Hoàng Minh Nhân - Người giữ lửa văn chương
Quang cảnh Hội thảo “Nhà thơ Hoàng Minh Nhân và văn hóa nghệ thuật xứ Quảng” vào ngày15/6/2025 tại Thư viện Oliver Gallary - thư viện gia đình nhà thơ Hoàng Minh Nhân.
1. Trong ký ức của tôi, nhà văn Hoàng Minh Nhân không chỉ là một người sáng tác, mà còn là người yêu văn chương với một tình yêu đặc biệt. Anh không ồn ào trên diễn đàn chữ nghĩa, nhưng lại để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng những ai từng gặp gỡ, từng được anh giúp đỡ, sẻ chia. Cuộc đời anh là một hành trình bền bỉ, miệt mài với văn học nghệ thuật - không vì danh, không vì lợi, mà đơn giản vì một tình yêu không thể cắt nghĩa với chữ và người.
Tôi gặp anh vào khoảng những năm đầu thập niên 1990, khi đất nước vừa bước vào thời kỳ đổi mới. Lúc đó, tôi đang công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Điện Bàn, luôn khao khát gần gũi các nhà văn để học hỏi, để cảm nhận được tinh thần của người cầm bút. Hôm ấy, nhà văn Hoàng Minh Nhân - người phụ trách hoạt động phong trào của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng dẫn đầu một đoàn nhà văn về Điện Bàn thực tế sáng tác. Tôi có dịp tháp tùng cùng các anh chị đi về các xã Gò Nổi, Điện Thọ, Điện Phước… ghé vào từng nếp nhà, nghe chuyện dân quê, lội ruộng, băng bờ, tìm chất liệu giữa làng mạc yên ả.
Chuyến đi ấy, đoàn văn nghệ sĩ có ghé thăm làng tôi - thôn Bồng Lai, xã Điện Minh. Sau một buổi đi thực tế, các anh chị về nghỉ trưa tại nhà tôi. Không khí lúc ấy vừa mộc mạc, vừa nồng ấm. Sau này, những trang bút ký của Trương Điện Thắng, Ngô Thị Kim Cúc, Hoàng Minh Nhân… đều ghi lại những lát cắt chân thực của nông thôn Điện Bàn và tôi cảm nhận được cái nhìn trìu mến của họ dành cho vùng quê mảnh đất này. Chính nhờ sự gần gũi giản dị ấy mà tôi thêm gắn bó với văn chương, thấy được văn chương không xa cách mà sống ngay trong đời thường.
Tập thơ Khi yêu chẳng có lời thề của tác giả Hoàng Minh Nhân.
Từ những lần gặp gỡ ấy, tôi xem anh Nhân như người thầy, người anh, luôn lắng nghe và nâng đỡ những người viết trẻ như tôi. Mỗi lần có bài thơ mới, tôi lại mang đến nhờ anh đọc. Lần nào anh cũng đọc kỹ, góp ý nghiêm túc nhưng đầy tinh tế, không làm nản lòng người tập viết. Có lần, tôi từ Vĩnh Điện đạp xe gần ba mươi cây số ra nhà anh ở “quận 3” - nay thuộc quận Sơn Trà. Khi ấy, Đà Nẵng chỉ có cây cầu Nguyễn Văn Trỗi nhỏ bé, nắng chang chang đổ trên lưng áo. Tôi đạp xe dọc đường Ngô Quyền, rẽ vào con đường dẫn vào khu doanh trại, xuống mấy bậc cấp là đến nhà anh.
Ngôi nhà nhỏ, giản dị, nhưng chứa đựng cả một thế giới chữ. Sách xếp kín kệ, bản thảo dày cộm phủ đầy mặt bàn. Những trang bản thảo chi chít mực xanh, đỏ, đen như chính những suy nghĩ, thao thức của anh đang sống. Ấn tượng nhất là chị Bảo Bình - vợ anh, một giáo viên, nhưng đồng thời cũng là cộng sự trong công việc biên tập, chỉnh sửa và viết truyện ký. Hai vợ chồng như hai đầu ngọn lửa giữ cho mái nhà luôn ấm nồng chữ nghĩa, dù cuộc sống khi ấy còn nhiều vất vả.
Với nhà văn Hoàng Minh Nhân, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Tôi chưa từng gặp nhà văn nào “hy sinh” vì sách như anh Hoàng Minh Nhân. Không một nhà xuất bản nào đứng sau, không một nguồn tài trợ ổn định, anh vẫn lặng lẽ bỏ tiền túi ra để làm sách - từ in ấn đến phát hành. Không chỉ cho bản thân, anh còn hỗ trợ rất nhiều tác giả trẻ: từ nhà thơ Nguyễn Lộc An ở Đại Lộc, đến họa sĩ - nhà thơ Hoàng Ân ở Đà Nẵng… và nhiều người khác nữa. Với anh, ai có tài, có đam mê, đều xứng đáng được nâng đỡ.
Có lần, tôi nghe người ta nói vui: “Anh Nhân càng làm văn nghệ, càng… mất nhà.” Nghe buồn cười mà xót xa. Quả thật, căn nhà ở Sơn Trà ngày nào tôi từng đến, sau này anh đành phải bán đi để có kinh phí làm sách, làm văn. Rồi anh dọn về căn nhà nhỏ ở đường Hải Hồ. Một thời gian sau nữa, lại chuyển vào căn nhà ở hẻm sâu phường Hải Châu. Và căn nhà cuối cùng tôi đến để tiễn đưa anh về với cõi vĩnh hằng, lại nằm khiêm nhường trong một nhánh đường Trần Văn Dư, quận Ngũ Hành Sơn.
Tôi không biết chính xác anh đã chuyển nhà bao nhiêu lần. Nhưng tôi hiểu: mỗi lần như thế là một lần anh gánh thêm nỗi nhọc nhằn của một người lấy chữ làm nghiệp. Anh sống trong sự đạm bạc, nhưng đi hết cuộc đời vẫn giữ được lửa. Giữ được lòng yêu văn chương, yêu đất nước, yêu con người đến tận hơi thở cuối cùng.
Cùng với chị Bảo Bình - người bạn đời tận tụy và các con, anh đã đi qua một hành trình sống không dễ dàng. Nhưng chính từ những gian khó ấy, ngọn lửa mà anh gìn giữ lại càng sáng rõ, càng ấm áp đối với lớp người viết trẻ chúng tôi thời ấy.
2. Hoàng Minh Nhân không ồn ào trên mặt báo, không tranh giành giải thưởng, nhưng anh để lại một di sản quý giá: đó là nhân cách người cầm bút - liêm chính, tận tụy, và thủy chung với văn chương. Anh sống một đời trọn nghĩa - và mãi là một người “giữ lửa” thầm lặng mà bền bỉ trong lòng văn học xứ Quảng
Bài thơ tôi đọc được của anh Hoàng Minh Nhân là bài thơ “Hầm chữ A” viết trong những ngày ở chiến trường Khu V. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết những căn hầm tránh bom đạn trên quê hương tôi trong những năm tháng khói lửa.
Tiểu thuyết Xôn Ve của Hoàng Minh Nhân
Sau năm 1975 anh tiếp tục sáng tác thơ, in đều trên Tạp chí Đất Quảng, sau này in thành tập. Tôi được anh tặng 2 tập thơ mỏng “Trái Cốc” và “Chiều trăng”. Tập thơ nay đã ố vàng nhưng tôi rất quý, bên trong tập thơ ấy là những trái tim nồng nàn yêu thương, là những kỷ niệm một thời sống đẹp.
Bên cạnh thơ, anh còn viết truyện ngắn, bút ký. Tôi đọc nhiều bài ký rát hay của anh trên tạp chí và trong các tuyển tập như: Người tên đá tên cây, Ta Da, Trước Máu... Anh viết nhiều truyện ký về các anh hùng, chiến sĩ cách mạng như: Huỳnh Tiến Năm, Trương Văn Hòa, Hồ Văn Điều…
Đặc biệt, anh có công trong việc sưu tập, xuất bản các tập sách về các văn nghệ sĩ, các nhà cách mạng, như các tập về Phan Bôi-Hoàng Hữu Nam, Hồ Nghinh, Phạm Đức Nam, Hồ Thấu, Phạm Hầu, Chu Cẩm Phong, Phan Tứ, Thu Bồn, Phan Huỳnh Điểu,… Đây là những tài liệu quý giúp chúng ta hiểu thêm cuộc đời và sự nghiệp của những con người xứ Quảng và những đóng góp của họ cho cách mạng, cho văn học nghệ thuật nước nhà.
Những đóng góp của ông cần được ghi nhận không chỉ như một "chứng nhân văn học", mà còn là một người gìn giữ bản sắc tinh thần của vùng đất. Viết về ông, là một cách nhắc lại nghĩa tình với văn nghệ sĩ đất Quảng, là nối tiếp mạch sống văn chương của vùng đất “chưa mưa đà thấm” hôm nay.
N.N.K