Truyện ngắn
Xécgây Vôrônhin xuất hiện lần đầu tiên trên văn đàn Liên Xô với truyện ngắn Vinh quang vô ích (1957). Đến nay số đầu sách của ông đã lên đến vài chục, trong đó có một số tác phẩm chính: Giữa cuộc đời (truyện vừa và truyện ngắn-1961), Hai cuộc sống (tiểu thuyết-1966), Chuyện làng chuyện xóm( truyện vừa và truyện ngắn-1974), Nhà bố mẹ (truyện vừa và truyện ngắn-1974). Đọc tác phẩm của ông buộc ta phải nhìn lại những gì xung quanh mình, thấy được cái lớn trong cái nhỏ, thấy được những người xung quanh ta gần gũi và tốt đẹp hơn. Truyện ngắn Ai mua thơ tôi là một trong những truyện như vậy.
Ngoài cửa sổ trời giá lạnh. Trên mặt kính, một lớp tuyết ướt bám dính. Từng cơn gió giật nốt những chiếc lá cuối cùng còn sót lại trên những cành cây đen sẫm. Trời nhập nhòa tối. Vào những khi thời tiết như thế này thường không ai cho chó ra khỏi nhà. Lé ra Ivan Xensốp cũng chẳng cho con Trezoca ra ngoài sân làm gì, nếu như có cái gì đó cho nó ăn. Song chẳng thể được, cứ sáng sáng ông lại thả nó ra cầu thang, mong nó nhặt nhạnh được chút thức ăn thừa của hàng xóm tốt bụng vất cho. Thế nhưng lấy đâu ra mãi thứ đó, con Trezoca đành lang thang quanh hố rác để kiếm ăn. Thời gian đầu, ông còn giữ nó ở lại với mình, chả gì nó cũng sưởi ấm cảnh cô đơn của ông. Rồi dần dần ông phải thả nó đi, đổi lấy sự thanh thản trong lòng. Mỗi lần thấy đôi mắt đói khát của nó nhìn ông đau đáu, lòng ông trĩu nặng. Ông vô vọng và đau đớn, tay run lên, nắm chặt thành nắm đắm, dứ dọa nó qua cửa sổ.
Những ngày gần đây, Ivan Xensốp thiếu đói. Tiền không có. Còn phải sống ba năm nữa mới được hưu. Hay đi làm? Ông chẳng biết làm gì ngoài sáng tác thơ ca. Có một lần ông đến quỹ văn học để đề đạt, người ta đã cấp cho ông một khoản trợ cấp vừa đủ sống một tháng. Và thế là tất cả lại trống rổng. Có thứ vật dụng nào đáng giá ông bán dần, ăn hết. Không trông mong vào sự giúp đỡ của bạn bè và người quen được, còn đi vay nợ để ăn, không hẹn ngày trả thì ông không dám. “ Có lẽ cần phải làm một cái gì đó…Cần phải nghĩ ra một cái gì đó…” - Ông bước đến gần giá sách. Đã lâu rồi trên giá sách này có đủ các ấn phẩm đẹp của các nhà văn cổ điển, đương đại. Thế mà bây giờ chẳng còn gì nữa, ngoài những tập thơ của ông. Bỗng một ý nghĩ lóe lên: sao mình không đem bán nốt chúng nhỉ? Đã có một thời sách của ông bán rất chạy ở các hiệu sách. Trong các cuộc gặp gỡ, sinh hoạt thơ ca, bạn đọc đã kéo nhau đến gặp ông. Ông đã rất hào phóng viết cho họ những lời đề tặng. Vậy thì sao bây giờ lại không đem bán sách? Bán sách được sẽ có tiền mua bánh mỳ, sữa và tất nhiên cả đường và chè nữa. Tất cả những điều đó hiện lên rõ ràng đến nổi ông cảm thấy dạ dày mình đang trống rổng, thèm muốn.
Ngoài trời tuyết rơi không làm ông nản lòng. Ông chọn ra được hai cuốn sách nhỏ của mình và hướng tới hiệu sách gần nhất.
Ông đã thất vọng cay đắng. Người chủ hiệu sách cũ không còn làm việc nữa. Chủ mới, một thanh niên, liếc qua chồng sách mỏng của ông, lạnh lùng nói:
-Không được đâu. Ông phải biết rằng ngày nay người ta cần loại sách hoàn toàn khác.
Anh ta khoát tay chỉ vào tủ kính. Ivan Xensốp nhìn quanh, mắt ông hoa lên bởi muôn hình màu sắc lòe loẹt trên các bìa sách. Trên bìa sách gần nhất ông thấy một phụ nữ trần truồng bên cạnh người đàn ông cầm con dao trên tay. Các cuốn khác cũng có bìa na ná như vậy.
“Làm thế nào đây?”- Bước ra phố, ông nhủ thầm. Trong đầu ông thoáng một ý nghĩ: “Sao mình không đi bán trao tay? Có lẽ phải bắt đầu ngay”. Thế là ông bước nhanh về phía ga tàu điện ngầm. Ga trung chuyển nên lúc nào cũng đông người. Thế nào chẳng có người mua. Vừa bước vào ga, ông đã nghe thấy ngay tiếng vĩ cầm rầu rĩ. Người chơi đàn là một ông già, dưới chân để một chiếc mũ phớt.
“Không, lạy trời tôi chưa đến nổi như thế”- Ông nghĩ và đứng cạnh người nhạc sĩ. Ông rút tập sách chìa ra trước những người qua lại. Vừa chìa ra ông vội rụt tay lại ngay. Ông xấu hổ. Chưa lâu lắm ông vốn là một nhà thơ khá nổi tiếng trong thành phố, thế mà giờ phải đứng đây để rao bán thơ của mình. Đây là tập thơ cuối cùng của ông. Người ta nhận xét nó như một thành công lớn của thi ca. Ông đứng đây như một người hành khách! Ôi, trời ơi…
Ông lặng đi một chút, rồi vẫn chìa tay ra. Trong dòng người bất tận này, tất nhiên sẽ có người đọc nó, sẽ có người yêu thơ ca.
“Nhưng làm sao người ta biết đây là thơ?”- Ivan Xensốp nghĩ vậy.Với giọng giật cục, ông rao: “Ai mua thơ tôi!” Nhưng có thể vì rao quá nhỏ, hay người qua lại chẳng thèm đoái hoài tới ông, nên chẳng thấy ai hỏi gì. Thế là ông bèn rao to hơn: “Nào, ai mua thơ của tôi!”. Ông phấn khích vì đã nhấn mạnh vào chữ “của tôi” sau chữ thơ. Thơ thì thiếu gì nhưng đây lại là thơ của chính tác giả bằng xương bằng thịt đang đứng trước bạn.
- Nào, hãy mua thơ tôi! Lần này tiếng rao trước dòng người đã mạnh dạn hơn.
Nhưng dòng người như dòng sông bất tận, vẫn cứ trôi qua. Nếu có ai đó vô tình nhìn về phía ông, thì cái nhìn lạnh nhạt đến nỗi có cảm giác dường như không có Ivan Xensốp đứng đó.
- Ai mua thơ tôi! Ivan Xensốp rao to, giọng phấn khích.
Dòng người mới cứ tiếp tục đi qua và ông cứ phải lặp lại không ngừng lời rao hàng ấy. Và bây giờ, ông cảm thấy thế nào cũng có người quan tâm đến thơ ông. Họ sẽ mua. Nhưng, trời ơi, giá bán thế nào? Ông hoàn toàn chưa nghĩ đến giá trị cuốn sách. Ngoài bìa sách ghi giá: Mười hai côpếc. Nhưng giá đó không phù hợp với bây giờ. Không- Không phải…ta phải nhớ lại xem giá trị một ổ bánh mì hồi đó bao nhiêu nhỉ? Phải, phải rồi, một ổ bánh mì giá cũng là mười hai côpếc, còn bây giờ là bốn rúp. Đúng, đúng rồi nếu ta bán một cuốn sách, thì có thể mua một ổ bánh mì. Cả một ổ bánh mì. Tươi nguyên. Thậm chí còn nóng. Và nếu bán tất cả thì có thể mua cả sữa, cả đường, cả chè.
- Ai mua thơ tôi!
Chẳng có ma nào chú ý đến tiếng rao của ông. Ivan Xensốp thấy cần phải rao khẩn thiết hơn, mạnh mẽ hơn, gần như gào lên. Và quả là có hiệu nghiệm vì trong “dòng sông” đó, một người tay cầm ô, đầu đội mũ lưỡi trai bằng da tò mò nhìn rồi hỏi:
- Thật thơ của ông à?
- Vâng, thơ tôi.
- Thế ra ông là thi sĩ?
- Vâng.
- Hay nhỉ…
- Tôi đã có mười tập thơ được xuất bản…
- Thế à?... Hay nhỉ… Ivan Xensốp… Không, không nghe thấy bao giờ.
Anh ta bắt đầu từ từ lật từng trang sách. Dừng lại ở một chỗ, anh ta hỏi:
- Sao ông lại tự đem bán?
- Trước kia vẫn bán ở cửa hàng sách. Bây giờ mọi việc đã đổi khác, đảo ngược.
- Vâng, vâng, thay đổi nhiều lắm.
Suốt thời gian nói chuyện, Ivan Xensốp căng thẳng thần kinh nhưng ông vẫn cố mỉm cười, làm ra vẻ thoải mái. Lạy trời, mong sao cho người này không thấy được cái nghèo khó của ông. Nhưng ông đâu có làm được điều đó.
Người cầm ô lật đến trang cuối của quyển sách, nhìn mặt sau tờ bìa.
- Mười hai cô pếc. Rẻ thế?
- Không, không, đây là giá thời trước. Bây giờ là bốn rúp.
- Bốn rúp?- Đôi môi mỏng của người cầm ô khép lại. Xoay xoay quyển sách một vòng, anh ta lặng lẽ trả lại cho Ivan Xensốp rồi hòa mình vào dòng người.
“ Khủng khiếp quá”. Ông bối rối. Ông kinh hoàng và nhìn vào mặt những người đi qua. Tất cả họ, trông đều như nhau cả. Ông thấy hãi hùng.
Dòng người vẫn chảy qua bất tận.
XÉCGÂY VÔRÔNHIN (Nga)