Vít nhành lau trắng

06.02.2009

Vít nhành lau trắng

Chiều hôm ấy, với lỉnh kỉnh máy móc trên vai, chúng tôi leo lên chiếc xe của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, làm một cuộc “đăng sơn” ngoạn mục lên đỉnh Sơn Trà. Vẻ ồn ã của đô thành lùi xa phía sau lưng, còn lại trước mặt là sự háo hức của mọi người, bởi chiều xuống dần và ai cũng mong ước được lên tới đỉnh núi khi còn chút nắng để có thể ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời trên đó.
 

Ở độ cao hơn 600 mét

Con đường lên núi lắm lúc ngoằn ngoèo hình chữ chi. Thỉnh thoảng, một vài chú sóc, chú chồn phóng vút qua trên mặt đường, tiếng động cơ thời hiện đại đã phá vỡ sự bình yên hoang dã của các chú. Chúng tôi giết thời gian bằng những câu chuyện về Sơn Trà, xưa nay đủ cả. Nghe nói Sơn Trà có trên 100 loài động vật với hàng chục loài quí hiếm, trong đó có loài voọc chà và đã được ghi vào “sách đỏ” Việt Nam. Hèn chi, các nhà nghiên cứu nước ngoài gọi cái nơi mà một thời chỉ cần bước tới bìa rừng là đã nhìn thấy khỉ này là Monkey Mountain-  đảo Khỉ. Tài liệu nghiên cứu cũng cho thấy nơi đây có gần 300 loài thực vật, thuộc 217 chi, 90 họ; 64 loại gỗ lớn, 107 cây thuốc quí và rất nhiều giống lan rừng.

Bán đảo Sơn Trà có độ cao 696m so với mực nước biển, nhưng chúng tôi chỉ lên đến mức hơn 600m, nơi đặt Trạm Ra-đa 29-E290 canh giữ biển trời. Trạm ra-đa này do quân đội Mỹ xây dựng từ những năm 60 thế kỷ trước, được thiết kế thành hai quả cầu lớn rất độc đáo. Trời quang, từ xa hàng chục cây số vẫn có thể nhìn thấy chúng như hai cái nấm trắng trên nền trời xanh. Hai quả cầu như hai con mắt, một canh trời, một canh biển, nên trạm ra-đa này từng được mệnh danh là “Mắt thần Đông Dương”.

Xuống xe, chúng tôi vội vã bắt tay chào hỏi các cán bộ, chiến sĩ ở Trạm rồi nhanh chóng tản ra, chỉ vừa kịp bấm mấy pô ảnh thì sương mù đã ập tới. Quả không ngoa, khi các chiến sĩ ở độ cao hơn 600m này đã thi vị hóa nơi mình đóng quân là “chót vót trên đỉnh núi bốn mùa mây trắng”. Sương giăng mờ mịt. Đứng cách vài mét đã thấy hình ảnh nhòe đi, mịt mù như kỹ xảo trong các cuốn phim. Lồng lộng gió trên đỉnh núi, mát đến tê người. Đối với các “cư dân” ở đây, chuyện “đi mây về gió” của trời đất diễn ra như cơm bữa. Có khi mới vừa nắng lóa phút trước, phút sau đã thấy mây vần vũ kéo về.

Chiều chiều mây phủ Sơn Trà. Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm. Đứng trên đỉnh Sơn Trà, nhẩm lại câu ca xưa, chợt nhớ đến một “tai nạn nghề nghiệp” của một phóng viên “nhà đài” nọ khi ghi lại phát âm của các cụ người Quảng. Lần đó, một nhóm phóng viên VTV từ Hà Nội vào làm một phóng sự về bán đảo Sơn Trà. Khi phỏng vấn một cụ cao niên, có lẽ do không nắm rõ cách phát âm của người Quảng nên phóng viên đã ghi lại và sau đó cho chạy trên truyền hình câu Chiều chiều mây phủ Sơn Trà. Lòng ta thương bạn nước mắt già lộn cơm. Rất tiếc, từ “và” rất đắt, cực kỳ đắt, đã bị chép sai thành “già”, vô hình trung làm hẫng đi ý nghĩa của câu ca thấm đẫm tự tình dân gian.
 

Ba núi chụm lại

“Bốn mùa mây trắng” là một cách nói, thực ra cũng có những ngày nắng đẹp trên đỉnh Sơn Trà, để những chiến sĩ xa nhà có thể dõi tầm mắt khắp đất liền, khắp biển khơi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất trời cho vơi nỗi nhớ quê hương bản quán. Khi ấy, nơi đằng Đông, màu xanh của biển và trời hòa nhau không phân định trong một đường chân trời xa hút mắt. Ở phía ngược lại, những mảng màu tối sáng chan hòa trong nắng với những tòa cao ốc làm thành điểm nhấn cho toàn cảnh bức tranh đô thị. Ai lên Sơn Trà lần đầu cũng đều không khỏi ngỡ ngàng khi Đà Nẵng hiện ra trong tầm mắt, thanh xuân, tươi mát như cô gái đang độ xuân thì.

Thoáng chốc, sương tan, mây tạnh. Mặt trời mùa đông lại hiện ra, lưng chừng phía trời tây, trên rặng núi mờ xa. Thoai thoải phía đồi dưới chân chúng tôi, những ngọn lau trắng ửng sáng, thỉnh thoảng lại rạp mình vì ngọn gió khơi ùa về. Chúng tôi rủ nhau từng tốp một leo lên trên chòi quan sát, lần lượt nhìn ngắm đất trời qua ống kính viễn vọng theo sự hướng dẫn của anh bộ đội trẻ.

Nghe nói tiền thân của bán đảo Sơn Trà là một hòn đảo có ba ngọn núi nhô cao ra biển. Hòn Nghê ở phía Đông Nam, trông như hình con nghê chồm mình ra biển. Mỏ Diều ở phía Tây, hình dạng như cái mỏ con diều hâu. Cổ Ngựa ở phía Bắc, như cái cổ ngựa vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển. Qua quá trình bồi tích hàng trăm triệu năm, những con nước lớn, nước ròng đã hình thành một bãi cát trắng chạy dài từ đất liền ra đảo và biến đảo thành bán đảo như ngày nay. Có lẽ do đặc điểm tự nhiên đó mà vùng ba núi chụm lại thành bán đảo này đã trở thành nơi lưu giữ một quần thể động - thực vật đặc trưng cho sự giao lưu giữa khí hậu miền Nam và miền Bắc, được bảo tồn khá nguyên vẹn trên diện tích 4.370 héc ta.

Giờ đây, dù đứng ở một điểm cao thích hợp cũng thật khó mường tượng ra những hình thể đã làm nên tên gọi của các ngọn núi - nghê, mỏ diều, cổ ngựa-nhưng có thể nhận ra một điều rằng, bán đảo phía Đông Nam này đã cùng với hệ thống núi non của núi Hải Vân phía Tây Bắc vây thành một vũng biển hình cánh cung tuyệt đẹp. Những tên gọi như vũng Sơn Trà, vũng Tiên Sa, vũng Thùng, vũng Hàn, vũng Đà Nẵng... đã mang vẻ đẹp được thiên nhiên hào phóng ban tặng đi vào văn chương bình dân lẫn nghiên cứu bác học. 

 
Thành Ông Quýnh

Từ trên cao Sơn Trà nhìn xuống, ngọn núi Mỏ Diều trông bé nhỏ như một vạt cỏ trong vườn và những con tàu neo bên cảng Tiên Sa gần đó thì như đồ chơi trẻ con bằng nhựa. Nhìn ngọn sóng trắng xóa vỗ vào bờ, bất giác nhớ một đoạn trong bài “Văn tế Nghĩa sĩ”. Nước sông Hàn hai ba phen cuồn cuộn, tàu Tây Dương bắn phá lũy An Đồn. Mây Sơn Trà năm bảy lớp ùn ùn, súng Nghĩa sĩ vang rền thành Điện Hải… 150 năm trước, súng đã rền vang trên sông nước Đà Nẵng. Nghĩa sĩ vì nước quên thân được quy tập vào hai Nghĩa trủng Hòa Vang và Phước Ninh, còn kẻ xâm lăng thì bỏ lại nắm xương tàn trên “Đồi Hài Cốt”, còn gọi là khu nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha, dưới chân núi Mỏ Diều.

Trước ngày kỷ niệm 150 năm trận đầu người Đà Nẵng chống Pháp, tôi đã có lần cùng một “già làng” - ông Thái Văn Phễu, người Mân Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà - quay lại nơi đó. Là người cùng họ tộc với Chí sĩ Thái Phiên, ông Phễu từng tham gia tự vệ chiến đấu đi cướp chính quyền hồi tháng 8-1945, là cơ sở cốt cán trong kháng chiến chống Pháp, rồi thoát ly tham gia Biệt động thành Khu Đông, mấy lần vào tù ra tội. Ông còn lạ gì với vùng đất bán đảo này, phần do ông trực tiếp tìm hiểu để đánh địch, phần do chuyện kể từ các thế hệ trước ông.

Ông nghe nói, khi quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng vào Đà Nẵng, quân dân ta đã xây dựng nhiều phòng tuyến chống giặc ở bán đảo như thành Ông Quýnh trên núi Sơn Trà, đồn Nhì ở mom Bốn (nay là Hải đội Vùng 3 Hải quân), đồn Ba tại vườn Xoài (trước Xưởng X50 - Cục Kỹ thuật Hải quân hiện nay)... Ông Phễu không hiểu vì sao gọi là “thành Ông Quýnh”, chỉ nghe kể rằng đây là một đài hỏa hiệu, luôn túc trực một đội quân sẵn sàng đốt lửa báo hiệu cho quan quân các nơi, nhất là bên kia sông Hàn, biết tình hình quân địch. Lúc còn sức, ông có lên thăm lại thành xưa, nó nằm trên đường lên Trạm phát sóng Sơn Trà của Đài Phát thanh - truyền hình Đà Nẵng, cách đường Yết Kiêu dẫn ra cảng Tiên Sa khoảng 2km đường chim bay.

Một thế kỷ rưỡi đã đi qua nơi đầu sóng ngọn gió này. Đứng trên cao Sơn Trà nghe gió thoảng, cảm nhận tiếng sóng nghìn xưa còn xô vào bờ ký ức thời gian mãi đến nghìn sau.

 
Tặng vật của biển trời

Giữa bóng chiều đang tan dần, tôi có ý đi tìm bãi cát trải dài dưới chân một ngọn núi nhoài mình ra biển trong hệ thống núi Hải Vân. Tôi đã mấy lần vượt biển bằng thuyền máy từ Hòa Hiệp Bắc ra thăm thôn Hòa Vân, còn gọi là làng Vân, ở cái nơi có tên là Bãi Sứng này. Ấn tượng nhất, có lẽ là lần ra đó cùng với Đội chiếu bóng lưu động huyện Hòa Vang. Đêm ấy, sau khi kết thúc buổi chiếu phim phục vụ bà con trong làng, chúng tôi theo chân trưởng thôn Trần Hữu Đức kéo nhau về nhà một anh ngư dân bên bãi biển. Cô gái con anh ấy vồn vã chào khách rồi cầm chiếc đèn pin huơ mấy vòng ra phía biển. Một lát, một chiếc thúng chai cập bờ, anh ngư dân mang vào một rổ hải sản tươi rói. Dưới ánh đèn pin, một con cá nhói mình to bằng nắm tay cuộn mình bên những chú tôm, chú mực, các loại cá bé xíu khác.

Đêm đó, gió khuya từng đợt mang hơi lạnh biển khơi vào bờ. Chúng tôi quây quần bên nhau, vừa thưởng thức nồi cháo cá nóng hổi ngon tuyệt của chủ nhà, vừa chuyện phiếm trên trời, dưới biển. Lần đó, tôi mới biết thế nào là hương vị tươi rói của “cá nhói xanh xương”. Đúng như tên gọi, xương nó có màu xanh nhạt và thịt nó thì thơm ngọt đến... phát thèm, ăn qua một lần là nhớ mãi. Hèn chi, như lời trưởng thôn, du khách từ đất liền ra không quên thuê thuyền của ngư dân để tự mình làm một chuyến câu cá, câu mực, khám phá cái hùng vĩ giữa một bên núi, một bên biển và thưởng thức ngay giữa lồng lộng biển trời những quà tặng của thiên nhiên.

Đêm lên dần. Từ trên cao Sơn Trà, tôi dõi mắt về phía xa xa, cố hình dung ra ngọn lửa bập bùng trong căn nhà nhỏ của anh ngư dân hôm nào bên Bãi Sứng. Giờ này, hẳn anh đã cùng chiếc thúng chai chòng chành cuộc mưu sinh trên biển đêm, còn tôi thì mải nghĩ đến một ngày gần nhất tìm lại hương vị cá nhói xanh xương đêm ấy.

Nắng hồng đỉnh núi

Sao trời chấp chới phía Tây, nơi không bị những áng mây là đà che khuất. Gió đêm lành lạnh, cái lạnh se người ở độ cao một bề đất ba bề biển này không phải ai cũng cảm nhận được. Trong thoáng chốc, khi những đám mây trĩu nặng hơi nước khiến ta rùng mình bị gió kéo phăng ra phía biển, sao trời hiện ra gần đến nỗi đưa tay ra là có thể với tới được. Đây không phải là Ngũ Hành Sơn, không có những hang động lưu dấu ấn con người từ nghìn xưa để lại. Và ta cũng chẳng phải là Phạm Hầu, nhưng sao vẫn cứ xao lòng đi tìm một vần thơ như họ Phạm thuở trước: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận. Chẳng biết xa lòng có những ai?

Thoảng trong tiếng gió có tiếng ghi-ta nhặt khoan từng hợp âm vọng tới. Rời khúc lan can bên sườn núi với cái đưa tay vẫy ngoài vô tận, vẫy đến tận căn-nhà-có-cháo-cá-nhói xa xa, tôi lần theo câu hát “đời mình là một khúc quân hành” quay vào với mọi người. Cán bộ, chiến sĩ cùng quây quần với anh em trong đoàn chúng tôi, mời nhau một chút rượu và trao nhau đôi chuyện tâm tình cho ấm lòng giữa đêm đông trên “đỉnh ngàn năm mây bay”. Lính trên độ cao hơn 600m này quanh năm sống chung với sương mù; quần áo, chăn màn lúc nào cũng ẩm ướt. Thiếu thốn, nhưng không ai muốn nhắc đến điều đó, bởi nói như các anh, “bộ đội thì quản gì khó khăn”. Bữa cơm tối hôm ấy thắm đượm tình quân dân, đó là kết quả của những công trình tăng gia, sản xuất tại chỗ của anh em chiến sĩ để cải thiện đời sống.

Mặc cho gió rít từng cơn ngoài trời, đã thấy ấm lòng khi tiếng hát, lời thơ rộn rã. Những gương mặt lính trẻ hồng lên trong khúc quân hành. Phần lớn các bạn đến từ các tỉnh xa, đón Sơn Trà, đón Đà Nẵng vào lòng bằng tình cảm của người lính canh trời, canh biển cộng với niềm đam mê khám phá của người đi du lịch. Còn nhớ, có lần lang thang trên Internet, đã đọc được mấy dòng tâm sự của một bạn tên là Dương Phượng Toai (ở Cẩm La, Yên Hưng, Quảng Ninh) sau khi được xem tiết mục du lịch “Bán đảo Sơn Trà” phát trên chương trình Sức Sống Mới hồi cuối tháng 6-2008: “Đà Nẵng đẹp hơn nhiều qua ống kính người du lịch. Những hình ảnh như thế này rất quý đối với những người chưa có dịp đến Đà Nẵng. Tôi muốn sẽ có một dịp nào đó trở lại với Đà Nẵng thân yêu với bao kỷ niệm khó quên”.

Ngày đông, mùa biển động đang cạn dần. Tết, mùa xuân, đối với những người lính  khách du lịch trên độ cao hơn 600m núi Sơn Trà, là mùa của nắng ửng hồng trên đỉnh núi. Sóng nhấp nhô dưới chân núi và hoa lau thì thào điệp khúc muôn đời của núi cao và gió biển. Tết, những nồi bánh chưng, bánh tét đỏ rực suốt đêm, bập bùng nỗi nhớ nhà trong lòng lính trẻ.

Chia tay Sơn Trà, mang về phố tiếng đàn, giọng hát và nụ cười của người lính trẻ. Mang về chút khói sương và nhành lau trắng trong câu thơ của nhà thơ  nhà báo quân đội Lê Anh Dũng: Sơn Trà mù mịt khói sương. Ai hay người lính lần đường tuần tra. Quê nhà ải Bắc mờ xa. Vít nhành lau trắng mây là đà bay…

 
Đà Nẵng, tháng 12-2008
 
VĂN THÀNH LÊ