Văn hóa xứ Quảng về chung một nhà
Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng phối hợp xuất bản bộ Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng năm 2010.
Từ góc nhìn văn hóa, việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tương đối nhiều thuận lợi. Bởi như ta đã biết, từng có một thời gian rất dài trong lịch sử, Quảng Nam và Đà Nẵng cùng chung một đơn vị hành chính (Thừa tuyên Quảng Nam từ năm 1471, đến Doanh, Trấn, rồi tỉnh Quảng Nam từ năm 1832). Thời Pháp thuộc, một phần đất đai của tỉnh Quảng Nam được cắt ra để thành lập thành phố Đà Nẵng (Ngày 24/5/1889, Toàn quyền Đông Dương Étinne Antoine Guillaume Richaud kí Nghị định thành lập Tourane, tức là thành phố Đà Nẵng, thuộc tỉnh Quảng Nam, đến ngày 19/9/1905, ban hành Nghị định tách thành phố Tourane khỏi tỉnh Quảng Nam).
Sau năm 1975, tỉnh Quảng Nam và đặc khu Quảng Đà nhập lại thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến năm 1997, tỉnh này lại tách ra thành hai đơn vị hành chính riêng trực thuộc trung ương. Phần lớn dân cư ở Đà Nẵng có quê quán ở Quảng Nam. Và cũng phần lớn cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống chính trị ở Đà Nẵng cũng có gốc gác là Quảng Nam. Ngược lại, không ít cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống chính trị ở tỉnh Quảng Nam lại có bà con, họ hàng, nhà cửa ở thành phố Đà Nẵng. Cho nên, bấy giờ có người nói vui rằng: Quảng Nam - Đà Nẵng “chia tỉnh chứ không chia tình”.
Quảng Nam và Đà Nẵng tuy là hai đơn vị hành chính (1997-2025) nhưng về văn hóa và lịch sử thì chỉ là một một cội nguồn. Trong giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử và trong tâm thức của đa số người dân ở hai đơn vị hành chính này, các từ, cụm từ như: Xứ Quảng, Đất Quảng, người Quảng, tính cách Quảng, giọng nói Quảng, ông đồ Quảng, Quảng Nam hay cãi, đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, Quảng Nam yêu thương…là dùng chung của cả Quảng Nam và Đà Nẵng chứ không phải dành riêng cho Quảng Nam.
Trong 28 năm chia tách, tỉnh Quảng Nam tổ chức được rất nhiều hoạt động văn hóa vừa có bề rộng vừa có chiều sâu, nhất là các hoạt động về gìn giữ, bảo tồn, tu bổ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Xứ Quảng. Nhiều hội thảo khoa học, công trình nghiên cứu được in thành sách về đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam - các giá trị đặc trưng, Dinh trấn Thanh Chiêm và sự ra đời của chữ Quốc ngữ, Danh xưng Quảng Nam, tìm hiểu con người Xứ Quảng...
Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam sản xuất và phát sóng cả sê-ri phim tài liệu về danh nhân Đất Quảng, về các phong trào yêu nước thời cận đại, về các lớp trầm tích văn hóa dọc sông mẹ Thu Bồn. Báo Quảng Nam cho ra mắt và duy trì thường xuyên Nguyệt san Văn hóa Quảng Nam và các chuyên trang văn hóa khác. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam chỉ đạo sưu tầm và xuất bản bộ sách Văn học dân gian đất Quảng (từ đồng bằng, miền biển lên miền núi), tích cực bảo tồn giá trị các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa trên địa bàn. Thành phố Hội An quản lý và phát huy rất tốt các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như tổ chức Lễ hội các làng nghề truyền thống, diễn xướng nghệ thuật Bài Chòi, Hội hoa đăng, Đêm rằm phố cổ, Liên hoan hợp xướng quốc tế… Năm 2010, Quảng Nam và Đà Nẵng phối hợp xuất bản bộ Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, một công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa rất đồ sộ, có giá trị nhiều mặt cho những ai muốn tìm hiểu kỹ về vùng đất khoa bảng và địa linh nhân kiệt này.
Giới làm công tác nghiên cứu văn hóa, lịch sử và đa số người dân ở thành phố Đà Nẵng hoan nghênh và đánh giá rất cao những việc làm nói trên của tỉnh Quảng Nam, và coi đó như là làm thay mình, làm cho mình. Ngược lại, những người làm công tác văn hóa, lịch sử ở Đà Nẵng cũng dày công nghiên cứu và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa không chỉ cho mình mà cho cả Quảng Nam. Trên chục năm nay, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng cho ra mắt đều đặn Đặc san nghiên cứu lịch sử Xứ Quảng, Nhà xuất bản Đà Nẵng (nay tạm dừng hoạt động) liên tục cho ra mắt những công trình nghiên cứu rất có giá trị về văn hóa, lịch sử Đất Quảng như các bộ sách về Phạm Phú Thứ, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thành, Lê Cơ… Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học về Giáo sư Hoàng Châu Ký, tài trợ xuất bản bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập. Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng làm phim tài liệu về Hoàng Diệu, Phan Khôi, Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Thị Bình. Nhà hát Tuồng của Đà Nẵng nhưng mang tên nhà soạn tuồng lỗi lạc quê ở Quảng Nam là Nguyễn Hiển Dĩnh, và thường xuyên biểu diễn phục vụ chủ yếu cho nhân dân Quảng Nam. Tủ sách Đà Nẵng (ở Thư viện Tổng hợp) nhưng đầu sách hầu hết là văn hóa cùng đất và người Xứ Quảng…
Rõ ràng là Quảng Nam và Đà Nẵng suốt 28 năm chia tách chỉ phân biệt về mặt hành chính chứ riêng về lĩnh vực văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống, không có sự phân biệt rõ ràng, cụ thể, mà cả hai đơn vị đều tích cực nghiên cứu, hoạt động nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị từ một cái gốc chung là văn hóa Xứ Quảng. Cho nên, chúng ta không ngần ngại khi nói rằng việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng sắp diễn ra, ở góc nhìn văn hóa là có nhiều thuận lợi.
Hội An - thiên đường du lịch
Khi ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam về chung một nhà, một số vấn đề đặt ra cần được quan tâm.
Một là, giải quyết hài hòa nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch.
Khi hai đơn vị hành chính nhập lại, thành phố Đà Nẵng mới sẽ có một hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng với 3 di sản văn hóa thế giới (đô thị Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, Ma Nhai Ngũ Hành Sơn), 6 di tích quốc gia đặc biệt, trên 500 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đây là nguồn tài nguyên dồi dào cho việc phát triển du lịch, và chắc chắn sẽ đem lại nguồn thu to lớn cho ngân sách nhà nước cũng như cho một bộ phận không nhỏ nhân dân địa phương. Vấn đề đặt ra là nguồn tài nguyên văn hóa này cần được quản lý chặt chẽ, không vì chạy theo nguồn thu cho du lịch mà xâm phạm, hủy hoại các di sản văn hóa. Ngành du lịch cần có trách nhiệm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thì sự phát triển du lịch mới bền vững, dài lâu.
Hai là, quản lý và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có.
Trong 28 năm xây dựng và phát triển, Quảng Nam xây dựng được nhiều công trình, thiết chế văn hóa quan trọng và khá hiện đại như Trung tâm văn hóa, Đài Phát thanh - truyền hình, Thư viện Tổng hợp, Bảo tàng tỉnh... Khi trung tâm hành chính chuyển về Đà Nẵng thì không nên chuyển mục đích sử dụng các thiết chế này qua các ngành khác, mà có thể biến nó thành cơ sở thứ hai về thiết chế văn hóa của thành phố Đà Nẵng mới, vì nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân luôn phong phú và ngày càng nâng cao.
Riêng thành phố Hội An, nếu không giữ được nguyên vẹn một đơn vị hành chính duy nhất như hiện nay, thì cần có một phương án riêng để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc từng tạo nên thương hiệu nổi tiếng thế giới này. Từ lâu, Hội An là một thực thể văn hóa thống nhất, sống động, có cấu trúc chặt chẽ, nếu phân chia các thiết chế văn hóa, xé lẻ các hoạt động văn hóa thì sẽ làm cho sức cuốn hút của Hội An suy giảm đáng kể.
Ba là, tiếp nối các chương trình nghiên cứu, truyền thông về văn hóa.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình, Hội Văn học- nghệ thuật tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đang có các dự án, chương trình, kế hoạch hoạt động văn hóa, nghệ thuật thiết thực, có hiệu quả. Khi về chung một nhà, các dự án, chương trình này cần được nghiên cứu kế thừa và phát huy, chẳng hạn như các sê-ri phim tài liệu về đất và người xứ Quảng, các sân chơi phát thanh-truyền hình dành cho sinh viên, học sinh, nguyệt san Văn hóa Đất Quảng, các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, danh nhân Xứ Quảng.
Khi đã hợp nhất, đối với các hoạt động mang tính hành chính, đối ngoại thì đương nhiên dùng danh xưng Đà Nẵng, còn đối với các ấn phẩm văn hóa, văn nghệ, lịch sử, truyền thống thì không nhất thiết như vậy, mà nên chăng có thể vẫn dùng tên gọi Xứ Quảng, Đất Quảng để góp phần giữ gìn truyền thống, lưu giữ ký ức, hồn cốt của một vùng đất, như tạp chí Đất Quảng (Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật), nguyệt san Văn hóa Đất Quảng (Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình), đặc san Nghiên cứu lịch sử Xứ Quảng (Hội Khoa học lịch sử)…
Hợp nhất nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước. Việc này chắc chắn ban đầu không tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên, có thể nói rằng, sự khó khăn, vướng mắc đó không nhiều, không lớn, nếu không muốn nói là cũng có nhiều mặt thuận lợi riêng, do từng có chung một lịch sử phát triển, một cội nguồn văn hóa. Vấn đề đặt ra là thành phố Đà Nẵng mới cần xây dựng được một đội ngũ những người làm công tác văn hóa xứng tầm, có phẩm chất, có trình độ, năng lực, có sự tâm huyết, máu lửa để đưa ngành văn hóa không ngừng phát triển, xứng đáng với sự mong chờ của nhân dân.
H.H