“Hoa anh đào” trên sóng

01.07.2025
Nguyễn Mạnh Thắng

“Hoa anh đào” trên sóng

Dự án Cảng biển Liên chiểu đang được triển khai xây dựng.

Chiếc xe máy mượn vội từ một người bạn gầm lên phản kháng mỗi khi bánh xe lăn qua những ổ gà lởm chởm. Tôi bám chặt vào lưng anh bạn, cố giữ thăng bằng. Gió biển mặn mòi thổi qua tai, mang theo hơi thở của đại dương. Mùi muối biển hòa lẫn trong gió, trong bụi tạo nên một bản giao hưởng đón tiếp chúng tôi. Con đường công vụ dọc cảng Liên Chiểu dưới chân những dãy núi đèo Hải Vân phía thành phố Đà Nẵng gánh hàng chục chuyến xe tải hạng nặng mỗi ngày uốn lượn, lên xuống dẫn đến một công trường có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai tạo ra niềm vui khiến chúng tôi như quên đi cái nắng đỉnh điểm của mùa khô nơi đây.

“Cứ bình tĩnh, sắp đến rồi!” - Anh bạn hét lớn, giọng lạc quan át cả tiếng động cơ. Tôi nhìn gương chiếu hậu, thấy nụ cười của anh ánh lên dưới nắng trưa. Đó là nụ cười của những con người đã quen đối mặt với khó khăn, của những người lính thợ mang trong mình tinh thần Trường Sơn bất diệt. Con đường này, dù gập ghềnh và bụi bặm, dường như cũng thấm đẫm tinh thần ấy - một con đường không chỉ dẫn đến công trường mà còn dẫn đến những giấc mơ lớn lao của đất nước.

Trước ngày đi công tác, biết tôi đi Đà Nẵng, anh bạn thân từ thời phổ thông gọi điện tới và bảo: “Vào Đà Nẵng thì nên đến cảng Liên Chiểu một chuyến vì nơi đây đang xây dựng một cảng biển rất lớn. Trong tương lai, nó sẽ là “kho báu” của Đà Nẵng”. Với tôi, khu vực phía nam chân đèo Hải Vân để vào thành phố Đà Nẵng rất lạ lẫm và được đánh dấu bằng những lần ngồi xe khách và tàu hỏa xuôi ngược ra Bắc vào Nam từ những năm trước. Nếu tôi nhớ không nhầm thì từ chân đèo nhìn xuống hết tầm mắt là màu xanh của cây cối, của mặt biển và có những bồn xăng dầu nhỏ. Sau khi phân tích một số thông tin mà tôi chưa bao giờ được nghe, anh bạn kề cà, cảng Liên Chiểu là một mảnh ghép quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 Việt Nam và thành phố Đà Nẵng. Nó không chỉ là nơi neo đậu của những con tàu, mà còn là bệ phóng cho logistics, du lịch, và công nghiệp chế biến, tạo động lực cho sự thịnh vượng của miền Trung và cả nước. Anh văn vẻ nói rằng, cảng Liên Chiểu là một lời khẳng định rằng, dù sóng gió có dữ dội đến đâu, người Việt Nam vẫn sẽ tìm cách vượt qua, như cách họ từng làm trên những con đường mòn Hồ Chí Minh, như cách họ đang làm giữa lòng biển khơi hôm nay.

Từ sự nhiệt tình của anh bạn, tôi lập tức gọi điện cho một nhà báo đã công tác lâu năm tại Đà Nẵng để xác nhận thông tin. Vốn có nhiều năm làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 5, anh nhà báo không chỉ xác nhận mà còn nhiệt tình kể cho tôi những thông tin hữu ích về lịch sử nơi đây. Theo lời anh, vào năm 1965, Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công 89 Quảng Đà đã lập được chiến công vang dội khi đốt cháy kho xăng dầu tại khu vực này. Kho này sau đó tiếp tục bị cán bộ, chiến sĩ đặc công của Đoàn 126 Hải quân đánh cháy một lần nữa vào năm 1969.

Dưới thời Mỹ - ngụy, Liên Chiểu là nơi địch bố trí một kho xăng dầu rất lớn. Quân đội Mỹ xây dựng kho kiên cố lớn nhất miền Trung, trang bị hệ thống bảo vệ dày đặc, bao gồm hàng rào thép gai bao quanh, chia thành vòng trong và vòng ngoài, cùng với hệ thống đèn pha sáng đến mức một con rắn bò qua cũng không lọt. Kho xăng được bảo vệ bởi một đại đội bảo an thường trực và hai đại đội tuần tra vòng ngoài. Chúng khẳng định đây là nơi “bất khả xâm phạm” và tuyên bố: “Chỉ khi nào núi Hải Vân sụp đổ lấp hết vịnh Đà Nẵng thì Việt cộng mới đánh được kho xăng Liên Chiểu”.

Thế nhưng, sang ngày 5/8/1965, nhân dân Đà Nẵng đã được mãn nhãn khi nhìn thấy kho Liên Chiểu bị thiêu cháy, biến thành một biển lửa sáng rực chân đèo Hải Vân. Xăng từ các bồn chảy tràn xuống biển, tạo thành những con rồng lửa lao thẳng ra cảng sâu, khiến 30 tàu địch hoảng loạn rú còi, bỏ chạy tán loạn. Quân ngụy lập tức điều xe tăng thiết giáp, xe cứu hỏa và cả trực thăng đến chữa cháy để cứu kho xăng, nhưng hoàn toàn vô hiệu. Chín bồn xăng chứa 20 triệu lít bị thiêu rụi, cùng với 9 toa tàu, 6 ô tô chuyên dụng chở xăng di động. Một đại đội bảo an của địch bị tiêu diệt gọn.

Nghe những người bạn thân thiết giới thiệu, tôi quyết định dành thời gian ít ỏi để đến thăm công trình đặc biệt quốc gia cảng Liên Chiểu, cho dù nó đang được thi công dang dở.

* * *

Sau gần 20 phút vật lộn với con đường công vụ, xóc lộn ruột, cuối cùng chúng tôi cũng dừng lại. Tôi bước xuống xe, đôi chân còn run run vì hành trình xóc nảy liên hồi. Trước mắt tôi là một công trình nổi bật giữa biển khơi, dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện: một dải bê tông dài hơn 500 mét, rộng 6,2 mét, vươn thẳng ra biển như cánh tay khổng lồ thách thức sóng gió. Phía sau lưng là vách núi Hải Vân sừng sững, với những tảng đá lớn được thiên nhiên xếp chồng lên nhau, nhẵn bóng qua năm tháng bởi gió và sóng. Xa xa, qua mặt nước xanh biếc lăn tăn, bóng dáng những tòa nhà cao tầng của Đà Nẵng hiện ra mờ nhòe trong ánh nắng vàng rực. Một bức tranh đô thị hòa quyện với thiên nhiên đầy ấn tượng.

Tôi đứng lặng, hít sâu hơi muối mặn mòi, cảm nhận nhịp đập của biển cả. Trước mắt là công trình đê và kè chắn sóng của cảng Liên Chiểu - một dự án giao thông cấp đặc biệt do Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) cùng một số doanh nghiệp trong liên danh nhà thầu thực hiện. Tôi cảm nhận đây không chỉ là một công trình kỹ thuật đơn thuần, mà còn mang một ý nghĩa lớn lao hơn nhiều. Đó là câu chuyện về  những con người đang viết tiếp huyền thoại Trường Sơn,  chinh phục đại dương bằng công nghệ “hoa anh đào” tiên tiến từ Nhật Bản.

Kỹ sư Đỗ Sơn Long, người đàn ông ngoài 40 với khuôn mặt sạm nắng và ánh mắt sắc bén, bước đến bên tôi. Anh mặc áo bảo hộ bạc màu, đôi giày lấm lem bùn đất, nhưng giọng nói trầm ấm toát lên sự tự hào:

- Đây không phải con đường bình thường đâu các anh.

Chỉ tay về dải bê tông vươn ra biển, Long nói nhanh át tiếng gió: “Nó mọc lên từ đáy biển, là lá chắn bảo vệ cảng Liên Chiểu và những con tàu neo đậu sau này”.

Long giải thích, đê và kè chắn sóng là “linh hồn” của cảng Liên Chiểu, một trong ba cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, có khả năng đón tàu trọng tải   100.000   DWT   hoặc   container - 000 TEU. Nếu không có nó, hoặc nếu nó không đủ vững chắc, mọi công trình bên trong cảng sẽ dễ dàng bị sóng biển nhấn chìm.

Những thông tin mà Long giới thiệu khiến tôi nhớ đến một bài báo đã được đọc gần đây. Trong bài viết đó, người đứng đầu bộ máy lãnh đạo của Đà Nẵng là Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã kỳ vọng, cảng Liên Chiểu không chỉ giảm tải cho cảng Tiên Sa mà còn là đòn bẩy kinh tế, đưa miền Trung vươn mình trong bản đồ hàng hải quốc tế. Với khả năng đón những con tàu trọng tải lớn, cảng sẽ là cánh cửa rộng mở, kết nối Việt Nam với những tuyến giao thương xuyên đại dương, từ Đông Á đến châu Âu, từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.

Kỹ sư Long dẫn tôi đi dọc mép đê. Vừa đi, Long vừa giải thích theo cách của nhà thi công, nếu căn cứ vào đường thì công trình lớn có thể chia thành hai phần. Phần một chính là con đường tôi đang di chuyển, được gọi là “con nhím lớn” vì nó được kè bằng khối cấu kiện Rakuna nặng 25 tấn, có khả năng chống và tiêu sóng thần cao tới 6m. Phần hai là con đường được gọi là “con nhím nhỏ” vì nó được kè bằng Rakuna nặng 12 tấn, có chiều dài hơn 100m và được bố trí gần vuông góc với đoạn cuối của “con nhím lớn”.

Nếu căn cứ vào cấu tạo công trình thì chia làm hai nội dung khác biệt là đê và kè chắn sóng. Đê chắn sóng được cấu tạo từ những khối bê tông đúc sẵn mác 300 có kích thước 1,5m x 1,6m x 2,5m và trọng lượng lên tới hơn 14 tấn ghép lại. Con đê này có độ cao đỉnh tới 3m và độ cao dưới mặt nước là 2m.

Phía bên ngoài của đê là kè chắn sóng. Các kỹ sư của Binh đoàn 12 xếp các cấu kiện bê tông đúc sẵn Rakuna nặng 25 tấn chồng lên nhau. Theo thiết kế, cao độ đỉnh khối phủ phá sóng là +7,0m; cao độ chân khối phủ là -5,7m. Nhìn cánh của khối Rakuna  vươn lên trời xanh, chúng tôi cũng liên hệ ngay với những mũi cọc mà ông cha ta đã kỳ công đóng xuống trên sông Bạch Đằng để chống giặc ngoại xâm trong lịch sử. Nhưng Long lại nói với tôi rằng người Nhật đặt tên cho nó là “hoa anh đào” vì tin rằng nếu lấy tên loài hoa gắn với văn hóa lịch sử, và trở thành biểu tượng của đất nước họ mà gắn cho tên một sản phẩm khoa học thì sẽ bền vững và mềm mại, dễ đi vào lòng người. Đó cũng là cách nhận diện và khuếch trương thương hiệu phát triển của họ.

Thông tin của Long khiến đầu óc của tôi như được khai mở thêm những giá trị hữu ích. Tôi quyết tâm  tìm hiểu về cấu kiện Rakuna một cách kỹ càng. Thế là, khi nghe ý định ấy Long không ngại ngần chia sẻ những thông tin cơ bản. Theo đó, các nhà khoa học của Nhật Bản đã thiết kế cấu kiện bê tông Rakuna gồm thân và bốn cánh hình trụ thon dài đều nhau, để khi xếp xuống biển sẽ giúp phân tán lực sóng đập vào từ nhiều hướng, giảm áp lực tập trung lên đê cần bảo vệ. Qua thử nghiệm thực tế thấy sản phẩm này có nhiều ưu điểm vượt trội so với khối bê tông vuông truyền thống. Theo Long, Rakuna không chỉ bền mà còn thân thiện với môi trường. Bề mặt cong của nó hạn chế xói lở đáy biển và tạo điều kiện cho sinh vật biển như tảo, san hô bám vào, hình thành hệ sinh thái nhỏ. Để thi công công trình này, chúng ta phải mua ván khuôn độc quyền của họ với chi phí có giá hàng chục tỷ đồng mà chưa kể chi phí vận chuyển và đào tạo kỹ thuật. Quy trình đúc Rakuna đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối, từ tỷ lệ trộn bê tông đến thời gian đông kết. Long nói với ánh mắt ánh lên niềm tự hào: “Mỗi khối Rakuna là một tác phẩm kỹ thuật, chứa đựng mồ hôi và trí tuệ của cả đội ngũ”. Hiện các cán bộ kỹ thuật và người lao động của Binh đoàn 12 đã đúc nó tại trạm trộn bê tông, sát nơi nhà chỉ huy công trường của Binh đoàn đặt dưới chân đèo Hải Vân phía bên phần đất của thành phố Đà Nẵng.

Trong cuộc trò chuyện với tôi, Long còn dẫn chứng, nhấn mạnh rằng, theo nghiên cứu của các chuyên gia Nhật Bản, so với các công nghệ kè truyền thống như đá hộc hay khối bê tông chữ U, Rakuna có hiệu quả tiêu sóng cao hơn từ 30 đến 40%. Điều này đặc biệt quan trọng tại vùng biển Đà Nẵng, nơi sóng mùa mưa có thể mạnh đến mức “đánh mòn cả đá núi”.

Trò chuyện với Long, tôi thấy anh là một kỹ sư tổ chức thi công tâm huyết, yêu nghề, và quan trọng hơn, là người rất có tầm nhìn. Anh nói rằng việc áp dụng công nghệ Rakuna tại cảng Liên Chiểu là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Các kỹ sư Nhật Bản đã đến Đà Nẵng để hướng dẫn quy trình đúc và lắp đặt, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ các dự án xây dựng cảng biển nổi tiếng như Yokohama hay Kobe cho cán bộ, kỹ sư của Binh đoàn 12. Long bộc bạch với giọng đầy khâm phục: “Họ rất tỉ mỉ trong sản xuất cấu kiện. Mỗi chi tiết nhỏ, từ việc căn chỉnh ván khuôn đến kiểm tra độ bền bê tông, đều được họ hướng dẫn kiểm soát nghiêm ngặt. Chúng tôi đã học được ở họ rất nhiều. Khi đặt những khối Rakuna xuống biển, tôi cảm thấy như đang gieo những hạt giống của tình hữu nghị”.

Nhìn Long nở nụ cười rạng rỡ dưới nắng và gió biển, tôi nghĩ rằng sự hợp tác này không chỉ mang lại công nghệ mà còn là cầu nối văn hóa. Ngay cái tên gọi “hoa anh đào” đã chứng minh điều đó. Nó không chỉ là một cách gọi kỹ thuật, mà còn gợi lên hình ảnh của sự tinh tế và bền bỉ - những giá trị mà cả dân tộc Việt Nam và Nhật Bản đều trân trọng.

Tôi bày tỏ thắc mắc với Long rằng, dù rất tin tưởng vào công nghệ “hoa anh đào” đến từ một quốc gia có nền khoa học tiên tiến, nhưng chẳng lẽ một công trình được xây dựng ở khu vực phức tạp như thế này lại không gặp phải khó khăn nào, hay những tình huống nằm ngoài dự kiến?

Kỹ sư Đỗ Sơn Long thoáng nghĩ rồi chậm rãi nói rằng điều đó là không thể tránh khỏi. Anh không ngần ngại chia sẻ với tôi đôi chút những đắng cay từng trải. Theo lời anh, từ tháng 10 đến tháng 2 hằng năm, vào mùa mưa, biển Đà Nẵng hóa thành một chiến trường hung dữ. Sóng cao ngất, cuốn theo gió lạnh từ đại dương, đánh vào bờ với sức mạnh đủ để xô ngã cả những tảng đá khổng lồ. Mắt nhìn ra biển mênh mông, giọng Long trầm xuống, vào mùa mưa, mùa của sóng, công trường gần như tê liệt, chỉ có thể bảo trì máy móc, chuẩn bị vật liệu và chờ đợi. Giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9 mới là “thời điểm vàng” để lính thợ chạy đua với tiến độ. Ở thời điểm này, toàn bộ kỹ sư, người lao động đang hướng tới mục tiêu hoàn thành giai đoạn A trước ngày 30/8/2025, như chỉ đạo của Chính phủ.

Long kể lại hai sự cố trong thi công. Đó là hai vết sẹo sâu hoắm khắc lên hành trình chinh phục đại dương của lính thợ Binh đoàn. Tháng 8 năm 2023, khi đê vừa hoàn thành 300m, một cơn bão bất ngờ ập đến, hung dữ như một con quái vật từ lòng biển. Dù đã sơ tán máy móc và sà lan sang cảng Thọ Quang, đội ngũ kỹ sư và người lao động chỉ biết bất lực nhìn sóng biển cuốn trôi đoạn đê dài gần 100m. Thiệt hại ước tính 22 tỷ đồng. Khó khăn đâu đã hết. Đầu năm 2025, một đợt sóng lớn bất ngờ trong đêm lại kéo đi gần 50m đang thi công dang dở, gây tổn thất gần 10 tỷ đồng.

Sau sự cố ấy, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản để gia cố móng, điều chỉnh phương án thi công, và tăng cường giám sát thời tiết. Họ cũng hoàn thiện hồ sơ bảo hiểm để được đền bù.

Đến lúc này, tôi mới thấu hiểu đôi chút khó khăn trong câu chuyện thi công cảng Liên Chiểu của lính thợ Binh đoàn Trường Sơn. Nhìn những khối Rakuna “hoa anh đào” đặt giữa biển khơi gợi tôi nhớ đến bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến, với những vần thơ như sóng vỗ vào lòng người: “Nếu Tổ quốc đang bão tố phong ba/ Chúng ta hóa thân thành những ngọn sóng/ Vẫn dào dạt vỗ vào bờ ngày đêm/ Để Tổ quốc mãi mãi là ngọn gió/ Thổi hồn thiêng vào những giấc mơ ngàn năm”.

Tôi đi theo Long đến cuối con đường, nơi công trường đang thi công sôi động. Dưới ánh nắng chói chang, tiếng cần cẩu, xe vận tải và sóng biển hòa lẫn thành một giai điệu bất tận. Một khối Rakuna 12 tấn được cần cẩu từ từ thả xuống. Các công nhân cẩn thận đỡ, điều chỉnh khối bê tông vào vị trí. Cách sau họ mấy bước chân, kỹ sư Nguyễn Văn Thiện đứng chỉ huy, giơ tay ra hiệu cho người lái cẩu cách đó 30m.

Hết việc, Thiện tâm sự: công việc này nhìn thì đơn giản, nhưng chỉ cần lệch một chút là hỏng hết. Anh giải thích, trước khi đặt khối Rakuna, các kỹ thuật viên trắc đạc phải dùng máy kinh vĩ để đánh dấu tim cốt thật chính xác. Khi đặt Rakuna xuống nước, công nhân đôi khi mất hàng chục phút để căn chỉnh cho thật đúng, trong khi sóng biển không ngừng xô đẩy. Người lái cẩu, ngồi trong cabin trên sà lan, căng mắt quan sát từng ký hiệu tay của anh Thiện: sang trái, sang phải, nâng lên, hạ xuống.

Thiện thổ lộ, làm ở đây, không chỉ cần sức mà còn cần cái tâm. Một lần đặt sai, cả đội phải làm lại từ đầu. Sự phối hợp ăn ý, tập trung cao độ giữa con người và máy móc, giữa kỹ sư và công nhân luôn là yếu tố quyết định. Công việc không cho phép thi công đêm vì nguy cơ dễ mất an toàn cao, khiến đội ngũ phải tận dụng tối đa thời gian ban ngày để đẩy tiến độ.

Ngồi nghỉ bên một khối Rakuna, nhìn ra biển, tôi nhớ về truyền thống của bộ đội Trường Sơn anh hùng. Trong kháng chiến, những người lính Trường Sơn đã “sống  bám  đường, hy sinh dũng cảm”, mở đường  Hồ Chí Minh giữa bom đạn. Họ thường xuyên đối mặt với “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh điện tử” và “chiến tranh hóa học” của kẻ thù. Họ vừa xây đường, vừa đánh giặc, tiêu diệt hàng vạn tên địch, bắn rơi hàng nghìn máy bay, lập nên những kỳ tích anh hùng. Tinh thần “máu có thể đổ, đường không thể tắc” đã trở thành biểu tượng bất diệt. Tôi chợt nhớ đến vần thơ của Tố Hữu: “Trường Sơn, Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”.

Tôi tưởng tượng, trong một ngày không xa, khi ánh bình minh rải vàng trên mặt nước, những con tàu khổng lồ sẽ lướt qua đê chắn sóng, mang theo hàng hóa, ý tưởng và cả những giấc mơ hội nhập. Những khối Rakuna, với hình dáng “hoa anh đào” kiêu hãnh, sẽ đứng đó như những chứng nhân thầm lặng, bảo vệ cảng trước sóng ngàn, kể câu chuyện về sự giao thoa giữa trí tuệ Việt Nam và tinh hoa Nhật Bản. Chúng không chỉ là bê tông, mà là những cánh hoa của hy vọng, nở rộ giữa lòng biển cả, nơi con người và thiên nhiên tìm thấy sự hòa hợp kỳ diệu.

Cảng Liên Chiểu sẽ mang trong mình tầm nhìn bền vững,  như  một lời hứa với đất trời và hậu thế. Công nghệ Rakuna, với thiết kế thân thiện môi trường, không chỉ bảo vệ đê mà còn mở ra không gian cho tảo biển, san hô và những sinh vật nhỏ bé của đại dương. Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, cùng các nhà khoa học, đã tỉ mỉ đánh giá tác động của việc lấn biển, đảm bảo rằng ngư trường của những làng chài ven biển không bị xâm hại, rằng sóng vẫn hát khúc ca dịu dàng cho những con thuyền ra khơi. Chính quyền Đà Nẵng, với tâm huyết của mình, đã biến dự án này thành một mô hình hợp tác, nơi các kỹ sư Nhật Bản mang kinh nghiệm từ những cảng biển huyền thoại như Yokohama, còn người Việt góp phần bằng ý chí kiên cường và lòng tự hào dân tộc.

Dưới chân đèo Hải Vân, nơi có những tảng đá nhẵn bóng kể chuyện thời gian, cảng Liên Chiểu như một bài thơ được viết bằng mồ hôi và ý chí. Nó gợi tôi nhớ đến những vần thơ của Chế Lan Viên: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền lướt sóng về tương lai”. Cảng Liên Chiểu, với những “hoa anh đào” bất khuất giữa sóng ngàn, chính là mũi thuyền ấy, chở theo giấc mơ của một dân tộc không ngừng tiến bước. Trong ánh hoàng hôn, khi biển cả nhuộm màu cam rực, tôi nghe đâu đây tiếng sóng hòa cùng tiếng lòng của những người lính thợ, vang vọng lời hứa rằng: Việt Nam sẽ không chỉ là một điểm dừng chân, mà là một ngọn hải đăng sáng rực trên bản đồ thế giới.

Trở về từ công trường trên con đường gập ghềnh, tôi mang theo những mảnh ký ức đong đầy cảm xúc: Khâm phục, tự hào, và cả chút xót xa. Dưới ánh hoàng hôn đỏ rực, biển Đà Nẵng lặng lẽ kể câu chuyện về những người lính thợ Trường Sơn, những kẻ dám đối mặt với sóng ngàn để gieo mầm giấc mơ. Con đường đất đá bụi mù ấy, tưởng chừng chỉ là lối đi tạm bợ, lại như một sợi dây nối liền quá khứ và tương lai, nơi tinh thần “máu có thể đổ, đường không thể tắc” vẫn cháy bỏng. Mỗi khối Rakuna, mỗi giọt mồ hôi rơi, là một nét chữ viết tiếp huyền thoại Trường Sơn, không trên đất liền mà giữa lòng đại dương mênh mông.

N.M.T