Những tiếng kêu hoan lạc
Để cho mới mẻ, ông Khiên sớt thức ăn thừa của mình sang cái đĩa ngay dưới đáy tô. Một ít thịt mầu nâu nâu ông nhá ra từ khúc xương nom cũng bắt mắt khi lẫn lộn với mấy cọng bánh phở trắng vòng vèo. Đoạn ông lôi con Miêu từ túi áo bành tô ra. "Meo... meo... meo...! ", con mèo bây giờ mới kêu lúc đã trụ bốn cái chân lên mặt bàn. Nó nhìn vào đĩa thức ăn, rồi nhìn ông bằng cặp mắt của hai viên bi ve mới rửa. "Meo... meo..."
- Ăn đi ! - Ông Khiên khẽ nói và ấn cái đầu "liễu yếu đào tơ" của con Miêu vào đĩa thức ăn.
Đoạn ông nhón cây tăm, chọt hú hoạ vào hàm răng "ba bảy hăm mốt" mấy cái rồi bâng quơ nhìn ra đường. Quán cơm bụi tầm này trở lên là bắt đầu đông khách. Trưa và chiều nào cũng vậy, với cách nhàn tản, rảnh rỗi của một người nghỉ hưu, ông đều ra quán cơm bụi này ăn trước khi cái đám sinh viên, học sinh, xích lô ba gác ào đến.
Với đồng lương hưu bốn trăm hai mỗi tháng, quán cơm bụi này lặt của ông ngày hai bữa mười nghìn, vị chi là ba trăm. Còn lại trăm hai, ông chi tiêu lặt vặt khoản điện nước và phòng ngừa bệnh đau là vừa đủ. Ông không hút thuốc, rượu thì thi thoảng mới tợp vài ly. Cho nên kể từ ngày li dị vợ đến giờ, ông Khiên nói chung chẳng gặp khó khăn gì trong cuộc sống cả. Sau khi vợ chồng ông ra tòa, căn hộ chia đôi. Trước sân ngăn tường gạch, còn trong tạm thời thưng bằng ván ép, mỗi người một nửa. Nước ai nấy xài, điện ai nấy thắp. Tất cả đều đo đếm phân minh bằng đồng hồ. Duy có cái khó nhỏ mà thành lớn đối với ông: Đó là con mèo cái nhỏ, nó lại chẳng chịu ở với bà ấy ! Đêm nào con Miêu cũng cọ cọ cái má mềm mướt lông tơ vào cổ ông như nương tìm một chút hơi ấm, rồi vô tư ngủ. Cùng giống tính, tại sao nó không... tìm hơi ấm ở cái thân thể lúc nào cũng hừng hực như có lửa của bà, mà cứ nhè vào cái xác già còm cõi nơi ông là một điều không sao giải thích nổi! Con mèo kém giá trị đến độ tòa quên đi sự phân chia, nhưng nó lại là một sinh vật hẳn hoi với đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố... Cái sinh vật ấy lại thành lớn chuyện đối với ông bởi phải lo cho nó cái ăn, dù rằng ăn theo kiểu "thực như miêu" ! Mấy tháng đầu sau những bữa cơm bụi, ông Khiên thường nhón một ít thức ăn thừa cho vào bao ny-lông, đem về cho con Miêu. Tuy chẳng là mấy song dần dà, những khách ăn thường nhìn ông Khiên bằng cặp mắt khi tò mò, lúc lại ang áng một chút khinh khi. Hơi sức đâu đi giải thích, phân bua mỗi lần gặp những ánh mắt như thế ! Cuối cùng mỗi khi đi cơm bụi, ông Khiên bắt con Miêu cho vào túi áo bành tô, cài cúc lại là yên chuyện.
Vậy mà sự "yên chuyện" này chẳng kéo dài được bao lâu! Trên đời ngẫm cái gì đã trái khoáy chẳng chóng thì chầy cũng hoặc là bị đào thải, hoặc không được sự đồng tình của những người liên quan. Sau nhiều lần con Miêu của ông Khiên ngang nhiên làm sự "nhứt khoái" trên chiếc bàn ăn dành cho khách, dẫu đấy là quán... cơm bụi, bà chủ đã ôn tồn nói với ông: "Bác ạ, dù gì nó cũng là súc vật. Vẫn biết bác quý yêu, song để nó ngang nhiên... thế, khách họ nghĩ là quán cháu có sự chung đụng ăn uống không... nghiêm! Mong bác thông cảm cho. "
Rồi... thêm một lần con Miêu suýt "bỏ chủ chạy lấy người" khi đụng độ với con chó ghẻ thuộc loại lang thang đường phố, ngay dưới mũi chân ông ở gầm bàn nữa, là ông Khiên cho nó ở nhà hẳn, không mang theo ra quán cơm...
*
Gần sáu mươi tuổi ông Khiên xin về hưu dưới dạng mất sức. Thoạt đầu với cương vị giám đốc thất sủng từ trên, bị chèn ép, ông chán nên giả vờ bệnh tật, hầu thoát khỏi chiến trường vốn thường xuyên đấu đá để tranh quyền, đoạt chức ở ngành ông. Ông giả mà cứ y như thật. Thật đến nỗi khi cầm được quyết định về hưu trong tay là ông gần như... "sụm bà chè " luôn! Thân thể của ông khi tưởng ỡm ờ, lúc lại nghe chừng như mất sức thật sự. Vợ trước ông đã ly dị. Vợ sau mới gặp vào hồi phất nhất trong những năm làm giám đốc. Và mãi cũng chẳng con cái gì. Những tưởng rồi hai vợ chồng hạnh phúc với căn nhà rộng rãi khang trang, chẳng vướng bận con cái, rồi ra có thể an vui với khoản tiền hưu và lương tháng ba cọc ba đồng của vợ. Nhưng rồi... không phải vậy! Sự đời đúng là khó ai học được chữ ngờ. Mới có hơn năm ông rời cái việc "sáng vác ô đi, tối cắp về" mà nó đã trở thành thế giới khác. Cái thế giới tưởng như ông chưa từng tham dự đến, chứ đừng nói là đã có thời từng làm giám đốc. Những chứng khoán, cổ phần, ma-két-ting, giây chuyền công nghệ... ông đã từng nghe biết, nhưng bây giờ hình như nó lại xuất hiện dưới dạng khác, tân tiến hơn, mờ ảo hơn và cũng xa rời với hiểu biết của ông Khiên hơn. Mà đại diện rõ ràng, gần gũi cho thế giới ấy là bà Kiều, vợ ông. Bà Kiều năm nay bốn mươi tuổi. Với một người nhan sắc như bà, ngưỡng ấy thuộc diện trẻ chưa qua, già chưa tới. Ở cái tuổi lương ương này, cùng một lúc người ta có thể giao thoa với cả hai đầu già, trẻ một cách từng trải và giầu kinh nghiệm. Với đối tượng già, sẽ bị hấp dẫn bởi tính bồng bột, trẻ trung chưa qua hết của bà; và với trẻ, là sự từng trải, nồng nàn của một thứ trái cấm ngon vừa chớm hồi chín tới... Là vậy, song với ông Khiên thì... trật lất hết, dẫu rằng ông chỉ còn có mỗi "đầu" già. Ông không "trúng khớp" được với vợ mình bởi thoạt đầu ở chức quyền giám đốc, về nhà quen tính gia trưởng, ông Khiên đã đánh mất chuyện vợ chồng luôn phải là "tương kính như tân". Kịp khi về mất sức thì lúc nào ông cũng áo ấm to đùng, lưng lạnh vai so và mùi dầu gió bay quanh người chẳng mấy khi nghe ngớt.
Cho đến tận bây giờ, vợ chồng li dị đã gần hơn năm, một cách sâu xa ông cũng chẳng hiểu vì duyên cớ gì ! Tất cả nguyên nhân chỉ lờ mờ,vớ vẩn. Nhưng tất cả làm nổi lên một điều là hai người không thể tiếp tục sống chung với nhau được nữa !
Tất cả đều chia đôi. Và ông Khiên đều bằng lòng tất, kể cả chuyện con Miêu tòa phán quyết chưa minh. Sự chưa minh ấy bây giờ lại là niềm an ủi của ông. Hằng đêm nửa gian bên này, thỉnh thoảng những tiếng "meo... meo.." con Miêu cất lên cũng làm ông đỡ phần cô đơn. Ông khe khẽ trò chuyện mày-tao-mi-tớ với nó như người. "Sáng giờ mày đi đâu ?". "Meo... meo...". "Chờ đó , tao đi kiếm cái gì về ăn đã!". "Meo... meo...". "Mày thấy cửa sổ sau đóng chưa, hả Miêu ?". "Meo... meo...". Với nó, hầu như không có sự phản kháng, bội bạc hay nếu có thì cũng nhẹ nhàng, dễ chịu chứ không như chung đụng với con người...
Và bây giờ, lịch sự kiểu tiếp thị của bà chủ quán cơm bụi đã làm khó khăn cho ông Khiên trong việc lo cái ăn cho con Miêu. Ai cũng phải ăn cả mới sống, dù ăn ít như con Miêu thì cũng không vì thế mà thiếu được. Để con mèo có cái ăn, giờ chẳng lẽ lại chợ búa, mua nấu lỉnh kỉnh, việc mà hầu như cả đời ông chưa hề làm bao giờ. Ăn uống cho con mèo- chuyện tưởng giản đơn nhưng trong hoàn cảnh của ông Khiên thật không dễ dàng chút nào! Trong muôn vàn cái khó của đời người, mưu sinh bao giờ cũng là cái đeo bám khó chịu nhất.
"Meo... meo... meo...! ", con Miêu lại kêu lên đòi ăn ở nhà sau. Ông Khiên mở tủ lấy năm nghìn phần ăn trưa, bỏ túi và đi xuống. Giữa tranh tối tranh sáng, Miêu đang chụm chân ngồi, nghiêng hai con ngươi thẳng đứng trong đôi mắt bi ve của mình lên tấm cạc tông. Đấy là bức vách chia đôi giữa ông với bà Kiều dọc ra sau, kể lừ khi có phán quyết của tòa. Bây giờ ông mới biết mùi xào nấu bên kia đang bay sang sực nức. Hoá ra bà ấy đã về và đang làm cơm. Tiếng lích kích chén muỗng vọng sang theo ánh sáng le lói tít trần nhà. Ông Khiên quơ tay ngồi xuống chiếc ghế, con Miêu đã nhảy tót vào lòng, cọ cạ lớp lông mềm ấm như nhung vào người ông. Mùi thơm của thức ăn xào nấu như bay thẳng vào bụng ông và con mèo. Bên kia lại lích kích, tiếng nghe gần lắm, chỉ cách chừng tấm cạc tông!. Đúng rồi, ông nhớ ra, sau lúc ngăn nhà mấy tháng, khi bà Kiều kêu ông qua mở về cặp dây điện, chỗ ấy thấy có để cái gác-măng-rê lưới. Cái lưng gác-măng-rê bên đó nằm ngay đúng tầm nhìn con Miêu. Vậy là, ông đã có cách lo cho cái ăn của con mèo rồi...
Bắt đầu từ chỗ nối của hai tấm ván ép, với chiếc cưa tay nhỏ, mất đúng một buổi là ông Khiên đã trổ được một lỗ tam giác sang... ngay chóc vào lưng cái gác-măng-rê bên kia. Cái lỗ chỉ vừa đủ lọt bàn tay, và lưới liếc, gỗ ván khi cần là lại liền trang như... chẳng có gì xảy ra ! "Meo... meo... meo... ! ", trong bóng tối lờ mờ, cặp mắt sáng xanh con Miêu không bỏ qua một thao tác nhỏ nào của ông Khiên. Giám sát đúng theo kiểu làm là cho nó. Và cũng thật là chỉ cho nó mà thôi! Từ nay ông Khiên có thể ung dung cơm bụi mà chẳng phải bọc theo con Miêu, hay lo lắng gì về ăn uống cho nó nữa. Đến bữa Miêu, ông chỉ cần gỡ miếng ván ép kéo tấm lưới lên, thò tay nhón một ít thức ăn gì đấy trong gác-măng-rê bà Kiều rồi đậy điệm lại như cũ, là xong! "Đường đi lối lại" trong đó ông đã rọi đèn pin xem kỹ nên thuộc làu, chẳng cần phải mò mẫm chi lâu. Và cũng vì vậy, bữa ăn của con Miêu phải thụt lại một tí vào buổi trưa, chờ cho bà Kiều đi làm; và sớm hơn một chút vào buổi chiều trước khi bà ấy về. Tất nhiên nếu chủ nhật hoặc ngày nghỉ, phải chịu khó... "trinh sát" trước một chút.
Cuộc đời nói cho cùng chỉ là sự tiếp nối của những bất ngờ. Cũng như ông Khiên hồi mới cưới bà Kiều, nhìn hai chữ K lồng quấn vào nhau ai nghĩ là tới giờ ông với bà xé ra mỗi người một vách ? Nào ai biết trước được rằng đường đường một giám đốc như ông, giờ phải luôn sống như là kẻ trộm? Và bây giờ với ông Khiên, oái oăm thay đây là sự bất ngờ được báo trước. Báo trước nhưng vẫn cứ bất ngờ.
Ấy là một trưa, khi ông Khiên nghe tiếng dập cửa, rồi tiếng xe máy-bà Kiều mua sau ngày li dị, vù đi. "Meo... meo... meo...! ", chờ cho yên ắng một chút, với con Miêu quấn quít dưới chân, ông Khiên xuống nhà sau. Ông khẽ khàng gỡ tấm ván và bóp cong miếng lưới lên. Bên đó đèn còn sáng! Bà ấy đi quên tắt đèn hay tiếng xe máy vọng vào đôi tai nghễnh ngãng ông là của nhà bên kia? Ông Khiên chưa kịp đóng lại tấm lưới thì bà Kiều đi xuống. Ông bỗng "mất máu” khi nhận ra cặp đùi trần trắng ngần của bà dưới hai ống quần ngắn rộng -loại phụ nữ hay mặc ở nhà-lao chao diễu qua cái gác-măng-rê. Trời ạ ! Dán mắt vào lỗ gỗ, ông nhớ là suốt những năm chung sống với mình, bà ấy dường như chẳng bao giờ ăn mặc mát mẻ đến vậy! Chắc chắn thế nên trông cặp đùi lạ lẫm hẳn đi. Mắc khuất lớp ván gác-măng-rê, thành ra ông chỉ thấy được bà từ dưới ngực trở xuống. Cũng đã lâu lắm rồi ông chưa nhìn mặt bà. Gương mặt xinh đẹp của bà thì ông chẳng lạ. Có điều với cách ăn mặc quá mát mẻ, nếu không muốn nói là khiêu khích này, chắc chắn gương mặt của bà phải khác đi . Còn khác đi ra sao thì... ông chịu, không thể hình dung được. Tuy không thể tưởng tượng được rõ nét, nhưng chắc chắn là với cách ăn vận ấy gương mặt của bà trông phải hơi đi đĩ một chút! Ông Khiên thầm mong bà Kiều ngồi xuống làm một cái gì đó để ông thấy mặt và kiểm nghiệm lại ước đoán của mình. Giữa hai ống quần lao chao, cặp đùi trắng mịn của bà lại di chuyển cách "dễ ghét" lên nhà trên. "Meo... meo... meo..!", ông Khiên đâm chột dạ. Vô lẽ bà biết sau gác-măng-rê này có cái lỗ nên giả vờ khiêu khích thế? Ông vội thu cặp mắt mình lại cho kín đáo hơn và chờ đợi. Chắc chắn bà sẽ xuống. Trong lúc chờ đợi, ông Khiên chợt khám phá ra xéo phía trong kia là buồng tắm với những xô, thau xanh đỏ. Mặt mũi ông chợt nóng bừng! Cái ăn của con Miêu không khéo sẽ biến ông thành kẻ "tình ngay, lý gian" ! Bỗng lại có tiếng dép lê nhẹ, dẫn phía dưới thân hình bà Kiều xuống. Cặp đùi khi lưỡng lự lúc loay hoay, hết qua lại về trước gác-măng-rê, rồi cuối cùng vào... phòng tắm. Và không lâu sau, bà thong thả trút bỏ áo quần! Vừa nhác thấy thế, ông lập cập đóng ngay miếng ván...
Thật là đồ quỷ sứ! Ông Khiên thở toàn hơi lên.
Rõ ràng việc tắm táp vậy là thường, nhất là với bà Kiều, nhưng sao thấy cứ dơ dáng thế không biết! Gì mà... kinh khủng! Ngày xưa bà ấy cũng thường tắm, ông nhớ lại có khi nào vậy đâu. Thậm chí cứ tắm giữa chừng, bà thường hay kêu ông mang vào giùm hết thứ này đến thứ nọ, mà thấy cũng... bình thường. Bình thường, nhàm chán đến độ làm ông Khiên "vô tư” trước các nhu cầu cơ bản từ phía vợ mình và thường lúc ngủ quên luôn thằng người tự nhiên của tạo hóa trong ông. Còn bây giờ... ông bình tĩnh lại và trấn an mình. Lạ gì bà ấy mà..., chuyện xoàng!. "Meo... meo... meo...", hoá ra cái việc chính nhất mà nãy giờ ông quên béng. Ông Khiên lại sẽ sàng gỡ miếng gỗ ra và... dán mắt vào. "Meo... meo... meo...", cứ mỗi lần con Miêu gại mình vào chân ông kêu ăn, ông lại khẽ hất ra...
Bây giờ thì ông Khiên đã đóng chặt, đóng vĩnh viễn tấm gỗ tam giác sau lưng cái gác-măng-rê! Ấy vậy mà, sau lúc bà Kiều kêu nhờ người đàn ông nào bên ấy mang giùm khăn tắm vào, tiếng rên như mèo gừ của bà vẫn còn len qua kẽ hở của miếng ván nghe buốt tận tim ông. Buốt tận cái miền từ lâu ông đã xem là cổ tích! Tiếng rên ấy thậm chí còn gừ gào ngay cả khi bà Kiều chẳng có bên nhà. Xưa kia ngọc ở tay ta, vụng toan một nước ngọc qua tay người! Đúng ra là ông Khiên vụng toan rất nhiều nước chứ không phải một. Vụng toan bởi lẽ chưa khi nào ông ý thức được rằng mình có... ngọc cả. Chẳng biết vuốt ve, nhìn ngắm thì có giữ nó cũng phí hoài mà thôi!.
Thứ đáng giữ thì không, thứ không đáng thì giữ, nghĩ vậy nên sau hôm đó ông Khiên bỏ ngõ luôn cửa sổ sau cho con Miêu. Con mèo cũng đã tới thì cần bạn tình và ông cũng không muốn nhấm nháp hơn nữa những nuối tiếc về sự vội vàng của số phận mình, qua việc lo cái ăn cho nó. Cũng như bà Kiều, hãy để cho con Miêu vui vẻ cách tự nhiên với bản năng của mình.
*
Sau tháng trời mạnh ai lo nấy, một tối say khướt về, xuống nhà sau, ông Khiên thấy hai đốm mắt xanh lè chiếu thẳng vào ông. "Miêu... Miêu của ông đấy hở? Lại đây với ông nào... !". Thấy ông tới gần, con mèo nhảy một thoắt lên thành cửa sổ. Đúng là con Miêu của ông, nhưng sao giờ trông nó ra mã và ánh mắt lại hoang dại thế kia! "Miêu, sao... con có đói không? Đến đây với ông nào!”. Ông Khiên vừa nói vừa đưa tay ra và lại gần con Miêu. Thoắt cái nhảy, nó biến liền ra màn đêm. Phần đuôi quất qua để lại cho ông như cái khoát tay tạm biệt.
Tự dưng ông Khiên buồn vô cùng. Nỗi buồn hệt như hôm nào nghe người đàn ông vào buồng tắm với bà Kiều.
"Gừ... háo gáo... áo gáo...!". Đêm nay nửa khuya, ông Khiên bỗng thức giấc vì tiếng mèo kêu rên lảnh lót trên mái nhà. Chắc con Miêu đang yêu gào với bạn tình của nó. Dù sao chọn nơi gặp gỡ trên mái nhà này là nó cũng còn nhớ đến ông. Chừng này chẳng biết là mấy giờ. Bên phía bà Kiều, đèn ngủ loang một màu đỏ khé qua đầu tường ván. Dường như bà vẫn thức vì có tiếng lịch cà lịch kịch. Ông Khiên định dậy tìm rượu làm vài ly cho dễ ngủ lại, nhưng sợ bật đèn bà Kiều biết mình còn thức, nên thôi. Bà ấy lo lắng cho cái tết chưa ngủ hay lại như ông, cũng bị đánh thức bởi những tiếng gào tình dữ dội của con Miêu? Còn những tiếng lịch cà lịch kịch ? Chợt thấy mình tự nhiên quan tâm quá nhiều đến "bên kia" - quan tâm như những ngày đầu mới gặp "đằng ấy"- ông Khiên bỗng nằm vật ra giường...
"Gừ... áo gáo...! "...Trên mái nhà theo gió bấc tháng Chạp, từng hồi từng chập những tiếng kêu rên hoan lạc của con Miêu như sự nuối tiếc miết mãi vào màn đêm./.
LÊ NGUYÊN NGỮ