi mình mơ hay tỉnh. Chị mở bừng mắt, cô gái đã hòa vào bóng đêm, chỉ có tiếng dế rả rích nhắc rằng chị vẫn thức.

Sáng hôm sau Lanh và Phương trở lại đoàn để thông báo kết quả chọn diễn viên. Để tránh những mặc cảm cho những người không được chọn, Phương chỉ báo trực tiếp cho Phùng. Anh không vui khi biết Thương Thương nằm ngoài danh sách. Nhưng không sao. Phùng sẽ giành cho em một vai diễn tuyệt vời trong vở mới.

Trong khi Phùng và Lanh đang bàn về kinh phí làm phim, Phương lơ đãng nhìn ra ngoài và chợt thấy một cô gái lướt qua khung cửa sổ. Chị giật nảy mình như vừa có một dòng điện chạy qua người. Bước vội ra cửa chị nhìn thấy một bóng áo đen với đôi bím tóc. Chị gọi theo:

- Em ơi! Em gái ơi!

Cô gái dừng lại rồi quay về phía chị, Phương tưởng mình hoa mắt: người đứng trước mặt Phương giống hệt cô gái chị đã thấy đêm qua nhưng sống động hơn. Làn da nâu mịn màng và đôi môi gọn ghẽ tạo cho khuôn mặt cô có một nét kiên định lạ lùng. Phương hỏi:

- Em có phải là diễn viên trong đoàn không?

- Dạ phải.

- Thế sao hôm họp diễn viên chị không gặp em?

- Dạ, em về quê, em mới lên sáng ni mà. - Giọng Quảng Trị đậm đà làm Phương thích thú.

- Em có thích đóng phim không?

- Dạ, em ưng lắm. Nhưng sợ nỏ đóng được mô.

- Được.

Phương nói chắc như đinh đóng cột.

- Em diễn thử chị xem một tiểu phẩm nhé. Nhưng vào đây đã nào!

Phương nắm lấy tay cô gái dắt vào phòng. Phùng và Lanh hơi bất ngờ trước sự xuất hiện của cô gái. Phùng cười xòa:

- Mi hả Luyến? Trời ơi, tau quên mất, không giới thiệu mi với đạo diễn chứ. Quay sang Phương anh bảo:

- Cháu họ tui đó. Hắn mới vô đoàn được hơn năm. Chưa dám giao vai nặng mô.

Sau đó Phương đã thử khả năng diễn xuất của Luyến. Chị rất hài lòng. Chị đề nghị Lanh chi khoản bồi dưỡng đúng công sức diễn viên vì chị biết rằng khá vất vả. Lanh đồng ý ngay: “Tiếc làm sao được, cháu ông Phùng kia mà!”.

Phần thời gian còn lại trong ngày chị phân vai cho từng diễn viên, giao kịch bản và băng cát xét cho họ học thuộc bài hát của mình. Chị phân tích lý lịch, tính cách từng vai diễn rồi kết luận:

- Phim ca nhạc có cốt truyện đòi hỏi diễn viên vừa diễn hành động, diễn tâm trạng như phim truyện lại vừa phải hát theo lời của ca sĩ. Làm sao để hai việc đó được hài hòa, tự nhiên? Các em hãy coi những lời hát ấy là phần tự sự, tâm tình của nhân vật, chứ không phải là đối thoại như trong kịch. Có ai chưa rõ không nào?

- Rõ cả rồi ạ.

Luyến cùng các cô gái vui vẻ trả lời. Họ thích công việc mới mẻ này. Và nhất là các cô sẽ được thấy mình trong phim, điều mà sân khấu không thể làm được.

Phương và Lanh quay về  Đà Nẵng, chuẩn bị tiếp những công việc cuối cùng với họa sĩ, quay phim, kỹ thuật... Và bây giờ cả đoàn đã có mặt tại Quảng Trị để chuẩn bị khởi quay. Vậy mà thời tiết lại rất xấu. Vừa mưa vừa lạnh. Áp thấp nhiệt đới vừa đi qua thì không khí lạnh tràn về. Mưa tầm tã suốt hai ngày. Lanh nóng ruột, hết điện thoại lên Ban quản lý Nghĩa trang lại gọi đến tỉnh đội, rồi Đoàn ca kịch để báo hoãn lịch quay. Riêng Phương vẫn tranh thủ gặp diễn viên để kiểm tra phần lời ca xem họ đã thuộc chưa và làm việc với quay phim về từng trường đoạn trong kịch bản phân cảnh.

Đến sáng ngày thứ ba, trời vẫn mưa không ngớt. Lanh không chờ nữa mà quyết định xuất phát. Từ chỗ nhà khách đến nghĩa trang Trường Sơn còn gần 40 cây số. Lanh hy vọng thời tiết ở đó sẽ tốt hơn. Anh đề nghị Phương chỉ đưa theo một hai diễn viên chính để quay những cảnh lẻ, phòng khi không quay được thì đỡ tiền chi phí ăn trưa và bồi dưỡng cho tốp diễn phụ.

Đến nơi, Lanh mừng rỡ thấy trời hửng lên, chỉ còn lất phất mưa bụi. Họ tìm lại sườn đồi và con suối hôm trước để quay vài phân đoạn hồi tưởng của nhân vật. Tốp mỹ thuật tranh thủ dựng lán bên bờ suối. Phương kiểm tra lần cuối khâu hóa trang, phục trang của diễn viên, chị cùng quay phim chọn nơi đặt máy, và yêu cầu Luyến diễn thử. Cô vào vai khá ngọt. Những cận cảnh rất ấn tượng. Phương nhìn vào thiết bị kiểm tra monitor thấy vừa ý, chị ra lệnh bấm máy.

Ngày hôm đó trời nhiều lúc ngớt mưa. Lanh hài lòng với khối lượng công việc đã làm được. Nhưng đến giờ ăn trưa, Phương mới nhận ra: ở đây hầu như không có hàng quán gì, ngoài một cái tủ nhỏ đựng hương đèn và ba thứ lặt vặt của một gia đình bày bán cạnh nghĩa trang. Lanh đã nắm được tình hình từ trước. Anh mua một bao bánh mỳ và vài hộp thịt xay ở thị xã mang lên. Khẩu phần buổi trưa là một ổ bánh và lát thịt xay mỏng. Phương nhìn Luyến hơi ái ngại. Trời lạnh, làm việc cật lực nhưng ăn uống thế này liệu chịu được mấy ngày?  Phương thì đã quen chuyện đi quay ngoại cảnh, trễ bữa hay kham khổ là chuyện thường, nhưng với diễn viên thì không ổn lắm…

Sáng hôm sau, Lanh cho đón toàn bộ diễn viên đến hiện trường. “Trời đang còn tốt, phải quay ngay những đoạn đông người. Mưa xuống là hỏng chuyện!” Lanh tự nhủ. Anh chỉ hợp đồng với bộ đội biên phòng một ngày hôm nay thôi. Thật không may, Phương vừa dàn tập cho diễn viên xong thì trời sầm sập đổ mưa. “Thế có chết không! Làm phiên phiến đi thì xong rồi, đằng này cô ấy lại cứ bắt tập thật kỹ. Mệt ghê!” Lanh ngó Phương với nỗi lo lắng không giấu diếm.

Phương ngẩng nhìn trời, suy nghĩ hồi lâu rồi quyết định ghi hình. “Hành quân trong cơn mưa. Càng tăng thêm sức nặng của trường đoạn!” Nghe Phương nói vậy, Lanh mừng rỡ... May quá! Anh xông xáo, chạy lui, chạy tới, điều lái xe quay về thị xã mua cơm hộp cho mọi người, mặc dù bao mỳ ăn liền Lanh mua sẵn đã để trong thùng xe.

Phương mặc áo mưa đứng chỉ đạo cảnh quay, vẫn thấy cái lạnh buốt giá thấm qua lớp vải nylon dày. Bộ đội chỉ được mặc quân phục mỏng, mưa vài phút là ướt hết. Nghĩ vậy nên Phương dặn dò quay phim và kỹ thuật thật cặn kẽ để cố gắng “một đúp ăn ngay”. Tiếng nhạc vang lên theo khẩu lệnh của Phương. Đoàn quân rùng rùng vượt qua cầu, đi trong tiếng hát: Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn. Đá mòn mà đôi gót không mòn...”. Nhìn gương mặt quả cảm của những người lính dưới làn mưa loang rộng dần trên đầu tóc, áo quần của họ, Phương cố nén xúc động để hô khẩu lệnh cho chính xác, ngắn gọn. Hết các góc độ và cỡ cảnh toàn, trung, cận của trường đoạn thì cả đoàn quân đã ướt đẫm từ đầu đến chân. Họ ùa vào lán, xem lại đoạn phim vừa quay. Tiếng cười sảng khoái vang lên khi họ nhận ra mình và đồng đội trên màn hình, quên mất những hàm răng đang đánh vào nhau lập cập. Khi chính trị viên trung đội yêu cầu thay phục trang để diễn tiếp, ai nấy đều tiếc rẻ nhìn đoạn phim còn chiếu dở trên màn hình. Phương cùng kíp quay còn phải kiểm tra nốt. Họ thật sự vui mừng khi đoạn phim quay rất tốt. Hình ảnh những người lính dưới làn mưa lạnh gợi nên không khí hào hùng của một thời chiến tranh xa vắng mà nhiều người trong số họ chỉ biết qua sách vở hay phim ảnh. Phương đứng ngoài trời nhìn vào màn hình. Chị không cần giấu những giọt nước mắt, mưa tạt vào mặt chị đã xóa nhòa tất cả...

Những ngày sau đó trời lúc tạnh lúc mưa, nhưng công việc vẫn tiến hành khá tốt. Luyến và Tâm cùng kíp nữ diễn viên làm việc rất nhiệt tình. Họ nhớ mãi ngày quay phim tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Tâm hóa trang thành một cựu chiến binh đã luống tuổi với mái đầu chớm bạc, quay lại nghĩa trang thăm người yêu - nữ tiểu đội trưởng năm xưa. Tay cầm chùm hoa bưởi trắng, Tâm đi dọc con đường san sát những nấm mộ, đến nơi có tấm bia ghi tên người con gái hy sinh khi vừa tròn 19 tuổi, anh cúi đầu trân trọng đặt chùm hoa. Phương cảm thấy nao nao. Hoa bưởi trắng thơm thanh khiết là biểu tượng cho các cô gái thanh niên xung phong trẻ trong phim. Lời bài hát thiết tha vang lên trong không gian im ắng của Nghĩa trang khiến cả đoàn làm phim xúc động:

“... Em ngã xuống, máu hòa vào

sỏi đá Nâng bước chân anh trên đường

hành quân xa. Em ngã xuống hóa thân thành cây cỏ Làm vòm lá ngụy trang giữa

chiến trường nắng gió.

Đường Trường Sơn đong đưa

cánh võng Ru em, ru em lời ngọt ngào.

Rừng Trường Sơn rì rào khúc hát Ru em tình quê hương...

Em là bông hoa bưởi, trinh trắng

tuổi đôi mươi Em là hương hoa bưởi, tỏa ngát

giữa Trường Sơn Trường Sơn!...”

Tâm rưng rưng lệ. Mặt anh sắt lại trong nỗi đau không lời. Phương nhìn vào màn hình, cận cảnh  Tâm  hiện lên đầy xúc cảm. Phương ra hiệu cho người quay phim. Máy từ từ lia từ khuôn mặt người cựu chiến binh sang chùm hoa bưởi trên nấm mộ. Mưa rơi rơi trên từng cánh hoa như những giọt nước mắt. Cảnh quay rất đạt. Phương thầm cảm ơn Tâm và người con gái không quen biết đang nằm dưới mộ.

Gió lạnh ào ào thổi qua núi đồi, mưa bay lất phất. Chiều đã muộn, đoàn làm phim chuẩn bị ra về. Phương ngoảnh lại nhìn ngôi mộ lần cuối. Chị giật thót mình. Bó nhang chị vừa thắp bỗng loé sáng rồi cháy rực lên. Phương đứng sững, nhìn ngọn lửa le lói trên Nghĩa trang trong ánh hoàng hôn. Chính hình ảnh ấy đã gợi cho Phương một ý tưởng dựng phim độc đáo: Mình sẽ dựng cảnh tiểu đội nữ thanh niên xung phong sát vai nhau tiến thẳng về phía trước, chồng mờ với ngọn lửa bập bùng. Ngọn lửa từ bầu nhiệt huyết của những người anh hùng đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương. Đây sẽ là một trong những phân đoạn gây nhiều xúc cảm của bộ phim...

Đêm đã khuya, nhưng Phương vẫn trằn trọc mãi. Công việc đã hoàn tất, và ngày mai là ngày cuối cùng của đoàn tại Quảng Trị. Vậy mà chị vẫn chưa thể tranh thủ về thăm quê. Hạn chót để hoàn thành bộ phim đang đến gần, trong khi phần hậu kỳ lại đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Lanh đã đề nghị chị cùng về Đài với đoàn. Thôi đành để dịp khác vậy - dẫu sao đó cũng là chuyện riêng. Phương nghĩ đến Luyến, đến Tâm, và những ngày làm phim đầy gian truân nhưng cũng chan chứa kỷ niệm. Trong dòng hồi tưởng ấy, chị thiếp đi với một nụ cười trên môi.

Trong giấc mơ, Phương chợt thấy mình đang đứng giữa những nấm mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Đâu đây trong gió thoảng lên một mùi thơm thanh khiết, hệt như hương hoa bưởi trên nấm mộ người con gái không quen, nay đã trở nên thân thiết với lòng chị.

P.T.T.L