Hoàng Minh Nhân - Những trang đời để lại
Chân dung Nhà thơ Hoàng Minh Nhân
Hoàng Minh Nhân tên khai sinh là Hoàng Sơn, sau này anh đặt tên cho con trai là Hoàng Sơn Trà. Quê quán của anh ở Gò Nổi, Điện Bàn nhưng lại chào đời tận cao nguyên lâm phần. Đó là thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Năm ấy là năm 1942. Trước khi định danh trong làng văn, chàng sinh viên tốt nghiệp Đại học lâm nghiệp năm 1965 vào chiến trường năm 1971, sau khi học xong khóa 4 trường viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam rồi về làm việc tại Hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung Bộ. Năm 1972 anh đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản, tiếp tục cống hiến không mệt mỏi trên con đường văn chương. Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1975, anh làm việc tại Trại viết Quân khu V, nhịp cầu chữ nghĩa đưa anh về với Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng (Trích giới thiệu về Hoàng Minh Nhân của Tạp chí Đất Quảng số 41 (tháng 7,8 năm 1986), tr 8). Anh gắn bó nơi này cho đến ngày đi xa.
Quãng thời gian mấy mươi năm cùng với anh chị em cầm bút từ chiến trường về, từ quê nhà lớn lên, từ làng văn xóm bạn khắp nơi. Trong đó không thể không kể đến số nhiều cây bút Đà Nẵng, Quảng Nam làm nên nhiều trang văn chan chứa tình đời tình người. Và có lẽ cho đến bây giờ anh vẫn như còn đó trong lòng bạn bè văn chương độc giả với một bóng dáng Hoàng Minh Nhân cần cù, nhẫn nại, cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng Đất Quảng (Tạp chí Đất Quảng) mà thương nhớ nhất là những lúc bất kể mưa nắng, đường xa đường gần, anh khăn gói đi tìm, đi gặp cho được những tài năng, năng khiếu văn chương trong hang cùng ngõ hẻm ở Quảng Nam, Đà Nẵng để động viên, giúp đỡ họ viết lách, tập hợp tác phẩm. Nơi nào có điều kiện thì anh bàn với chính quyền địa phương mở lớp trang bị kiến thức văn học, nghệ thuật, kỹ năng hình thành tác phẩm. Chỗ bạn bè văn nghệ cùng thời, nhà thơ Phùng Tấn Đông đã lẩy sáu tám hai câu thật hóm hỉnh mà đầy nỗi niềm tặng Hoàng Minh Nhân: “Một đời phát hiện nhân tài/ Còn mình rậm rạp chẳng ai phát giùm”. Anh chị em văn nghệ, những bạn viết ở thị xã Tam Kỳ luôn ghi nhớ công sức của anh, khi anh đã cùng bạn bè văn nghệ (Phùng Tấn Đông, Nguyễn Tấn Sĩ…) là cộng tác viên của tạp chí Đất Quảng, là hội viên của Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng gầy dựng cho Tam Kỳ một tình yêu văn nghệ đáng quý. Đó là lớp bồi dưỡng viết văn ngắn ngày vào mùa hè năm 1992 với 30 anh chị em có năng khiếu văn chương và họ trở thành những nhà thơ, nhà văn bất đắc dĩ trong đó có tôi. Sau mấy ngày đi thực tế sáng tác ở Chu Lai, ở Biển Rạng, ở Tượng đài Chiến thắng Núi Thành, nhiều bài thơ, bài văn của anh chị em được Ban tổ chức tuyển chọn in thành tập thơ Hoa mùa Hạ, giáo sư Hoàng Châu Ký viết lời giới thiệu, Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng ấn hành ngay trong năm đó. Nhiều anh chị em tham dự lớp này trở thành hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhắc tới Tam Kỳ, nhà thơ Phùng Tấn Đông nói rằng, không có Hoàng Minh Nhân thì làm chi có Hoa mùa Hạ, ổng lo từ A đến Z!
Lo cho phong trào, nhưng anh không quên phận mình, Hoàng Minh Nhân cũng vượt cạn để có nhiều tác phẩm ra đời. Đứa con đầu lòng của anh là tập truyện Miền đất ấy (in chung, Nxb Tác phẩm mới, 1978). Không hẹn mà gặp, lúc này Tạp chí Đất Quảng cũng phát hành số đầu tiên (số 01/1978), số liền sau đó (số 02/1978), anh góp mặt với truyện ngắn "Em Gái Tôi" viết ở Trại sáng tác Quân khu V năm 1977, truyện này được tuyển chọn lần nữa in vào Đất Quảng số đặc biệt (21+ 22/ tháng 5.1983), chào mừng Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ II. Nhớ về người em gái của mình là nhớ về một thời lửa đạn và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Hoàng Minh Nhân viết: “Đối với các con, má tôi đều yêu quý như nhau. Má tôi chưa từng la mắng đứa nào nặng lời. Nhưng chúng tôi biết má tôi cưng em Thanh hơn cả. Và chúng tôi lấy làm sung sướng về điều đó. Em Thanh giống má tôi từ dáng đi, tiếng cười, giọng nói. Giống cả cái tính ham làm không hở tay. Làm không cần ai biết ai hay. Nhắc đến em Thanh, má tôi nhớ lại một chiều mùa đông có mưa, có bom tọa độ, có pháo cầm canh, có cả những loạt pháo bầy bất thần chuyển làn làm trồi sụt đất đai Gò Nổi. Nhắc tới em Thanh là nhắc tới cái đêm má tôi ba lần nằm úp lên trên xác con để che mảnh pháo phạt gần… Đó là chiều hai bốn, đêm hai lăm - đêm Nô-en - năm 1967, ngày và đêm đầu tiên má tôi mất con trong cuộc chiến đấu chống Mỹ. Chuyện đau lòng ấy, má tôi cố vùi sâu vào tâm khảm.”. Rồi anh thốt lên cuối truyện: “Tôi nghĩ về đứa em gái của tôi. Mười hai tuổi, nó mới mười hai, nó mới mười hai…”. Quả thật, khi đọc đến cuối truyện, tôi nghe như là nỗi đau của mình. Thương quá tuổi mười hai.
Nói về bác sĩ thú y Nguyễn Phước Tương, Hoàng Minh Nhân ví von bằng một bài ký với tên gọi “Từng bước nhỏ” in trên Đất Quảng số 19 (tháng 11/1982). Anh cho biết quê mẹ của bác sĩ Nguyễn Phước Tương ở bên dòng Vu Gia hiền hòa với những bãi dâu, nong kén, nà bắp nhưng lại sinh ra ở Tam Kỳ. Trong khi đó, Hội An lại là nơi cất giữ bao kỷ niệm tuổi thơ và là nơi người anh trai của bác sĩ thú y Nguyễn Phước Tương hy sinh vì Tổ quốc. Hoàng Minh Nhân viết: “Sau mấy chục năm tập kết, xa cách quê hương, lớn lên trên đất Bắc, mỗi người khi trở về cũng đều mang theo ít nhiều nhiệt tình và tài trí nhằm xây dựng lại mảnh đất chôn nhau cắt rún mười phần giàu đẹp hơn.”.Còn đây là "Những mặt trời trong rừng" của Hoàng Minh Nhân, anh thể hiện bút pháp truyện ký, in trên Đất Quảng số 28 (tháng 3-6/1984). Đó là câu chuyện lớn nói về quân và dân ở biên giới Việt - Lào, đoạn đi qua Quảng Nam, gắn bó thủy chung, bảo vệ biên giới quốc gia. Truyện có đoạn: “Cách mạng đã đưa rừng về biển. Người Thượng không còn là Mọi. Nghe các anh bày vẽ, tôi nghĩ ngợi nhiều, và tôi đã đứng lên, trước một mặt trời mới mọc ngày hôm sau, một mặt trời chung cho cả Kinh - Thượng…”. Bút ký "Người của con đường" in trên Đất Quảng số 41 (tháng 7 - 8/1986), là câu chuyện về Priu Prăm, người dân tộc Cơtu, nguyên chủ tịch huyện Hiên, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 7. Người đã len lõi trong rừng sâu núi thẳm để mở đường cho dân làng mình trong những năm tháng gian khó, đất nước quê hương chưa giàu có như hôm nay. Hoàng Minh Nhân đã đúng khi anh bảo rằng: “Ai đã từng cùng những người từ biên giới Việt - Lào, bảy tám ngày đi bộ về tận Trao để đổi gạo, mật ong, lâm thổ sản quý để lấy muối, rìu, rựa, rồi quày quả ngược con đường cũ trở về quê hương mịt mù vời vợi ấy, phải qua nhiều đoạn chưa thành đường, nhiều đoạn phải bò trên những mỏm đá bằng cả chân tay, mới hiểu hết tấm lòng của chủ tịch Priu Prăm năm mươi lăm tuổi ấy.”. Đường lên Trao, qua Dốc Kiền, còn đó hình bóng của giám đốc Nguyễn Văn Soong, chỉ huy trưởng công trường đã cùng anh chị em công nhân làm đường với dụng cụ thô sơ rèn dũa từ những thanh sắt tận dụng cầu gãy thời Pháp trên đường 14. Hoàng Minh Nhân đã tặng cho họ danh hiệu Dũng sĩ làm đường. “Tôi viết những dòng này, muốn bạn đọc hình dung nơi ở, nơi làm việc của người giám đốc cầu đường trẻ, đã mười ba năm xa quê Thanh Liêm, Hà Nam Ninh của anh, sống chết với những con đường Quảng Nam từ những ngày còn đánh Mỹ đến giờ.”. Hoàng Minh Nhân thấu hiểu nỗi lòng của người khác như rứa đó!. "Những người về làng cũ" là phần 5 trong tập Người tên đá tên cây của Hoàng Minh Nhân. Đoạn mở đầu anh viết khá tự nhiên, tính cách nhân vật - ông Arớt, thú vị ngay từ con chữ hóm hỉnh của người miền núi: “Mười lăm người sắp thành hàng dài như đội quân danh dự trước dân làng Xê Đê, từ đứa bé còn địu trên lưng đến người già ngồi thở. Ánh nắng mai trong rừng loon boon thật tinh khiết, làm rạng sáng thêm mái tóc sớm bạc của ông Arớt. Ông nói: - Mình sắp vào hang cọp. Cọp thấy người, cọp sợ. Sợ quá hóa liều. Nó xông càn vào mình. Trúng, thì mình chết. Né kịp, mình đánh đuổi nó đi. Mình về làng đuổi cọp cho con cháu mình về, dân làng mình về… Người đi săn cọp, dẫu có chết, người sau sẽ nhớ. Không phải nhớ người đó chết, mà nhớ người đó không sợ cọp…”.
Lật lại hằng trăm trang đời của Hoàng Minh Nhân trên hằng trăm số Đất Quảng, tôi còn bắt gặp có lần Hoàng Minh Nhân đã cùng với nhà thơ Đông Trình, “Hỏi chuyện Nhà văn, Nhà Biên khảo lịch sử, văn hóa.. Nguyễn Văn Xuân”. Hôm ấy là ngày 08/02/1991, Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Lễ mừng thọ 5 Nhà. Nhà soạn Tuồng Tống Phước Phổ (90 tuổi); Giáo sư Hoàng Châu Ký và Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (70 tuổi); Nhà thơ Lưu Trùng Dương và Nhà văn Phan Tứ (60 tuổi). Cuối buổi trò chuyện này, nhà văn Nguyễn Văn Xuân hóm hỉnh với Hoàng Minh Nhân rằng: “Riêng về phần mình, ở tuổi 70, còn phải đi xe đạp và chạy gạo cho cả nhà, kể cũng dễ sụm xương sống, nhưng cũng cố viết vài cuốn sách, chưa biết bao giờ xong. Chưa dám nói. Trong đó có cuốn Nữ quái, tiểu thuyết, tôi đang sắp hoàn thành…”. Nội dung cuộc trò chuyện này in trên Đất Quảng số 68 (tháng 5-6/1991).
Những trang đời của Hoàng Minh Nhân để lại cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong văn xuôi chúng ta trân quý tấm lòng và trách nhiệm của anh khi anh lặn lội trên khắp cung đường miền ngược miền xuôi để giữ lại cho hôm nay hình ảnh cao đẹp của những con người cao đẹp và làng quê xinh đẹp, hồi sinh, tái sinh bên hố bom, mương đạn. Còn trong thơ Hoàng Minh Nhân, chúng ta càng không thể nào quên một HOÀNG MINH NHÂN - THƠ như Hầm Chữ A: Nhớ ngày sinh con, Mỹ càn Gò Nổi/ Bom dội sạt hầm, gió lùa hơi cay/ Hoàng hôn ngăn ngắt, tím bầm mây bay/ Hầm kèo lung lay, dầm dề mưa xối - Bập bềnh nổi trôi ván kê con nằm/ Thâu đêm mẹ thức ôm con trước ngực/ Lắng nghe bộ đội chuyển quân rì rầm/ Lắng nghe tim con đập trong căn hầm. Bài thơ ngắn nhưng nghe sao dằng dặc một nỗi đời một nỗi tình trong chiến tranh, một mất một còn. Căn hầm ấy lưu giữ trân trọng trên Đất Quảng số 25 (tháng 11/ 1983). Chỗ bạn văn với nhau, lúc chén thù chén tạc, nhà thơ Phùng Tấn Đông, người có tài lẫy thơ tặng bạn bè, đã tặng cho Hoàng Minh Nhân 2 câu 6 - 8 về cái hầm chữ A như thế này: “Nhốt thơ dưới hầm chữ A/ Đến khi bạc tóc chưa ra khỏi hầm”. Nghe xong, Hoàng Minh Nhân và chúng tôi ôm bụng lăn ra cười. Cười vì nó quá hay, rất là Hoàng Minh Nhân. Về người mẹ, Hoàng Minh Nhân có nhiều bài thơ đọc xong khó quên. “Ba mươi năm nhà thơ về thăm mẹ/ Chiều mưa vây lạnh buốt đường xa/ Anh cõng mẹ qua cầu treo gió thổi/ Hạnh phúc một đời đã mấy ai hơn!”. Vì anh là người lính nên đời lính luôn được chạm khắc trong thơ anh. Đó là "Mùa xuân của lính" (Đất Quảng 32 số Tết 1985): “Và anh lại ra đi/ Về miền quê biên giới/ Đồng đội anh mong đợi/ Con chúng ta ra đời.”; "Trước nấm mồ còn sót lại ở Trường Sơn" (Đất Quảng, số 47, tháng 7-8/ 1987): “Tạm biệt nấm mồ hoang/ Trường Sơn bừng thức dậy/ Mây trắng bay ngang trời/ Ngàn năm sau còn thấy.”; như "Khúc Hát Tây Nguyên" (Đất Quảng, số 23 tháng 6/1983):“Đêm Tây Nguyên qua mau/ Đất Tây Nguyên trẻ mãi/ Bao thành phố tương lai/ Mọc trên vai người lính”; như "Lời người lính", Hoàng Minh Nhân viết xong ngày 6/7/1988 ở Phom Pênh - Campuchia, in trên Đất Quảng số 59 tháng 9/1989, đoạn kết bài thơ, Hoàng Minh Nhân viết: “Mẹ Tổ quốc! Xin người hãy tin/ Chúng con không buông súng bao giờ/ Thề bảo vệ Ăngco rạng rỡ/ Bayon cười - đất nước TỰ DO!.
Trên Đất Quảng số 90 tháng 6/1994, Nguyễn Quý, một người yêu thơ ở Điện Bàn có một bài cảm nhận thơ Hoàng Minh Nhân, khi đọc 2 tập thơ Trái cốc và Khi Yêu Chẳng Có Lời Thề của Hoàng Minh Nhân, với đầu đề Thơ tình yêu - Thơ người mẹ trong thơ Hoàng Minh Nhân. Thật đáng quý khi những trang đời của Hoàng Minh Nhân để lại, nói hộ cho rất nhiều người. Về bài thơ "Trái cốc", Nguyễn Quý đồng cảm: Khi yêu nhà thơ cũng ích kỷ: “Làm sao có được mươi đồng bạc/ Đãi bé chiều nay trái cốc xanh/ Đưa tay anh hái trời xanh vậy/ Trái cốc lòng anh mãi để dành.”. Nói về tình yêu, Hoàng Minh Nhân để lại nhiều trang tình sử, có thể là của anh, có thể là của người khác, vẫn mãi long lanh như bài thơ nhỏ nhắn cùng tên in trên Đất Quảng số 48 tháng 9-10/1987: “Anh hái tặng em/ Bông hoa bí ẩn giữa hai dòng thơ/ Hương thủy chung của vợ/ Sắc bồn chồn lòng anh - Mặt trời bé đọng trên ngọn cỏ/ Long lanh hồn anh/ Long lanh ngọn gió/ Ngàn năm sau hương thủy chung còn đó/ Sắc bồn chồn/ Tình yêu em/ Long lanh…” ; và chẳng hạn như mấy câu thơ về đàn cò, khiến ta phải nhăn mày, bóp trán: “Đàn cò/ Đàn cò bay/ Lấp khoảng trống của bầu trời trống rỗng/ Đàn cò bay/ Bay/ Bay cả lúc không có đàn cò.” (Bài thơ "Đàn cò bay", in trên Đất Quảng số 61 - Xuân Canh Ngọ, 1990); nét thơ tình trong bài thơ "Bất chợt vầng trăng sáng nay" của Hoàng Minh Nhân sau đây, không thể lãng mạn hơn: “Ước gì lại đến hôn em nhè nhẹ/ Lên môi buồn tuyệt đẹp sáng nay/ Để được sống trọn một ngày thắc thỏm/ Như lần đầu tình ái chạm bàn tay.”. (Bài thơ in trên Đất Quảng số 67, Xuân Tân Mùi, 1991)… Trong mọi lúc, chúng ta đều phải nhẫn nhục, kể cả tình yêu. Đó là ý thơ của Hoàng Minh Nhân khi nói về mọi khía cạnh. Bởi chính cuộc đời anh đã từng nhẫn như vậy. Tỉ dụ như bài thơ "Khi thói quen nhẫn nhục bắt đầu", in trên Đất Quảng số 50, Xuân Mậu Thìn, 1988: “Thành phố bỗng dưng mất điện/ Sao trên trời sáng hơn/ Thành phố bỗng dưng mất điện/ Chó sủa ran như điên - Thành phố mất điện/ Tôi mất điện/ Anh mất điện/ Chúng ta mất điện.. - Thành phố thường mất điện/ Thói quen phẫn nộ mất dần/ Và bắt đầu nhẫn nhục thói quen.”
Trong lúc đọc tìm tư liệu để viết về Hoàng Minh Nhân những dòng này, thật thú vị khi gặp lại cậu bé Hoàng Sơn Trà, con trai của Hoàng Minh Nhân, qua các trang thơ thiếu nhi, in trên nhiều số của Tạp chí Đất Quảng, thậm chí những số đầu tiên cùng với cha mình cách đây mấy mươi năm. Lúc ấy, Hoàng Sơn Trà mới có 6 tuổi rồi 8 tuổi. Nghe nói đâu bây giờ cậu bé này đã là lãnh đạo của quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, quê mẹ của tôi. Một lần ra Cảng Tiên Sa tham quan, Hoàng Sơn Trà viết bài thơ
"Tiên Sa", in trên Đất Quảng số 34 tháng 5-6/1985: “Em ra Cảng Tiên Sa/ Gió biển sóng đập vào/ Những con tàu sơn trắng/ Bay ra ngoài biển khơi”; Đi chơi Non Nước thì có bài "Chiều Non Nước", in Đất Quảng số 46 tháng 5-6/1987: “Rừng dương non chìm trong cát trắng/ Bình yên xanh biển hát rì rào/ Gió cùng dương hòa lời với biển/ Sóng vỗ về cát nắng xôn xao/ Chiều trên cao gió đuổi mây về núi/ Trời bao la nước cũng bao la/ Từ lầu cao em nhìn ra biển/ Thuyền dềnh lên dập xuống giữa khơi xa”. Bài "Chiếc diều" in trên Đất Quảng số 58 tháng 5 - 6/ 1988: “Em có sợi dây dài/ Thả chiếc diều lên cao/ Giữa khoảng xanh đầy gió/ Diều bay cao bay cao/ Đuôi như vệt khói trắng/ Chao lượn giữa trời xanh/ Rồi diều từ từ hạ cánh/ Lại nằm vạ một mình/ Bởi gió ngừng vi vu”.
Xin tạm thời gấp lại những trang đời của Nhà văn Hoàng Minh Nhân ở đây. Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những trang đời để lại. Đó là hạnh phúc. Hạnh phúc của người cầm bút, sống chết với văn chương. Chúng ta sẽ còn gặp lại anh - một người bạn đáng yêu - anh Hoàng Minh Nhân - Nhà văn Hoàng Minh Nhân!
H.T.P